THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 December 2011

Thưởng Tết bằng bột ngọt, dầu ăn


Không có tiền, một số doanh nghiệp ở Khánh Hòa tặng dầu ăn, hạt dưa... cho người lao động, coi như phần quà Tết vui xuân. Có nơi, nhân viên chỉ được thưởng 50.000 đồng, nhưng là mức thưởng cao gần gấp đôi năm ngoái. 
Thưởng Tết cao nhất 700 triệu đồng một người
Doanh nghiệp trả lương bằng bánh
Chủ doanh nghiệp phải cầm nhà lo thưởng Tết

Ông Mai Xuân Trí, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động cực kỳ khó khăn, nên việc thưởng Tết trở nên quá sức với các ông chủ doanh nghiệp. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp trong ngành may mặc, song mây, thủy sản... nỗ lực lắm cũng chỉ có thể gửi túi bột ngọt, dầu ăn, hạt dưa, bánh kẹo... tới người lao động để hưởng chút không khí Tết. Trị giá mỗi phần quà dao động 100.000-200.000 đồng.

Chuyện dùng hiện vật làm quà Tết, thay vì thưởng bằng tiền mặt không còn lạ, nhất trong bối cảnh năm nay, doanh nghiệp hứng chịu nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong thời buổi vật giá leo thang, và có hàng loạt thứ cần chi tiêu, sắm sửa cho Tết thì người lao động rất phiền lòng với những phần quà "còm cõi" này.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, công nhân Công ty Sao Đại Hùng, chuyên chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa buồn bã: "Chúng tôi không có khái niệm thưởng tết. Doanh nghiệp còn nợ lương chồng chất, chưa thấy đoài hoài gì tới. Bản thân tôi cũng đứng trước nguy cơ thất nghiệp trong năm mới".

Mức thưởng Tết ở doanh nghiệp tại Khánh Hòa thấp nhất chỉ 50.000 đồng một người. Ảnh: Nam Anh.

Trong khi đó, Công ty Sampo Ise (liên doanh với Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực may mặc), thuộc khối FDI, ở Khánh Hòa thưởng thấp nhất là 50.000 đồng, nhưng được coi là khả quan so với Tết Tân Mão. Năm ngoái, có lao động ở doanh nghiệp này chỉ được thưởng 30.000 đồng.

Đứng ở cương vị điều hành, bản thân các công chủ cũng không hề sung sướng gì khi không thể mang lại cái Tết sung túc cho nhân viên của mình. Chủ một cơ sở may gia công có vài chục nhân viên ở TP HCM, chia sẻ, do đơn hàng ít đi, nhất là trong 6 tháng cuối năm nên nguồn thu sụt giảm rõ rệt. Để tránh tình trạng tới khi có đơn hàng thì không tuyển công nhân kịp, nên chị không cho bất kỳ ai nghỉ việc, đồng thời tìm nguồn khác để trả lương người lao động. Tuy nhiên, tình hình 2 quý cuối không khả quan bao nhiêu so với dự kiến, cũng chưa thu hết tiền hàng, nên tài chính hiện eo hẹp, khó thưởng xấp xỉ 1 tháng lương như dự định. "Nếu sắp tới vẫn không thu hết tiền nợ, chắc chỉ có thể gửi cho mỗi người túi quà, sang năm sẽ bù lại", chị chia sẻ.

Ông Trung, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép lớn ở Quảng Ngãi cũng dự tính: "Có công trình xây dựng khất nợ nhiều quá nên tết năm nay chỉ thưởng cho mỗi anh em một thùng bia, sau tết tính sau".

Ngược lại, nhiều ông chủ chọn cách bỏ trốn, mặc cho công nhân tự xoay sở bao nhiêu khoản phải chi tiêu trong Tết. Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, mọi năm, 27, 28 âm lịch, có ông chủ bỗng dưng biến mất, không cách nào liên lạc được, trong khi chưa trả thưởng cho người lao động như đã hứa.

Chính vì vậy, hiện tại, trong khoảng vài chục doanh nghiệp ở các địa bàn quận huyện tại thành phố có nguy cơ "trốn thưởng", hoạt động khó khăn, đã được liệt vào diện cần theo dõi đặc biệt. Họ có động tĩnh gì, các liên đoàn lao động quận huyện sẽ nắm ngay, tìm cách để doanh nghiệp không thể thoái thác việc trả thưởng cho công nhân.

Theo ông Cận, tới thời điểm này, trên 100 công nhân bị thất nghiệp, do doanh nghiệp giải thể, chủ bỏ trốn khi gần cuối năm và vẫn chưa tìm được việc khác, coi như Tết này về quê "tay trắng". Những trường hợp này, công đoàn phối hợp với ủy ban quận huyện gửi mỗi người 300.000 đồng ăn Tết.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Khánh Hòa vừa có báo cáo thưởng Tết, dựa trên khảo sát ở 136 doanh nghiệp lớn. Mức cao nhất là 60 triệu đồng, thấp nhất là 50.000 đồng.

Cán bộ viên chức được thưởng 1 triệu đồng. Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có mức thưởng cao nhất 45 triệu đồng, thấp nhất 200 nghìn đồng, bình quân 4 triệu đồng. Doanh nghiệp dân doanh mức thưởng trung bình hơn 2,7 triệu đồng. Trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thưởng thấp nhất 50 nghìn đồng, cao nhất 54 triệu đồng, bình quân hơn 1,4 triệu đồng. Riêng Điện lực Khánh Hòa mức thưởng trung bình 1 triệu đồng.

Nam Anh - Trí Tín - Bạch Hường