THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 December 2010

Chuyện từ cái vỉa hè...

Thứ Bảy, 11/12/2010, 17:05 (GMT+7)


TTCT - Lịch làm việc của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thường kín mít những kế hoạch và dường như chỉ tăng lên chứ không ít đi. Ông vừa bay vào từ Hà Nội đang mưa phùn giá rét, chỉ ở Sài Gòn một ngày để hôm sau lại đi nước ngoài làm việc.

Mãi rồi TTCT cũng có được cái hẹn với ông. 

"Tôi luôn khó chịu khi đi bộ trên vỉa hè ở VN bởi các cốt nền khác nhau, khấp khểnh, nhô ra thụt vào, cao thấp bừa bãi. Nếu nói về công năng cho việc đi bộ thì ở VN gần như vỉa hè không được khai thác" - Ảnh tư liệu

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Thường xuyên đi - về giữa TP.HCM và Hà Nội mỗi tuần, ông có quan tâm những trận ngập lụt đã nhấn Sài Gòn trong biển nước?

- Một trong những vấn đề lớn không của riêng TP.HCM mà của cả nước mình là hạ tầng. Hà Nội cũng vậy thôi. Riêng TP.HCM còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi của thời tiết và khí hậu mà hậu quả của nó là mực nước ngày càng tăng lên, biểu hiện ở đỉnh triều cường cùng với lượng mưa bất thường gây ngập lụt. Tất nhiên không thể không nói đến hệ thống hạ tầng của TP.HCM.

Sài Gòn đã có 300 tuổi, hệ thống cống thoát nước ngầm của thành phố này cũng ở độ tuổi tương tự dù được trùng tu qua các thời kỳ. Quy hoạch thời đó chỉ dành cho một số lượng dân cư nhỏ, chừng 300.000-500.000 dân. Bây giờ dù thành phố đã phình ra về diện tích thì dân số lại tăng lên đến gần chục triệu người. Hầu hết các cống đều đổ ra sông, khi nước sông lên thì không đổ đi đâu được, để rồi như hai cái bình thông nhau nước lại chảy ngược vào thành phố. Dân số tăng lên như vậy trong khi con sông vẫn thế, hệ thống cống có làm thêm nhưng chẳng được bao nhiêu là một bài toán nan giải cho Sài Gòn.

* Sự khó chịu nhất mỗi khi ông đi xa về lại Sài Gòn là gì?

- Đó là sự ô nhiễm không gian. Không gian chứ không phải không khí. Tôi không thể đi bộ ở đây đến mười phút vì không có cơ hội đó: đường không có vỉa hè, sợ xe tông... Tiếng còi xe cũng là một nỗi khiếp sợ với tôi. Mỗi thứ một ít cộng lại làm mình khó chịu, khiến mình hễ ra ngoài đường là nhảy lên xe cho nhanh, cho yên thân và chính mình lại góp phần vào sự ô nhiễm không gian đó.

* Quy hoạch của thành phố hiện tại hướng về phía nam, thế nhưng khu vực này thấp, có nơi còn thấp hơn mực nước biển. Gần đây, hễ triều cường thì nhiều khu vực phía nam Sài Gòn bị ngập. Ông có thấy điều gì bất cập trong chủ trương phát triển này không?

- Định hướng phát triển này đã có từ lâu, cũng tốt chứ không hoàn toàn xấu. Nhờ định hướng này mà các vùng lân cận mới phát triển từ quận 7 sang đến quận 9 và quận 2. Nhiều dự án trong tương lai sẽ cho thấy sự phát triển của các thành phố vệ tinh nhờ vào định hướng này rõ ràng hơn. Trong chính sách về quy hoạch, mỗi phương án luôn có mặt ưu và khuyết.

Rất khó đánh giá khi nói sự phát triển của Sài Gòn về phía biển là xấu hay tốt vì quy hoạch không phải cho hiện tại mà cho tương lai. Ngay trong quy hoạch cũng luôn phải điều chỉnh vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác. Tôi không đủ thông tin để có thể phê phán định hướng này.

Sự ngập lụt chính là một trong những khía cạnh của bài toán về hạ tầng mà tôi nhắc đến ở trên. Khoan hãy nói về kiến trúc, một đô thị sẽ đẹp lên nếu ta giải quyết được triệt để vấn đề hạ tầng. Chính hạ tầng giải quyết được yếu tố thẩm mỹ và tiện nghi của thành phố này. Ngập nước chỉ là một vế nhỏ, song song với nó còn là mặt đường, vỉa hè và cây xanh. Kiến trúc hai bên đường có bình thường chăng nữa nhưng chỉ cần con đường với vỉa hè, cây xanh đạt chuẩn đã khiến con người thấy thoải mái. Tôi luôn khó chịu khi đi bộ trên vỉa hè ở VN bởi các cốt nền khác nhau, khấp khểnh, nhô ra thụt vào, cao thấp bừa bãi. Nếu nói về công năng cho việc đi bộ thì ở VN gần như vỉa hè không được khai thác.

* Vỉa hè ở nhiều nước châu Âu đã có tuổi vài trăm đến hàng ngàn năm, cũng sứt sẹo và cũ kỹ, ít khi được trùng tu nhưng không xấu. Vậy thật ra căn nguyên sự xấu xí của vỉa hè ở nước ta là gì, theo ông?

- Tôi không cho rằng cái cũ là không đẹp. Nhưng rõ ràng vỉa hè của xứ mình dù có lật lên xới lại bao lần nữa vẫn là chưa chăm chút. Vỉa hè ở ta có thể mới làm nhưng đã thấy khập khiễng. Chỗ nhà này thì cao lên cho xe đi vào, bên kia làm bậc cấp bên này không rất tùy tiện. Gần đây có sự tiến bộ hơn khi người ta đã chú ý đến việc bảo vệ cây trồng trên vỉa hè, làm phẳng mặt vỉa hè trên những con đường mới. Những điều này các nước châu Âu đã có ý thức từ mấy trăm năm trước. Vỉa hè của họ cũ kỹ mà vẫn đẹp vì người ta làm đúng, còn mình mới mà chưa đẹp vì làm sai.

Những gì mà người Pháp để lại ở Sài Gòn không nhiều, tập trung ở quận 1 như các ngân hàng, nhà hát, chợ Bến Thành, đường Đồng Khởi... và hầu như không thay đổi theo thời gian. Tôi rất mê vỉa hè đường Đồng Khởi, mê những cây me giao nhau ở đó. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp chọn trồng cây me ở đây. Mỗi khi có nắng con đường lung linh lắm. Đó là những ví dụ tốt để giữ lại và nhân lên.

* TP.HCM đang giới thiệu một bộ mặt mới với rất nhiều cao ốc mọc lên ở trung tâm nhưng đường phố thì vẫn hẹp như xưa và kẹt xe đang ngày càng trầm trọng. Liệu có thể tìm một hình mẫu nào cho Sài Gòn?

- Với cái nhìn của một người làm xây dựng, tôi thấy chủ đầu tư các dự án nhà cao tầng trong thành phố thường chỉ quan tâm nhiều đến công trình của họ, không chú ý khu vực xung quanh: vỉa hè, cây xanh, đường phố và các công trình khác. Trong khi chúng ta không có những quy định khắt khe và đồng bộ về xây dựng cơ bản. Sự không đồng bộ còn nằm ngay trong suy nghĩ của mỗi người. Cứ mỗi dự án xây dựng mọc lên lại thấy khác biệt với xung quanh về hạ tầng dẫn đến việc bộ mặt của đô thị thêm lem nhem.

Tôi lấy một ví dụ đơn giản khác là những biển quảng cáo ở TP.HCM. Tại sao người ta nói Paris là một thành phố đẹp? Hệ thống biển quảng cáo, bảng tên hiệu cửa hàng đều có sự quy định với những tỉ lệ cho phép. Quy hoạch nghe thì vĩ mô nhưng trong quy hoạch có những chi tiết nhỏ tạo nên vẻ đẹp của thành phố. Chúng ta hay nghĩ đến cái lớn mà quên những cái nhỏ nhặt. Chỉ cần có quy định chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh đã thay đổi được bộ mặt của Sài Gòn rất nhiều rồi.

Bản thân mỗi đô thị trên thế giới có những đặc trưng khác nhau. Ở Paris, các nhà cao tầng tương đối thấp và tập trung ở một số khu vực mà thôi. Nhưng New York thì nhà cao tầng sát sạt nhau, Hong Kong cũng vậy, đến mức có cảm giác mở cửa sổ người ta có thể bắt tay nhau được. Đem một mô hình nào đó áp dụng vào TP.HCM không được, chỉ là ý tưởng và sự tham khảo mà thôi.

* Nếu "bắt bệnh" cho quy hoạch ở  thành phố này, đâu là bệnh cần chữa sớm nhất?

- Đó chính là hạ tầng với giao thông, là lòng đường - vỉa hè, không gian cảnh quan, hệ thống ngầm và hệ thống biển báo, đèn... Cái gì trong tầm tay nếu được làm tốt đã đóng góp 50% cho vẻ đẹp của thành phố rồi. Tốn kém nhiều là mở đường, giải tỏa. Còn ý thức chăm chút những chi tiết nhỏ không quá tốn kém. Những gì chúng ta đã làm, suy nghĩ về quy hoạch luôn đi chậm hơn sự phát triển.

Cũng không phải tất cả kiến trúc ở châu Âu đều đẹp, thỉnh thoảng mới gặp được một công trình xuất chúng, còn lại cũng đều đều vậy thôi. Nhưng ta thấy dễ chịu, thấy đẹp khi đến với nhiều đô thị châu Âu là bởi kiến trúc của họ cân đối chính - phụ, cân bằng về hạ tầng.

* Nếu được quyết định, ông sẽ đặt thêm vào thành phố này những dự án sáng tạo nào vừa có lợi cho dân sinh, vừa có vẻ đẹp văn hóa bền vững lại không làm quá tải sức chịu đựng của hạ tầng nơi đây?

- Với tôi, điều đặc biệt của Sài Gòn là con sông với hệ thống kênh rạch của nó. Sông Sài Gòn ngoài việc điều tiết về khí hậu còn là hình ảnh mà người Sài Gòn không bao giờ quên được. Từ đó tôi luôn nghĩ làm sao quy hoạch Sài Gòn hai bên sông cho đẹp, phát huy được ưu điểm của con sông hiền lành này cũng là tăng thêm vẻ đẹp cho thành phố. Tôi tiếc cho đường Tôn Đức Thắng với cả một bờ sông nếu được làm đẹp đẽ thì TP.HCM khác gì Thượng Hải đâu.

* Trân trọng cảm ơn ông.

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị sinh năm 1945 tại Kiên Giang, lớn lên ở Long Xuyên. Lấy bằng cử nhân kiến trúc tại Sài Gòn năm 1973, sau đó ông sang Pháp định cư. Là thành viên Hội Kiến trúc sư Pháp (ESAS), kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị cùng với Công ty CR Architectur đã giành được nhiều giải thưởng uy tín về kiến trúc như: giải Thước kẻ bạc, giải kiến trúc khu vực vùng, giải đặc biệt công trình sân vận động Stade de France...

Về VN năm 1997 để trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị đã được tặng giải thưởng kiến trúc của Bộ VH-TT, được Bộ Xây dựng trao giải A cho phương án kiến trúc sân vận động Mỹ Đình, giải A cho phương án kiến trúc tòa nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới. Ngoài ra, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và các cộng sự đã thiết kế nhiều công trình nổi tiếng như: Trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội, cao ốc văn phòng 21 tầng Bitexco (TP.HCM), Trung tâm Ngôn ngữ văn minh Pháp L'Espace (Hà Nội)...

CÁT KHUÊ thực hiện