Dù vẫn đánh giá khả năng trả nợ dài hạn của Việt Nam ở mức B+ với triển vọng ổn định nhưng Fitch cho biết sẽ cân nhắc lại xếp hạng này nếu lạm phát và những bất ổn trong hệ thống ngân hàng vượt tầm kiểm soát. |
Những bất ổn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được Fitch đặt nhiều quan ngại. Ảnh: Economist |
"Một số bất ổn vĩ mô, đặc biệt là lạm phát cao và những vấn đề mang tính "kinh niên" của hệ thống ngân hàng đã là sức ép lớn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng vay nợ của Việt Nam ", Andrew Colquhoun, Trưởng bộ phận Đánh giá tín nhiệm quốc gia, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Fitch nhận xét.
Theo ông Colquhoun, bên cạnh đà tăng giá nông phẩm, lạm phát cao tại Việt Nam (22,2% của tháng 7 năm nay so với cùng kỳ) còn xuất phát chủ yếu từ chính sách tín dụng và chi tiêu công trong năm 2010. Tình trạng này làm suy giảm dự trữ ngoại hối (theo số liệu của Fitch là 12,4 tỷ USD vào cuối tháng 2/2011), lung lay lòng tin vào tiền đồng cũng như làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.
Fitch đánh giá cao nỗ lực sau đó của Chính phủ Việt Nam khi cho ra đời Nghị quyết 11 với tinh thần chủ yếu là thắt chặt tiền tệ - tài khóa để giảm lạm phát. Các giải pháp và việc thực hiện Nghị quyết đã góp phần ổn định dần kinh tế vĩ mô, cải thiện lòng tin đối với nhà đầu tư trong nước và các tổ chức tín dụng nước ngoài. Bằng chứng rõ ràng nhất của điều này là tỷ giá tiền đồng so với đôla Mỹ đã được giữ ổn định trong suốt thời gian từ tháng 2 đến nay.
Tuy vậy, cơ quan xếp hạng tín dụng cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận một cách định lượng về hiệu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua, nhất là khi nó đang để lại những ảnh hưởng ít nhiều tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế.
Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia - Country Ceilng (các doanh nghiệp, ngân hàng thường được xếp hạng ngang bằng hoặc dưới ngưỡng này) của Việt Nam cũng ở mức B+. Nguồn: Fitch |
Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng tới uy tín nợ của Việt Nam được chỉ ra là những bất ổn trong hệ thống ngân hàng. Trong tất cả các nền kinh tế được Fitch xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ cấp tín dụng so với GDP (125% vào cuối năm 2010). Fitch cũng cho rằng con số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam (2,5%) mới được công bố gần đây sẽ còn cao hơn nhiều nếu áp dụng chuẩn kế toán quốc tế. Điều này gây ra mối quan ngại lớn về khả năng quản lý nợ, trong khi các ngân hàng hiện vẫn phải đua nhau tăng lãi suất đầu vào để huy động vốn.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7% trong giai đoạn 2006 - 2010, Việt Nam có ưu thế so với các quốc gia cùng xếp hạng tín dụng ở khung B (trung bình 4,3% một năm). Tuy nhiên, Fitch cho rằng thu nhập bình quân khoảng 1.200 USD một năm vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng này. Trong khi đó, nợ quốc gia của Việt Nam hiện tương đương khoảng 50% GDP, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình 37% của các nước có cùng xếp hạng.
Với những tồn tại nêu trên, Fitch cho biết hãng này có thể xem xét hạ xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong trường hợp những nỗ lực thắt chặt tiền tệ không mang lại kết quả rõ ràng trong việc kiềm chế lạm phát, lòng tin vào tiền đồng suy giảm gây ra những bất ổn khác.
Trong trường hợp người lại, nếu các diễn biến vĩ mô thuận lợi, xếp hạng tín dụng của Việt Nam có thể được cải thiện. Tuy nhiên, Fitch nhấn mạnh tới việc cải tổ hệ thống ngân hàng (trong đó có phân loại nợ) và coi đó là điều kiện kiên quyết để tạo ra sự ổn định của hệ thống tài chính.
Nhật Minh