(CAO) Theo TTXVN, tính đến ngày 19-11, số người chết do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung đã lên tới 29 người, tăng ba người so ngày 18-11 (Quảng Trị 1, Thừa Thiên Huế 7, Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 5, Bình Định 4) và 7 người mất tích.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ cũng làm sập đổ, hư hại hơn 40.000 ngôi nhà; ngập úng 15.000ha lúa, rau màu và cây công nghiệp; cuốn trôi trên 2.000 con gia súc, gia cầm; phá hỏng 157.000m đường giao thông và buộc phải di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên tiếp tục xuống và ở mức báo động 1-báo động 2. Nhờ đó, tình hình ngập lụt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giảm, chỉ còn 1.206 hộ ngập chủ yếu tập trung ở vùng trũng ven sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ. Các tuyến Quốc lộ 1A và quốc lộ 49B đã thông xe bình thường, đường Hồ Chí Minh sạt 4 điểm, một số tuyến tỉnh lộ và huyện lộ vẫn còn bị ngập và bị sạt lở.
Tỉnh Quảng Ngãi còn huyện Tây Trà và 5 xã thuộc huyện Sơn Tây (Sơn Tinh, Sơn Lập, Sơn Màu, Sơn Liên, Sơn Long), các xã thuộc huyện Trà Bồng (Trà Lâm, Trà Hiệp) còn bị chia cắt do sạt lở núi làm cắt đường.
Hầu hết các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã tích đầy nước, hoạt động bình thường và an toàn. Một số hồ chứa lớn đang xả lũ theo quy trình như: Hồ Bình Điền (Thừa Thiên Huế); Hồ Hương Điền (Thừa Thiên Huế); Hồ Phú Ninh (Quảng Nam); Hồ Định Bình (Bình Định); Hồ Ba Hạ (Phú Yên); Hồ Sông Hinh.
Ngày 19-11, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã có chuyến đi thị sát và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Quảng Nam. Đoàn công tác đã đi thị sát tại một số địa điểm lũ lụt gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, Cầu Đen (địa phận huyện Duy Xuyên), huyện Điện Bàn…
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân cảnh giác, chủ động trong việc phối hợp ứng phó với mưa bão. Tỉnh cần thường xuyên bố trí kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm chuẩn bị đủ vật tư, trang thiết bị cần thiết ứng phó khi sự cố xảy ra; vệ sinh đồng ruộng, môi trường phòng chống dịch bệnh sau lũ... Bộ Quốc phòng, Quân Khu V cũng đã hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích 8 triệu đồng; gia đình có người bị thương 5 triệu đồng.
Các tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai. Trong đó Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, 1.000 tấn gạo, 500 tấn lúa giống, 5 tấn ngô giống, 3 tấn rau giống, 1.000 áo phao, 7 tàu và ca nô cứu hộ; Quảng Nam 50 tỷ đồng; Quảng Ngãi 310 tỷ đồng, 2.000 tấn gạo, 1.000 tấn giống cây trồng, 100 cơ số thuốc y tế.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày hôm nay và ngày mai (20-11), các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hoà vẫn có mưa to đến rất to, nên lũ trên các sông ở khu vực này vẫn tiếp tục lên.