Hội nghị bộ trưởng ASEAN khai mạc hôm nay với phát biểu đáng chú ý của tổng thống nước chủ nhà Indonesia, kêu gọi các nước nhanh chóng có các quy tắc cho việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC).DOC được ký năm 2002 giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, thể hiện tinh thần vì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, nơi có các tuyên bố chồng lấn về chủ quyền giữa các bên nói trên. Phải mất 10 năm chuẩn bị, DOC mới được ra đời. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh rằng đã 9 năm qua DOC tồn tại mà chưa có hệ thống các hướng dẫn thực hiện để có thể giải quyết hữu hiệu hơn đối với các tranh chấp trên vùng biển có đường hàng hải đông đúc và giàu dầu khí này.
Một giải pháp cho tranh chấp tại Biển Đông sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới thế giới rằng tình hình tại vùng biển này sẽ ổn định, và góp phần vào sự ổn định chung của toàn khu vực, ông Yudhoyono nhấn mạnh "Chúng ta cần thống nhất những quy trình thực hiện đáng lẽ đã phải có từ lâu này, bởi chúng ta cần phải chuyển sang bước đi tiếp theo, đó là xác định các thành tố của một Bộ Quy tắc Ứng xử", ông Yudhoyono đề cập tới một văn bản trong tương lai thường được nói đến với tên COC. "Chúng ta càng có khả năng làm được điều này, thì chúng ta càng có khả năng quản lý tốt hơn tình hình" ở Biển Đông. . Cho đến nay, ngoài Công ước về luật Biển 1982, thì DOC vẫn là một công cụ chính điều chỉnh thái độ của các bên trên Biển Đông. Tuy nhiên theo giới quan sát, văn bản này cần được cụ thể hóa thành một COC. Dự kiến nội dung các quy định hướng dẫn thực hiện DOC sẽ được trao cho Trung Quốc trong phiên họp giữa ASEAN với các nước đối thoại, báo chí Nhật cho hay.
Trên Biển Đông, nơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tồn tại những tranh chấp về chủ quyền. Căng thẳng trên Biển Đông rộ lên trong những tháng gần đây sau nhiều vụ việc xâm phạm chủ quyền. Tháng 5 và 6 vừa rồi, tàu của Trung Quốc quấy phá hoạt động của các tàu Việt Nam trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa hoàn toàn của Việt Nam. Hà Nội tố cáo Trung Quốc đang muốn biến khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cử các tàu ngư chính đến khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam - hành động này bị Hà Nội phản đối và yêu cầu chấm dứt. Philippines cũng tố cáo tàu của Trung Quốc nhiều lần vi phạm vùng nước mà Manila tuyên bố chủ quyền. Manila còn tính đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để phân xử. Tuy nhiên đề xuất này gặp phải sự không bằng lòng của Bắc Kinh. Một số quốc gia khác như Mỹ, Australia và Nhật đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về căng thẳng hiện nay và mong muốn các bên giải quyết bằng phương cách hòa bình. Trung Quốc vẫn khẳng định rằng chỉ có thể giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên trực tiếp liên quan, và còn cảnh báo các nước khác - như Mỹ - không nên can thiệp. Sau hội nghị bộ trưởng, các nước ASEAN sẽ có cuộc gặp với đại diện các nước đối thoại, trước khi Diễn đàn an ninh khu vực ARF diễn ra cuối tuần này. ARF là một cơ chế an ninh quan trọng của khu vực, nơi các cường quốc như Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ... cùng với ASEAN có cơ hội bàn thảo về các mối quan tâm đến an ninh. Một số chủ đề dự kiến được đưa ra tại hội nghị bộ trưởng và các hội nghị liên quan lần này tại Bali gồm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, xung đột giữa Campuchia và Thái Lan quanh ngôi đền cổ ở khu vực biên giới. Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 44 này là ông Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao. ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á. Chức chủ tịch được chia luân phiên, năm nay là Indonesia còn năm ngoái là Việt Nam. Tầm quan trọng của ASEAN được chú ý đáng kể trên trường quốc tế vào năm ngoái, khi hai cường quốc là Mỹ và Nga được mời và đồng ý tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tổ chức, sẽ diễn ra tháng 11 năm nay. Phan Lê |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog