THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 April 2011

Những câu chuyện ghi được trước cổng phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ


Sáng 4 tháng 4 / 2011 tôi trở dậy sớm hơn mọi ngày, đảo qua vài băng sóng trên chiếc radio cũ rích để nắm bắt tin tức, chưa kịp tắt đài thì đã có người gọi cửa. Vợ tôi ra mở cửa và trở vào cho tôi biết có người muốn gặp tôi. Tôi bảo: Bà ra mời người ta vào, chắc lại chuyện về phiên toà xử CHHV rồi đây. Đúng như tôi phỏng đoán, khách là một nhân viên an ninh trẻ, người đã tham gia bắt giữ tôi ngày nào tại cửa hàng photo trên đường Quang Trung của Quận Hà Đông . Anh ta rất lịch sự hỏi tôi: Chú định đi đâu bây giờ đấy? Tôi bảo: Sao ông cứ quan tâm đến việc riêng của tôi thế nhỉ? Không biết tôi có còn chút tự do cá nhân nào nữa không? Nói vậy, tôi cũng chẳng việc gì phải dấu anh ta, tôi bảo: Tôi muốn qua chia sẻ với Luật Sư Trần Lâm về sự bất hoà giữa cụ với vợ và em gái của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, người lẽ ra sẽ là thân chủ của cụ trong phiên toà sáng nay, sau đó tôi sẽ ra phiên toà ít nhất cũng để hít thở cái không khí pháp đình dù chắc chắn sẽ chỉ dặt dẹo ngoài đường! Viên an ninh trẻ vẫn kiên nhẫn: Ra đó là quyền của chú thôi, theo cháu chú không nên ra đó làm gì, chắc chắn chú không thể đến gần toà được.

Tôi cũng kiên nhẫn bảo: Tôi là người cầm bút, kể từ ngày nào ông bắt giữ tôi, tôi vẫn kiên định: Tôi chỉ có một khát vọng, khát vọng cháy bỏng là được nói với mọi người là chúng ta đang sống những ngày như thế nào? Vụ xử Cù Huy Hà Vũ đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, cả trong nước, cả ngoài nước. Tôi sẽ viết cái gì nếu như tôi của ru rú ngồi nhà tưởng tượng rồi cho ra những bài nịnh cho an toàn? Nói thật lòng nhé, bài nịnh đã có hơn 700 tờ báo và tạp chí, hàng trăm đài truyền thanh, truyền hình làm rồi, không cần đến cái ngữ tôi. Vả lại, không dám ra đó, ngay các ông cũng khinh tôi, coi tôi là thứ "sạo – cuội" chứ dân chủ, phản biện cái quái gì!? Chẳng biết nói thế, tôi có làm anh ta phật ý không? Chỉ thấy anh ấy cũng lịch sự lặng lẽ cáo từ. Một lúc sau tôi cũng dắt xe ra đường, tôi sẽ đến toà bằng xe đạp như ngày nào tôi đến với toà xử Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Vũ Hùng…

Tôi mải miết đạp xe len lỏi trong cả một biển xe máy, ô tô các loại. Trong đoàn người hối hả, cuống quýt đua chen, tôi nhận thấy, dù có sự kiện nhậy cảm thế này mà suốt lộ trình từ Hà Đông ra tới toà án thành phố, không một lần tắc đường. Cảnh sát giao thông điều khiển đi lại thông suốt. Tôi lướt qua những điểm đỗ xe bus, chứng kiến những gương mặt ơ hờ đứng ngóng chờ xe, qua cổng các trường Đại Học Kiến Trúc, Đại Học Quốc Gia chứng kiến biết bao gương mặt trẻ tương lai của đất nước rất thời thượng nhưng cũng rất vô hồn trước thời cuộc. Không biết có phải đây cũng là một trạng thái tâm lý đặc biệt chỉ có ở người Việt Nam giai đoạn này hay không?

Gửi xe vào bãi giữ xe của cung văn hoá Việt Xô, lững thững quay ra, thì gặp cựu đại tá T… mái tóc trắng xoá, người đã từng cùng đơn vị với anh hùng Tô Vĩnh Diện những ngày kéo pháo vào, kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ. Thấy tôi ông nheo mắt cười rồi giơ tay làm chữ V để chào tôi rồi lượn một đường cua rất điệu nghệ vào bãi đỗ xe.

Qua đường Yết Kiêu, qua đường Lý Thường Kiệt, đến đường Hai Bà Trưng, tôi có mặt ở cổng Toà Án Hà Nội lúc 8h 15 phút. Nhìn bao quát dọc đoạn phố này, tôi thấy ở bên đường phía bệnh viện có những đám đông dân chúng lẫn với rất đông công an mặc sắc phục, CSCĐ mặc trang phuc xám, đi giầy bốt, rất đông nhân viên an ninh không mặc sắc phục, trên tay họ không phải là dùi cui mà là điện thoại di động, là camera ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số. Tôi thấy có nhiều tiếng la ó, thấy những lẵng hoa rất lớn trên tay những người phụ nữ lam lũ đang bị xô đẩy ra xa, tôi đoán đây là hoa của dân oan, của giáo dân đâu đó trong nước muốn dành cho ông Cù Huy Hà Vũ người đã bênh vực họ sẽ bị ra toà vào sáng ngày hôm nay. Bên đường đối diện, xế trước toà nhà thư viện quốc gia đậu chềnh ềnh một xe vòi rồng phun nước mầu đỏ rực đầy uy lực răn đe. Vì mê mải quan sát đám đông bên kia đường, tôi không hay biết là sau lưng tôi chiếc Taxi Mai linh đang bấm còi inh ỏi đã kè xát bên tôi. Nhẩy vội lên hè đường, chiếc Taxi cũng vụt đi, thoảng trong tai tôi là câu chửi: "…thằng già điếc à!" của tay tài xế trẻ măng đầu trọc lốc. Tôi lẩm bẩm: Mày chỉ được cái là giỏi hùng hổ với chúng tao, đố mày chửi thế với đám "Người Lạ", "Nước Lạ" đấy! Bằng tuổi chúng mày thế hệ chúng tao là "Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa", là xẻ dọc Trường Sơn là làm việc bằng 2 vì CNXH chứ đâu có như chúng mày.

Tôi rất bất ngờ khi thấy đứng rất gần tôi, bên một gốc cây lớn, một cụ ông rất đẹp lão, tay trái cụ đang lần tràng hạt, tay phải cụ cầm một cây nến lớn đang leo lét cháy. Cụ đang lim dim đọc Kinh Hoà Bình. Tôi nghe rất rõ lời của Thánh Phanxico:

"Để con đem yêu thương vào nơi oán thù.
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hoà vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm
Để con đem tin kinh vào nơi nghi nan
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Đem niềm vui đến chốn u sầu."

Tôi đường đột đến bên cụ lễ phép hỏi: Ban ngày mà cụ đốt nến làm gì? Nhìn tôi, kẻ ngoại đạo, cụ nhân từ giảng giải: Tôi đốt nến là để đốt lên ánh sáng của công lý, ánh sáng của sự cứu rỗi, mang lại an hoà cho mọi người dân Việt Nam. Câu chuyện giữa cụ già và tôi đã lọt vào tai một người xe ôm đứng gần đó. Thấy anh ta bất ngờ rút điện thoại gọi đi đâu đó, tôi đoán anh ta là một nhân viên an ninh cải trang đang làm nhiệm vụ. Tôi linh cảm thấy không nên đứng lâu ở đây, trước khi rút đi, tôi nói với ông cụ: Cụ đã già quá rồi mà cụ vẫn chưa hết lo lắng cho mọi người, chẳng bù cho biết bao người đang đi qua con đường này một cách hết sức dửng dưng.

Tạm biệt cụ già đốt nến, tôi cố tiến xát tới cổng tòa án hơn, phải lách qua biết bao camera đang hối hả ghi hình nhận diện mọi di biến động trên đường, thì giật mình khi có người vỗ vào vai và hỏi: Đạo diễn điện ảnh Trần S…phải không? Tôi quay lại ngơ ngác nhìn một người đàn ông dáng dấp rất nghệ sĩ có lẽ phải hơn tôi dăm tuổi. Để ông khỏi khó xử, tôi ậm ờ không nói rõ điều gì bằng một câu hỏi ngược lại: Huynh đến đây làm gì đấy? Ông ta vui vẻ bảo: Moa đến để khẳng định điều mà Moa hằng nghĩ: "Những gì đúng đắn mà lại bất lợi cho chính thể này là họ sẽ đàn áp – Những gì sai trái mà có lợi cho họ thì họ OK", thế Toa nghĩ thế nào? Tôi bảo: " Tôi không phải là đạo diễn điện ảnh như huynh nghĩ đâu, tôi là người cầm bút tự do. Tôi đến đây để được nhìn rõ gương mặt của đồng bào tôi trong những ngày này, để được nghe, được biết đồng bào tôi nghĩ gì, nói gì về những ngày tháng này?".

Tôi và người đàn ông có dáng dấp nghệ sĩ chẳng kịp nói với nhau nhiều thì xung quang vang lên những tiếng la hét rất huyên náo. Một chiếc xe bus lớn đỗ xịch bên lề đường, tôi thấy xuất hiện rất nhiều các nhân viên công lực mặc thường phục đeo băng đỏ trên tay cứ 2 người trấn áp quyết liệt một người rồi đẩy người bị bắt giữ vào trong xe bus. Người bị trấn áp đa phần là các nữ dân oan ở ngoại tỉnh, họ xanh xao, lam lũ và gầy yếu . Nhìn cảnh tượng đó Lão Nghệ Sĩ bỗng nói một tràng tiếng Pháp mà tôi chẳng hiểu là ông nói gì, đoạn ông nhìn tôi bằng cặp mắt buồn rười rượi, ông nhún vai bỏ đi, tôi nhanh chân bước vội vào siêu thị sách ở kề bên đường. Vào đó mới hay có khá đông người đã vào đó rồi, chẳng biết ai là khách đi mua sách, ai là an ninh, ai là người đến xem toà. Tôi lang thang qua các kệ hàng bán văn phòng phẩm cố bắt chuyện với một ông trạc tuổi tôi, dáng dấp như một nhạc sĩ. Tôi linh cảm ông ta cũng như tôi thôi đang muốn quan sát thế thái nhân tình ở phiên toà này, tôi đã thất bại, có lẽ "Nhạc Sĩ" không tin tôi là người có thể bắt chuyện được, theo ông tôi là một "Xen Đầm" đang làm công vụ!

Không thể ở lâu trong siêu thị sách được, tôi lại bước ra đường rồi rẽ vào Bar Café trước sảnh Thư viện quốc gia gọi một ly chanh vắt, tôi tá hoả khi biết giá ly nước là 2 USD (45000VND), tôi vẫn OK vì rất cần chỗ ngồi hợp pháp để vừa quan sát vừa ghi chép. Cuối cùng tôi cũng chẳng ghi chép được gì vì 2 ông Mục Sư Tin Lành cũng tuổi như tôi ngồi bàn bên tranh luận với nhau quá ầm ĩ về đời sống tâm linh, về Phan Thị Bích Hằng, về Trung tâm tiềm năng con người ở Đông Tác, nơi đó tôi có một ông thầy đang làm việc và việc trung tâm này đã bị cơ quan an ninh xâm nhập như thế nào. Công nhận là các vị Mục Sư có trình độ diễn thuyết và kiến thức là thâm hậu rất đáng nể. Tôi chỉ thực sự bứt ra khỏi những tranh luận của 2 vị Mục Sư này khi một cháu thanh niên đeo kính trắng dáng dấp ốm o lễ độ kéo ghế xin ngồi cùng tôi với một phin café với giá cũng là 2,5USD! Tôi và cháu hoà chuyện với nhau rất nhanh. Cháu cho tôi biết cháu sinh năm1977, quê ở Việt Trì. Cháu đã từng học Toán đến năm thứ 4 Đại Học Sư Phạm Hà Nội thì bỏ học vì thất vọng khi nghĩ về tương lai. Cháu đang làm chủ một cửa hàng nhỏ bán Sách Giáo Khoa ở Việt Trì, sống độc thân vì bị suy thận. Cháu bảo, qua đời sống mạng, cháu rất kính trọng Luật Sư Cù Huy Hà Vũ. Cháu bảo: Hôm qua thằng bạn cháu cũng làm CSCĐ biết cháu sẽ đi Hà Nội vì việc này đã gọi điện bảo đừng đi chẳng có lợi lộc gì đâu, án bỏ túi rồi. Cháu vẫn cứ đi, chỉ vì một lẽ rất đơn giản : Cháu không hề bất ngờ trước những gì vừa xẩy ra, biết chắc rằng người ta không để cho ai vào dù họ tuyên bố là xử công khai, nhưng không đi cháu thấy lương tâm mình bất ổn.

Cháu bảo, gần đây cháu rất tâm đắc khi đọc 3 bài viết của các tác giả Nguyễn Minh Cần "Không ai được đùa với cách mạng và nổi dậy", Tô Hải với bài "Hương hoa lài làm tôi nhức óc" và bài "Cách mạng đâu có đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông" của thầy giáo Nguyễn Thượng Long. Cháu bảo, theo cháu các tác giả này là những người có trách nhiệm. Tôi ém nhẹm với cháu việc tôi là ai đang ngồi trước cháu và chúc cháu gặp được nhiều an lành rồi tạm biệt cháu sau khi đã trao cho nhau Email. Phía trước tôi còn quá nhiều công việc.

Tôi bước ra khỏi Bar Café, lững thững rời khỏi đoạn phố Hai Bà Trưng lúc này đã bị công an khoá chặt 2 đầu bằng hàng rào Barie sắt. Vào tới đầu phố Lý thường Kiệt thì một dân oan quen biết tiến đến xát tôi thì thào: Ông cẩn thận đấy, ông đi đâu là tôi thấy một công an bám xát ông đấy. Tôi bảo: xin cám ơn, việc mình mình làm, việc họ họ làm, kệ họ thôi, cần nhất đừng có làm điều gì trái đạo lý.

Trở về đến trước cung Lao Động Việt Xô trong một trạng mệt mỏi và buồn bã, rẽ vào quán bia Việt Hà, chưa uống hết một vại thì thấy viên Trung Tá "Giặc Lái" quen biết tôi dắt xe vào. Trung Tá cũng làm một cuộc thị sát như tôi và cho tôi biết vừa có hàng loạt vụ bắt bớ diễn ra trong buổi sáng hôm nay, trong đó có những gương mặt nổi tiếng như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Lê Quốc Quân người đang là ứng cử viên Quốc Hội độc lập…và điều mà tôi thú vị nhất là ông nói ông là chỗ thân tình với tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi càng thú vị hơn khi được biết bạn học với tôi ở Cấp 3 Nguyễn Trãi Hà Nội những năm đầu 1960 Nguyễn Nguyên Bình là con gái cụ Vĩnh. Nguyên Bình tốt nghiệp văn khoa sau Nguyễn Phú Trọng 2 năm. Nguyên Bình đã từng làm phiên dịch tiếng tầu khi hỏi cung tù binh Trung Quốc sau chiến tranh biên giới 1979. vừa qua Nguyên Bình viết thư ngỏ cho Nguyễn Phú Trọng, nhắc ông đừng làm những gì để các thầy cô giáo cũ, bạn bè cũ phải phiền lòng và cũng nhờ Trung Tá mà tôi biết tấm ảnh mà ông Hồ Chí Minh bón cơm cho cháu bé ở chiến khu năm 1948 hay 1949…cháu bé đó chính là Nguyên Bình và một bức ảnh lịch sử nữa là bức ảnh Hồ Chí Minh bồng trên tay một bé gái được phóng rất lớn đang treo ở toà nhà đối diện với Bách Hoá Tổng Hợp cũ, bé gái đó cũng chính là hình ảnh Nguyên Bình 60 năm về trước. Tôi cũng chẳng thể ngồi với viên Trung Tá không quân đó được lâu khi anh bạn tôi nháy máy nhắc tôi cụ Lê Hồng Hà nguyên Đại Tá, bí thư đảng Đoàn Bộ công an, nguyên chánh văn phòng Bộ công an muốn gặp tôi, tôi đoán cụ muốn tôi tường thật cho cụ biết không khí ở bên ngoài phiên toà.

Tạm biệt người bạn không quân, tôi lấy xe ra khỏi bãi gửi, chưa kịp lên xe thì Người Đương Thời Đỗ Việt Khoa hối hả gọi điện tới, hỏi tôi đang ở đâu? Tôi hỏi vì sao Khoa biết số máy của tôi khi mà cả 2 số cũ của tôi đang bị kẻ xấu khống chế, khủng bố rồi tóm tắt với Khoa những gì mà tôi vừa quan sát được trước cổng Toà. Khoa bảo: Khoa đang đứng với dân oan ở đường Lý Thường Kiệt, Lãnh đạo Sở GD ĐT Hà Nội và Hiệu Trưởng PT TH Thường Tín A theo lệnh của công an đã cả chục lần yêu cầu Khoa về trường ngay. Khoa cứ rền rĩ bảo: Xử công khai mà lại cấm đoán thế này thì là công khai cái gì rồi Khoa cũng bảo: Em cũng chẳng lạ hiện tượng này, nhưng vì không được vào mà không đi…cứ thấy trong lòng áy náy thế nào ấy. Tôi chia sẻ với Khoa những gì vừa thu hoạch và cảm nhận được rồi động viên, nhắc nhở Khoa kiềm chế trước các ông Hiệu Trưởng, các bà Hiệu Trưởng, cùng các quan GD khác trên Sở, trên Bộ…họ cũng đang hôn mê trong quyết tâm "Giáo Dục Đào tạo chỉ biết còn "Ghế" là còn tiền"…

Tạm biệt Đỗ Việt Khoa, tôi nhanh chóng hoà mình vào dòng người, dòng đời, dòng xe cộ đang cuống cuồng đua chen mà buồn cho nhân tình thế thái. Tôi đã có một buổi sáng vô tích sự! Một buổi sáng:

"Ta dạo bước trên đường phố Huế,
Dửng dưng không một cảm tình chi…" (TH).

Không , tôi không dửng dưng, không vô cảm với cuộc đời này, cõi tạm này.

Ít nhất từ những gì mà tôi quan sát được phía bên ngoài của phiên toà xét xử Cù Huy Hà Vũ vào sáng hôm nay, cũng đủ để nói, những cảnh báo của tôi trong bài "Cách mạng không đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông" là có cơ sở là không sai. Còn nếu ai bảo tôi là kẻ bàn dùn, là thằng hèn tôi xin không tranh biện. Xin cũng được nói lại điều mà Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã nói trong toà:

"Tổ Quốc Việt Nam – Nhân Dân Viêt Nam sẽ phá án cho chúng tôi"

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
Hà Đông sớm 5 / 4 / 2011