"Toàn bộ hồ chứa thủy điện ở miền Trung không đủ dung tích phòng lũ, không có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du mà chủ yếu để phát điện", GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á trao đổi với VnExpress. |
Thủy điện sông Tranh 2 xả lũ với lưu lượng từ 3.500 đến 5.000 m3/s trong hai ngày qua đã gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu Quảng Nam. Ảnh: Trí Tín. |
- Hiện các công trình thủy điện thông báo xả lũ trước 2 giờ, trong khi người dân cần ít nhất 6-8 giờ để chuẩn bị đối phó, ông nghĩ sao về điều này?
- Quy định thông báo 2 giờ trước khi vận hành, mở cửa xả đầu tiên được các tỉnh đồng tình hết. Quy định này căn cứ vào khả năng dự báo và điều kiện thực tế chứ không phải cứ muốn thông báo sớm là được.
Ở miền Trung, sông ngắn, hẹp, dốc trong khi mưa lũ lớn thường xuyên xảy ra, có khi mưa chưa đầy 2h lũ đã lên rồi. Một bất hợp lý nữa là mạng lưới quan trắc đo mưa ở miền Trung rất thưa, rất ít trạm tự ghi như ngoài Bắc; chỉ đo mưa 12 giờ và mưa 24 giờ không có 6 hay 3 giờ, nếu có thì trạm ở thị xã ven biển trong khi lũ thì ở thượng nguồn.
Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tăng thời gian thông báo trước khi xả lũ, nhưng với 3 điều kiện: nâng cao năng lực dự báo mưa lũ; bổ sung các trạm đo mưa, ví dụ lưu vực sông Ba có khu vực gần 5.000 km2 mới có một trạm; và phải nghiên cứu, cập nhật qua vài ba năm xả lũ.
- Nếu xét về mặt chi phí, để tăng thời gian dự báo thêm một giờ thì tốn kém như thế nào?
- Vấn đề ở đây không phải bài toán kinh tế. Dự báo càng sớm thì an toàn cho người dân, thêm thời gian sơ tán, nhưng kéo dài phải đi cùng độ chính xác cao. Nếu vài lần thiếu chính xác dân chủ quan thì rất nguy hiểm.
Chúng ta cần nâng cao khả năng dự báo cho chủ hồ, vì các chủ hồ quyết định phương án giữ hay xả nước. Họ thuê đài khí tượng địa phương thì ta phải nâng cao kiến thức cho những người ấy. Chính phủ không ngại tốn tiền trong việc dự báo ứng phó thiên tai, nhưng vấn đề làm thế nào hiệu quả. Cái này phải có thời gian đào tạo, ứng dụng mô hình toán đo được độ chính xác.
- Trong ngành công nghiệp năng lượng, thủy điện được coi là lạc hậu. Trong điều kiện Việt Nam, chiến lược phát triển thủy điện cần đặt ở vị trí như thế nào cho phù hợp?
- Trên thế giới, các nước đã phát triển đều qua giai đoạn phát triển ồ ạt thủy điện. Sau đó vì khai thác nhiều, bùn cát lấp đi hồ chứa, đồng thời gây hệ lụy với dòng chảy hạ lưu nên người ta phải bỏ. Ví dụ ở Mỹ, có những công trình khi không còn đảm bảo dòng chảy cho hạ du, ảnh hưởng tới động vật thủy sinh như cá hồi, sản phẩm thương nghiệp có giá trị cao, thì sau khi hoàn vốn người ta phá bỏ.
Việt Nam còn nghèo buộc phải khai thác thủy điện chứ làm gì có vốn đầu tư ngay vào điện nguyên tử hay các công nghệ tiên tiến khác. Chưa kể phải có trình độ, đội ngũ nhân lực vận hành. Hoàn cảnh hiện nay buộc chúng ta phải thế. Còn theo quy hoạch, đến 2025, tất cả nhà máy thủy điện lớn và vừa đã làm xong. Sau đó, chúng ta chỉ phát triển thủy điện tích năng, điện nguyên tử. Sau khi có điện nguyên tử, điện khí, thủy điện chỉ còn chiếm 25% tổng sản lượng và sẽ ngày càng giảm xuống.
Nguyễn Hưng thực hiện