THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 July 2011

Cách mạng Hoa Lài sẽ diễn ra tại Việt Nam


Thanh Tùng (danlambao) ­- Sợ hãi là một loại cảm xúc, nó cũng giống nhiều cảm xúc khác như yêu ghét, giận hờn, căm thù... cảm xúc sợ hãi không chỉ đơn giản là thứ cảm xúc bình thường mà nó là một kiểu bản năng sinh tồn, không chỉ loài người mới có. Con vật cũng biết sợ hãi... sợ để sinh tồn, phải biết sợ để tự vệ, và bảo vệ bầy đàn.




Khi bị rượt đuổi, bị tấn công hay đứng trước những gì bất thường thì phản ứng của con người cũng như con vật đều tỏ ra sợ hãi. Chỉ có điều giữa con người và con vật sự sợ hãi cũng có nhiều khác biệt. Sự khác biệt đó là con người biết dùng lý trí để phân tích, hiểu rõ vấn đề, từ đó kiểm soát sự sợ hãi của mình còn con vật thì không. Bởi lẽ sợ hãi nó vừa mang lý tính khách quan vừa mang cảm tính chủ quan. Đứng trước một đối thủ nặng ký hơn, hay một kẻ thù tàn bạo có thể đe dọa đến an ninh, tính mệnh của mình, con người đương nhiên vấp phải sự sợ hãi. Ban đầu là cảm giác sợ (cảm tính chủ quan), sau đó lý trí sẽ thay thế cảm xúc, để phân tích xem tương quan lực lượng đôi bên ra sao ? Đối thủ có những gì và mình có những gì ? Họ có thể làm gì được mình và làm đến mức nào ? Một loạt những sự kiện giả định được đặt ra nhằm lường đoán kết quả sẽ xảy ra... khi đã phỏng đoán một cách sơ lược về kết quả của vấn đề thì họ tự khắc kiềm chế được sự sợ hãi của mình. Hay nói cách khác là con người biết dùng lý trí để tự kiểm soát sự sợ hãi. Lúc đó sợ hãi đi từ cảm xúc chủ quan sang cảm xúc khách quan.


Cũng có những thứ sợ hãi đơn thuần chỉ là cảm tính chủ quan như nhìn từ trên cao xuống, mặc dù bạn đang ở một vị trí rất an toàn nhưng vẫn thấy sợ. Hay đang ở trong bóng tối, mặc dù sẽ không có ai đó tấn công bạn nhưng bạn vẫn sợ bóng tối. Hay một ví dụ khác, khi bạn bị một đối tượng nào đó tấn công và gây tổn thương, thì lần sau khi gặp lại đối tượng kia hay chỉ là một thứ gần giống như vậy sẽ làm bạn sợ mặc dù thời điểm hiện tại và trong quá khứ vốn đã có nhiều khác biệt. Có những thứ trước đây sẽ xảy ra như vậy, nhưng hiện tại điều đó là bất khả... tất cả những thứ sợ hãi xuất phát từ cảm tính đều là sợ hãi chủ quan.


Chủ nghĩa cộng sản quốc tế được đánh dấu kể từ sau cuộc ‘cách mạng’ tháng 10 Nga và sau đó lan sang các nước như TQ, VN, Bắc Hàn, Cuba... và tất cả các chế độ độc tài khác trên Thế giới đều có một điểm chung là biết cách khai dụng sự sợ hãi để cai trị dân chúng. Khi nắm được quyền lực, việc đầu tiên mà các vị lãnh tụ làm là sử dụng võ lực để bắt bớ tra tấn hay trấn áp dân chúng và các lực lượng đối lập. Ai cũng sợ vũ lực... và nhờ đó các chế độ độc tài đã ung dung nắm quyền, tướt đoạt mọi giá trị căn bản của người khác một cách thô thiễn nhất.


Đảng CSVN sau khi nắm quyền ở miền Bắc đã thực hiện chính sách đàn áp, sử dụng bạo lực với dân chúng một cách có hệ thống, họ gieo rắc sự sợ hãi lên cả miền Bắc để nắm quyền độc tôn cai trị. Sau năm 1975, CS cưỡng chiếm miền Nam và sau đó cũng thực hiện chính sách cai trị bằng bạo lực trên cả nước. Những vụ bắn giết không được xét xử, những vụ đánh đập tra tấn dã man, những hố chôn người tập thể, những nhà tù khổ sai là phương tiện để duy trì quyền lực trong gần sáu thập niên cầm quyền.


Thế giới ngày hôm nay với những định chế về Tự do Dân chủ, các cuộc cách mạng đòi nhân quyền đang diễn ra rầm rộ ở nhiều khu vực trên thế giới. Các nhà độc tài liên tiếp bị Tòa án quốc tế truy nã. Thế giới văn minh không còn chấp nhận những biện pháp trấn áp bằng võ lực khiến cho những nhà độc tài không dễ dàng đàn áp dân chúng mà không bị trừng phạt hay trả giá. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, họ cần suy nghĩ lại về thân phận của mình trước sự chế tài của quốc tế và từ đó các vụ giết chóc, thảm sát cũng dần giảm thiểu.


Cổ nhân có câu: "Một lần bị rắn cắn, cả đời sợ dây thừng". Người dân VN cũng giống như nhiều nạn nhân của các chế độ độc tài khác cũng đang ở trong tâm trạng như vậy. Họ trải qua một thời gian sống trong sợ hãi quá lâu khiến cho cảm giác sợ hãi trở thành quán tính không thể dễ dàng một sớm một chiều có thể vứt bỏ được. Để có thể vứt bỏ sự sợ hãi cố hữu đang lưu cửu trong mỗi người dân Việt chúng ta xưa nay cần có một chất xúc tác thật mạnh. Chất xúc tác đó phải là một lý do, một động lực để người dân VN nhận thức rằng: Sự sợ hãi không còn là bản năng SINH TỒN nữa mà ngược lại sợ hãi đồng nghĩa với DIỆT VONG. Có như thế, người dân VN sẽ từ bỏ bản năng sinh tồn - một thứ cảm tính chủ quan của mình để thay thế vào đó là lý tính khách quan.


Trung Quốc đang là mối hiểm họa cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Chính quyền Bắc Kinh đang âm mưu chiếm đoạt của cải, tài nguyên và tiến đến nô lệ hóa người dân VN. Còn chính quyền Hà Nội thì nhu nhược đối với kẻ thù. Không những thế, vì sự tồn vong của tập đoàn lãnh đạo, Đảng CS đã có những sự "đồng thuận" ngầm giữa hai nhà nước. CSVN thỏa thuận nhượng đất nhượng biển cho Bắc Kinh để đổi lấy sự bảo vệ về mặt an ninh cho chế độ. Họ sẵn sàng biến dân tộc VN trở thành nô lệ cho Bắc triều trong tương lai miễn sao trước mắt, chiếc ghế quyền lực được giữ vững, tiền bạc, đất đai của họ không bị tổn hại là được. Họ đã bộc lộ bản chất nhơ bẩn của những kẻ chỉ biết vì quyền lợi bản thân, đảng phái khi gạt bỏ lợi ích quốc gia qua những hành vi bán nước trắng trợn. Hành động ngang ngược của Tàu cộng và hành vi phản quốc của Việt cộng là động lực, là chất xúc tác hữu hiệu khiến người dân VN vượt qua sợ hãi để cùng đứng lên thực hiện ý chí và trách nhiệm của mình và đi đến những quyết định chung. Nếu nhân dân VN còn sợ hãi bạo lực không dám đấu tranh vì sự tồn vong của quốc gia, thì điều này đồng nghĩa với họa diệt vong cho toàn dân tộc. Sự sợ hãi đã không còn là để TỰ VỆ mà trở thành TỰ SÁT.


Khi sự sợ hãi bị đẩy lùi, người dân dám đứng lên thể hiện ý chí của mình thì đó là thời điểm chấm hết đối với chế độ CS. Từ những cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, sẽ biến thành cuộc biểu tình đòi Công bằng Xã hội, đòi Tự do Dân chủ, vì Công bằng Xã hội và Tự do Dân chủ là khát vọng luôn đồng hành với lòng yêu nước. Từ cuộc tuần hành nhỏ trên đường phố sẽ chuyển sang những cuộc đấu tranh với qui mô lớn làm rúng động guồng máy cai trị của chế độ CS. Các cuộc biểu tình sẽ làm người dân bớt sợ hãi và tập làm quen với sự phản kháng (như một biểu hiện của quyền công dân). Không thể cai trị dân chúng bằng sự sợ hãi được nữa thì tương lai tập đoàn CS sẽ đi về đâu khi từ trước đến nay, phương pháp duy nhất để duy trì quyền lực của CS là "nhân giống" sự sợ hãi ?


Có thể nói, những cuộc biểu tình chống Trung Cộng và cuộc cách mạng đòi Dân chủ khác nhau về hình thức nhưng có cùng bản chất. Hình thức là chống Trung Quốc hay đòi Dân chủ mà thôi. Xét về bản chất, cuộc biểu tình chống Trung Cộng là nhát dao cắt đứt sợi dây sợ hãi trường cửu bấy lâu nay để từ đó ươm mầm cho sự phản kháng của dân chúng. Có ai muốn sống đời sống của kẻ nô lệ, có ai không muốn được tự do-hạnh phúc (đích thực), có người dân nào không muốn làm chủ vận mệnh đất nước mình ?. Nhân dân VN sẽ cùng nhau xuống đường và đi đến quyết định giải thể chế độ CS vì họ nhận thấy điều đó là cần thiết để mở ra một sinh lộ cho dân tộc. Chống Trung Cộng và sau đó chống CS là hai sự việc có mối quan hệ nhân quả, đã có nhân chắc chắn sẽ có quả, không thể nào sai khác được. Bản thân giới lãnh đạo CS cũng hiểu rõ điều đó, nhưng họ không thể yêu cầu đàn anh TC không cướp dầu, không bắn giết ngư dân, không xâm phạm hải phận của VN được ! Họ cũng không thể bảo người dân VN đừng chống TC được ! Cách duy nhất mà những người CS muốn làm là đàn áp, nhưng chắc chắn một điều, đàn áp chưa chắc khuất phục được lòng yêu nước trong mỗi người dân VN, ngược lại càng lộ rõ bộ mặt phản quốc của Đảng CS. Kết quả sẽ như "tưới thêm dầu vô lửa". Chế độ CS càng mau chóng suy tàn. Thời điểm hiện nay, thật không có gì là chủ quan khi nói rằng: Mùa xuân Ả rập đang đến VN hay Cách mạng Hoa Lài sẽ nổ ra tại VN.