SÀI GÒN 8-7 (LÐ) -"Hiện nay tại Sài Gòn, nhiều doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghệ (KCX-KCN) đang lâm vào tình trạng thiếu lao động triền miên."
|
Một tấm quảng cáo tuyển công nhân ở Sài Gòn. (Hình: Lao Ðộng) |
Báo Lao Ðộng hôm 8 tháng 7 cho hay về tình trạng khó khăn của nhiều xí nghiệp không kiếm nổi thợ điền thế vào chỗ những người đã bỏ đi. Nguyên nhân chính yếu là tiền lương được trả không đủ sống.
Vì kiếm không được nhân công, theo nguồn tin, nhiều xí nghiệp đã phải hạ tiêu chuẩn đòi hỏi trình độ học vấn từ lớp 12 xuống còn lớp 9. Lời quảng cáo tuyển dụng công nhân cũng nêu ra các đề nghị có vẻ hấp dẫn nhưng cũng không mấy thành công.
Ðể tuyển được người, tờ Lao Ðộng nói "Nhiều doanh nghiệp tuyển hàng ngàn lao động phổ thông, không cần kinh nghiệm, có cả lương học việc... để thu hút." Nhưng dù loan báo "cần tuyển gấp" thì lượng người tới xin việc tại các KCN-KCX "vẫn rất lèo tèo".
Tờ báo thuật lời Phi Long - cán bộ tuyển dụng công nhân may - KCN Tân Bình - giải thích: "Do công ty có thêm chuyền mới, thêm xưởng mới nên cần thêm rất nhiều nhân công, trong khi đó nhiều công nhân đang làm nhưng cũng nhảy sang doanh nghiệp khác vì nghe nói có mức lương khá hơn, nên công ty lâm vào tình trạng thiếu lao động. Mặc dù chúng tôi treo biển 'cần tuyển gấp' suốt nhiều tháng nhưng vẫn thiếu lao động. Có khi trưng biển tuyển dụng cả năm trời mà công ty vẫn cứ thiếu lao động dài dài".
Tờ Lao Ðộng nói vì quá cần người nên các công ty ở các khu công nghệ trở nên "xuề xòa" đối với tiêu chuẩn tuyển dụng. Có công ty sản xuất gốm sứ thủy tinh đang cần 500 công nhân, chỉ cần gọi điện thoại nói chuyện với người tuyển dụng là có thể có việc làm ngay "không cần quan tâm tới trình độ".
Theo con số của tờ Lao Ðộng dựa trên thống kê từ ban quản lý các KCN-KCX, "chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có hơn 30,000 lao động 'nhảy việc', so với tổng số 252,268 lao động đang làm việc hiện nay. Tỉ lệ công nhân thôi việc, bỏ việc gần 12%."
Nguyên nhân được giải thích chính yếu là "Khi mới bắt đầu làm, trong thời gian học việc họ dễ dàng chấp nhận mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng, nhưng khi đã quen việc, họ lại có xu hướng đổi chỗ làm, dù đôi khi mức lương ở các nơi chỉ chênh lệch vài trăm ngàn đồng".
Từ đầu năm đến nay, lạm phát tại Việt Nam leo thang chóng mặt, nhất là khi nhà cầm quyền Hà Nội đánh sụt giá đồng bạc, lại tăng giá xăng, giá điện. Tháng 6 vừa qua, lạm phát lên gần 21%. Nhiều bài báo mô tả cho thấy người công nhân lao động không đủ tiền trang trải các chi phí căn bản.
Hơn 330 vụ đình công đòi tăng lương đã xảy ra tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chỉ vì công nhân không đủ sống.
Tờ Lao Ðộng dẫn lời một nữ công nhân tên Lê Thị Thu ở khu công nghệ Tân Bình, Sài Gòn, than thở: "Ở chỗ làm cũ của tôi mức lương thấp không đủ cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, còn tiền thưởng hiếm khi có mà phạt thì nặng, có tháng bị trừ gần cả nửa tháng lương. Nghe bạn bè nói công ty khác có mức lương tốt hơn nên tôi bỏ việc xin chuyển".
Theo tờ Lao Ðộng, tình trạng này không chỉ xảy ra ở các công ty nhỏ, trả lương thấp, mà ngay cả những xí nghiệp lớn, lương thưởng ưu đãi "cũng phải lao đao trong cuộc chạy đua tìm nguồn lao động, đặc biệt lao động có tay nghề".
Nguyễn Tấn Ðịnh, phó trưởng BQL các KCX-KCN Sài Gòn, cho rằng "thu nhập tại các KCX-KCN không còn hấp dẫn là những nguyên nhân gây nên tình trạng khan hiếm lao động hiện nay"