TT - Nhiều trái tim đã tan nát khi xem những hình ảnh cảnh một bé gái mới 2 tuổi bị xe đâm trên một đường phố ở Quảng Đông (Trung Quốc) và bị rất nhiều người đi qua bỏ mặc, trước khi được một bà lão quét rác ứng cứu. Đáng buồn hơn nữa là dưới sức ép của những điều tiếng nhận xét thị phi, bà lão ấy đã phải đào thoát bằng cách bỏ về quê. >> Sự vô cảm tàn nhẫn Từ câu chuyện này, nhiều ý kiến quan ngại về sự lan tràn của chứng vô cảm trong cuộc sống hiện đại, như một hệ quả của xu hướng thực dụng chủ nghĩa và tôn thờ vật chất, hư danh. Người ta nói về nguy cơ bệnh vô cảm trở thành dịch, có thể biến con người thành những tảng đá biết đi và hành động một cách lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn trong quan hệ giao tiếp cộng đồng; người bi quan cho rằng dường như Trái đất đang ngày càng khô hạn tình người. Thật ra không phải nhờ đến kỹ thuật và công nghệ cao, mọi người mới có thể biết có những người đã đi qua chỗ em bé bị nạn đang nằm mà không làm gì để cứu vớt một sinh linh đồng loại. Đúng hơn, nhờ camera công cộng, những con người ấy được nhận ra. Chứ nếu không có, thì ai cũng hiểu rằng họ vẫn hiện hữu như một phần của xã hội, từ muôn thuở, như cái xấu luôn ở bên cạnh cái tốt, điều ác mãi mãi song hành với điều thiện. Có thể họ không đông hơn, nhưng nhờ sự phát triển của mạng truyền thông, họ được nhắc đến nhiều hơn qua những câu chuyện được kể và lan truyền bằng các phương tiện hiện đại. Từ đó, người ta dễ có cảm giác cái xấu, điều ác đang thống trị. Vả lại, không hẳn tất cả những con người trong chuyện bé gái bị nạn ấy đều vô cảm đến lạnh lùng như đá. Cùng thực hiện một hành vi ứng xử, nghĩa là thấy việc bất bình mà không can thiệp, nhưng tâm trạng của họ có thể khác nhau: có người vô cảm thật; người kia có thấy xót xa nhưng không muốn dang tay cứu giúp vì sợ cái gì đó có thể gây phiền lụy cho bản thân; người nọ đang vội, không có thì giờ, hi vọng người đến sau mình có điều kiện để ra tay, nhất là để chính mình không cảm thấy ray rứt, có lỗi... Rốt cuộc, vấn đề cũng như ngày hôm qua, hôm kia, đối với những người tự cho rằng mình đứng về phía chính diện của cuộc sống là làm thế nào để những giá trị sống tích cực được tôn vinh, bảo vệ, đồng thời cái tiêu cực phải bị phê phán, đẩy lùi, tẩy chay. Xây dựng, hoàn thiện tính cách của con người - chủ thể ứng xử - chính là chìa khóa của giải pháp. Có những người ích kỷ bẩm sinh, nhưng nhờ được sống trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội trong lành và được tác động thường xuyên bằng các biện pháp thích hợp, cuối cùng lại phát triển được các tính cách tốt đẹp. Ngược lại, cũng có thể người ta vốn không ích kỷ mà biết chia sẻ, tương trợ, biết hi sinh; nhưng do sống lâu ngày trong một không gian giao tiếp đặc trưng bởi sự hoành hành của các kiểu cạnh tranh sinh tồn theo các quy luật sơ cấp "mạnh được yếu thua", "cá lớn nuốt cá bé", con người có xu hướng để cho bản năng sống điều khiển hành vi của mình, nhất là khi đương đầu với hiểm nguy: lo cho mình trước đã rồi tính. Theo thời gian, người tốt trở nên xấu đi. Không khó để từ đó nhận ra rằng trong cuộc tranh đấu giành giật con người giữa các thế lực đối lập, việc tối cần thiết là chiếm lĩnh cho được hai trận địa lớn: giáo dục và truyền thông. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, vai trò của truyền thông ngày càng quan trọng trong việc định hướng ứng xử. Trong vụ em bé gặp nạn, chính nhờ có các phương tiện thông tin hiện đại mà những trái tim nhân hậu và lương tri đã được đánh động, nhờ đó em bé đang nhận được sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ từ khắp nơi, không chỉ trên đất nước của em mà trên toàn thế giới. Cần phải góp một tay để những phản ứng xã hội tích cực như thế luôn được cổ vũ, trở thành trào lưu chính thống, áp đảo trong ứng xử nhân văn, khi đó sự vô cảm chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
|
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog