Ngày 9/1, chúng tôi thâm nhập “lò” làm nguyên liệu lạp xưởng của bà Hòa ở số 88/10E ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM. Bước vào cổng, mùi hôi thối xộc lên nồng nặc. Khu vực chế biến che kín bởi bức tường cao gần 2m, cửa ra vào luôn chốt chặt.
Hôi không chịu nổi!
Trong
lò chế biến rộng hơn 20m2, nền ximăng dơ bẩn, ngổn ngang xô
chậu, máy móc. Nguyên liệu chuyển về được nhân viên cơ sở này
đổ thẳng ra nền đất. Ruột heo, mỡ heo... nằm ngổn ngang khắp nơi.
Khoảng chục nhân viên, người đi chân đất, người đi giày, người đi
ủng “vô tư” giẫm đạp lên mỡ và nguyên liệu lạp xưởng. Một công
nhân lắc đầu: “Vào khu vực chế biến mà không đi ủng thì chịu không
nổi...”.
Cạnh
đống mỡ chất cao trên nền nhà, hai thanh niên đang hì hục tách mỡ để
cho vào lò. Có người còn giẫm hẳn cả chân lên ruột heo để vuốt chất thải
ra ngoài. Nhiều chất nhầy nhụa văng tung tóe khắp sàn. Mùi hôi
nồng nặc bốc ra từ đống ruột heo. Tức tốc, hai thanh niên bất chấp dơ
bẩn, hốt đổ vào xô để một người làm tên Đông khệ nệ cho vào lò
nấu. Thậm chí mỡ heo lấm lem đất cát cũng được những người
này nhặt lại bỏ vào xô để chiên thành mỡ.
Những
ngày cận tết, lò chế biến nguyên liệu lạp xưởng hoạt động hết công
suất. Cứ vào thời điểm rạng sáng, các nhân viên của bà Hòa chạy xe
máy đến các lò mổ heo trên địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình
Chánh thu gom phế phẩm như ruột, mỡ... về phân loại. Mỗi ngày,
cơ sở này thu gom gần 1 tấn phế phẩm về chế biến tại xưởng.
Chế biến nguyên liệu ngay giữa nền nhà tại cơ sở bà Hòa
Sáng
11/1, một người tên Cường chạy xe máy chở hai bao tải lòng heo...
về “lò”. Tới cổng, hai người làm quẳng phịch bao tải xuống nền
đất bẩn thỉu. Chất bầy nhầy từ bao tải ngấm lẫn với cát và
bụi bẩn. Một phụ nữ tiếp tục lôi các bao tải mỡ vào trong cơ sở
để phân loại. Phân loại xong, số mỡ này được tống thẳng vào lò mà
không cần tẩy rửa. Nồi mỡ bốc hơi nghi ngút lẫn lộn với bụi bặm
từ củi và bột cưa. Mùi hôi nồng nặc, ruồi muỗi bám đầy. Sau khi
ép xong, mỡ được đổ ra một thau nhựa lớn chờ lắng đọng.
Mỡ
sau khi chưng cất với công đoạn siêu “dơ bẩn” này sẽ được nhân
viên của bà Hòa đóng vào loại can 20-25 lít đi bỏ mối khắp nơi.
Một nhân viên nói: “Mỗi ngày lò này có thể nấu 400-500 lít mỡ.
Dầu mỡ sẽ được giao cho các cơ sở sản xuất thực phẩm như lò
sản xuất lạp xưởng, lò chiên giòn. Các loại khác như ruột heo
dùng để bọc lạp xưởng được phân loại và bán với giá 230.000
đồng/kg cho các cơ sở làm lạp xưởng”.
Chà bông trộn bột mì
Giẫm đạp lên chà bông gà ở cơ sở chà bông của bà Biền (358/19 đường TTH 02, khu phố 3, P.Tân Thới Hiệp, Q.12)
Đầu
tháng 1, chúng tôi tiếp cận cơ sở làm chà bông của ông Tú ở số 1902/17
khu phố 2, P.Tân Thới Hiệp, Q.12. Tại đây, năm thanh niên lực lưỡng, cởi
trần, tay liên tục bốc, đảo để xé nhỏ thịt gà. Để sản xuất ra loại chà
bông siêu rẻ chỉ với giá 65.000 đồng/kg, ông Tú dùng thủ thuật pha trộn
với bột mì. Ông Tú bảo: “Đây này, giá chà bông gà rẻ nhất bỏ mối cho các
tiệm bánh mì ở Đồng Nai là 65.000 đồng/kg. Tui nói thiệt 1kg gà khi sao
lên chỉ cho ra được 250g chà bông thành phẩm, nên để bán cho mối với
giá 65.000 đồng/kg chà bông thì phải thêm thật nhiều bột mì mới có lời”.
Không
chỉ có thủ thuật độn bột mì vào chà bông, cơ sở chế biến này còn “phù
phép” chà bông gà công nghiệp thành chà bông heo “thơm phức” để bán giá
cao gần gấp ba lần. Ông Tú tiết lộ: “Loại chà bông này làm hoàn toàn
bằng thịt gà công nghiệp. Nhưng để có được thứ này, cơ sở tui phải pha
chất tạo mùi thịt heo, người ăn vào đảm bảo không phân biệt được đâu là
chà bông heo, đâu là chà bông gà. Loại này giá chỉ 160.000 đồng/kg”.
Cũng theo ông này, giá thịt heo nạc ngoài thị trường khoảng 100.000
đồng/kg và phải tốn hơn 3kg heo thịt mới cho ra 1kg chà bông heo thì giá
trên thị trường của chà bông heo xịn ít nhất phải trên 300.000 đồng/kg.
Cách
đó không xa, cơ sở chà bông của bà Biền ngụ ở số 358/19 đường
TTH 02, khu phố 3, P.Tân Thới Hiệp, Q.12 cũng chế biến... “siêu dơ”.
Sáng 6/1, một xe đông lạnh chở thịt gà tới. Bà Biền cùng nhân
viên hì hục khuân vác đổ gà ra một cái khay inox để chế biến.
Những miếng thịt gà rớt ra ngoài nền đất nhớp nháp, đen sì
được người làm ở đây nhặt cho vào nồi. Gà không cần qua công
đoạn rửa sạch được cho thẳng vào nồi đun sôi. Ngay sau đó, chà
bông thành phẩm được đổ ra một tấm bạt dơ bẩn. Lúc này, một thanh niên
đi ra từ nhà vệ sinh thản nhiên giẫm đạp dép lên khu vực chế biến chà
bông. Cạnh bên, một thanh niên khác cũng đạp cả hai chân lên đống chà
bông giữa nền nhà.
Khi
xay nhuyễn thịt gà xong, người làm bắt đầu chia nhỏ thịt gà ra
từng xô để tiếp tục pha trộn với hóa chất. Một thanh niên tên
Trương nhanh nhảu chạy lại góc nhà lấy một cái thau đặt lên
bếp. Sau đó, nhân viên này pha chế tỉ lệ nước với các hóa
chất, phẩm màu khác nhau để thành một loại tạp chất màu đen
sóng sánh. Lúc này, Trương nhanh chóng cầm thau hóa chất múc đổ
vào mỗi chảo một ca nhựa, sau đó tiếp tục lấy các chất “không
tên” khác đổ vào. Trong quá trình chế biến, thịt gà bắt đầu đổi
màu từ trắng nhợt sang vàng đậm. Trong quá trình “phù phép” ,
nhân viên phụ trách chế biến cũng phải lắc đầu, lấy khẩu trang
che kín miệng.
Sau
khi “phù phép màu” cho thịt gà xong, các chảo rang gà được đổ
ra tấm bạt phơi khô. Trong quá trình trộn bột, các nhân viên cứ
vô tư đi ra đi vào trên tấm bạt đựng chà bông nhớp nháp. Chà bông
chế biến xong được phơi ngay lối đi ra vào của nhà vệ sinh.
Thỉnh thoảng do lối đi hẹp, các nhân viên muốn vào trong lại
phải nhảy qua hoặc giẫm lên chà bông thành phẩm.
Theo
tìm hiểu, cơ sở sản xuất chà bông gà này đã hoạt động được
khoảng bảy năm nay. Hằng ngày, cứ vào khoảng 4g, năm nhân viên của bà
Biền bắt đầu chế biến món chà bông tẩm “hóa chất”. Chà bông
sau khi được người làm chế biến xong, bà đóng gói và phân phối
ra nhiều đầu mối ở địa bàn TP.HCM. Chồng bà Biền cho biết: “Có
tất cả 4-5 loại giá từ 62.000- 250.000 đồng/kg, muốn lấy loại nào cũng
có”.
Theo Nhóm PV CTXH
Tuổi trẻ