Gánh nặng lãi vay của người lao động
Ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, đến ngày 28/2, đã có tổng cộng khoảng 900 lao động Việt Nam trở về từ Libya. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc di chuyển lao động Việt Nam khỏi Libya đang được thực hiện một cách rốt ráo. Dự kiến đến ngày 2/3, sẽ có khoảng 7.500 trong tổng số 10.400 lao động đang làm việc tại Libya được đưa về nước hoặc di chuyển sang các nước lân cận.
Dù về nước an toàn, nhưng nhiều lao động lại đang lo lắng khi không biết làm thế nào để trả hết khoản nợ vài chục triệu đồng vay lãi để làm thủ tục trước khi đi. Anh Nguyễn Văn Hà (Hà Tĩnh) cho biết, thứ quý giá nhất anh mang được về nước là bộ quần áo mặc trên người, mọi tài sản khác đều mất hết khi hỗn loạn. "Biết là còn người còn của, nhưng giờ tôi thực sự hoang mang vì không biết phải làm gì để trả nợ, chỉ biết trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và doanh nghiệp đưa đi", anh Hà nói.
Hiện tại, mỗi lao động về nước đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước hỗ trợ tạm thời 1 triệu đồng, đồng thời được các doanh nghiệp đưa lao động đi hỗ trợ tiền tàu xe để về. Còn theo quy định của Thủ tướng về việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, những lao động tại Libya phải về nước vì lý do khách quan có thể được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/người từ Quỹ này. Ngoài ra, người lao động cũng được vay vốn với lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ Quỹ quốc gia về việc làm để học nghề trong thời gian 12 tháng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau khi hoàn tất việc đưa lao động về nước an toàn, Bộ mới tính toán các phương án chi trả mức hỗ trợ cụ thể, cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp đền bù hợp đồng đầy đủ cho từng lao động cụ thể. Dù vậy, tương lai của nhiều lao động chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn với những khoản vay lãi đang hàng ngày "đè" nặng trên vai.
Doanh nghiệp khó đòi nợ
Về phía các doanh nghiệp, ông Thanh cho biết, theo quy định, những lao động nào làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng phải về nước, thì doanh nghiệp đưa đi phải hoàn trả 50% tiền môi giới. Trường hợp lao động đã làm trên 1/2 thời gian hợp đồng, thì không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tiền tương ứng số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng. Nhiều lao động mới sang được vài tháng còn đang bị chủ sử dụng nợ lương, thì doanh nghiệp đưa lao động đi cam kết sẽ đòi hộ khi tình hình tại Libya lắng dịu.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp đã phải trả tiền môi giới cho công ty môi giới nước ngoài, nên doanh nghiệp sẽ phải thay mặt người lao động để đòi. Với tình hình củaLibya hiện nay, việc này gần như không thể thực hiện được. Nhiều doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn khi mất một khoản chi phí lớn để lo ăn ở, đi lại cho hàng nghìn lao động về nước. Đó là chưa kể số tiền phí dịch vụ phải hoàn trả đối với những lao động đã nộp đủ một lần.
Không những thế, đại diện một một số công ty cho biết, họ còn phải gánh số nợ vài tỷ đồng phí xuất cảnh khi cho nhiều lao động nghèo nợ trước khi đi. Cụ thể, người lao động đang nợ Công ty cổ phần Việt Nhật khoảng 5 tỷ đồng, Công ty SONA khoảng 3 tỷ đồng và Công ty cổ phần Việt Thắng khoảng 4,5 tỷ đồng tiền phí xuất cảnh. Trong bối cảnh người lao động gặp khó khăn, việc đòi nợ chắc chắn cũng không dễ dàng.
Việt Báo (Theo Đầu Tư)