THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 September 2013

Thương lái Trung Quốc phá giá tôm


Thứ Ba, 17/09/2013 22:36

Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua tôm nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành nước ta với giá cao, số lượng lớn nhưng không hề có giấy phép, phá rối thị trường trước mắt và gây thiệt hại lâu dài cho ngành tôm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa liên tiếp phát đi 2 công văn gửi các bộ và cơ quan chức năng, báo cáo khẩn tình trạng thương lái Trung Quốc (TQ) gia tăng thu mua tôm nguyên liệu của Việt Nam với số lượng lớn, giá cao (khoảng 100 tấn/tỉnh/ngày), không quan tâm đến dư lượng kháng sinh, thực hiện tiêm chích tạp chất có ý đồ vào tôm, gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu...
Được giá là bán
Sau cảnh báo khẩn thiết của VASEP, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm hiểu thực tế tại tỉnh Phú Yên - địa bàn được cho là điểm nóng về thu gom tôm của thương lái TQ.
Theo những đầu nậu thu mua tôm bán cho thương lái TQ, hơn nửa tháng qua, tại tỉnh Phú Yên có gần chục thương lái TQ tìm đến các tư thương người Việt để mua tôm nguyên liệu, sau đó cấp đông chuyển theo xe ra Lạng Sơn để đưa sang TQ. Các thương lái TQ đưa ra giá mua tôm nguyên liệu cao hơn trung bình 10.000 đồng/kg so với các công ty chế biến thủy sản trong nước.
Sáng 17-9, hồ tôm ông Đặng Văn Thới ở xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên tiến hành thu hoạch. Bà Huỳnh Thị Năm, Giám đốc DNTN Năm Rùm, đưa xe và nhân công đến thu mua. Khác với những lần mua tôm bán cho các công ty chế biến trong nước chỉ cần các phuy chứa nước và đá lạnh chặt khúc để ngâm tôm thì lần này, bà phải chở rất nhiều thùng xốp và cả máy xay đá lạnh để cấp đông tôm tại hồ bán cho thương lái TQ. Với kích cỡ tôm vừa được thu hoạch ở hồ ông Thới là 80 con/kg, bà Năm mua với giá 150.000 đồng. “Đây là giá của mấy “ông” TQ đưa ra. Trước đây, giá tôm trung bình từ 100.000-120.000 đồng/kg thôi nhưng khi mấy ông TQ qua, giá đôn lên dữ quá!” - bà Năm băn khoăn.
 
Cấp đông tôm nguyên liệu để bán cho thương lái Trung Quốc tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
Trước đây, bà Năm thu gom tôm nguyên liệu để bán cho Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng). Nay bà chỉ bán cầm chừng cho công ty này để giữ bạn hàng, còn lại chủ yếu bán cho thương lái TQ. Theo bà Năm, vì thương lái TQ thu mua với số lượng lớn nên tại cánh đồng tôm hạ lưu sông Bàn Thạch với diện tích gần 2.000 ha này, có hơn 10 đầu nậu chuyên thu gom tôm bán lại với số lượng khoảng 10 tấn tôm/ngày.
“Cũng muốn mua bán đàng hoàng với bạn hàng trước đây nhưng khó lắm! Thương lái TQ sang đây đôn giá lên, mình phải chạy theo giá ấy để thu mua. Nếu bán cho công ty trong nước phải chịu lỗ trung bình 10 triệu đồng/tấn” - bà Năm nói rồi cho biết thêm những thương lái mà bà giao dịch mua bán đều không có giấy phép kinh doanh. Những người này tạm trú ở TP Tuy Hòa, thỉnh thoảng mới đến doanh nghiệp của bà để trả tiền và nhận tôm chuyển đi khi đã đủ chuyến.
 
Gom tôm nguyên liệu tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên để bán cho thương lái Trung Quốc (ảnh chụp ngày 17-9).
Ảnh: HỒNG ÁNH
Ông Huỳnh Tấn Lực, một người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm vừa bán 2 tấn tôm cho đầu nậu để bán lại cho thương lái TQ, khẳng định ông không quan tâm tôm bán cho ai. “Mình nuôi tôm, miễn họ mua được giá là bán thôi” - ông Lực nói.
Gây thiệt hại lớn
Ông Lê Văn Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải (tỉnh Phú Yên), chuyên chế biến, xuất khẩu tôm - cho hay với diện tích trên 2.500 ha tôm 2 vụ ở Phú Yên, trước đây chưa bao giờ ông phải lo thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện công ty đang đối mặt với tình trạng không đủ nguyên liệu cho các hợp đồng đã ký với nước ngoài.
“Thương lái TQ vì mua bán không phải chịu thuế nên họ mua tôm với giá cao ngất, buộc mình phải theo nhưng cũng chỉ theo ở mức độ vì nếu mua ngang giá, mình sẽ lỗ nặng. Còn nếu không theo kịp giá thì sẽ không đủ nguyên liệu” - ông Hồng lúng túng. Để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu, nhân công nhàn rỗi, công ty này lại phải gia công cấp đông tôm nguyên liệu cho chính thương lái TQ.
Theo bà Nguyễn Thị Phi Anh - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, công ty này cũng đang thiếu nguyên liệu tôm. Lý giải về việc thương lái TQ ồ ạt đổ sang Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador mua tôm nguyên liệu, phá rối thị trường, bà Anh cho rằng vì thị trường tôm nguyên liệu truyền thống của họ là Thái Lan đang mất mùa. “Họ đẩy giá tôm nguyên liệu lên mức quá cao. Không chỉ các công ty trong nước điêu đứng mà thị trường tôm thế giới cũng không thể nào chấp nhận được” - bà Anh bức xúc. Thương lái TQ cũng mua tôm về chế biến, xuất khẩu nhưng vì sao lại mua với giá cao hơn nhiều so với giá trung bình trên thế giới? Bà Anh tiết lộ: Vì họ được chính phủ trợ giá từ 13%-20% đối với mặt hàng tôm.
 
Chưa nghe, chưa nắm tình hình (!)
Chiều 17-9, ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho phóng viên biết ông vẫn chưa nghe nói gì về việc thương lái TQ mua tôm trên địa bàn. “Tôi sẽ cử ngay công an đến kiểm tra” - ông Sương nói. Tương tự, ông Huỳnh Công Điềm - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên - cũng chưa nắm được tình hình. “Nếu họ là những doanh nhân sang đây mua tôm thì phải trình giấy phép kinh doanh với tỉnh nhưng chưa thấy. Bản thân họ không được cấp phép, kinh doanh không đúng chức năng, không đóng thuế là sai rồi. Chúng tôi sẽ cử cán bộ kiểm tra” - ông Điềm nói.
 
Tôm Việt Nam sẽ bị mang tiếng xấu
Trước việc thương lái đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhận định tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Các doanh nghiệp tôm trong nước không còn nguyên liệu để bảo đảm chế biến và cung cấp cho các thị trường trước mắt nên về lâu dài sẽ mất bạn hàng. Lượng tôm nguyên liệu thô xuất khẩu tăng cao, cơ cấu sản phẩm tôm giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đã đầu tư nguồn lực và công nghệ tân tiến.
Về chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất sẽ khó kiểm soát, ảnh hưởng tiềm tàng đến hình ảnh tôm Việt Nam. Việc cạnh tranh của các thương lái đang gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Mặt khác, người dân ham giá cao dễ bị lừa đảo, giật tiền hoặc đầu tư ồ ạt cho lợi ích trước mắt mà không theo quy hoạch.
VASEP đề nghị các bộ tìm biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm và doanh nghiệp, kiến nghị tăng cường công tác quản lý thị trường ở các địa phương nhằm kiểm soát tình trạng trên.
Mỗi năm, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt từ 2,3-2,5 tỉ USD, chiếm 37%-40% tổng giá trị xuất khẩu hải sản và mang lại hơn 2% giá trị xuất khẩu của cả nước.
 
A.Nhiên
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH