THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 October 2011

Phát triển đô thị đi trước, ngập lụt theo sau

SGTT.VN - Mấy ngày qua, cuộc sống hàng triệu người dân TP.HCM bị xáo trộn, buôn bán phải tạm ngưng vì triều cường. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy cảnh tất bật chạy đua với con nước thuỷ triều…

Cảnh ngập lụt tại các con hẻm quanh trục đường Lương Định Của, quận 2.
Đến sáng 30.10, dù đỉnh triều cường được dự báo đã giảm nhiều so với những ngày đỉnh điểm trước đó nhưng mức đo thực chất tại đỉnh triều An Phú là 1,57m, lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay. Đỉnh triều quá cao khiến khắp nơi bị ngập nặng, hàng chục tuyến đường, hàng ngàn ngôi nhà bị nước triều tấn công.

Trong biển nước ngập mênh mông, tràn các con hẻm, góc nhà dân… chúng tôi trở lại khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM – nơi vừa hứng chịu hậu quả của vụ vỡ bờ bao đêm 29.10. Ông Bảy, một người dân sống ở đây đã 30 năm, thẫn thờ nhìn căn nhà của mình bị ngập đến nửa mét và hàng trăm chậu mai kiểng sắp đến mùa trổ bông bị ngập lút đọt. Ông cho biết, đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua nước dâng cao thế này. “Nước dâng, bờ bao lại vỡ… hai cái ập xuống cùng lúc khiến chúng tôi không kịp di dời đồ đạc. Buổi sáng, cố tát nước trong nhà ra, nhưng buổi chiều, nước theo cống lại dâng lên… Không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh này”, giọng ông đượm buồn.

Cũng giống người dân ở khu phố 8, hàng trăm hộ dân buôn bán dọc theo đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) mấy ngày hôm nay “dở khóc, dở cười” vì thuỷ triều. Đã hơn 7 giờ sáng, nhưng tiệm bán phụ tùng xe máy 223 Bùi Hữu Nghĩa của anh Xuân vẫn chưa thể mở cửa vì trong nhà nước ngập quá đầu gối. “Đồ đạc hư hỏng hết, các nhà khác cũng phải tạm đóng cửa buôn bán, để chống chọi với nước triều, con em cũng phải cho nghỉ học vì đường ngập quá sâu”, anh Xuân cho biết.
28 điểm ngập
Theo trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM, đợt triều cường cuối tháng 10.2011 đã gây ngập 28 điểm, hầu hết thuộc các quận nội thành.
Khu vực ngập nặng nhất là đường Lương Đình Của (quận 2), kế đến các khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Thập (quận 7)… nhiều vị trí ngập khoảng 40cm.
TS Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM nhận định, người dân thường nghĩ chuyện thuỷ triều dâng cao là do nước biển dâng nhưng thực chất không phải như vậy. Theo nghiên cứu, những năm qua, nước biển chỉ dâng 1 – 2cm nhưng trong giai đoạn 1995 – 2010 thì thuỷ triều ở TP.HCM dâng cao từ 15 – 20cm và xu hướng càng ngày càng cao, xuất hiện những đợt thuỷ triều kỷ lục khác.

“Thuỷ triều dâng cao như vậy theo tôi là do đất bị lấp để xây dựng công trình quá nhiều. Trước đây, những nơi như Nhà Bè, quận 7… là những nơi chứa nước nhưng giờ đã xây dựng hết thì nước không còn chỗ chứa, dẫn đến nước dồn vào các khu vực khác là điều tất nhiên”. TS Phúc cho biết và cảnh báo, nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay (tức xây đê bao chung quanh TP.HCM) để chống lũ, thì chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều đợt thuỷ triều cao hơn. Nguy cơ TP.HCM sẽ bị vỡ bờ bao và ngập lụt nặng là điều khó tránh khỏi.

Còn theo đánh giá của GS.TS Lê Huy Bá, viện trưởng viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM, sở dĩ có tình trạng nước triều dâng cao liên tục trong những năm qua ngoài những nguyên nhân như hệ thống thoát nước quá yếu kém, xuống cấp… còn có những nguyên nhân chủ quan khác như việc quy hoạch đô thị, xây dựng tập trung quá dày đặc ở vùng trung tâm, hiện tượng lấn đất kênh rạch diễn ra nhiều nơi. “Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, trong vài chục năm tới, TP.HCM có nguy cơ trở thành một “vũng nước đô thị”. Và nếu xảy ra tình trạng vỡ bờ hoặc tràn bờ, sẽ khó tránh khỏi việc ngập lụt như thủ đô của Thái Lan hiện nay”, GS.TS Lê Huy Bá lo ngại.

bài và ảnh: Từ An
Đỉnh triều thực tế cao hơn dự báo tới 8cm!
Theo dự báo của đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, trong đợt đỉnh triều cao cuối tháng 10 này thì đỉnh triều cao nhất (1,56m) sẽ xảy ra vào ngày 28.10 rồi giảm dần, nước rút nhanh. Dự báo cập nhật các ngày cũng cho thấy, đỉnh triều vào ngày 29.10 chỉ còn ở mức 1,49 – 1,50m. Tuy nhiên, thực tế vào ngày 28.10, đỉnh triều chỉ dừng ở mức 1,53m, rồi sang ngày 29.10, đỉnh triều đột ngột tăng vọt, lên đến 1,57m, lập kỷ lục đỉnh triều cao nhất lịch sử!

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Lê Thị Xuân Lan, đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cho rằng, thông thường dự báo sai số một vài centimet có thể hiểu được, do dự báo nhiều khi không tính được hết tác động của các nhân tố khác như sóng biển, gió mùa đông bắc mạnh… Nhưng sai số tới 8cm là quá lớn! Cộng thêm ngày 29.10, TP.HCM xảy ra mưa vừa mưa to trên diện rộng, trùng với thời gian triều đang lên nên đã gây ra sự cố ngập lụt, vỡ bờ bao ở nhiều nơi.

Theo bà Lan, liên tục trong vòng năm năm, từ năm 2006 đến nay, đỉnh triều đều có xu hướng tăng, mức lịch sử xảy ra vào đầu tháng 11.2009 (1,56m), và đến nay, đỉnh triều đã lên đến mức 1,57m, phá vỡ kỷ lục cũ, là điều bất thường. “Vì vậy, khả năng đỉnh triều năm sau cao hơn năm trước rất dễ xảy ra; đồng thời chu kỳ triều cường tháng 11, tháng 12 luôn cao nhất trong năm, vì vậy thời gian tới, đỉnh triều có thể còn tiếp tục cao hơn hiện nay”, bà Lan cảnh báo. 

Nhiều chuyên gia cũng phân tích, đỉnh triều đo được tại trạm quan trắc là mực nước tổng hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như triều cường, ảnh hưởng của gió mùa, nước từ thượng nguồn đổ xuống, lấp hết lớp phủ thực vật, yếu tố mặt đệm bị bêtông hoá, hồ chứa không có… trong đó phải tính thêm tới tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ. Vì vậy, nguy cơ người dân thành phố tiếp tục sống với ngập lụt ngày càng nhiều và lớn, là điều khó tránh khỏi!