THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 December 2010

Hiến kế bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm

Thứ Năm, 23.12.2010 | 09:41 (GMT + 7)

Trước phương án dụ rùa tai đỏ ở Hồ Gươm bằng cách thả thức ăn thối rữa xuống nước, đợi chúng ra ăn rồi bắt vừa được đề xuất (TP số 356 đã thông tin), các nhà khoa học cho rằng cần phải xem xét lại.

GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam lo ngại việc dùng thức ăn thối rữa có thể ảnh hưởng đến môi trường nước hồ. Đề xuất của ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng ban thường trực Hội Bảo tồn sinh thái TP Hà Nội cho rằng sẽ dùng một lượng thức ăn "vừa đủ", nhưng như thế nào được coi là vừa đủ khi không biết trong hồ có bao nhiêu rùa tai đỏ.

Theo GS Huỳnh, phương pháp của ông Khôi vẫn có thể áp dụng, nhưng cần nghiên cứu kỹ và phải được làm thử nghiệm. Nếu thành phố có chủ trương cho các nhà khoa học nghiên cứu, có thể tính được số rùa tai đỏ theo xác suất bằng cách theo dõi ở một vài đoạn hồ mà rùa thường lên phơi nắng, sau đó đếm số con.

GS Huỳnh cho rằng, phương pháp khả thi nhất là thủ công, cơ học, dùng lưới mắt nhỏ bắt rùa tai đỏ. Không dùng lưới mắt lớn có thể ảnh hưởng đến cụ Rùa. Khi nắng lên, rùa tai đỏ ra ăn hoặc sưởi nắng, có thể huy động nhân dân, học sinh tham gia bắt rùa. Nếu làm liên tục, có thể bắt hết rùa tai đỏ ở Hồ Gươm.

GS Huỳnh cũng hiến kế, có thể bắt rùa bằng cách dụ chúng lên các bãi đẻ. Muốn vậy, phải tạo ra một vài bãi đẻ cho rùa tai đỏ ven hồ bằng cách rải một ít cát. Khu vực rải cát có thể là ở chân tháp rùa hoặc khu ven đền Ngọc Sơn, thuận lợi cho công tác thu gom rùa và trứng. Với phương pháp này, GS Huỳnh cũng đặc biệt nhấn mạnh sự vào cuộc của thành phố để đưa ra được chương trình chỉ huy, giám sát chặt chẽ. Nếu không, rất có thể bỏ sót trứng rùa.

PGS Hà Đình Đức cho biết, ông Nguyễn Ngọc Khôi cũng đã trao đổi với ông về phương pháp bắt rùa tai đỏ bằng thức ăn thối rữa. Theo PGS Đức, về nguyên lý thì phương pháp hoàn toàn thực hiện được, tuy nhiên cần làm thử nghiệm trước.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Ban Quản lý (BQL) Hồ Gươm cho biết, trách nhiệm của BQL chỉ là bảo vệ hồ và làm theo chỉ đạo của thành phố. Ông Tuấn cũng không đưa ra đánh giá, nhận xét gì về ý tưởng thu gom rùa tai đỏ của ông Khôi mà cho rằng, các nhà khoa học, nhà chuyên môn nếu có ý tưởng trình lên thành phố. Nếu thành phố phê duyệt và giao nhiệm vụ, BQL sẽ thực hiện.

"Thời gian qua, không ghi nhận thêm trường hợp nào thả hoặc câu rùa tai đỏ ở khu vực hồ" - Ông Tuấn khẳng định.

Theo TPO