THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 January 2011

Động đất ở Sơn La có là “điềm báo” động đất mạnh?


08/01/2011 06:54:59

- Những ngày cuối cùng của năm 2010, một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã xảy ra ở Sơn La. Liệu đây có phải là "điềm báo" cho một năm đầy bất thường về động đất trong năm 2011?

KH&ĐS đã liên hệ với GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện KH&CN Việt Nam, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực động đất để tìm hiểu về vấn đề này.

Có nguy cơ động đất mạnh

GS.TS Nguyễn Đình Xuyên cho biết, khó có thể dựa vào trận động đất ngày 31/12/2010 tại Sơn La để có thể tiên đoán về động đất trong năm 2011 ở Việt Nam. Tuy nhiên, trận động đất này cùng với một số trận động đất nhỏ diễn ra trong năm qua khẳng định một điều, các đới đứt  gãy ở Việt Nam vẫn đang hoạt động và hoạt động mạnh. Vùng Tây Bắc là nơi có nguy cơ động đất cao nhất, mạnh nhất Việt Nam trong đó đới đứt gãy Mường La - Bắc Yên chỉ cách thủy điện Sơn La vài cây số.
 

Bản đồ địa chấn kiến tạo Việt Nam.
Bản đồ địa chấn kiến tạo Việt Nam.


Bản đồ phân vùng động đất Việt Nam thể hiện, hiện có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động mạnh như Lai Châu - Điện Biên, Sơn La, sông Mã, sông Hồng - Chảy, hệ thống đứt gãy sông Cả, Thuận Hải, Minh Hải... Những trận động đất nhỏ trong năm 2010 vừa qua ở Thanh Hóa, Cao Bằng, xét ở khía cạnh hẹp nó là động đất nhỏ, không đáng ngại, nhưng ở bình diện lớn nó chứng tỏ, các đới đứt gãy đang hoạt động mạnh. Dù vậy, chu kỳ lặp lại của những trận động đất này lên đến hàng nghìn năm.

"Hằng năm, ở Việt Nam có hàng ngàn trận động đất nhỏ dưới 3 độ richter, trên 3 độ richter cũng có đến hàng trăm trận. Ở Trung Quốc, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên bắt buộc phải tính đến kháng chấn. Sẽ có một bộ phận cấp phép. Phải có được giấy phép kháng chấn, các công trình từ 9 tầng trở lên mới được phép xây dựng. Ở Việt Nam cũng có tiêu chuẩn, nhưng không bị bắt buộc".

GS.TS Nguyễn Đình Xuyên

 

Cũng cần lưu ý một điểm, so với các nước trong khu vực, động đất ở Việt Nam thuộc loại trung bình yếu. Ngoài ra, những trận động đất mạnh từ Trung Quốc, Indonesia cũng không quá ảnh hưởng tới Việt Nam. Hơn thế, chu kỳ của động đất khá dài, phải mất khoảng gần 1.000 năm.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đã từng xảy ra nhiều trận động đất mạnh như ở Hà Nội làm gãy bia đá chùa Báo Thiên vào năm 1285 (mạnh 6 độ richter). Năm 1958 là trận động đất mạnh 5,3 độ richter ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), năm 1961 là 1 trận mạnh 5,9 độ richter ở Bắc Giang nằm trong đới đứt gãy sông Lô.

Trận động đất Tuần Giáo năm 1983 gây hư hại nhà cửa (30% bị hư hại nặng) sụt lở lớn trong các dãy núi trong vùng chấn tâm vùi lấp tới 200ha ruộng lúa trong các thung lũng và nhiều đoạn đường giao thông; nứt đất rộng 10 - 15cm. Trận động đất Điện Biên năm 2001 cũng mạnh  5,3 độ richter.

Hơn thế, 1.000 năm tưởng như là quá dài, nhưng phải nhớ rằng, động đất mạnh ở Hà Nội xảy ra vào năm 1285. Đến nay đã gần 800 năm. Thời gian 800 năm có thể đủ cho tần suất lặp lại của trận động đất năm 1285.

Lập hệ thống quan sát dự báo động đất ở Thủy điện Sơn La


Điều đặc biệt, nhiều nhà khoa học cho rằng, động đất là không thể dự báo được. Nhưng nếu biết cách vẫn có thể dự báo được. Thực tế, có nhiều dấu hiệu báo trước cho việc xuất hiện động đất.

Ví dụ, trước khi động đất mạnh xảy ra thì khoảng 15 năm trước sẽ xuất hiện hàng loạt các trận động đất nhỏ (gọi là tiền chấn). Ngoài ra, có thể quan sát các dấu hiệu thay đổi của trường địa vật lý, nhiệt độ, mực nước, sự biến dạng của vỏ Trái Đất. Đặc biệt, có thể dựa vào dấu hiệu động vật để biết được khả năng xảy ra động đất (trăn, rắn chui ra khỏi hang, cóc, nhái, chuột, ếch chui ra ngoài...). Ở Trung Quốc, đã từng biết được thời điểm xảy ra động đất nhờ vào các dấu hiệu trên.

Tuy nhiên, để biết được các dấu hiệu trên thì phải có hệ thống quan trắc. GS.TS Nguyễn Đình Xuyên và các cộng sự đang đề nghị thiết lập hệ thống quan sát để dự báo động đất ở Thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Hà Nội (chi phí đầu tư ban đầu cho Hà Nội khoảng 10 tỷ đồng và chi phí vận hành là 1 tỷ đồng/năm).

Tô Lan

TIN LIÊN QUAN