THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 October 2011

Giải pháp thay thế đê bao khép kín


2011-10-06

Mười năm thử thách bộc lộ những nhược điểm không thể chối cãi của hệ thống đê bao khép kín đồng bằng sông Cửu Long.

Courtesy haugiang.vn

Xây dựng đê bao kết hợp với cống hở ở Hậu Giang.

 

Nhưng nếu không triệt bỏ hệ thống đê bao khép kín rộng lớn, thì cần có giải pháp gì để sửa sai sau mùa lũ dữ nhiều thiệt hại năm nay. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

Ô bao tác hại lâu dài

Trước kia người dân đồng bằng sông Cửu Long làm hai vụ lúa một năm gồm đông xuân và hè thu, tới mùa lũ tháng 7-10 âm lịch cả vùng đồng bằng ngập nước lũ, là lúc đồng ruộng được thiên nhiên tẩy rửa và bồi dưỡng phù sa. 

Người nông dân không thấy được chuyện xa, họ cứ nghĩ làm vụ ba thì có thêm lúa…có này nọ…người nông dân tội nghiệp lắm, họ làm nhưng không tính toán được lời lỗ.

GS.TS Nguyễn Hữu Chiếm

Trong thời gian hai, ba tháng mùa lũ người nông dân ngừng canh tác mà chuyển sang đánh bắt cá tôm kiếm thêm thu nhập. Ngày nay hệ thống đê bao khép kín với những tuyến đê kéo dài hàng nghìn km, đã tạo ra một diện tích canh tác vụ ba trong mùa lũ từ 300.000 ha tới 400.000 ha bằng một phần tư diện tích gieo cấy vụ đông xuân hay hè thu.

Các nhà khoa học từng khuyến cáo hệ thống đê bao và trồng lúa bên trong ô bao tác hại lâu dài, vì làm đất cằn cỗi do không có lũ vào tẩy rửa đất và bồi lắng phù sa. Làm ba vụ trong đê bao kết quả cũng chỉ bằng 2 vụ nếu không có đê bao, trong khi mùa lũ còn có nguồn lợi đánh bắt tôm cá.    

Xóa bỏ hoàn toàn hệ thống đê bao khép kín có thể là không khả thi, nhưng tìm một giải pháp dung hòa có lẽ sẽ được chính quyền và người dân nghe theo. Người ta tin rằng sau lũ lớn năm nay làm vỡ nhiều tuyến đê, nhiều nơi sẽ thay đổi quan niệm về đê bao khép kín. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm khoa Quản lý Môi trường và Tài nguyên Trường Đại Học Cần Thơ nhận định:

debao250.jpg
Một đoạn đê bao ở ĐBSCL. Photo courtesy of siwrr.org.vn
"Người nông dân không thấy được chuyện xa, họ cứ nghĩ làm vụ ba thì có thêm lúa…có này nọ…người nông dân tội nghiệp lắm, họ làm nhưng không tính toán được lời lỗ bao nhiêu cứ nghĩ rằng làm tới được là tốt…Thành ra chúng tôi đang cố gắng tối đa để dẫn chứng cho họ thấy cái đó không mang lại hiệu quả. Cụ thể năm nay nước nó đột ngột cao bằng năm 2.000 nhiều tuyến đã vỡ đê, hay nói cách khác  bây giờ không thể sống một cách hoàn toàn chống trả với thiên nhiên, nhất là trong giai đọan biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng thấp. Do đó tôi nghĩ rằng qua trận lũ này người dân và chính quyền địa phương học được rất nhiều bài học ."      

Hiệu quả đê bao hở

Trong những năm gần đây người dân và các nhà khoa học đã thử nghiệm một cách làm mới. PGSTS Nguyễn Hữu Chiếm cho biết toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thực hiện được cách làm này ở huyện Phú Tân, một cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu, ở đây sau khi rút kinh nghiệp được sự thất bại và bất lợi của đê bao khép kín, người dân đã thay đổi quyết định là thực hiện khép kín hai năm và mở một năm cho nước lũ vào. Ông Chiếm tin rằng sau mùa lũ khốc liệt năm nay 2011, người dân các vùng đê bao khép kín có thể học hỏi kinh nghiệm này.

Hơn thế nữa, các nhà khoa học đang tìm những giải pháp hợp lý hơn để hệ thống đê bao không còn khép kín mà sẽ là một hệ thống hở . PGSTS Nguyễn Hữu Chiếm tiếp lời:

Vẫn làm đê bao bảo đảm vụ hè thu tới giữa tháng 8 nước lũ không tràn, nhưng mà sau tháng tám thì nước lũ có thể tràn để hứng phù sa cộng với cá vào trong đồng.

GS.TS Nguyễn Hữu Chiếm

"Đại học Cần Thơ chúng tôi đang có một số dự án khuyến khích nghiên cứu để thuyết phục dân nên làm đê bao hở 'semi dyke' tức là đê bao tháng tám thôi. Vẫn làm đê bao bảo đảm vụ hè thu tới giữa tháng 8 nước lũ không tràn, nhưng mà sau tháng tám thì nước lũ có thể tràn để hứng phù sa cộng với cá vào trong đồng. Chúng tôi đang thí nghiệm thử để người dân theo. 10 năm rồi qua trận này thấy rất rõ là có vấn đề, lần này các nhà khoa học nói tôi nghĩ là địa phương sẽ nghe. Phá bỏ thì chắc họ không phá bỏ đâu, nhưng mà họ có thể chấp nhận cái đê bao tháng tám mà tôi đề nghị." 

Ý kiến của nhà khoa học và chính quyền có thể chưa tìm thấy được sự tương đồng. Trước tình hình lũ gây nhiều thiệt hại về người và của ở đồng bằng sông Cửu Long, ngày 29/9 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học tuyên bố với báo chí rằng Bộ đang nghĩ đến chuyện xây dựng hệ thống đê bao kiên cố việc này khó khăn và tốn kém, nhưng cũng cần xem lại để chọn lọc những nơi canh tác vụ ba. Một người dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

"Hình như người mình cứ có cái ham muốn nhiều lúa gạo, nhưng làm vụ thu đông (vụ ba) không được đâu, làm vụ thu đông đất càng ngày càng cằn cỗi thêm, phù sa không về được,vùng sông nước đã nói vùng lũ phải sống chung với lũ, ông nào đề nghị đê bao khép kín kiên cố là càng làm khổ người dân thêm."           

Muốn sửa sai việc phát triển hệ thống đê bao khép kín lớn lao ở đồng bằng sông Cửu Long cần có sự thay đổi quan niệm của chính quyền và người dân. Nhưng giới thương gia lại nói rằng nếu sang năm lúa có giá thì vụ ba thu đông sẽ vẫn cứ diễn ra như thường lệ.

Theo dòng thời sự: