* 130 người chết, dịch đã lan rộng đến 63 tỉnh thành, sao không công bố?
Nhiều chuyên gia khẳng định bệnh tay chân miệng (TCM) đã thành dịch, nhưng việc công bố dịch lại không được thực thi, trong khi phạm vi, số ca mắc và tử vong vẫn không ngừng tăng thời gian qua.
Cuối tháng 8.2011, khi cả nước có 35.000 ca mắc, 83 ca tử vong do TCM và bệnh xảy ra ở 52 tỉnh thành, Thanh Niên từng đặt vấn đề nên công bố dịch để kiểm soát, tránh nguy cơ lan rộng và thêm nhiều trường hợp tử vong. Khi đó, một lãnh đạo Bộ Y tế nói vẫn chưa cần công bố dịch bởi tình hình kiểm soát được.
Không biết việc kiểm soát ra sao, đúng một tháng sau, vào thời điểm cuối tháng 9, cả nước có 61.805 ca mắc và 114 ca tử vong. Đến nay, số mắc đã lên đến 71.472 ca (con số nhập viện điều trị nội trú, chưa tính số mắc điều trị ngoại trú) và 130 trường hợp tử vong, đồng thời bệnh đã lan ra đến 63 tỉnh thành!
Bệnh nhân TCM các tỉnh dồn về quá nhiều khiến khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) quá tải từ trong buồng bệnh đến ngoài hành lang - Ảnh: Thanh Thùy
|
Không thể nói "vẫn kiểm soát được"!
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định: "Trách nhiệm công bố dịch TCM (dịch bệnh nhóm B) do địa phương. Bộ Y tế chỉ công bố sau khi đã có hai địa phương công bố dịch".
|
Bệnh tăng lên quá mức bình thường và lan ra nhiều như vậy thực chất đã là dịch rồi còn gì nữa mà bảo không phải dịch. Nếu nói kiểm soát được thì tại sao từ số ít địa phương có ca bệnh giờ lan rộng ra nhiều địa phương như thế? TS-BS Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
|
Theo ông Bình, công bố dịch khi có đủ hai điều kiện: Thứ nhất là số người mắc vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Thứ hai, cần có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Lý giải về việc các địa phương không công bố dịch TCM, ông Bình cho rằng: "Số mắc vẫn chưa vượt quá dự kiến, nằm trong khả năng dự báo…". Theo cách nói này, có thể hiểu con số thêm hơn 36.000 ca mắc và gần 50 trẻ tử vong từ tháng 8 đến nay vẫn nằm trong dự báo của ngành y tế. Vậy ngành này dự báo số mắc là bao nhiêu và sẽ có bao nhiêu trẻ tử vong nữa thì mới vượt quá tầm kiểm soát?
Để có câu trả lời cụ thể, hôm qua PV Thanh Niên nhiều lần liên lạc với ông Bình nhưng ông không nghe máy. Trong khi đó, trong một "Báo cáo về diễn biến bệnh TCM và các biện pháp phòng chống dịch" của Bộ Y tế vẫn nhìn nhận tình hình "trong tầm kiểm soát" với khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi tuần, tương đương khoảng 8-10 ngàn ca/tháng.
So sánh với "biểu đồ" số liệu ở trên, chỉ trong tháng 9 số ca mắc mới tăng hơn 26.000 và 31 người chết, chưa đầy nửa tháng 10 có 10.000 ca mắc mới và 16 người chết, rõ ràng vượt xa con số "trong tầm kiểm soát" 2.000 ca mỗi tuần…
Không gọi là dịch thì là gì?
Trong khi ngành y tế nói còn "trong tầm kiểm soát" và không công bố dịch, thì nhiều chuyên gia khẳng định bệnh TCM đã là dịch.
TS-BS Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nói: "Bệnh tăng lên quá mức bình thường và lan ra nhiều như vậy thực chất đã là dịch rồi còn gì nữa mà bảo không phải dịch. Nếu nói kiểm soát được thì tại sao từ số ít địa phương có ca bệnh giờ lan rộng ra nhiều địa phương như thế, đến nay đã xảy ra ở 63 tỉnh thành rồi? Ngay trong Bộ Y tế cũng có hai quan điểm - thời điểm bệnh tăng cao, có người nói bệnh đã là dịch, nhưng sau đó có người bảo không". Ông Hiền cho rằng: "Việc công bố dịch là để các địa phương tập trung nguồn lực cho phòng chống bệnh, người dân cũng quan tâm, không lơ là. Thực tế số mắc năm nay không thua gì thời điểm xảy ra đại dịch cúm A/H1N1".
TS-BS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cũng cho rằng bệnh đã là dịch. Ông nói: "Theo định nghĩa về dịch tễ học, dịch TCM đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương. Đã là dịch rồi thì ngành y tế và các địa phương cần phải nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay phải thực hiện rất quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch thì mới có thể cắt đứt được nguồn lây bệnh, còn không dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp".
Một điểm đáng lưu ý là dù không công bố dịch, nhưng trong các văn bản báo cáo về bệnh TCM, chính Bộ Y tế cũng đã thừa nhận có "dịch", và còn khẳng định "dịch TCM bắt đầu gia tăng từ tuần thứ 20"... Thừa nhận là dịch, nhưng lại không công bố dịch quả là điều khó hiểu. Có ý kiến cho rằng, việc không công bố dịch có nguyên do lo ngại ảnh hưởng đến du lịch, kinh tế và cả… thành tích thi đua cuối năm?
Công bố dịch là nhằm ưu tiên ngân sách cho phòng chống dịch, mua sắm các phương tiện kỹ thuật, thuốc men hỗ trợ và điều trị miễn phí cho tất cả bệnh nhân, cấp chi phí theo đúng quy định về công tác phí cho đội ngũ cán bộ nhân viên tham gia phòng chống dịch… với mục đích tối thượng là bảo vệ sinh mạng người dân. Chậm công bố dịch, để thêm nhiều trường hợp tử vong thì ai chịu trách nhiệm?
Nhiều người lớn mắc bệnh Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết cuối tháng 9 vừa qua, kết quả xét nghiệm cho thấy có 8 mẫu bệnh phẩm người lớn dương tính virus Enterovirus (EV) và EV71 (virus gây bệnh ở trẻ em). Những trường hợp dương tính này đều là thân nhân đang chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM (Ninh Thuận có 3 trường hợp dương tính EV71, 1 trường hợp dương tính EV; Quảng Ngãi và Bình Thuận mỗi tỉnh có 2 trường hợp dương tính EV). Với việc người lớn dương tính virus TCM, nguy cơ bùng phát bệnh càng cao bởi thường những người này không có biểu hiện ra bên ngoài, nên rất khó kiểm soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao nhiều địa phương không có bệnh ở trẻ em nhưng bỗng nhiên bùng phát bệnh rất nhanh. Thiện Nhân |
Quảng Ngãi từng được khuyến cáo công bố dịch Thông tin này được một cán bộ lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang xác nhận. Ông này nói: "Trước đây khoảng 2 tháng, trong chuyến khảo sát ở Quảng Ngãi, chúng tôi thấy bệnh TCM xuất hiện ở nhiều khu vực dân cư. Sau đó, tại buổi làm việc với các ngành chức năng, chúng tôi khuyến cáo tỉnh Quảng Ngãi cần công bố dịch TCM, nhưng việc công bố dịch hay không là do tỉnh quyết định". Từ tháng 4.2011, bệnh TCM bắt đầu bùng phát, sau đó lây lan nhanh ra nhiều địa phương và tấn công vào một số trường học ở Quảng Ngãi. Tính đến thời điểm này, bệnh đã xuất hiện tại 166/184 xã, thị trấn thuộc 14/14 huyện, TP trong tỉnh với hơn 6.100 trường hợp mắc bệnh, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5 ca tử vong. Đây là địa phương có số người mắc bệnh cao nhất khu vực miền Trung (chiếm hơn 70% tổng số ca bệnh) và đứng thứ 7 cả nước về số ca tử vong. Tuy vậy, bác sĩ Nguyễn Tấn Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, khẳng định chưa công bố dịch TCM, bởi dù số người mắc vượt quá dự tính bình thường trong năm 2011, nhưng "quy mô, tính chất của bệnh còn trong khả năng kiểm soát". "Vào thời điểm số ca mắc mới trong tỉnh đạt đỉnh 552 ca/tuần, trong đó có 5 trường hợp tử vong, cộng với tình trạng quá tải tại khoa Nhi (BV đa khoa Quảng Ngãi), Sở Y tế dự kiến lập phương án, thủ tục để chuẩn bị tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch và thành lập BV dã chiến để thu dung, cách ly và điều trị nếu như tình hình không được cải thiện. Tuy nhiên, sau đó bệnh đã có xu hướng giảm dần, công tác điều trị tại các BV trong tỉnh đạt hiệu quả, không có thêm trường hợp tử vong và giảm tình trạng quá tải tại các BV nên Sở Y tế chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch", ông Đức nói. Nhưng cũng chính ông nhận định: "Khả năng dập tắt bệnh TCM rất khó khăn, một số địa phương có dấu hiệu lây bệnh từ trường học. Hiện tại, bệnh TCM đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh khi thời tiết chuyển sang mùa mưa lũ". Hiển Cừ - Thiện Nhân |
Thanh Tùng - Liên Châu