Dân ghi nợ
Sáng 16.12, tại Phòng Trước bạ nhà đất Chi cục Thuế Q.Gò Vấp (TP.HCM), bà Tâm cho biết, sáng nay, bà phải mượn người bán hộ xe bánh mì ở đầu hẻm để đi hoàn tất thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất (SDĐ). "Cách đây nhiều năm, tôi mua căn nhà diện tích 24 m2 với giá 240 triệu đồng. Mua xong, cũng đi làm sổ đỏ nhưng nhiều năm nay vẫn chưa tính được tiền SDĐ. Nay cơ quan thuế báo tiền SDĐ hết 12 triệu đồng. Tôi lên cơ quan thuế để ghi nợ vì tiền đâu mà đóng. Cũng không biết nhà nước cho ghi nợ bao lâu nhưng sang năm, tôi sẽ vay tiền hộ nghèo (gia đình bà Tâm thuộc diện hộ nghèo) để lấy sổ đỏ" - bà Tâm kể và cho biết “nhiều hộ dân xung quanh nhà bà đều ghi nợ tiền SDĐ, có nhà 30 triệu, 40 triệu”.
Hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền chuyển mục đích sử dụng đối với đất không phải là đất ở sang đất ở hiện quá cao - Ảnh: T.X |
Tương tự, ông Phúc (ngụ tại đường Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc cho hay, năm 2000, gia đình vợ cho miếng đất 164 m2, khi đi làm giấy tờ hợp thức hóa miếng đất này thì bị lộ giới nên phần đất công nhận trong sổ đỏ còn 116 m2. Vào năm 2001, gia đình mua thêm 80 m2 đất ở sát bên cạnh miếng đất này với giá 50 triệu đồng. Ông Phúc đã đi làm giấy tờ để hợp thức hóa nhưng không được. Đến năm 2010, ông Phúc kiên trì lên làm thủ tục giấy tờ cho 2 miếng đất trên sáp nhập lại với nhau thì được cơ quan chức năng công nhận lên hơn 240 m2 (do bỏ quy hoạch lộ giới nên được công nhận cả phần lộ giới). Chưa kịp mừng thì cơ quan thuế cho biết, số tiền SDĐ phải đóng hơn 600 triệu đồng. “Với lương mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, tôi nhịn ăn 7 năm thì mới có thể có được số tiền này để đóng. Chúng tôi chỉ còn cách ghi nợ tiền SDĐ dù biết rằng, không đóng tiền SDĐ thì giấy tờ không xong, không thể vay tiền ngân hàng để làm ăn gì được. Nhưng mức đóng này là quá cao so với tình hình tài chính của gia đình nên tôi hiện chưa có cách nào xoay xở được" - ông Phúc nói.
Bà Hà (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì vừa "bấm bụng" thực hiện việc đóng tiền SDĐ gần 500 triệu đồng để hoàn tất thủ tục bán nhà đất với diện tích 247 m2. Bà Hà cho biết: “Do mấy lần trước phải đền hợp đồng với người mua nhà này vì không làm được thủ tục đóng tiền SDĐ. Nên giờ tiền SDĐ dù cao nhưng tôi vẫn phải cố đóng nếu không lại phải đền cho người mua”.
Ông Lâm Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.2 - cho biết: “Khi hệ số mới ban hành, chỉ có một số trường hợp cấp thiết lắm mới đến đóng tiền SDĐ, cơ quan thuế thu được khoảng 2 - 3 tỉ đồng/tháng. Thế nhưng, đến nay hầu hết các hồ sơ đều ghi nợ tiền SDĐ”.
Hệ số quá cao
Sau gần 4 năm không tính được tiền SDĐ đối với đất vượt ngoài hạn mức, đất chuyển mục đích sử dụng đối với đất đang sử dụng không phải là đất ở sang đất ở, Quyết định 28 của UBND TP.HCM về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền SDĐ ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là QĐ28) được ban hành ngày 6.7.2012 khiến nhiều người kỳ vọng, sẽ giải quyết được các ách tắc của hơn 4.000 hồ sơ đang tồn đọng. Tuy nhiên, hệ số đất quá cao khiến nhiều gia đình chọn phương án nợ thuế đất như nói trên. Đơn cử trường hợp bà Tâm, ông Phúc ở Q.Gò Vấp nên chịu hệ số điều chỉnh giá đất là 4 lần giá đất do UBND TP.HCM quy định và công bố hằng năm. Theo QĐ28, hệ số 4 lần (áp dụng cho Q.2, Q.6, Q.7, Q.8, Q.9, Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức, Q.Tân Phú) chưa phải là mức cao nhất. Hệ số cao nhất là 4,5 lần đối với đất thuộc Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.11, Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận. Với huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, hệ số đất là 3,5 lần.
So với các tỉnh thành khác, hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền SDĐ tại TP.HCM ở mức cao nhất (các tỉnh từ 1 đến 1,8 lần); tại TP.Đà Nẵng, từ 1 - 2,5 lần. Ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho hay tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa 8, Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị xem xét lại QĐ28 để giảm tiền SDĐ, bù lại số thu ngân sách sẽ tăng lên khi các giao dịch nhà đất diễn ra.
Chủ đầu tư nợ tiền SDĐ
Ông Nguyễn Đình Tấn cho biết có 67 doanh nghiệp bất động sản đang nợ tiền SDĐ với số tiền 1.980 tỉ đồng. Trong đó, có 22 doanh nghiệp đủ điều kiện được gia hạn tiền SDĐ. Đối với các dự án của những đơn vị này, giá bán căn hộ, đất nền khá rẻ nhưng khi chủ đầu tư chưa đóng tiền SDĐ thì sẽ không thể hoàn tất thủ tục giấy tờ. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khá khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ thuế. Đây là rủi ro mà người mua nhà đất tại thời điểm hiện nay cần phải tính đến.
|
Thanh Xuân