Bản tin này vô cùng quan trọng cho những công nhân đang làm
việc tại Mã Lai, bất cứ ai có thân nhân đang làm việc tại đây cần
đọc bản tin này, vì có thể bạn đang bị những công ty môi giới
ăn chận tiền làm việc của bạn một cách bất hợp pháp.
Mylinhng@aol.com
http://mylinhng.multiply.com
PS:
Toà Lao Động Mã Lai: Công ty môi giới phải bồi thường công nhân Việt
Thi hành phán quyết của Toà Lao Động của bang Selangor, Malaysia, một công ty môi giới ngày hôm nay phải trả trên hai ngàn Ringgits (RM),tương đương 650 Mỹ kim, tiền lương đã ăn chặn của một công nhân Việt.
Theo Liên Minh CAMSA, tổ chức khởi xướng hồ sơ này, đây là một phán quyết tạo tiền lệ và có thể sẽ có ảnh hưởng sâu rộng và không riêng cho người lao động Việt Nam.
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên CAMSA, cho biết là các công ty môi giới, chính thức gọi là công ty cung ứng lao động (outsourcing agency), là mấu chốt quan trọng trong đường dây buôn lao động ở Malaysia.
Họ thường tuyển công nhân nước ngoài với số lượng lớn để cung cấp cho các hãng xưởng vừa và nhỏ. Nhiều hãng xưởng ngoại quốc, như Nike và Sony, cũng sử dụng công ty môi giới.
"Làm vậy, khi bị khiếu kiện họ dễ dang phủi tay, nại cớ rằng công nhân là người của công ty môi giới chứ không phải là nhân viên của hãng xưởng," Ts. Thắng, giải thích. "Công ty môi giới thì lại đổ thừa rằng họ chỉ cung cấp công nhân chứ không chịu trách nhiệm về chế độ đối xử hay tiền lương."
"Thế là cả hai bên đều phủ nhận trách nhiệm", Ông nói.
Quyết định của Toà Lao Động Selangor đã phá vỡ vòng lẩn quẩn cố tình này.
Nạn nhân, anh NVL (giấu tên), quê ở miền Trung Việt Nam, được công ty môi giới Vital Manpower, có trụ sở ở thủ đô Kuala Lumpur, tuyển sang Malaysia đã được hai năm. Anh NVL cho biết công ty môi giới ở Việt Nam đã tạm ứng mọi chi phí có liên quan đến chuyến đi cho anh. Sang đến Malaysia, những tháng lương đầu tiên của anh đã bị họ khấu trừ nợ hết, đến nỗi anh không có đủ tiền ăn trong tháng.
Trong thời gian hai năm ở Malaysia, công ty Vital Manpower chuyển anh đi làm ở 8 nơi khác nhau; mỗi ngày anh phải làm việc đến 12 tiếng. Công ty môi giới giữ bản hợp đồng và tịch thu sổ thông hành của anh và không trả lương cho anh theo đúng cam kết—anh không nhận tiền lương trực tiếp từ chủ sử dụng lao động mà qua công ty môi giới.
Anh hiện làm việc cho một hãng điện tử ở bang Johor ở phía nam của Malaysia. Những tháng gần đây, công ty môi giới đã gia tăng việc trừ tiền lương hàng tháng của anh. Thí dụ, tháng 4 năm 2010 lương của anh kiếm được RM899, môi giới trừ của anh mất hơn ¾; anh chỉ nhận về số tiền là RM218. Tháng 7 anh kiếm được RM713, môi giới trừ hơn 2/3; anh chỉ còn nhận được RM202. Tháng 8 lương của anh là RM653, môi giới trừ hơn phân nửa, chỉ để lại cho anh RM303. Mỗi khi chuyển anh sang nơi khác làm việc, công ty môi giới lại thu thêm của anh một khoản tiền là RM500.
Trước tình cảnh trên, anh uất ức lắm nên đã điện thoại tới văn phòng công ty môi giới nêu thắc mắc. Họ bảo anh trao đổi với cô quản lí dây chuyền nơi anh đang làm việc để được rõ về những khoản lương bị khấu trừ. Nhưng cô quản lý dây chuyền không giải thích cho anh. Cho đến giờ, anh vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Anh không biết trình bày cùng ai, nhờ ai giúp đỡ.
Thế rồi anh nghe phong phanh về CAMSA qua bạn bè.
Ngày 1 tháng 10, anh cầu cứu sự giúp đỡ của Văn phòng Trợ giúp Công nhân Việt Nam của CAMSA ở Penang. Trao đổi cùng nhân viên CAMSA, anh thở dài và than rằng: "Thế này thì cả đời tôi đi làm rồi trả nợ cho người ta. Khổ quá chị ơi. Tôi không biết kêu ai, muốn về cũng không về được".
Sau khi thu thập đầy đủ dữ kiện, CAMSA chuyển hồ sơ của anh cho một nhà thờ Công Giáo ở Johor. Hai tổ chức phối hợp chặt chẽ để đưa hồ sơ này ra khiếu nại tại toà lao động bang Johor. Toà lao động mở cuộc điều tra và kết luận là công ty sử dụng lao động không vi phạm luật—công ty nàycho biết họ đã trả tiền đầy đủ cho công ty môi giới còn vấn đề công ty môi giới có trả lương đủ cho công nhân hay không thì họ không chịu trách nhiệm.
Không bỏ cuộc, CAMSA cùng với nhà thờ Công Giáo chuyển hồ sơ về bang Selangor để khiếu kiện công ty môi giới--thủ đô Kuala Lumpur nằm trong tiểu bang này.
Ngày 4 tháng 11, toà lao động ở bang Selangor cho biết kết quả điều tra sơ khởi cho thấy công ty Vital Manpower đã khấu trừ trái luật RM1,100.
Ngày xử, 23 tháng 12, toà phán quyết rằng công ty Vital Manpower đã ăn chặn trái luật trên hai ngàn Ringgits và ra lệnh phải bồi hoàn cho nạn nhân nội trong một tuần lễ.
Anh NVL cho biết có nhiều bạn Việt Nam cùng chung hoàn cảnh nhưng họ không dám lên tiếng.
"Chúng tôi hy vọng tin tức về phán quyết của toà lao động Selangor sẽ lan rộng đến khắp nơi có người Việt lao động để họ hiểu được quyền của người lao động theo luật pháp Malaysia", Ts. Thắng nói.
Trường hợp anh NVL là một trường hợp điển hình của cách bóc lột sức lao động của những công ty môi giới ở Malaysia, nơi có khoảng 120 ngàn người Việt đang lao động.
Vì công ty này đã tịch thu hợp đồng và hộ chiếu của anh NVL nên CAMSA cho rằng trường hợp này có dấu hiệu của nạn buôn người lao động và cần bị điều tra chiếu theo luật chống buôn người ban hành năm 2007.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ này", Ts. Thắng cho biết. Hiện nay những tổ chức giúp đỡ công nhân nước ngoài ở Malaysia đều có chung một nhận xét rằng dịch vụ môi giới rất phức tạp và không mang lại quyền lợi gì cho người lao động.
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 40 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA