Thứ năm, 7/4/2011, 19:40 GMT+7
|
* Ảnh: Hiện trạng khu khảo cổ bị sụt lún |
Từ ngày 23/3, đơn vị thi công tiến hành khoan hệ neo xuyên sang lòng đất của khu di tích tại khu vực phía bắc và đông bắc đã tác động làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn hợp chất có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn. Tại khu vực phía Đông Bắc (phạm vi hố C3), đơn vị thi công đã dùng máy xúc, khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La, đào phá vào các tầng đất thuộc chỉ giới bảo tồn và vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía Đông khoảng hơn 4m.
Theo Viện Khảo cổ, khi khoan hệ neo tường Nhà Quốc hội, đơn vị thi công đã làm vỡ cấu trúc tầng đất và đẩy nước bùn chứa polymer tràn sang di tích, phủ trùm lên di tích đang xuất lộ và bảo tồn tại khu vực phía Bắc. |
Viện Khảo cổ cho rằng, sự việc này không những đã vi phạm vào chỉ giới của di sản đã được xác định bảo tồn mà còn tiếp tục làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý đã được phát hiện. Tại khu vực đất đào, các chuyên gia nhận thấy có nhiều di vật khảo cổ chưa được thu gom.
Được khai quật năm 2003 với hàng trăm hiện vật quý giá của các vương triều Lý, Trần..., 7 năm sau (1/8/2010) Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. |
Theo Viện khảo cổ, đơn vị này đã nhiều lần làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội yêu cầu dừng việc dùng máy xúc thi công đào đất, đồng thời phải đưa ra biện pháp thi công khả thi nhằm đảm bảo không làm phá hủy di tích. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn tiếp tục dùng máy xúc đào khoét làm sụt lún đất và máy khoan hệ neo, làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và tràn nước bùn sang khu di tích.
Theo TS Bùi Minh Trí, Phó chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long, xây dựng nhà Quốc hội là một nhiệm vụ quan trọng, song việc bảo tồn di sản Hoàng thành cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Di sản này đã được cả thế giới công nhận bởi có giá trị vô cùng to lớn.
"Đơn vị thi công phải đưa ra phương án thi công khả thi để không làm ảnh hưởng đến khu di tích", ông Trí nói.
Trao đổi với VnExpress.net ngày 7/4, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình - đại diện chủ đầu tư, cho biết, phương án thi công tường chắn của Nhà quốc hội đã được tính toán kỹ lưỡng và Ban quản lý dự án đã lường trước những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới khu khảo cổ Hoàng Thành.
"Những sự cố xảy ra là khó tránh khỏi mặc dù đơn vị đã rất cẩn thận để không ảnh hưởng nền đất, mỗi mũi khoan kéo dài tới 6 giờ thay vì 2 giờ như bình thường. Khi đơn vị thi công khoan sâu thì phải có nước, gây tràn sang khu khảo cổ. Dây cáp để neo tường bao cũng đặt sâu 20m dưới lòng đất khu khảo cổ, không thể tránh được các vết nứt trên bề mặt", ông Nguyễn Tiến Thành bày tỏ.
Chiều 7/4, tại cuộc họp với Hà Nội, Bộ trưởng Thể thao Văn hóa và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long là công việc vô cùng quan trọng, Bộ luôn đứng về phía Hà Nội bảo vệ di sản quý giá này.
Tháng 10/2009, Nhà Quốc hội đã được khởi công xây dựng. Tòa nhà cao 39 m, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn trên 60.000 m2, khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ôtô. Công trình có tổng vốn 4.797 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng quý 3 năm 2012. Phát biểu tại lễ khởi công khi đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cam kết, sẽ kết hợp hài hòa với phương án bảo tồn khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc hiện đại song vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. |
Đoàn Loa
n