Chỉ trong 3 tháng, riêng Nghệ An có tới 15 trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mọc lên. Tỉnh này cũng ghi nhận 13 trường hợp sau khi đi tìm hài cốt bằng phương pháp tâm linh về đã bị bệnh tâm thần.
Cách thành phố Vinh chừng 20 km, tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), trong 3 tháng, lần lượt 5 trung tâm tìm mộ liệt sĩ mọc lên khắp các xã, thị trấn. Gần như cùng thời điểm, huyện Hưng Nguyên có 4 trung tâm mọc lên. Tại các huyện khác trong tỉnh cũng xuất hiện một số trung tâm.
Hầu hết trung tâm áp dụng phương pháp tìm kiếm giống nhau, tức là nhờ người được cho là có khả năng ngoại cảm tác động để "áp vong" (vong linh liệt sĩ được cho là nhập vào một người trong gia đình).
Theo lời kể của một số gia đình, khi làm lễ, vong liệt sĩ "nhập" vào người thân, giao lưu, nói chuyện và chỉ cho người thân biết nơi có mộ, đưa ra yêu cầu về thời gian cất bốc và địa điểm an táng... Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể "nói chuyện" được ngay với liệt sĩ mà có khi làm lễ hàng tuần cũng không có kết quả.
Tại Hà Tĩnh, Hà Nam... cùng trong nửa đầu năm 2011, nhiều trung tâm tìm mộ liệt sĩ đồng loạt mọc lên, kéo theo hàng trăm thân nhân gia đình liệt sĩ tìm đến đăng ký, lập bàn thờ bày mâm hoa quả, bia rượu, di ảnh, bằng tổ quốc ghi công, di vật, thắp hương cầu hồn... với mong mỏi tìm được hài cốt người thân đang mất tích.
Một trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh ở Nghệ An. Ảnh: K.T. |
Trước tình trạng trên, mới đây Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã nhóm họp với các tỉnh. Theo ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động Nghệ An, việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh phần nào giải quyết được vấn đề tâm lý cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, nhất là đối với bố, mẹ liệt sĩ hiện tuổi cao, sức yếu. Tuy nhiên, đã có biểu hiện lợi dụng việc tìm kiếm và sự tự nguyện của gia đình liệt sĩ để trục lợi đồng thời gây nhiều hệ quả khác.
Qua khảo sát của Sở Lao động tỉnh này, hoạt động của các cơ sở tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng con đường tâm linh đã ảnh hưởng tới an ninh trật tự, môi trường, sức khỏe, tinh thần và kinh tế của người dân. Các cơ sở đặt ra nhiều khoản thu trái quy định pháp luật. Số người của mỗi gia đình đến làm lễ khá lớn (5-15 người), đều trong độ tuổi đi học và lao động, thời gian "áp vong" lâu (5-30 ngày, có trường hợp trên 40 ngày), gây ảnh hưởng tới học tập, lao động của nhiều người.
Sở Lao động Nghệ An ghi nhận đã xuất hiện hiện tượng dùng vong để uy hiếp người dân, nói xấu, thậm chí đánh nhau giữa các cơ sở nhằm tranh giành khách. Chi phí cho việc đi tìm mộ bằng phương pháp tâm linh tốn kém, một số gia đình đã phải vay mượn tiền bạc, cầm cố tài sản. "Đặc biệt, có 13 trường hợp sau khi đi áp vong tại các trung tâm tự phát trở về bị bệnh tâm thần, phải nhập viện", ông Lân cho biết.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh không mới, nhưng gần đây có sự lan truyền nhanh, mức độ không bình thường. Tuy có ghi nhận việc tìm kiếm được một số hài cốt bằng phương pháp tâm linh nhưng muốn chính xác phải kết hợp với nhiều nguồn thông tin hỗ trợ. Mặt khác, đại đa số hài cốt liệt sĩ được đưa về không còn xương cốt và các yếu tố để khẳng định đó là hài cốt liệt sĩ.
Cũng theo lãnh đạo các Sở, công tác quản lý ở địa phương hiện rất lúng túng. Hiện chưa có cơ sở khoa học rõ ràng trong việc tìm kiếm hài cốt mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, song một số cán bộ, người dân tin vào phương pháp tâm này, từ đó gây khó khăn trong việc ngăn chặn sự bùng phát.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến nay vẫn còn 650.000 bộ đội Việt Nam mất tích hoặc chưa tìm được. Trong số này, khoảng 350.000 hài cốt vô danh được quy tập tại hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. |
Nguyễn Hưng