VN hạn chế nhập khẩu 'là phạm luật WTO'
Chính phủ Việt Nam bắt đầu hạn chế nhập xe.
Chỉ ba tháng sau khi ra Nghị quyết 11 nhằm ổn định nền kinh tế, chính phủ Việt Nam mới đây công bố qui định hạn chế nhập xe hơi, điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu mạnh và rượu vang.
Nhà chức trách nói rằng việc hạn chế này sẽ giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng từ hàng chất lượng kém và hàng giả.
Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp và giới ngoại giao nước ngoài nói rằng nỗ lực nhằm hạn chế nhập khẩu có khả năng vi phạm luật thương mại quốc tế.
Chính sách giới hạn nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp cũng như khiến nỗ lực mở cửa kinh tế hai thập niên của Việt Nam bị ngưng trệ khi nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn đang có các cuộc đàm phán các hiệp định mậu dịch tự do, giới ngoại giao EU và Hoa Kỳ được báo Anh, tờ Financial Times trích dẫn.
Biện pháp hạn chế nhập khẩu của Việt Nam gây ra gián đoạn đáng kể trong mô hình xuất khẩu của EU và gây thiệt hại lớn cho chúng tôi
Liên hiệp Âu châu
Liên hiệp Âu châu vào tháng trước đã gửi thư tới ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Thương mại của Việt Nam, cảnh báo ông rằng việc Việt Nam đưa ra hạn chế này sẽ "gây ra sự gián đoạn đáng kể trong mô hình xuất khẩu của EU và gây mất mát lớn về thương mại cho xuất khẩu EU đối với các sản phẩm có trị giá tới hàng triệu euro",
Bức thư cũng đã yêu cầu phía Việt Nam tạm đình chỉ các biện pháp này ba tháng, theo một số người đã đọc thư này cho Financial Times biết.
EU nói đây là động thái mới nhất trong một loạt các hạn chế “làm tăng quan ngại nghiêm trọng" về mong muốn của Việt Nam muốn tuân thủ các qui định của Tổ chức Mậu dịch Thế giới.
'Đi ngược cam kết'
Điện thoại cầm tay cũng thuộc sản phẩm phải đưa qua một số cảng được chỉ định.
Việc Việt Nam giới hạn nhậu khẩu này là "đi ngược lại với ước muốn chung giữa các bên để xúc tiến các cuộc đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do", thư của EU nói thêm.
Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Thương mại, vào hôm thứ Hai nói rằng việc hạn chế nhập khẩu là một "biện pháp cần thiết” để giảm thâm hụt mậu dịch, kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế.
Ông bác bỏ ý nói rằng Việt Nam đang vi phạm cam kết WTO của mình.
Một trong những biện pháp có hiệu lực vào tuần trước là việc hạn chế nhập khẩu điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu vang và rượu mạnh, tức là nay chỉ được nhập tại ba cảng biển được chỉ định (Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) và qui định này yêu cầu bên nhập khẩu phải có được một giấy ủy quyền có công chứng từ một văn phòng ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài các đại lý xe hơi độc lập đang bị ảnh hưởng, các nhà nhập khẩu khác phải đối mặt với một khó khăn hết sức lớn để thực hiện theo quy định mới này.
Trong bối cảnh phần lớn thâm hụt thương mại của Việt Nam là kết quả từ trao đổi thương mại với Trung Quốc, trong đó Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu thô như dầu thô và cao su từ Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm như xăng dầu, hàng điện tử thì giới quan sát nghi ngờ rằng những hạn chế mới này sẽ có tác động thực sự.