Mỗi năm 1 tỷ USD "chảy" qua Singapore
Ngày 02/07/2011, phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (nay là Bộ trưởng) cho biết, hiện nay mỗi năm người bệnh Việt Nam chi 1 tỉ USD (tương đương 20.000 tỷ đồng) để đi chữa bệnh tại các bệnh viện ở Singapore (chưa kể các nước khác).
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy lượng bệnh nhân Việt Nam sang Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng rất đông. Như vậy, lượng tiền đổ ra nước ngoài để khám chữa bệnh sẽ cao hơn nhiều con số 1 tỷ USD được đưa ra ở trên.
Những người có điều kiện kinh tế đã quay lưng lại với dịch vụ y tế trong nước. Chỉ còn lại người nghèo là kiên nhẫn chờ đợi và cam chịu chấp nhận (Ảnh: C.Q) |
Lãnh đạo các bệnh viện lớn tại Hà Nội cho biết: Dù kỹ thuật y khoa của Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực, nhưng việc người dân đổ xô đi nước ngoài chữa bệnh là có lý do rất dễ hiểu. Đó là vì chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của bệnh viện nước ngoài quá tốt (hoàn toàn trái ngược với Việt Nam).
Một bệnh nhân từng đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Raffles (Singapore) thuật lại: "Trước khi đi, tôi và mẹ rất lo lắng, vì ở nơi đất khách quê người không có ai thân quen, giao tiếp cũng không tốt. Nhưng khi sang đến nơi, mọi lo lắng tiêu tan nhanh chóng".
Theo bệnh nhân này, ngoài hình ảnh ban đầu về phòng ốc sáng láng, sạch sẽ, thơm phức (chứ không phải nồng nặc mùi ête như ở bệnh viện Việt Nam) thì mỗi người đến Singapore khám bệnh còn cảm thấy mình được chăm sóc thực sự, đúng với nghĩa của hai từ này.
Theo đó, bệnh nhân không phải chờ đợi lâu, thái độ y bác sỹ thân thiện. Họ chủ động chăm sóc bệnh nhân, người nhà hoàn toàn có thể yên tâm.
"Điều khác biệt lớn nhất là họ không hù dọa, ép buộc người bệnh. Họ chỉ tư vấn và đưa ra các lựa chọn, quyền quyết định sử dụng cái gì và làm như thế nào vẫn thuộc về người bệnh", chị nói.
Điều này khác hẳn với bác sỹ bệnh viện Việt Nam. Trước khi đi Singapore chữa bệnh, mẹ chị đã đi khám ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Vị bác sỹ cho biết bệnh không thể chữa khỏi, nhưng bác sỹ có thể kéo dài sự sống bằng cách sử dụng thuốc đặc trị.
Oái oăm nhất là thuốc đặc trị này phải mua đúng chỗ bác sỹ chỉ, mua ở ngoài thì sẽ không được dùng!
"Họ chăm sóc tốt và giá cao, tương xứng với chất lượng họ mang lại. Ở Việt Nam, kể cả có tiền cũng không thể yên tâm được, thậm chí có tiền cũng bị từ chối, vì Việt Nam chỉ đủ năng lực để phục vụ tốt cho 10 người, cao hơn là chịu", chị nói.
Bài toán hóc búa chưa có lời giải
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho rằng, ngoài tâm lý sính ngoại (chiếm phần nhỏ) thì đại đa số người dân đổ xô đi khám nước ngoài là vì cán cân cung – cầu trong cung ứng dịch vụ y tế tại Việt Nam quá mất cân bằng.
"Cung không đáp ứng được cầu về mọi mặt: phòng ốc, con người (chủ yếu ở khía cạnh thái độ phục vụ), trang thiết bị, vv… ", ông Quyết nói.
Người bệnh ở Việt Nam không hài lòng với chất lượng dịch vụ y tế. Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" có lẽ đã đến lúc cần phải được chấm dứt bằng những việc làm cụ thể và Nhà nước cần đầu tư tương xứng cho nhu cầu y tế của người dân hiện nay. Có như vậy mới có thể "níu kéo" được người bệnh (Ảnh: C.Q) |
Còn ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì hiện nay có rất nhiều người có nhiều tiền, vì thế, họ không thỏa mãn với những dịch vụ mà ngành y tế cung cấp.
"Các cơ sở y tế của ta đang vướng vào một mâu thuẫn: Có chuyên môn giỏi thì lại không có đủ điều kiện kinh tế để phát triển, mở rộng quy mô và ngược lại. Đây còn là chuyện cơ chế, vì thế giải quyết được không phải chỉ một sớm một chiều", ông Kính nói.
So với nước ngoài, chất lượng phòng ốc, dịch vụ y tế của Việt Nam quá kém. "Bệnh viện của họ như khách sạn 5 sao, phục vụ 5 sao và giá tiền cũng 5 sao. Nhưng ở ta, xịn lắm bằng cái nhà nghỉ là cùng. Nếu những bệnh viện lớn Bạch Mai và Việt Đức mà có đất, có tiền để xây bệnh viện hiện đại như khách sạn 5 sao, trang bị máy móc và con người đồng bộ nữa thì bệnh nhân không đi đâu hết", ông Kính nói.
Tuy nhiên, ngành y tế chưa phải chưa lên tiếng đòi hỏi những điều này. Nhưng những đòi hỏi đó được đưa ra rồi lại rơi vào thinh lặng…
Trong khi đó, các khách sạn, san golf, trung tâm thương mại mọc lên như nấm sau mưa. Ông Kính còn tiết lộ: "Kế hoạch nâng cấp các bệnh viện huyện, tỉnh hiện đang bị dừng lại vì lạm phát. Dự án đã bị ngừng cấp kinh phí".
- Cẩm Quyên