Nam Nguyên, phóng viên RFA2010-11-20Gần 110 tỉ đồng Vedan bồi thường đợt 1 cho nông dân TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai vẫn nằm im trong kho bạc gần ba tháng qua. Nhưng các nạn nhân bị thiệt hại kinh tế vì vụ ô nhiễm sông Thị Vải chưa ai cầm được đồng nào của Vedan. Rối như nồi canh hẹTuổi Trẻ Online theo dõi vấn đề này và có bài "Vedan bồi thường: Tiền chưa đến dân" đưa lên mạng hôm 17/11. Bài báo được các báo điện tử khác đăng lại, trong số có Pháp Luật và Tiền Phong Online. Thông tin từ các báo cho thấy việc chi trả tiền bồi thường cho người dân bị trở ngại, rối tung như nồi canh hẹ. Chính quyền và Hội Nông dân các tỉnh thành có vẻ như không lường trước được những hệ quả phức tạp làm trì chậm việc trả tiền cho dân. Mặc dù Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM đã chốt danh sách chi tiết, đã xác minh trước khi đạt thỏa thuận với Vedan. Chúng tôi phối kiểm thông tin với ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM vào tối 18/11. Ông Phụng cho biết sau khi công khai danh sách 839 hộ nhận đền bù, thì phát sinh nhiều ý kiến khiếu nại. Các khiếu nại từ giữa những người dân trong danh sách đã duyệt và cả khiếu nại của những hộ dân hộ khẩu ở tỉnh khác tới Cần Giờ khai thác đánh bắt thủy sản, những trường hợp này không thuộc diện đền bù. Ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh: "Bên Cần Giờ TP.HCM đang tiếp tục điều tra thẩm định lại những hộ trước đây mình bảo vệ người ta, nhưng bây giờ cũng có đơn có người nói qua nói lại là kê khai chưa chính xác. Bây giờ phải thẩm tra xác minh cho chính xác rồi mới giải quyết được đền bù cho dân. Chúng tôi công bố danh sách lần 1, người dân có ý kiến. Bây giờ phúc tra lập danh sách lần 2, công khai rộng rãi cho người dân biết những hộ nào đúng, những hộ nào không đúng để họ bình nghị. Dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ bắt đầu chi trả tiền đền bù cho người dân."
Chúng tôi tìm hiểu thêm chi tiết với ông Nguyễn Văn Hậu, một trong các luật sư đại diện pháp lý của nông dân Cần Giờ trong vụ Vedan. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng sẽ vẫn chỉ có 839 hộ dân trong danh sách đã thiết lập từ trước được đền bù: "Do không tiên liệu được hết, những hộ dân không nằm trong vùng bị ô nhiễm, khi làm việc với Viện Tài nguyên Môi trường những hộ này không nằm trong danh sách 839 hộ. Kéo dài thời gian để giải thích cho người dân, nghĩa là mình chỉ lấy những người trong vùng ô nhiễm, tiền thì chỉ có như vậy thôi, mà đã có khiếu nại thì phải giải quyết khiếu nại. Cho nên chúng tôi dự kiến cuối tháng này sang đầu tháng sau, tiền đền bù đợt 1 sẽ đến người dân." Theo Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Phụng Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM xác định là tiền Vedan bồi thường đợt 1 gần 23 tỷ được giữ trong tài khoản Hội Nông dân huyện Cần Giờ Kho bạc Nhà nước huyện. Số tiền này không phát sinh lãi, sẵn sàng chi trả đầy đủ cho người dân. Bà Rịa Vũng Tàu, địa phương đi tiên phong trong việc thỏa thuận nhận bồi thường với Vedan và nhanh chóng rút đơn kiện. Thế nhưng nơi này cũng ách tắc trong việc chi trả đền bù do có nhiều hộ nông dân khiếu nại. Lý do theo cách áp giá 3 vùng thiệt hại của Viện Tài nguyên Môi trường thì vị trí ở gần nhau mà có xã được nhận bồi thường gấp 9 lần xã bên cạnh. Tuổi Trẻ Online trích lời ông Trần Văn Cường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết như vậy. Hiện nay Ban ngành hữu quan đề nghị hai phương án khả thi để chia tiền đền bù, bốn xã của huyện Tân Thành lần lượt từ Mỹ Xuân-Phú Mỹ-Phước Hòa-Tân Phước sẽ nhận tiền đền bù cách nhau 10% theo hướng giảm dần. Phương án thứ hai, tổng bồi thường Bà Rịa Vũng Tàu thỏa thuận với Vedan gần 54 tỉ đồng chỉ tương đương 24,7% con số thiệt hại đã được thống kê ban đầu, như vậy mỗi hộ dân sẽ nhận tiền theo phương thức lấy số tiền kê khai thiệt hại được công khai niêm yết trước đây nhân với tỷ lệ 24,7%. Cho tới cuối ngày 16/11 Bà Rịa Vũng Tàu chưa có quyết định cụ thể sẽ áp dụng phương án nào. Được yêu cầu nhận định về tình trạng chậm trễ trong việc đưa tiền bồi thường của Vedan đến tay người dân, luật sư Phan Bá Thanh, một trong các luật sư tư vấn của nông dân Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu: "Thực ra bản thân người dân không có khiếu nại lẫn nhau, chỉ là có những ý kiến đề nghị liên quan đến vấn đề này vấn đề khác từ vùng này tới vùng khác. Tôi nghĩ là trong nội bộ nhân dân những việc ấy có thể xảy ra, hơn nữa đã có những ý kiến thì các bên cùng nhau cùng với chính quyền tìm ra chuẩn mực giải quyết được mối quan hệ cộng đồng, và giữ được sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, những vấn đề ấy là cần thiết." Bất đồng"ba vùng ô nhiễm"Qua thông tin báo chí, cách áp giá đền bù theo ba vùng thiệt hại mà Viện tài Nguyên Môi trường tính toán chưa phải là một giải pháp thích hợp cho toàn bộ các địa phương và người dân trên thực tế. Luật sư Phan Bá Thanh nhận định: "Trong những vấn đề rộng lớn như thế này, không có một cách thức nào tuyệt đối cả. Nhưng việc phân vùng là cần thiết để đánh giá, đấy là những tiêu chuẩn khoa học mà người ta có thể lấy đó làm căn cứ . Đương nhiên giữa khoa học và nhận thức về khoa học chính nó là nhận thức chủ quan của từng người hay một nhóm người. Giữa khoa học, nhận thức khoa học về một vấn đề cụ thể với thực tiễn không hẳn là lúc nào cũng trùng khớp với nhau. Đương nhiên vận dụng kiến thức khoa học vào vấn đề thực tiễn cũng không thể là tuyệt đối được. Cho nên nhìn nhận về những vấn đề như thế giữa người này người kia không thống nhất nhau thì cũng là chuyện bình thường." Theo Tuổi Trẻ Online, Đồng Nai địa phương bị thiệt hại nặng nhất về tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải thì phải đến cuối tháng 12 mới có thể chi trả 60 tỉ tiền bồi thường đợt 1, tức 50% tổng bồi thường của Vedan cho người dân. Chúng tôi hỏi chuyện anh Ba, một nông dân ở Đồng Nai đang trông chờ nhận tiền bồi thường của Vedan: "Nhiều người sốt ruột lắm…từ hôm đó đến nay hơn hai tháng rồi, họ chưa cho biết mỗi héc-ta được đền bù bao nhiêu vì nhiều dạng trong đó lắm…nuôi thâm canh, quảng canh, thiên nhiên hay công nghiệp, rồi ao khác đùn khác. Mình khai báo theo từng năm thu hoạch, khi bị ô nhiễm tỷ lệ hao hụt của em tính ra 14 năm là hơn 800 triệu, không biết sẽ nhận được bao nhiêu nhưng chắc chắn không được đúng số tiền khai báo, tụi em nghề nuôi trồng bị ảnh hưởng hy vọng nhận được 50% số mình khai báo." Giới chức hữu quan của Đồng Nai nói với nhà báo là tiền bồi thường đợt 1 của Vedan cho huyện Long Thành 15 tỉ đồng, Nhơn Trạch 45 tỉ đồng nếu chi trả dựa trên ba vùng ô nhiễm như đánh giá của Viện Tài nguyên Môi trường thì có sự chênh lệch rất lớn, nhiều khả năng không áp dụng phương thức áp giá này mà tính theo hệ số cho từng loại sản xuất nuôi trồng. Theo lời ông Ao Văn Thinh Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai hiện đang thử áp giá theo tiêu chí diện tích, hình thức nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, quảng canh…sau đó chờ xem ý kiến của dân rồi mới chi trả, hiện nay chưa có quyết định dứt khoát.
Theo thỏa thuận Vedan bồi thường gần 220 tỉ cho 3 tỉnh thành chia làm hai đợt. Đợt 1 Vedan đã chuyển gần 110 tỉ đồng, phân nửa còn lại sẽ chuyển chậm nhất ngày 14/1/2011. Hơn 7 ngàn nông dân của TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai đang mòn mỏi chờ đợi tiền bồi thường của Vedan để có phương tiện tái sản xuất. Người dân cũng thắc mắc về việc tiền Vedan bồi thường gởi kho bạc có phát sinh tiền lời hay không và nếu có thì sử dụng như thế nào. Trách nhiệm hiện nay ở trong tay Hội Nông dân và chính quyền địa phương, càng chậm trễ số tiền bồi thường càng bớt giá trị. Nhiều người đã nói tới giá hàng hóa, giá vàng, giá đô la leo thang trong ba tháng vừa qua, sự thua thiệt là không ít. Theo dòng thời sự:
|
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog