THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 February 2011

Năm nay gia đình Nguyễn Tấn Dũng ăn tết lớn


Năm nay, chắc hẳn gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng ăn tết lớn hơn mọi năm. Thực vậy, cứ xét vài biến cố liên quan đến ông trong khoảng khoảng thời gian trước tết thì sẽ thấy sự tin tưởng vừa kể là hoàn toàn có cơ sở. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã không những thoát nạn trong gang tấc vì vụ Vinashin, mà ông còn oanh liệt tiếp tục ngồi ở chiếc ghế thủ tướng tưởng chừng đã bị các đồng chí của ông đốn gãy trước đó. Ngoài ra, ông còn đưa được cậu quý tử Nguyễn Thanh Nghị vào Trung ương Đảng, cơ quan quyền lực chỉ thua bộ chính trị, dù rằng Nguyễn Thanh Nghị không phải là đại biểu dự đại hội Đảng… Chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng ăn tết lớn nhỏ lẽ ra chỉ là việc riêng tư của ông, thế nhưng vì ông ta là thủ tướng, và khi kiểm nghiệm lại những lời nói và việc làm của ông trong cương vị thủ tướng, người ta thấy nhiều điều đáng lo hơn là đáng mừng.

Trước hết hãy nói qua về đại hội đảng CSVN kỳ thứ 11 vừa mới kết thúc hơn 2 tuần trước, qua đó người ta biết rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, dù rằng ngay trong nội bộ đảng, ông ta cũng chỉ được 200 phiếu trong tổng số gần 1400 đại biểu đảng, tức là chỉ khoảng hơn 14 phần trăm số phiếu. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của các đại biểu đảng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng rất thấp. Nếu trong nội bộ đảng mà sự tín nhiệm đã thấp như thế thì ngoài quần chúng sự tín nhiệm này hẳn còn thấp hơn nhiều, nếu không nói là chẳng còn ai có thể tin được một người như ông trong chức vụ lãnh đạo, đặc biệt là sau những tuyên bố hùng hổ của ông, rồi sự thực lại cho thấy điều trái ngược. Chẳng hiểu là ông mau quên, hay là ông vẫn nhớ nhưng cố tình làm ngơ?

Còn nhớ trong buổi lễ nhậm chức lần trước, ông đã tuyên bố rằng (xin trích) "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." (hết trích) Bên cạnh đó, ông còn tuyên bố những câu nói ấn tựơng không kém, thí dụ như: "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở." hay "Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường."

Những câu nói rất ấn tượng vừa kể của ông hẳn đã khiến không ít người kỳ vọng là trong chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ đem lại những tiến bộ đáng kể.

Trải qua một nhiệm kỳ, những ấn tượng về các câu nói của ông vẫn còn đó, nhưng thay vì kỳ vọng thì người ta đã hoàn toàn thất vọng khi mà lời nói của ông không hề đi đôi với việc làm. Không những thế, những người có chút hiểu biết đều thấy rằng, những việc làm của ông còn gây nên những tác hại trầm trọng và lâu dài cho đất nước.

Chẳng hạn như câu tuyên bố rất hợp lý của ông rằng "Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường"; nhưng rồi qua việc ông phê duyệt dự án khai thác Bauxit ở Tây Nguyên, một dự án mà qua những nghiên cứu đứng đắn của bao nhiêu nhà khoa học, trí thức đã cho thấy, không những không đem lại lợi ích kinh tế nào, chỉ huề vốn là may, mà còn có nguy cơ để lại những hậu quả tàn khốc cho môi trường, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của hàng chục triệu người; mà sự hiển nhiên về hậu quả đó đã sờ sờ ra trước mắt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hungrary mới đây. Thế nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nhất định cổ võ và tiến hành cho dự án đó; dù rằng chính bản thân ông và những người theo ông đều ú ớ, hoặc chỉ nói lấy được, trước những câu hỏi về các vấn nạn của việc khai thác bô xít. Điều này cho thấy, hoặc là ông không hề có trí tuệ, hoặc nếu có thì trí tuệ đó dùng vào việc tìm cách duy trì chỗ dựa của ông và cho việc kiếm lợi nhuận cho gia đình và bè cánh của ông. Sự khẳng định vừa kể về ông Nguyễn Tấn Dũng được chứng minh qua những tin tức rò rỉ, và mới đây được Asian Times đăng lại, về việc gia đình ông đã nhận 150 triệu tiền lót tay của Trung Quốc để tiến hành việc khai thác bô xít, mà khách hàng duy nhất là Trung Quốc.

Một câu nói ấn tượng điển hình khác của ông là: "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở." Sau đó người ta đã nức lòng với sự ra đời của Viện Nghiên cứu Phát triển, gọi tắt là IDS vào tháng 9/ 2007. Đây là một tổ chức gồm một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập, với sứ mệnh: nghiên cứu, tư vấn các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội; đưa ra các giải pháp, những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức (đặc biệt là các tổ chức nhà nước). Sự kiện này liên tục đựơc đưa tin trên báo đài vào thời điểm ấy, ca ngợi tinh thần dân chủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, và sự ra đời của viện IDS được xem là một bứơc tiến dân chủ. Nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, 16 thành viên của Viện IDS đã phải tuyên bố giải thể, để phản đối các quy định, luật lệ bất hợp lý của ông Nguyễn Tấn Dũng đã ngăn cản sự phản biện về các chính sách. Bên cạnh đó những người bất đồng chính kiến, từ các nhà trí thức đến quý vị lãnh đạo tinh thần, sinh viên, v.v… đều bị chính phủ của ông thẳng tay đàn áp, giam giữ. Ngoài ra, những bất công xã hội, những vụ cưỡng đoạt đất đai của các tôn giáo và nông dân không những không được giải quyết, mà ngày càng có nhiều dân oan bị bắt bớ và đàn áp nặng nề hơn.

Bên cạnh những lãnh vực kinh tế, môi sinh vừa nêu, có lẽ tham nhũng là vấn đề quan trọng và nhức nhối và cần phải được quan tâm nhất, nhưng trong suốt một nhiệm kỳ qua ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm đựơc gì sau những lời tuyên bố nảy lửa của ông? Cho đến nay, các đại biểu quốc hội, các đồng chí của ông vẫn thẳng thắn nhìn nhận "tham nhũng nay ngày càng tinh vi và khó đối phó", hay những kết luận của thanh tra chính phủ "tham nhũng về đất đai đang ở khắp mọi nơi" đã phần nào trả lời câu hỏi vừa kề.

Những hình ảnh vênh váo của ông Nguyễn Tấn Dũng sau đại hội đảng cho thấy sự mãn nguyện của ông. Có lẽ ông mãn nguyện vì cơ quan gọi là có quyền lực cao nhất nước, tức là quốc hội, dù có những đại biểu tỏ ý không hài lòng đối với những việc làm của nhà nước, thậm chí có người còn đặt vấn đề tín nhiệm chức vụ thủ tướng của ông, nhưng cái gọi "là cơ quan quyền lực cao nhất nước" đó cũng chẳng làm gì được ông. Có lẽ ông mãn nguyện vì chẳng những ông không cần phải thực hiện lời hứa chống tham nhũng, mà còn dung dưỡng để tham nhũng ngày càng phình lớn hơn, thế mà chẳng ai làm gì được ông. Có lẽ ông càng mãn nguyện khi mà khả năng quản lý của nhà nước tệ hại đến nỗi sau vài ba năm dưới sự cầm đầu của ông, chỉ một tập đoàn Vinashin đã làm tiêu tan gần 5 tỷ mỹ kim tiền thuế của dân, chưa kể đến những thất thoát tài sản tài nguyên lớn lao khác của quốc gia; chưa kể đến sự điều hành kinh tế khiến nạn lạm phát gia tăng phi mã, làm người dân ngày càng cơ cực hơn, v.v… Mọi lãnh vực khác như giáo dục, xã hội, y tế đều ngày càng suy đồi hơn, nhưng ông vẫn mãn nguyện, vì tất cả những điều được gọi một cách nhẹ nhàng là "bất cập" đó không những chẳng khiến ông phải từ chức, mà cuối cùng ông vẫn vênh vang tiếp tục giữ chiếc ghế béo bở này thêm 5 năm nữa.

Tóm lại, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa vênh vang bám chặt được chế ghế lãnh đạo, lại vừa đưa được quý tử leo cao trèo sâu vào cơ chế lãnh đạo để nối nghiệp ông, thì gia đình ông ăn tết lớn là điều đương nhiên. Tuy nhiên, có điều phiền muộn là, với thành phần cai trị đất nước như gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức tương tự, thì thử hỏi đến bao giờ mới có mùa xuân cho đất nước và dân tộc?

http://radiochantroimoi.wordpress.com/

6
0
 
 
Rate This