J.B Nguyễn Hữu Vinh - Cô (Trịnh Kim Tiến) ngồi kể lại cho chúng tôi nghe khá bình tĩnh, cô nói rằng cô không thể khóc lúc này, dù cô là con gái. Nhưng với hoàn cảnh gia đình với bà nội đã già hơn 90 tuổi, mẹ bị ngơ ngẩn như mất hồn kể từ khi sự việc xảy ra, em gái còn nhỏ, cô phải đứng lên nuốt nước mắt vào trong để làm trụ cột bất đắc dĩ cho gia đình mình trong lúc này…
*
Đã từng là nạn nhân của vụ hành hung bất nhân từ những nhân viên công lực, nếm trải những đau đớn về tinh thần và thể xác với vị thế của một công dân trong đất nước Việt Nam luôn được ca ngợi hòa bình, ổn định và an ninh, nhất là ở Thành phố Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố Hòa Bình, tôi thấm thía những gì các nạn nhân phải chịu.
Nhận được tin có một nạn nhân chết oan khuất bởi sự lộng hành của viên Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, chúng tôi quyết định đến ghé thăm nhà nạn nhân, thắp nén hương cho linh hồn người đã chết oan khuất.
Căn nhà gần ngã tư Bạch Mai – Phố Huế cắt đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân chìm trong không khí buồn tê tái, dù bên ngoài vẫn nhịp sống sôi động, ồn ào.
Thắp lên nén hương cho người đã khuất, chúng tôi bần thần nhìn tấm di ảnh ông ngồi đó nhìn ra dòng người tấp nập đi lại như ngơ ngác, không hiểu lý do gì mình phải từ giã cuộc sống khi đang tuổi trẻ, sung sức để lại mẹ già và con dại.
Tiếp chúng tôi, cụ già mẹ nạn nhân đã hơn 90 tuổi, khóc nghẹn lời. Bà không thể nói được gì hơn ngoài dòng nước mắt cứ chảy chầm chậm trên đôi gò má nhăn nheo trước di ảnh người con thân yêu của mình.
Xung quanh nhà, một số bà con thân thích của người quá cố, cô con gái Trịnh Kim Tiến tiếp chúng tôi cho biết, mấy ngày qua, mẹ cô như người mất hồn, bà thì đã lớn tuổi, cô hết sức lúng túng khi người bố thân yêu khỏe mạnh đã ra đi oan khuất không thể nhắm mắt.
Cô ngồi kể lại cho chúng tôi nghe khá bình tĩnh, cô nói rằng cô không thể khóc lúc này, dù cô là con gái. Nhưng với hoàn cảnh gia đình với bà nội đã già hơn 90 tuổi, mẹ bị ngơ ngẩn như mất hồn kể từ khi sự việc xảy ra, em gái còn nhỏ, cô phải đứng lên nuốt nước mắt vào trong để làm trụ cột bất đắc dĩ cho gia đình mình trong lúc này.
Câu chuyện cô kể lại cũng như các phương tiện thông tin đã loan tải khi cô trả lời phỏng vấn, nhưng những chi tiết cô kể lại, làm chúng tôi không khỏi rùng mình vì cái chết đến đơn giản như thế và quan trọng hơn là sự vô cảm của những người đầy tớ nhân dân.
Những chi tiết chính có lẽ không cần nói thêm, nhưng những chi tiết như khi nạn nhân đã bị đánh đến bị liệt tứ chi vẫn bị giam giữ và mặc dù gia đình đã van xin nhiều lần, vẫn không được đưa đi cấp cứu. Ngay cả bát phở gia đình mua vào vẫn không cho nạn nhân ăn cho đến khi nguy cấp mang vào bệnh viện và nhịn đói cho đến khi chết.
Thậm chí, với một người đã liệt tứ chi khi đưa đi bệnh viện thì tay vẫn bị còng vào cáng! Và người nhà nạn nhân còn phải ở lại dọn dẹp phòng cho Phường trước khi đưa người cấp cứu ra đi vì bị giam cả buổi đã nôn vài sùi bọt mép làm bẩn nơi đó…
Quả thật là không còn gì để có thể chứng minh sự mất lương tâm và vô cảm hơn cả sỏi đá trước một mạng người dân.
Với tội ác đã gây ra như vậy, nhưng kể từ khi nạn nhân vào nằm viện từ 28/2 cho đến khi nạn nhân chết ngày 8/3 là cả một khoảng thời gian rất dài, viên công an này cũng như cơ quan công an Phường Thịnh Liệt không một lời thăm hỏi. Chỉ đến khi nạn nhân đã chết, thì mới cho người nhà đến đề nghị bồi thường tiền thuốc men và ma chay. Có phải họ nghĩ rằng với vài đồng tiền có thể làm được tất cả mọi thứ, có thể mua được mọi tội ác chăng?
Điều gia đình được an ủi là trong đau thương của mình, gia đình đã được rất nhiều người từ khắp nơi từ Hải Phòng, Nam Định và nhiều nơi khác, dù không quen biết hoặc liên quan, nhưng thương tâm trước cảnh đau đớn, oan khuất này đã đến chia sẻ, động viên.
Sự việc được cô gái kể lại rành mạch, rõ ràng nhưng trong đó toát lên một sự thật hết sức cay đắng về thân phận người công dân đang sống trong đất nước này luôn được Hiến pháp và Pháp luật khẳng định bảo vệ.
Sau bao chục năm chiến tranh, chiến đấu để xây dựng một đất nước giàu đẹp, một nhà nước của dân, do dân và vì dân, một nhà nước pháp quyền, lẽ nào, thân phận dân đen chỉ là như thế thôi sao?
Chia tay gia đình nạn nhân, người mẹ già nạn nhân nhìn chúng tôi qua làn nước mắt nói lời cảm ơn nhưng làm nhói lên trong chúng tôi nỗi đau, nỗi đau của sự oan uổng, lẩn khuất đằng sau cái chết của một con người, cái chết đến từ những kẻ mang danh "nhân dân".
Video câu chuyện cô gái con nạn nhân kể lại về cái chết của cha mình:
Hà Nội, ngày 14/3/2011