TP - Vốn gắn bó với nghề nông, nhưng do nằm trong khu vực giải tỏa nên nhiều hộ dân ở Đà Nẵng phải chuyển đến nơi ở mới. Nhớ đất, nhớ nghề, nhiều hộ nông dân làm đơn xin được mượn đất dự án chưa triển khai để sản xuất trở lại.
Anh Nguyễn Thành Lâm mượn 1.000 m2 đất dự án để trồng hoa tết. Ảnh: Hoài Văn.
|
Gia đình anh Nguyễn Thành Chiến (40 tuổi, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) mượn hơn 3.000m2 đất dự án để trồng hoa và cây cảnh. Anh tập trung trồng cúc và hoa ly, trừ chi phí mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng. Thu nhập như vậy cũng tạm ổn, nhất là từ khi giải tỏa đến nay anh cũng chưa biết chuyển đổi sang ngành nghề gì cho phù hợp.
“Mình xưa nay làm nông. Trồng hoa, cây cảnh là cái nghề truyền thống của mình rồi, không bỏ được. Họ kêu tôi đi học nghề nhưng bảo tôi giờ ngồi vào bàn may vá, hay gò hàn làm sao tôi làm được”, anh Chiến chia sẻ.
Hộ anh Chiến trước thuộc diện thu hồi giải tỏa hơn 1.000m2 đất cho dự án. Nhận tiền đền bù giải tỏa, chỗ ở mới đã ổn định, nhưng điều anh cần hơn là ổn định công việc.
Phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) có 4.300 hộ giải tỏa với diện tích 960ha. Sau giải tỏa, trong số 2.500 lao động có 1.800 người có việc làm, còn 700 lao động vẫn chưa có việc làm, chủ yếu đã trên 50 tuổi.
Người dân trước kia đa phần làm nông, sau khi chuyển tới nơi ở mới xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới như buôn bán, kinh doanh vật liệu xây dựng, mộc…150 lao động tham gia lớp đào tạo nghề, đến nay có 25 hộ đi vào sản xuất.
Anh Nguyễn Thành Lâm (41 tuổi, trú tổ 71 phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) vay mượn được 1.000m2 đất. Anh trồng 700 chậu hoa cúc chờ bán vào dịp tết. “Năm thì mưa bão, năm thì được mùa mất giá, mình cũng lấy công làm lời thôi chứ về ổn định lâu dài cũng chưa biết thế nào nữa”, anh nói.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP Đà Nẵng, mỗi héc - ta đất trồng hoa cây cảnh cho thu nhập gấp 10 lần đất trồng lúa. Nhiều hộ thành lập các tổ hợp tác liên kết với nhau tổ chức sản xuất và tiêu thụ, chế biến sản phẩm để tạo nên một thương hiệu riêng.
Hoài Văn