Tại hội thảo "Tình hình phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc" diễn ra ở TP.Cần Thơ ngày 10/3, bà Huỳnh Thanh Thảo - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Cần Thơ cho biết, những năm gần đây ghi nhận một số lượng đáng kể phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc. Đa phần họ kết hôn qua các công ty môi giới nước ngoài. Số liệu kết hôn, ghi chú kết hôn với người Hàn Quốc do Sở Tư pháp TP.Cần Thơ cung cấp cho thấy: Năm 2007 có 1.435 trường hợp; năm 2008 có 1.078 trường hợp; năm 2009 có 2.199 trường hợp và năm 2010 có 433 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và 1.364 trường hợp ghi chú kết hôn, chủ yếu với người Hàn Quốc. Một buổi "coi mắt" lấy chồng Hàn Quốc bị công an phát hiện tại TP.Hồ Chí Minh.Ảnh: TT Một buổi "coi mắt" lấy chồng Hàn Quốc bị công an phát hiện tại TP.Hồ Chí Minh.Ảnh: TT Vỡ mộng đổi đời nơi đất khách Đề cập thực trạng phụ nữ Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc, bà Huỳnh Thanh Thảo cho biết, đa số các cuộc hôn nhân không xây dựng trên tình yêu chân chính mà chủ yếu là qua mai mối. Do đa phần là con nhà nghèo nên hầu hết các cô gái lấy chồng ngoại đều nuôi hy vọng đến với cơ hội đổi đời, có điều kiện giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn. Còn tình yêu với chồng hoặc sự hòa nhập cuộc sống bên chồng như thế nào thì đa số các chị em không quan tâm và nghĩ rằng dần dần sẽ thích nghi được. Thực tế, theo bà Thảo, đã có nhiều đám cưới tổ chức chớp nhoáng để hợp thức hóa cuộc hôn nhân. Nhiều cô gái mù quáng, liều thân, mặc cho đường dây môi giới run rủi thế nào vẫn cam chịu. Đến khi qua xứ người, nhiều cô mới vỡ lẽ ra rằng chồng, gia đình chồng thực tế không như bức tranh tươi đẹp được vẽ vời qua miệng lưỡi của các "bà mai". Từ đây, họ lâm vào bi kịch vỡ mộng đổi đời nơi đất khách. Đám tang của một cô dâu Việt xấu số quê ở Cần Thơ, lấy chồng Hàn Quốc và bị chồng nhẫn tâm sát hại. Ảnh: CTV. Đám tang của một cô dâu Việt xấu số quê ở Cần Thơ, lấy chồng Hàn Quốc và bị chồng nhẫn tâm sát hại. Ảnh: CTV. Điển hình như chị T.N.H (29 tuổi, quê ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai). Chị H lấy chồng ngoại từ năm 23 tuổi nhưng chỉ sống cùng gia đình chồng được 2 tháng thì trốn về nước do bất đồng ngôn ngữ và phải chịu đựng nhiều khắc nghiệt trong sinh hoạt. H cho biết, ngày đó chị quyết định lấy chồng Hàn Quốc với hy vọng giúp gia đình vượt qua nghèo khó, nhưng không ngờ qua bên xứ người lại lâm vào cảnh khốn khổ trăm bề.
Bà Thảo cũng cho biết, có những trường hợp kết hôn là giả tạo mà người đàn ông Hàn Quốc hoặc Đài Loan không vì mục đích xây dựng quan hệ hôn nhân gia đình. Trong những trường hợp này, họ lợi dụng việc kết hôn nhằm thực hiện những việc làm bất chính, xâm phạm danh dự, nhân phẩm phụ nữ Việt Nam. "Nỗi đau giằng xé, duyên phận bẽ bàng, bơ vơ nơi đất khách. Đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy tình cảnh khó khăn mọi mặt, gia đình bên chồng thiếu khả năng tài chính nên cuộc sống của các cô đã nghèo lại càng nghèo thêm" - bà Thảo cho biết thêm. 99% nguyên đơn xin ly hôn với người nước ngoài là phụ nữ Bà Dương Thị Thu Hà - Phó Chánh án TAND TP.Cần Thơ cho biết, từ năm 2008 đến 2010, TAND TP.Cần Thơ đã thụ lý giải quyết trên 100 vụ ly hôn với người nước ngoài, số vụ ly hôn năm sau cao hơn năm trước. Trong đó có tới hơn 65% các vụ xin ly hôn với một bên là người Hàn Quốc, Đài Loan và có tới 99% nguyên đơn đứng đơn xin ly hôn là phụ nữ Việt Nam. Theo bà Hà, các mâu thuẫn được đưa ra để xin ly hôn thường là do thời gian tìm hiểu nhau ngắn; ngôn ngữ bất đồng; phong tục tập quán khác lạ, chênh lệch tuổi tác. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: Chồng nhậu nhẹt, bê tha, chồng có bồ, chồng coi thường vợ lấy mình vì tiền, chồng coi vợ như người ở; một số trường hợp bị chồng đánh đập, ngược đãi đành phải bỏ trốn về nước. Bà Hà cũng cho biết nhiều trường hợp khi về xin ly hôn tại TAND TP.Cần Thơ thì đương sự đã cùng chồng giải quyết ly hôn tại tòa án nước ngoài xong hoặc có mang được bản ghi chú hộ tịch của chồng là đã ly hôn với mình (đã được hợp pháp hóa lãnh sự). Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp khi có mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng, người phụ nữ bỏ về Việt Nam mà không có bất cứ một thứ giấy tờ gì, kể cả giấy đăng ký kết hôn khiến việc giải quyết hậu quả của hôn nhân không hạnh phúc gặp vô vàn khó khăn. Chính vì thế, bà Hà lưu ý các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài nếu mâu thuẫn trầm trọng trong mối quan hệ vợ chồng đến mức phải ly hôn thì trước khi trở về Việt Nam, họ cần phải đến tòa án hoặc phòng hộ chính địa phương để làm bản thỏa thuận ly hôn với chồng nếu có sự đồng ý của chồng. Nếu không, cô dâu Việt cần yêu cầu Tòa án địa phương giải quyết cho ly hôn, hoặc yêu cầu chồng mình có ý kiến về việc hôn nhân (đồng ý hoặc không đồng ý). Sau đó, cô dâu Việt mang các tài liệu trên tới Bộ Ngoại giao nước bạn để họ xin chứng nhận con dấu hoặc chữ ký của Tòa án, phòng hộ chính. Cuối cùng, cô dâu Việt mang các tài liệu này về Việt Nam, đến Sở Ngoại vụ TP.Hồ Chí Minh để được hướng dẫn hợp pháp hóa lãnh sự. "Hiện nay Đài Loan và Hàn Quốc chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam nên mặc dù đã có bản án của các nơi này thì các cô gái Cần Thơ khi về nước vẫn phải đến TAND TP.Cần Thơ để làm thủ tục xin ly hôn, đồng thời mang theo các giấy tờ trên đến nộp cho tòa án cùng hộ khẩu, đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân... thì việc giải quyết ly hôn rất thuận lợi và nhanh chóng" - bà Hà cho biết thêm. Trên 8.000 phụ nữ Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc
Ông Lê Khắc Thanh - Trưởng Phòng Hành chính - Tư pháp (Sở Tư pháp TP.Cần Thơ) cho biết, từ năm 2005 đến nay, có hơn 8.000 phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc và làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Sở Tư pháp TP.Cần Thơ. Ngoài ra, hàng năm có trên 500 phụ nữ Cần Thơ đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp. Riêng năm 2010 có 433 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và 1.364 trường hợp ghi chú kết hôn, chủ yếu với người Hàn Quốc. Theo ông Thanh, pháp luật Việt Nam quy định khá đầy đủ về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tuy nhiên, vẫn còn một số điểm bất cập như: Không cấm kết hôn khi tuổi tác quá chênh lệch; việc giúp đỡ các trường hợp bị bạo hành, ngược đãi còn hạn chế do chưa có quy định bảo hộ cho phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn được định cư ở nước ngoài... Từ thực trạng trên, để góp phần lành mạnh hóa, bình thường hóa việc phụ nữ Việt Nam kết hôn có yếu tố nước ngoài, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Cần Thơ kiến nghị Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Tư vấn hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thủ tục trong việc kết hôn, ly hôn với công dân Hàn Quốc. Đặc biệt là những cô dâu Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn xong nhưng không làm thủ tục bảo lãnh theo chồng được. Hội cũng đề nghị chính phủ hàn quốc có biện pháp ngăn chặn môi giới kết hôn giả, bảo vệ cô dâu Việt Nam, tránh tình trạng kết hôn với công dân Hàn Quốc thiếu khả năng tài chính... |