Cập nhật: 14:25 GMT - thứ hai, 12 tháng 9, 2011
Sau các cuộc tấn công
vào Hoa Kỳ trong tháng Chín năm 2001, Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ
Chí Minh đã có điện tín, sau này bị lộ qua Wikileaks, gửi về Bộ Ngoại
giao sau cuộc gặp với nhà cách mạng lão thành và khi đó là cố vấn cho
chính phủ Việt Nam Trần Bạch Đằng.
Ông Trần Bạch Đằng, tên thật là Trương Gia Triều, người qua đời hồi năm 2007 ở tuổi 81, tiếp bà Judith Strotz, người phụ trách chính sách an ninh và quan hệ trong vùng Đông Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng 10 năm 2001.
BBC lược dịch một phần bức điện. Các số đánh trong bài là nguyên văn trong điện tín.
"1. Tóm tắt: Trong cuộc gặp với Vụ trưởng Vụ Đông Á Judith Strotz, cựu Bí thư cộng sản Trần Bạch Đằng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ.
Ông cũng thể hiện sự bất bình đối với Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (đang chờ Thượng viện xem xét) vì, ông nói, nó chĩa mũi một cách bất công vào Việt Nam so với các nước khác.
Cuộc nói chuyện với ông Trần Bạch Đằng, một chính khách tầm cỡ ở Nam Việt Nam, cho thấy sự phức tạp và tính nước đôi đang lẩn quất trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
LỜI KHUYÊN TỪ TƯ LỆNH TRẬN MẬU THÂN Ở SÀI GÒN
2. Khi gặp Vụ trưởng Vụ Đông Á Strotz hôm 8/10 tại nhà riêng, ông Đằng nói ông bị "sốc" trước vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới.
Ông nói chuyện giết thường dân đơn giản là điều "không thể chấp nhận được."
Ông Trần Bạch Đằng, [khi đó] 75 tuổi và từng là Bí thư Đảng Cộng sản trong giai đoạn 1965-1973, nói với bà Strotz rằng ông là Tổng tư lệnh (commander-in-chief) chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn và Chợ Lớn.
"Chúng tôi tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nhưng chúng tôi không bao giờ xem đó là hành động khủng bố."
Ông Trần Bạch Đằng nói ông ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ và cũng ủng hộ việc lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan.
'Chính sách nguy hiểm'
3. Ông Trần Bạch Đằng nhớ lại khi Việt Minh củng cố quyền lực trong thập niên 50, họ đã có vài trận đánh chống lại dân quân phật giáo Hòa Hảo ở miền nam Việt Nam.
Sau khi tiêu diệt những lớp người đầu tiên của lực lượng Hòa Hảo, ông nói, Việt Minh đã bàn lại chiến thuật, không phải vì tổn thất mà vì "chúng tôi cảm thấy chúng tôi không thể giết người như thế được."
Ông cho rằng nếu lực lượng bộ binh Hoa Kỳ đổ bộ vào Afghanistan, họ có thể đối mặt với tình huống phức tạp tương tự.
Ông nói Hoa Kỳ cần dựa vào Liên minh Phương Bắc [lực lượng chống Taliban ở Afghanistan] hay một nhóm Afghanistan khác để lật đổ chế độ Taliban.
Trong một tuyên bố có vẻ mỉa mai từ một cựu Việt Cộng, ông nói nếu không có sự ủng hộ của người dân Afghanistan, Hoa Kỳ sẽ khó chiến thắng.
4. Thông báo rằng ông đã trở thành công dân danh dự của thành phố Lubbock, Texas và thành viên danh dự của Câu lạc bộ Rotary [một tổ chức thiện nguyện] trong chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ hồi năm 1999, ông Trần Bạch Đằng nói ông có nhiều bạn người Mỹ.
"Ông nói ông lấy làm tiếc về tổn thất nhân mạng của Hoa Kỳ có thể xảy ra và khuyên Hoa Kỳ nên có hành động quân sự nhanh chóng ở Afghanistan vì nếu không binh lính Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong mùa đông ở Afghanistan. "
Điện tín của Hoa Kỳ sau cuộc gặp với ông Trần Bạch Đằng
Ông nói ông lấy làm tiếc về tổn thất nhân mạng của Hoa Kỳ có thể xảy ra và khuyên Hoa Kỳ nên có hành động quân sự nhanh chóng ở Afghanistan vì nếu không binh lính Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong mùa đông ở Afghanistan.
Ông Trần Bạch Đằng nói ông phản đối mọi hình thức khủng bố trong đó có cả hành động khủng bố của các nhóm hay của người Palestine.
Tuy nhiên ông nói ông tin rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Israel trong quan hệ với người Palestine là "nguy hiểm"
Ông nói ông nghĩ rằng Hoa Kỳ cần dùng ảnh hưởng của mình để "kiềm chế Israel."
5. Giám đốc Vụ Đông Á cảm ơn ông Đằng đã ủng hộ và những kinh nghiệm của ông. Bà nói thêm Hoa Kỳ không muốn thấy thường dân Afghanistan bị chết hay bị thương và Hoa Kỳ đã có cố gắng cứu trợ nhân đạo lớn.
"CẤT ĐẠO LUẬT NHÂN QUYỀN VIỆT NAM VÀO TỦ"
6. Vụ trưởng Vụ Đông Á Strotz đề nghị ông Đằng giải thích về phản ứng mạnh của Việt Nam chống lại Dự luật Nhân quyền Việt Nam hiện đang chờ Thượng viện xem xét.
Trong giọng nói thường thể hiện sự xúc động, ông Đằng nói nó đi ngược lại thông lệ quốc tế.
"Chính cái tên của nó đã cho thấy nó chĩa mũi vào riêng Việt Nam," ông nói.
Ông thừa nhận rằng Việt Nam "không hoàn hảo" trong vấn đề nhân quyền nhưng nói rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam không kém khi so với các nước như Afghanistan.
7. Theo ông Đằng, Việt Nam chiến đấu cho tới tận năm 1975 để có được quyền con người căn bản nhất - độc lập.
Ông nói một quyền con người căn bản khác là đủ ăn.
Trong giai đoạn 1944-45, hai triệu người Việt Nam chết đói dưới sự cai trị của Nhật Bản.
So sánh với những điều đó, ông nói, vấn đề nhân quyền ngày hôm nay là điều nực cười.
Theo ông, lãnh đạo Việt Nam đang cố gắng để cải thiện quyền con người của các công dân, nhưng không thể có được cải thiện trong ngày một, ngày hai.
'Như bạn bè'
8. Vụ trưởng Đông Á Strotz đưa ra chi tiết xung quanh bối cảnh dẫn tới Đạo luật Nhân quyền Việt Nam.
Bà giải thích rằng một số đại biểu quốc hội muốn cân bằng việc thông qua Hiệp ước Thương mại Song phương với việc thể hiện lo ngại của họ về nhân quyền ở Việt Nam.
"Tôi gợi ý nên cất đạo luật nhân quyền Việt Nam vào tủ. Thay vào đó chúng ta nên khuyên bảo nhau như bạn bè."
Cố lão thành cách mạng Trần Bạch Đằng
Bà cũng nói Đạo luật bao gồm quyền phủ quyết của Tổng thống cho một số điều khoản chính.
9. Ông Trần Bạch Đằng không cảm thấy thuyết phục.
Ông nói Việt Nam "không phải là nhà nước mọi rợ" và lại chỉ ra Taliban làm ví dụ, nhưng Đạo luật Nhân quyền Việt Nam đã coi Mỹ là người phán xét các vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Ông chỉ ra rằng trong quá khứ Pol Pot gây ra "sự tàn phá khủng khiếp" nhưng Hoa Kỳ chậm trễ khi phản đối các hành động của Khmer Đỏ.
"Chúng tôi phải để quá khứ lại sau," ông nói.
"Tôi gợi ý nên cất đạo luật nhân quyền Việt Nam vào tủ. Thay vào đó chúng ta nên khuyên bảo nhau như bạn bè."
Ông nói thêm Việt Nam sẵn sàng tiếp tục thảo luận vấn đề nhân quyền trong quá trình ngoại giao thường lệ.
10. Với tư cách là cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản và cố vấn hiện nay cho chính phủ, các ý kiến của ông Trần Bạch Đằng - sự ủng hộ và cảm thông thực sự với cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ đi kèm với sự bất bình về Đạo luật Nhân quyền Việt Nam - có nhiều khả năng phản ánh ý kiến của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ già hơn."