Người Sài Gòn (Danlambao) - Đúng 8 giờ sáng, sau khi gởi con vào nhà trẻ. Vợ chồng tôi lên đường đi thăm đường HẦM THỦ THIÊM nối 2 bờ sông saigon quận 1, quận 2. Theo hướng quận 4 qua cầu Camet đi vào nhánh cầu rẽ phải bên quận 1 khoảng 200m, một mũi tàu rẽ trái nối vào đường hầm lồ lộ hiện ra được phân cách bằng những con lươn, rào nhựa xen lẫn những hàng cây, tiểu đảo. Lúc này xe cộ không đông lắm, xe hàng, xe hơi, xe gắn máy thong thả chui vào chui ra trông vui mắt, đường vào có 3 làn, đường lên cũng 3 làn được ngăn cách 2 chiều bằng một bức tường bê tông vững chãi. Không gian thoáng rộng, mát, các con đường dẫn vào hầm được tráng một1ớp nhựa mới gây cảm giác an toàn chắc chắn. Xa bên trái là những ngôi nhà lớn của các ngân hàng, công ty đồ sộ, vững trãi tô thêm nét đẹp nguy nga, hùng dũng. Bên phải là con đường dẫn từ cầu Camet trải dài vào hầm và thẳng tiến uốn lượn qua cây cầu móng cũ kỹ như một nét chấm phá của người thành phố nhớ về một công viên xưa đầy kỹ niệm… rồi chợt chui luồn xuống chân cầu Khánh Hội hoàng tráng để kết thúc ở bến Bạch Đằng thơ mộng là địa danh lịch sử vang bóng 1 thời : nhà hàng Mỹ Cảnh. Bên hông con đường là vỉa hè, công viên được lót gạch 2 màu vàng đỏ mới tinh, sạch sẽ, thơm mùi cỏ mới xanh tơ trong gió mát yên lành quyện chút ánh nắng vàng tươi của bình minh đến muộn..., khung cảnh thật thanh bình đáng để làm nơi thể dục dưỡng sinh, câu cá thư giãn hay hội họp bạn bè, một hàng lan can xam xám dài tít ngã bóng vào dòng sông phẳng lặng đục ngầu như con trăn quặn mình đang từ từ cởi bỏ lớp da đen ngầu hôi hám thuở nào… Bây giờ trước mắt tôi là 2 miệng hầm khổng lồ giống như miệng của con thuồng luồng dữ tợn trong truyền thuyết dân gian, tôi đi chầm chậm quan sát, anh bảo vệ khoát tay bảo nhanh lên, tôi xiết ga lao vào, đường hầm dốc xuống nuốt chửng, 1 cảm giác là lạ đầy thán phục với 1 chút sờ sợ ngây ngô - lỡ có gì... Tôi đang đi dưới lòng sông, dưới hàng ngàn tấn nước cuộn chảy trên đầu, khoa học thật diệu kỳ, con người thật vĩ đại, người Việt Nam thật oai hùng. Lòng tôi háo hức nhìn quanh, 2 đường hầm được ngăn cách bằng 1 thành tường kiên cố, hầm mới sơn phết rắn chắc nhưng thô cứng, 2 dãy đèn 2 bên nối dài tỏa ánh sáng vàng vọt hòa cùng ánh đèn xe hơi cũng vàng vàng đỏ đỏ khiến ta cảm thấy buồn buồn, và âm thanh mới là điều đáng nói, qua khỏi miệng hầm khoảng 100m trên nóc là 3 cái quạt hút gió khổng lồ tạo ra một âm thanh ồm ồm, khó chịu, chạy xa thì giảm dần… Đường hầm thoai thoải dốc, loáng thoáng bên vách là nhũng cánh cửa thoát hiểm, đèn báo động, điện thoại khẩn cấp… Chạy hơn 400m thì hầm như bằng phẳng, quá 600m thì đường hầm bắt đầu dốc lên, tiếng ồn của 3 cái quạt gió rõ dần, lên dốc 1 đoạn ánh sáng trời ở 2 miệng đường hầm bổng hiện ra sáng lòa như cổng thiên đường, khiến ta quên đi tiếng ồm ồm của…quạt! Bên kia hầm bầu trời lồng lộng, những hàng cây phân cách mới trồng xanh mướt chạy dài theo con đường mới rộng hơn, dài hơn, hai bên đường là những rừng lá thấp, con sông cạn, bãi bùn hoang vắng không thấy bóng dân cư chỉ còn sót lai vài nền đất, vài cây cột nhà gẫy đổ lẫn trong đám dừa nước như vết tích của đền bù giải tỏa lấy đất phục vụ công trình lợi ích dân sinh, mong rằng họ vui vẻ, hạnh phúc hơn ở nơi ở mới. Con đường dẫn vào hầm bên quận 2 dài hơn 2 cây số mới đến một ngã 3 kết nối lên cầu Thủ Thiêm qua Bình Thạnh - TP.HCM. Đến đây vợ chồng tôi mới quay ngược được trở về đường hầm, chạy non cây số thấy có 1 ngã rẽ về bến phà Thủ Thiêm, bến phà lâu đời nhất cùa Thành Phố nối 2 bờ xa cách của lòng người, của hiện đại và quê mùa, của văn minh và dốt nát, của giàu nghèo… sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình cho đôi bờ đất nước tiến lên để lại sau lưng những nỗi buồn man mác… Câu chuyện xây hay không xây đường hầm 7.000 tỉ kéo dài 6 năm ầm ĩ ngày nào đã tạm dừng bến đỗ, nhưng người bình dân vẫn giá mà "Hầm" để sau này khi ta lớn mạnh, giàu có rồi làm cũng chưa muộn lắm, còn tiền đó để xây cầu ta đã có 3, 4 cây cầu như Thủ Thiêm, Phú Mỹ chỉ tốn 1.500 đến 2.000 tỉ một cầu, 2 năm là đã hoàn thành, kinh tế đã thông thương, giao thông thuận lợi nhiều nơi, nhiều hướng, lại đẹp và nên thơ, du lịch cảnh quan phát triển, con người hòa nhập với thiên nhiên sông nước mà không phải chờ đợi quá lâu, so với đi hầm ngột nghạt, đầy khói bụi lại tốn kém vật tư, điện máy, nhân công bảo dưỡng hàng ngày, rồi đỡ phải lo an toàn, cháy nổ, lún sụt… Rồi sau 100 năm tuổi thọ thì việc đại tu kéo dài sự sống của hầm cũng là 1 vấn đề cực kỳ tốn kém và nhức đầu của thế hệ mai sau... Thôi, hãy gác lại những gì cũ kỹ, đường hầm giờ cũng đã hoàn thành hiện hữu như 1 minh chứng của sức mạnh ViêtNam, lòng dân Việt cũng lắm vị tha đễ nhìn về phía trước. Trở về quận 1 sau hai chặng qua lại đường hầm dài hơn cây số, mới thấy thành quả của bao nhiêu khối óc, con tim của lãnh đạo, của cán bộ công nhân. Mới thấy tự hào về con đường hẩm lớn nhất Đông Nam Á, mới thấy niềm mơ ước bao đời cùa nhân dân 2 bờ giờ thành hiện thực. Xin thán phục, thán phục, xin cảm ơn, cảm ơn tất cả. NguoiSaigon Cắt băng khánh thành hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây - Ảnh: Nguyên Mi Cửa vào hầm Thủ Thiêm phía Q.1 - Ảnh: Nguyên Mi Đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía Q.2 - Ảnh: Nguyên Mi Mỗi chiều lưu thông trong hầm có 3 làn xe - Ảnh: Nguyên Mi |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog