(Dân trí) - Trong lúc giá ngoại tệ đang leo thang từng ngày, hàng chục khách hàng dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco (Hà Đông) lại nhận được thông báo quy đổi giá nhà trong hợp đồng mua bán từ tiền Việt sang đô la Mỹ (USD) và lấy đó làm chuẩn tính giá sản phẩm.
Là cách để bảo toàn vốn!
Năm 2009, hàng chục khách hàng và chủ đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco (địa chỉ tại số 110 đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) đã cùng nhau thống nhất thỏa thuận cho chủ đầu tư vay vốn triển khai dự án, bù lại được quyền mua một căn hộ trong dự án. Theo đó, hai bên xác định số tiền vay là 30% giá trị căn hộ.
Dựa vào giá USD là cách để bảo toàn vốn của chủ đầu tư!
Đây là dự án do Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư. Sau khi dự án đủ điều kiện mua bán, tháng 10 năm nay, chủ đầu tư đã gửi thông báo tới khách hàng về việc kết thúc hợp đồng góp vốn và chuyển sang ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
Đáng chú ý là trong hợp đồng mua bán gửi khách hàng do chủ đầu tư soạn thảo lại đề cập khá chi tiết việc quy đổi đơn giá cố định mỗi m2 ra USD.
Theo một hợp đồng gửi khách hàng có tên TL, với tỷ giá thời điểm quy đổi là 19.500 VNĐ/USD, giá bán 15,4 triệu đồng/m2 ở dự án chung cư Hattoco sẽ được quy đổi thành 791 USD/m2.
Hợp đồng mua bán này còn ghi rõ, đồng tiền được sử dụng trong hợp đồng là VNĐ, nhưng lại mở ngoặc rằng: tiền đồng Việt Nam được bảo đảm bằng đô-la Mỹ.
Thậm chí, "giá mua bán căn hộ tại thời điểm thanh toán hết và bàn giao căn hộ có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá USD. Mỗi đợt thanh toán nếu tỷ giá giữa USD và VNĐ có biến động thì số tiền thanh toán từng đợt sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tương ứng.
Tỷ giá tham chiếu sẽ là tỷ giá bán đồng đô la Mỹ bằng hình thức tiền mặt của ngân hàng Vietcombank niêm yết tại ngày thanh toán".
Tại cuộc họp với khách hàng ngày 23/10/2010, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình giải thích chủ đầu tư không thanh toán bằng tiền USD mà vẫn quy đổi ra tiền Việt. Việc sử dụng tỷ lệ USD để quy đổi chỉ là cách để bảo toàn vốn cho doanh nghiệp, đồng thời tránh tình hình biến động của nguyên vật liệu.
Không thể tạo tiền lệ
Về sự việc này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cách làm như Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình có thể hiểu giống kiểu tôi bán cho ông nhà 10 triệu, đến khi làm hợp đồng mua bán tôi lại cho thêm VAT, rồi đảm bảo bằng USD.
"Thực chất, doanh nghiệp muốn tăng thêm tăng giá trị hợp đồng của sản phẩm. Cách đi này của chủ đầu tư thể hiện có sự không rõ ràng, minh bạch" - ông Hà nói.
Theo quy định của pháp luật, mọi giao dịch, thanh toán... trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu tăng cường kiểm tra hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ của một số doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS.
Bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết, ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư bằng ngoại tệ, chủ yếu là USD "không những vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân".
Từ kinh nghiệm của một chuyên gia đầu ngành về tài chính - ngân hàng, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nhận định, cách làm của doanh nghiệp này cần phải có chế tài để ngăn chặn, tránh tình trạng các doanh nghiệp khác học theo cách này, "lách" luật thành công sẽ mang đến hậu quả khó lường.
Bằng Linh