Thứ bảy, 27/11/2010, 12:13 GMT+ Bà Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Phùng Hưng (quận 11, TP HCM) cho biết, có lần tá hỏa khi nghe tâm sự một học sinh lớp 5, vì yêu mến cô bạn lớp bên nên hôm nào không thấy bạn là không học được bài.Tại hội nghị sơ kết công tác tư vấn học đường năm 2010-2011 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức ngày 26/11, bà Hoa đã kể lại câu chuyện trên. Bà cho biết thậm chí có em từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng, luôn miệng nói "em muốn chết, cha mẹ em ly dị rồi cô ơi"... Theo bà Hoa, ngày nay các vấn đề khó khăn của học sinh rất đa dạng và phức tạp. Có em từ sớm đã chứng kiếm cảnh bạo lực gia đình, cha mẹ ly hôn... Trong khi đó, giáo viên phải lo nhiều việc chuyên môn, không đảm đương nổi chức năng tư vấn tâm lý. "Có những tình huống của học sinh, thầy cô hoặc lúng túng hoặc không có thời gian lắng nghe hết do áp lực công việc giảng dạy, nên không thể tư vấn thỏa mãn cho các em. Hơn nữa, học sinh cũng e ngại thầy cô nên không dám thổ lộ hết suy nghĩ của mình. Nếu không được can thiệp kịp thời và hỗ trợ thì các vấn đề tâm lý ở các em sẽ để lại hậu quả khôn lường", bà Hoa nói.
Không chỉ quận 11, hầu hết trường của thành phố đều ghi nhận nhiều học sinh có biểu hiện bất ổn về tâm lý. Nhất là lứa tuổi mới lớn được các chuyên gia gọi là "lứa tuổi nổi loạn", các vấn đề tâm tư tình cảm, vướng mắc trong học tập, quan hệ bạn bè, gia đình và xã hội... đều có thể dẫn đến hành vi lệch lạc, dẫn đến nạn bạo hành học đường. Trong khi chưa có một môn học, bài giảng nào giải thích rõ ràng đầy đủ thắc mắc trăn trở của các em, nhất là những bức xúc có tính cấp bách trong đời sống hằng ngày như giải quyết tình huống khi bạn bè rủ rê, bị kẻ xấu đe dọa... thì tư vấn học đường hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý tại trường là một giải pháp tốt nhất giúp các em vượt qua khó khăn để ổn định tư tưởng học tập tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề trợ giúp tâm lý học đường cho học sinh vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện một cách sâu sát. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia còn hạn chế, hoạt động tư vấn ít được tổ chức ở trường. Mỗi khi gặp khó khăn, các em chủ yếu tâm sự với bạn bè hoặc không nói với ai mà tự giải quyết một cách tiêu cực. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng của ĐH Sư phạm TP HCM, để phát triển hoạt động tư vấn học đường cần phải thay đổi nhận thức của ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ sư phạm trong trường và cả phụ huynh, học sinh về vấn đề bức thiết này. "Có những trường học, Ban giám hiệu thẳng thừng từ chối tiếp nhận chuyên viên tư vấn học đường với lý do không có kinh phí hoặc không biết cách giao việc khi nhận vào trường. Có trường tiếp nhận xong lại yêu cầu chuyên viên thực hiện công việc không thuộc chức năng tư vấn...", chuyên gia Bích Hồng đưa dẫn chứng. Bà Hồng cho biết thêm, có những học sinh hiểu sai về động cơ làm việc của chuyên viên. Các em thường có suy nghĩ: "Họ dụ dỗ mình khai sự thật để trừng trị", "ai yếu đuối mới cần tư vấn", hoặc "đến tư vấn sẽ bị cười chê, chọc ghẹo"...
Về phía các trường học cho rằng, không dễ gì tìm được một chuyên viên có năng lực, chuyên môn cao và làm việc hiệu quả. Đại diện một trường IHPT chia sẻ, từng tuyển chuyên viên tư vấn về làm việc, nhưng không được bao lâu thì người này xin nghỉ. Lý do là vì cô chuyên viên mới ra trường, tuổi đời còn trẻ nên chưa có nhiều trải nghiệm, trong khi đội ngũ giáo viên trong trường cũng như phần đông phụ huynh đều là người lớn tuổi. Điều này khiến cô cảm thấy không tự tin khi làm việc. Cũng có trường hợp, do lương thấp nên các chuyên viên không đủ kiên nhẫn để theo đuổi công việc. Cuối cùng, trách nhiệm tư vấn tâm lý cho học sinh lại do các cán bộ trong trường làm việc kiêm nhiệm, nên hiệu quả không cao. Phát biểu trong hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Huỳnh Công Minh khẳng định công tác tư vấn học đường là cần thiết. Trường học không chỉ là nơi dạy về kiến thức mà còn bồi dưỡng các em học sinh về tâm hồn, tinh thần. Ông Minh cũng thừa nhận, trường nào công tác tư vấn, hoạt động đoàn đội phát triển, có chăm lo bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần, kỹ năng... cho học sinh thì ở đó, các em ngoan ngoãn, học giỏi. Còn những trường chỉ chú trọng tới thi cử, học hành thì sẽ tồn tại nhiều tệ nạn. Giám đốc Sở Giáo dục đề nghị đưa việc phát triển công tác đoàn đội, tư vấn học đường thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua của trường. Các trường học cũng phải tạo điều kiện tốt về môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ công bằng cho cán bộ tư vấn tấm lý để họ hoạt động hiệu quả. Hải Duyên |