Nhiều ý kiến lo ngại dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM khi đi vào vận hành sẽ đẩy toàn bộ lượng nước thải từ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra sông Sài Gòn.
Ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè liệu có bị chuyển ra sông Sài Gòn? - Ảnh: D.Đ.M |
Nước thải đổ ra sông Sài Gòn
Dự án (DA) Vệ sinh môi trường (VSMT) được thiết kế nhằm giải quyết tình trạng ngập úng và ô nhiễm cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL - TN) gồm 7 quận nội thành (Q.1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp). Theo ban quản lý, hiện toàn DA đã hoàn thành khoảng 98%, dự kiến xong cơ bản vào cuối năm nay, chỉ còn một số hạng mục phụ kéo dài đến đầu 2012.
Theo thiết kế, DA sẽ vận hành như sau: hệ thống cống bao tự chảy với đường kính lên đến 3m đặt sâu hơn chục mét dưới lòng kênh sẽ làm nhiệm vụ tải toàn bộ nước thải cho lưu vực rộng hơn 33 km2, khoảng 1,2 triệu dân ở khu trung tâm. Hàng loạt tuyến ống thoát nước cấp 2 - 3 cũng làm nhiệm vụ gom nước mưa trên các tuyến đường về cống bao, sau đó đưa về trạm bơm (có công suất 64.000 m3/giờ) trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) để lược rác, xử lý mùi trước khi đổ ra sông Sài Gòn. DA còn kết hợp nạo vét hơn 1 triệu m3 bùn dưới lòng kênh NL - TN để giải quyết ô nhiễm và tăng khả năng chứa nước.
Với kiểu xả thải sắp tới, chỉ trong một thời gian ngắn, sông Sài Gòn sẽ thành một Thị Vải thứ hai
| ||
GS-TSKH Lê Huy BáViện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường TP.HCM
| ||
Nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng
GS-TSKH Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM - cho rằng việc chậm trễ xây Nhà máy xử lý nước thải NL - TN sẽ gây nguy cơ ô nhiễm trầm trọng cho sông Sài Gòn. Bởi lượng nước thải lớn từ đầu nguồn thải liên tục ra sông Sài Gòn như vậy sẽ gây những tác hại hết sức nghiêm trọng, làm giảm khả năng tự làm sạch của sông. Dự kiến một ngày xả thải hàng chục ngàn m3 nước thải ra sông Sài Gòn, với hàm lượng chất độc hại cao thì không dòng sông nào chịu nổi. Theo GS Bá, việc đưa nước thải về trạm bơm để lược rác, xử lý mùi về thực chất cũng chỉ là phương án pha loãng nước thải, chứ không xử lý được căn cơ vấn đề ô nhiễm. Nguyên tắc của phương án pha loãng là chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, nghĩa là rất hạn hữu chứ không duy trì liên tục, lâu dài cả vài năm như ở DA VSMT.
"Ngay từ đầu, tôi và nhiều nhà khoa học đã có ý kiến phản biện rằng pha loãng hoàn toàn không phải giải pháp giải quyết ô nhiễm một cách căn cơ mà chỉ là di dời vị trí ô nhiễm. Và nếu chỉ là pha loãng mà tốn đến hơn 310 triệu USD thì quá lãng phí. Hiện nay nhìn vào thực trạng kênh NL - TN chúng ta có thể thấy tình trạng hôi tanh, ô nhiễm trầm trọng đến thế nào. Song, ô nhiễm ở kênh thì mức độ ảnh hưởng cũng tương đối, còn nếu chuyển ô nhiễm này sang sông Sài Gòn thì cực kỳ nghiêm trọng vì toàn bộ hạ lưu và trung lưu sông Sài Gòn sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế hiện nay đã cho thấy ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn đã đến mức báo động. Mỗi ngày con sông này phải tiếp nhận hàng trăm ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý. Do đó, với kiểu xả thải sắp tới, chỉ trong một thời gian ngắn, sông Sài Gòn sẽ thành một Thị Vải thứ hai", GS Bá lo ngại.
Phương Thanh