THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 July 2011

Sợ người ta biến cầu Long Biên thành công cụ kiếm tiền


21/07/2011 06:59:23
- "Tôi vẫn có cảm giác e sợ khi người ta thương mại hóa các di tích, di sản, biến chúng trở thành công cụ kiếm tiền của các nhà đầu tư. Số phận của các di tích, di sản sẽ ra sao khi được trao vào tay những người mà mục đích chính ngay từ đầu của họ đã là "thu được lợi nhuận cao"?" - KTS Bùi Văn Ngàn.

TIN LIÊN QUAN

Cầu Long Biên là một trong số ít những di tích thời Pháp thuộc còn tồn tại đến ngày nay. Cây cầu già nua với hơn 100 năm tuổi đã chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử. 14 lần Mỹ ném bom nhưng cầu vẫn hiên ngang đứng đó. Và với nhiều người Hà Nội, cây cầu còn là một mảng ký ức hào hùng, là biểu tượng của sự bất khuất, kiên cường của quân và dân thủ đô.

Chưa kể tới những giá trị lịch sử, thì những giá trị văn hóa của nó cũng đã vô cùng đặc sắc. Cầu được chính Gustave Eiffel (người thiết kế tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp) thiết kế. Khi xây dựng xong (năm 1902), nó đã trở thành 1 trong 4 cây cầu bằng thép lớn nhất thế giới, đã từng xếp thứ 2 về chiều dài sau cầu Brooklyn của Mỹ. Việc thi công cây cầu đã tốn biết bao mồ hôi, xương máu của biết bao người thợ tài hoa đất Việt.

Khóa tình yêu trên cầu Long Biên. Ảnh IE
Khóa tình yêu trên cầu Long Biên. Ảnh IE

Ngày nay, ngoài chức năng giao thông thuần túy, nó còn là không gian sinh hoạt văn hóa - xã hội đặc sắc: là địa điểm lý tưởng để các đôi uyên ương tới chụp ảnh cưới, hay là một khoảng không gian riêng tư để các đôi lứa tỏ tình, giao duyên. Các bạn trẻ Hà Nội thì thích thú tụ tập để chụp những tấm hình lưu niệm với tà áo dài truyền thống. Một vài gánh hàng rong bán vội ở khúc giữa cây cầu, một vài lễ hội đã diễn ra ở đây. Còn có cả một chợ đầu mối to vào hàng số 1 của Hà Nội nằm ngay dưới chân cầu về phía nội thành.

Nhưng hiện tại cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, việc duy tu, bảo dưỡng là cấp thiết. Tôi ủng hộ việc trùng tu, tôn tạo cây cầu theo hướng: bảo tồn nguyên trạng về kiến trúc, tu chỉnh lại các cấu kiện chịu lực, quét sơn chống rỉ, vẫn giữ lại đường ray xe lửa và có thể dùng cho tuyến du lịch quanh thành phố...

Về ý tưởng biến nó thành một bảo tàng như đề xuất của KTS Nguyễn Nga, tôi cho rằng đó là một ý tưởng khá táo bạo, nhưng xem xét kỹ các đề xuất của bà thì thấy rằng việc người ta băn khoăn quả có lý do. Sau khi biến thành bảo tàng liệu cây cầu có còn sức sống như hiện nay hay không? Liệu có thu hút được đông đảo nhân dân tới thăm quan cây cầu nữa hay không? Người dân ở ta chưa có thói quen đi xem bảo tàng, hơn nữa, nếu có đi thì mỗi bảo tàng cũng chỉ đi thăm quan 1 lần cho biết, trong khi nhu cầu về không gian sinh hoạt văn hóa - xã hội cho người dân (đặc biệt là giới trẻ) là thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ.

Tôi vẫn có cảm giác e sợ khi người ta thương mại hóa các di tích, di sản, biến chúng trở thành công cụ kiếm tiền của các nhà đầu tư. Số phận của các di tích, di sản sẽ ra sao khi được trao vào tay những người mà mục đích chính ngay từ đầu của họ đã là "thu được lợi nhuận cao"?

Sự can thiệp thô bạo vào kiến trúc cây cầu như đòi nâng cao cầu lên 3m, sử dụng kính bóng loáng ốp dọc thân cầu như trong đề xuất của bà Nga khiến cho giới chuyên môn nổi giận, người dân thì lắc đầu ngao ngán.

Việc trùng tu một cây cầu mang nhiều giá trị như cầu Long Biên xem ra cũng không dễ, đòi hỏi người được giao thực hiện nhiệm vụ này phải có đủ trình độ hiểu biết, năng lực tài chính, tổ chức... Bà Nguyễn Nga liệu có đủ khả năng này không? 

Hẳn người dân thủ đô chưa thể quên, bà Nguyễn Nga chính là người tổ chức 2 Festival cầu Long Biên đầy tai tiếng năm 2009 và 2010 vừa qua. "Nhếch nhác, tạm bợ, mất vệ sinh, thiếu chuyên nghiệp" là những từ mà báo giới đã chỉ trích về 2 Festival của bà. Rồi ngay cả trong đề xuất "siêu dự án" biến cầu Long Biên thành bảo tàng ngày 15/7 vừa rồi của bà, người ta nghi ngờ hình ảnh Tháp Sen là hàng nhái của Trung tâm văn hóa Jean-Marie Tjibaou do kiến trúc sư người Ý Renzo Piano thiết kế.

Nếu thành phố thực sự quan tâm tới việc trùng tu nhằm gìn giữ cây cầu, sao không tổ chức hẳn một cuộc thi nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này? Để những nhà chuyên môn, bà con nhân dân cả trong và ngoài nước có cơ hội bày tỏ ý kiến đóng góp của mình, thể hiện tình yêu của mình với thủ đô ngàn năm văn hiến.

Làm gì để cầu Long Biên vừa giữ được vẻ đẹp vốn có, vừa vẫn là không gian sinh hoạt văn hóa - xã hội cho người dân? Hãy gửi tới Bee.net.vn ý kiến của bạn vào địa chỉ email tkts@bee.net.vn. Bee.net.vn mong độc giả hiến kế.

KTS Bùi Văn Ngàn