- Tại Việt Nam cũng chưa có các chuyên gia hacker công khai. Điều này cho thấy chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, dù việc này có thể ảnh hưởng lớn tới an ninh quốc gia - ông Nguyễn Chí Công, chuyên gia tin học trả lời Bee về những vấn đề của an ninh mạng hiện nay.
Vì sao giới trẻ dễ thành hacker mũ đen?
Báo Điện tử Vietnamnet liên tục bị tấn công trong thời gian gần đây đặt ra vấn đề về an ninh mạng ở Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?
Vụ tấn công cho thấy đạo đức tin học đang xuống cấp, kèm theo đó là những định hướng giáo dục đạo đức và đào tạo kỹ năng an ninh tin học ở nhà trường và gia đình chưa được tốt, khiến cho một bộ phận giới trẻ trở thành hacker mũ đen.
Bên cạnh câu chuyện giáo dục và đào tạo, còn là câu chuyện về pháp luật. Ở Việt Nam, rõ ràng còn thiếu hành lang pháp lý, chưa đưa ra các văn bản pháp quy cụ thể và có tính chất răn đe đủ mạnh, mà mới chỉ ở hình thức khẩu hiệu chung chung. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng còn chưa hoàn chỉnh về luật pháp, thể hiện rõ chẳng hạn qua vụ WikiLeaks.
|
Báo điện tử Vietnamnet bị tấn công vào sáng 6/12 |
Mặt khác, các tổ chức an ninh mạng ở Việt Nam hoạt động còn manh mún và không công khai. Trên thế giới, cuộc chiến chống hacker có cả hệ thống cộng đồng tham gia, chứ không chỉ dựa vào một vài công ty để bảo vệ an ninh mạng.
Một vấn đề nữa, hiện nay chúng ta đang phát triển viễn thông rất nhanh và tiến hành xây chính phủ điện tử, hành chính điện tử, thương mại điện tử, hải quan điện tử... Bên cạnh đó, hàng loạt các vụ việc mất tiền do hacker trộm thẻ tín dụng vẫn xảy ra. Chưa kể rất nhiều văn bản, thư từ soạn thảo rồi gửi qua các mạng đã bị gài mã độc. Trụ sở của Zoho, Google, Facebook và Yahoo chẳng hạn đều nằm ở ngoài nước ta, chưa kể chúng đều không phải là các Cty VN. Nghiễm nhiên, chúng ta đã giao các file cho nước ngoài và dễ bị khống chế.
Việt Nam thiếu những cộng đồng tin học đúng nghĩa
Tại Việt Nam, đã xuất hiện các môn học liên quan đến CNTT, và vẫn có các tổ chức như Hội tin học. Lẽ ra đây sẽ là những nơi định hướng cho giới trẻ?
Thực tế là 99% các trường chưa có ngành học chuyên sâu về an ninh mạng, tuy có thể trình độ tự học của từng cá nhân rất cao. Còn các trường đại học chủ yếu mới dạy lý thuyết, chưa có thực hành định hướng cho các em theo con đường đúng đắn của hacker mũ trắng.
Ở ta đang thiếu những cộng đồng tin học đúng nghĩa. Mặc dù có Hội tin học Việt Nam đã lâu, nhưng nay đội ngũ thực sự hoạt động chuyên nghiệp vẫn rất ít, chưa kể số người nghỉ hưu đang tăng, trong khi lại không kết nạp được nhiều hội viên trẻ... Cần đẩy mạnh việc lập và tham gia các tổ chức nghề nghiệp tương tự với những hướng đi chuyên sâu hơn và tốt hơn cho thế hệ thanh niên.
Tại Việt Nam cũng chưa có các chuyên gia hacker công khai. Điều này cho thấy chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, dù việc này có thể ảnh hưởng lớn tới an ninh quốc gia.
Xem đấu tranh an ninh mạng như mặt trận
Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có những bước tiến trong lĩnh vực bảo vệ an ninh thông tin?
Các phương tiện thông tin cần tuyên truyền cho giới trẻ thấy rõ tác hại của việc phá hoại như hacker mũ đen vẫn làm. Phải tổ chức tốt cộng đồng tin học, đào tạo chuyên gia an ninh mạng, giúp đỡ người dân tự bảo vệ...
Một điểm lưu ý nữa, hiện người Việt dùng quá nhiều phiên bản hacked các phần mềm của Microsoft, mà thực tế hầu hết các con "ma", sâu và virus tin học thường nằm trên những máy Windows.
Nên tổ chức các bàn tròn tin học công khai cho dân chúng biết, khi đó mới có thể tranh luận hữu ích. Mỗi cơ quan lớn nên có bộ phận chuyên trách về an ninh thông tin, hoặc thuê công ty, chuyên gia tin học tư vấn và tiến hành bảo trì thường xuyên... Nên xem đấu tranh bảo vệ an ninh mạng như một mặt trận liên kết tất cả các lĩnh vực liên quan.
TS Pháp