Tường An, thông tín viên RFA
2012-10-24
40 công nhân Việt Nam làm việc tại công ty màn hình Topla Hight tech tại bang Ipoh, Mã Lai đã về lại Việt Nam khi công ty phá sản.
Được đền bù ra sao
Theo luật lao động Việt Nam, công nhân đi lao động xuất khẩu phải ký 2 hợp đồng :
Một hợp đồng mà người lao động ký với công ty dịch vụ Xuất Khẩu Lao Động ( thường được gọi tắt là công ty môi giới) ở Việt Nam gọi là Hợp đồng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty dịch vụ XKLĐ và người lao động từ thời gian người lao động bắt đầu thực hiện các thủ tục đi lao động; trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài và sau khi người lao động về nước (đúng hạn Hợp đồng hay trước hạn Hợp đồng).
Và một hợp đồng người lao động ký với công ty sử dụng lao động hoặc công ty môi giới của nước tiếp nhận gọi là Hợp đồng lao động – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty sử dụng lao động và người lao động trong quá trình công nhân làm việc ở nước ngoài.
Điều 23 trong hợp đồng giữa công nhân và công ty hảng màn hình Topla Hight Tech quy định rõ : Nếu người lao động tự nguyện chấm dứt trước thời hạn thì người lao động sẽ phải tự chi trả tiền vé máy bay về nước cũng như bồi hoàn tiền thuế Levy.
Nếu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động thì chủ sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ chi phí về nước cho người lao động.
Lúc đầu, công ty Topla Hightech chỉ đồng ý bồi thường cho mỗi công nhân 3 tháng tiền lương, nhưng sau đó, do sự đấu tranh của công nhân, họ đã chấp thuận đã bồi hoàn cho công nhân đúng như quy định, tức 8 tháng tiền lương vì hợp đồng bị hủy trước thời hạn, anh Lành, một công nhân của hãng này cho biết :
«Công ty ở đây nó đền cho 8 tháng tiền lương là đúng rồi ! Tức là bây giờ chủ trả cho bọn em là 25 triệu ( đồng Việt Nam) tức 3970 Rinnggit »
Ngoài ra, hợp đồng giữa người lao động với công ty môi giới ở Việt Nam cũng là một cơ sở pháp lý rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Tuy nhiên, theo anh Lành, thì giữa công ty môi giới Vinafor và 40 công nhân này thì không có ký một hợp đồng rõ ràng nào cả, ngoài một văn bản ghi những chi tiết về công ty mà công nhân sẽ làm việc :
«Bọn em đi ra là bọn em không ký hợp đồng nào hết, chỉ là cái đơn hàng, tức là sang bên đây, làm việc mức giá lương bao nhiêu, tên công ty. Chỉ thế thôi ! Tức là trước khi bọn em đi, nó đưa cho 1 cái bảng là mức lương bao nhiêu, làm hàng gì, công ty gì, ở đâu, đấy ! Chỉ thế thôi chứ không có khoản A, B, C gì hết… »
Trước chuyện đã rồi
"Chuyến đầu bọn em về ngày 27/9, hôm đó vào ký kết, họ phân tích với bọn em như thế này : Em ơi, bọn chị nhận mỗi đầu người của bọn em do nhà nước đưa ra là bọn chị nhận được có 5 triệu một người thôi. Trong vòng 3 năm mà hoàng thành trách nhiệm thì bọn chị mới được 5 triệu. Nếu trục trặc như bọn em đây không may là công ty không có việc, bọn em phải quay về thì bọn chị lấy cái này bọn chị trả nợ. Chị ấy nói : mỗi em khi đi đóng 1200 đô-la. Cái số phát sinh ra thế này, chi cái này, cái kia….
Đấy, chị ấy bảo thế ! Đủ thứ chi, chi ra như vậy thì không còn được bao nhiêu. Xong rồi lấy số tiền của bọn em đã làm là 1 năm 4 tháng chia cho số tiền 5 triệu đó thì bọn em còn lại được 2 triệu rưởi.Lớp em được 2 triệu rưởi, lớp đi trước em được 2 triệu, lớp đi sau em được 3 triệu, lớp đi sau nữa được 4 triệu. Lớp được 4 triệu thì làm bên Mã Lai chưa được 1 năm. Em về ngày 27 tháng 9, đến hôm mùng mấy em mới ra lấy tiền lận cơ !! »
Tuy nhiên, Anh Lành không tin lắm vào cách giải thích mập mờ ấy, anh nêu thắc mắc tại sao khi đi, anh đóng 1200 mỹ kim, tức khoảng 25 triệu, bây giờ chỉ trả lại cho có anh 2 triệu rưỡi, anh yêu cầu ông Tiến, người đại diện công ty Vinafor ghi biên bản rõ ràng là đã trừ những chi phí nào thì anh được trả lời như sau :
«Họ chỉ thanh toán cho em 2 triệu rưỡi thôi chị ạ. Em có bảo với họ là tại sao công ty chỉ thanh toán 2 triệu rưỡi là nguyên nhân vì sao ? Họ bảo là bọn em đóng 3 năm tiền sang Mã lai 1200 đô –la , nhưng họ bảo là trừ khoản Levy này, khoản nọ, khoản kia này, trừ tiền môi giới bao nhiêu này, còn lại bao nhiêu này !! Em bảo anh phải ghi lên giấy trắng mực đen, không thể nói miệng được. Thì anh Tiến đại diện công ty , anh ấy bảo : Tại sao em lại nói như vậy, em nói như vậy không được, đây là do công ty trừ, anh không biết. Em mới bảo : anh là một người đại diện nhân viên của công ty mà anh bảo anh không biết là như thế nào ? Nhưng mà họ có dám kê (ghi) đâu, em bảo họ kê mà họ không dám kê. »
Thuế Levy là gì và ai là người phải đóng tiền thuế này ? Chúng tôi đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Đình Hùng, cán bộ nghiệp đoàn vận tải và may mặc( TCFUA) của Úc và cũng là thành viên của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt là Lao Động Việt) và được ông giải thích :
«Thuế Levy là thuế hộ chiếu tạm thời để công nhân nước ngoài vào làm việc ở Mã lai. Công nhân nước ngoài vào làm việc tại Mã Lai phải đóng thuế mỗi tháng cho chính phủ Mã lai để được phép tiếp tục ở lại làm việc hết hợp đồng, thường là 3 năm, thuế này gọi là Levy. Kể từ ngày 1/4/2009, tất cả các chủ nhân của mọi ngành phải trả tiền thuế Levy này thay cho công nhân. Có nghĩa là từ ngày 1/4/2009 trở đi thì chủ nhân không được quyền trừ thuế Levy vào tiền lương mỗi tháng của công nhân nữa.»
Theo giải thích này thì công nhân không phải đóng thuế Levy nữa, thế sao công ty Vinafor lại vẫn trừ tiền thuế Levy của họ ? Do các kinh nghiệm đã qua với công ty Vinafor, giờ thì các công nhân không tin tưởng vào những lời hứa hẹn suông hoặc dỗ ngọt của đại diện công ty này nữa mà họ nhất quyết đòi công ty phải có những đền bù thoả đáng cho công nhân và họ đòi hỏi mọi lời hứa phải được ghi trên giấy trắng mực đen:
«Bây giờ anh nói như thế nào thì anh phải ghi vào giấy tờ, bọn em bắt ghi như thế này : Ước nguyện được đi lại lần nữa. Mong công ty sẽ trợ giúp bọn em 50% hoặc là bao nhiêu đấy. mà bây giờ bọn em đổi hộ chiếu hết rồi, bây giờ mọi người cũng chuẩn bị hết rồi. Bọn em khoảng 15 người, nói chung đoàn 39 người nhưng sẽ đi lại 15 người, còn 1 số người sẽ đi công ty khác, bởi vì công ty này ng ta chán rồi, có người đi 2 đợt bị nó lừa đấy ! Họ chán rồi, có người thì đi công ty khác, có người thì vẫn đi công ty Vinafor. »
Trước những đòi hỏi quyết liệt của các công nhân này, người đại diện của công ty Vinafor lại trấn an họ bằng những hứa hẹn :
«Anh Tiến đại diện công ty bảo là : Thôi, các em cứ yên tâm đi, công việc này thì anh sẽ đứng ra sẽ sắp xếp cho bọn em là anh có trách nhiệm thảo luận với công ty là sẽ cho bọn em sang một lần nữa và ủng hộ 100%, nhưng mà 50% là công ty ủng hộ, còn 50% là bọn em sang đấy làm trả dần dần !!!"
Công nhân kêu cứu
«Anh em ở đây rất là bối rối và không bình tĩnh cho lắm bởi vì người giám đốc ở VN là bà Tâm nói là công ty không hoạt động nữa, từ giờ đến cuối tháng 9 này là nó cho mọi người phải về hết tất cả và nó chỉ đền bù là từ 1 đến 3 tháng lương thôi. Bọn em không phẫn uất sao được ?. Bây giờ bọn em rất là bối rối và không biết làm sao. Trăm sự nhờ bên công đoàn can thiệp mà thôi. »
Và các công nhân này đã kêu cứu đến Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, một tổ chức hỗ trợ cho công nhân để nhờ giúp đỡ, ông Nguyễn Đình Hùng, thành viên của Lao Động Việt cho biết những gì ông đã thực hiện trong thời gian qua để tìm cách giúp đỡ cho các công nhân này :
«Lao Động Việt đã liên lạc với công nhân để hướng dẫn và giải thích về quyền lợi của công nhân theo luật lao động Mã Lai và cũng liên lạc với công đoàn Mã Lai để nhờ họ can thiệp, và đồng thời cũng nhờ luật sư để hướng dẫn họ làm những thủ tục cần thiết. »
Đa số công nhân đi sang Mã lai lao động xuất thân từ nông thôn, là thành phần nông dân, kiến thức ít ỏi, thậm chí có người không biết đọc, biết viết nên việc hướng dẫn cho họ một số kinh nghiệm sơ khởi khi giao tiếp với công ty môi giới, bước đầu của hành trình xuất khẩu lao động, là điều cần thiết, trong giới hạn của bài này, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết 1 vài chi tiết cần thiết mà người lao động cần chú ý khi ký hợp đồng với công ty môi giới:
«Trước khi đi lao động tại Mã Lai và các nước khác, công nhân hãy đọc rõ và hiểu rõ hợp đồng làm việc, nếu không hiểu thì nhờ những người khác giải thích trước khi ký. Và điều quan trọng nữa là ghi tên, số điện thoại, điạ chỉ của công ty môi giới và nên làm bản sao để lại cho gia đình và đồng thời cũng mang theo cho bản thân khi cần thiết. »
Theo con số mới nhất của viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu uy tín của Hoa Kỳ thì Việt Nam chiếm tỉ lệ người nghèo cao gần nhất khu vực với 18,2% dân số có thu nhập dưới 2 mỹ kim/ ngày, cách xa với các nước lân cận là Mã lai, Thái lan. Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phần lớn xuất thân từ nông thôn. Một trong những biện pháp được đề ra để xoá đói giảm nghèo của nhà nước Việt Nam là tăng cường xuất khẩu lao động nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong khâu thực hiện, khởi đầu là các công ty môi giới không thực hiện đúng chức năng theo luật pháp quy định, công nhân than thường bị rơi vào tình trạng «đem con bỏ chợ» khi sang đến quốc gia khác. Ngoài ra, có những công ty môi giới còn lợi dụng sự kém hiểu biết của công nhân để trục lợi, thậm chí lường gạt, buôn người mà chúng tôi sẽ trình bày trong các loạt bài sau.