RFA- 09/12/2013
Tương phản với một số ý kiến tiết lộ rằng “hồi xưa việc vô đảng phải đổi bằng máu”, thì trong thời gian gần đây, xem chừng như chuyện đảng viên đảng CSVN rời bỏ đảng ngày càng nhiều – mà nói theo lời blogger Trí Thức qua bài “Vài lời tâm huyết với đảng CSVN”, thì cách nay mấy ngày, “Sự kiện ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng ly khai khỏi ĐCS Việt Nam khiến xôn xao dư luận.
Thiết nghĩ, đó là điều bình thường, tất yếu xảy ra trong bất cứ xã hội nào, khi mà đảng không còn là thần tượng để người ta tôn thờ”. Tác giả lưu ý:
Đảng nói chung nó như một thứ tôn giáo, dùng thần quyền để chế ngự mọi hành vi của những người đi theo nó. Khi “thần” đã mất thiêng thì không còn vai trò gì nữa. Đảng cầm quyền thể chế hóa luật pháp bằng cương lĩnh của mình, mục đích tối thượng là bảo vệ quyền lợi bản thân, bắt thiên hạ phải tuân thủ mọi ý muốn chủ quan của mình thì nó cũng giống như một chế độ phong kiến “trị quốc, bình thiên hạ”, vậy thôi.
Hậu quả là dùng cường quyền để áp bức, bóc lột và không có dân chủ, nhân quyền. Nó không mang tính khách quan, khoa học và cũng không quản lý được trật tự xã hội. Và một khi luật pháp không có hiệu lực thì mọi mâu thuẫn trong xã hội sẽ được giải quyết bằng những cuộc xung đột đẫm máu.
Đảng không còn là thần tượng
Qua Tuyên Bố từ bỏ đảng CSVN, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, giải thích rằng “ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”. Lên tiếng mới đây với Đài ACTD, ông Lê Hiếu Đằng khẳng định:
Tâm nguyện của tôi là mọi người đừng sợ gì nữa, phải hành động, phải làm việc, phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường. Thực tế đó là ba yếu tố vì con người, cho con người. Còn chủ nghĩa xã hội là cái không nói nữa, ngay tại Liên Xô- quê hương của nó, người ta cũng đã chán ngán rồi. Tại sao con cái các ông lãnh đạo đi các nước tư bản học hành, trong khi các ông bắt cả dân tộc này phải đi theo con đường mơ hồ chẳng tới đâu. Do đó, trong thủ bút, tôi nêu rõ đảng Cộng sản nay là lực cản sự phát triển của đất nước. Đó là cái nguy hiểm nhất, phải đấu tranh để ngăn chặn điều đó.
Luật gia Lê Hiếu Đằng nhân tiện cũng lưu ý thêm rằng “Quốc hội đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân”, nhất là “vấn đề nông dân, vấn đề ruộng đất, rồi vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân quyền”. Do đó, ông thấy không thể nào tiếp tục đứng vào hàng ngũ đảng được nữa.
Tôi cho là giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã biết tự quyết định số phận của họ, ngay từ bây giờ chứ không phải là dân chúng, nhưng trong những năm tới thì chính dân chúng sẽ là người quyết định số phận của họ.
- Ông Phạm Chí Dũng
Qua bài “Sự sợ hãi và niềm vui”, blogger Hồ Phú Bổng nhận định rằng “ Giữa sợ hãi và niềm vui tự do chỉ trong gang tấc! Ông Lê Hiếu Đằng đang là hiện tượng mới nhất cho những đảng viên còn sợ hãi! Quay đầu lại là bờ! Là hạnh phúc, là niềm vui không chỉ riêng cho cá nhân và gia đình cựu đảng viên Lê Hiếu Đằng, mà cho cả Dân Tộc!”.
Khi đề cập tới chuyện “ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét:
Anh đi theo đảng từ thời đảng còn gian khó, phải giả dạng ẩn núp dưới danh nghĩa nầy, danh nghĩa nọ, với mong muốn cùng đảng đấu tranh cho một đất nước độc lập, tự do và giàu mạnh, một xã hội dân chủ tiến bộ. Nay đảng của anh đang ở trên đỉnh quyền lực, quyền lực tuyệt đối như các triều đại phong kiến trước đây khi đảng cho ra đời Hiến pháp mới và áp dụng vào đầu năm 2014 để đặt toàn dân dưới sự cai trị tuyệt đối của mình, anh lại tuyên bố từ bỏ cái đảng ấy. Khi nghe anh điện thông báo điều nầy, tôi nói lời chúc mừng anh nhưng trong lòng lại từ từ dâng lên một cảm xúc khó tả. Đắng cay.
Qua thư ngỏ gởi ông Lê Hiếu Đằng, blogger Trí Thức vừa nói nhấn mạnh rằng việc luật gia này “ra khỏi đảng chính là ông đã về với nhân dân, từ bỏ tất cả những gì thuộc về quá khứ, có thể là những công lao, cống hiến…Nhưng thà như thế còn hơn là tiếp tục ở lại trong cái đội ngũ càng ngày càng bị nhân dân mất lòng tin và chán ghét”. Vẫn theo tác giả thì thực trạng hiện nay về mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh…, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS, thì những người đảng viên càng nhiều tuổi đảng chỉ “càng thấy xấu hổ” mà thôi. Tác giả nhận xét tiếp, “những đảng viên lâu năm được nhận cái huy hiệu, cái danh hiệu nhiều năm tuổi đảng thực chất chỉ là cái bánh vẽ, chẳng nói lên điều gì. Thử hỏi trong bấy nhiêu năm tuổi đảng có bao nhiêu năm ông cống hiến sức lực cho đất nước, cho xã hội?”.
Blogger Hoàng Thanh Trúc nêu lên câu hỏi rằng điều gì khiến những thành phần trí thức một thời là con người CS ấy đã dứt khoát từ bỏ đảng CSVN với những lời nói can đảm, nhận xét khẳng khái, công khai như vậy ? Đơn giản là, theo nhà báo Hòang Thanh Trúc, họ “tỉnh ngộ” bởi “thế giới quan, sự trung thực và nhất là lòng yêu nước…”. Và tác giả hỏi tiếp rằng có ai đi làm cách mạng để xây dựng nên một nhà nước chuyên chính độc tài toàn trị như nhóm chóp bu CSVN hôm nay ? Có ai đi làm cách mạng để vi phạm nhân quyền, trấn dẹp nhân dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược như CSVN hôm nay ? Những người “vĩnh biệt đảng” ấy chỉ vì họ không muốn tiếp tục đứng trong “hàng ngũ tội ác” mà thế giới văn minh đã nhận diện.
Đã quá suy đồi...
Blogger Nguyễn Ngọc Già bày tỏ hy vọng rằng quyết định từ bỏ đảng của ông Lê Hiếu Đằng sẽ là “cơn gió lớn để cuốn hút nhiều ngọn gió nữa tạo ra cơn bão quét sạch những đau khổ cho dân mình”. Và “sau cơn bão lớn, nhất định bầu trời Việt Nam chúng ta sẽ rạng ngời và toàn dân sẽ bắt tay nhau làm lại từ đầu” - một khởi đầu dù muộn màng nhưng vững bền cho “con cháu tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước”.
Một ngày sau khi luật gia Lê Hiếu Đằng ra Tuyên Bố từ bỏ đảng, thì nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một cây bút phân tích, bình luận sâu sắc, cũng công khai từ bỏ đảng – quyết định mà ông nói là không phải “nhất thời” mà “đã suy nghĩ từ lâu”, phát xuất từ việc ông nhận thấy “đảng CS không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng” cũng như “lời thề” của ông khi vào Đảng. Do vậy, nhà báo Phạm chí Dũng khẳng định rằng ông “không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản” nữa ! Lên tiếng với đài ACTD, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết rằng quyết định bỏ đảng của ông thể hiện sự mong muốn cũng như luật gia Lê Hiếu Đằng, đó là “mọi người còn có cốt cách, còn có lương tâm, còn có suy nghĩ, nhìn lại để thấu hiểu đằng sau, điều gì, nguyên nhân nào, những nguồn cơn nào đã đẩy đất nước đến tình trạng ngày hôm nay”. “Tình trạng ngày hôm nay” ấy, theo blogger Phạm Chí Dũng:
Nếu những cơn sóng nhỏ kết tụ lại với nhau thì có thể dẫn đến một cơn sóng lớn và nó sẽ tốt hơn cho xã hội dân chủ của Việt Nam trong tương lai. Theo tôi thì ít nhất là hai năm nữa mới có thể nhìn ra được ánh sáng.
- Ông Phạm Chí Dũng
Quá xấu, quá tệ, quá suy đồi. Tất cả mọi thứ đều xuống cấp một cách trầm trọng. Thật sự tôi cũng cầu mong những người Việt ở hải ngoại như các anh thấu hiểu được phần nào tâm trạng của người dân ở Việt Nam, một đất nước khốn khổ như thế nào - khó khăn từ kinh tế, suy thoái đến đạo đức. Vậy ai làm ra những điều đó? Không còn ai khác ngoài sự lãnh đạo toàn diện của đảng thôi. Đảng chỉ đạo làm được cái gì? Trong khi đó, người ta chấp nhận những đối trọng chính trị có phải tốt hơn không. Người ta có cơ chế tam quyền phân lập và đồng thời cơ chế này có thể giám sát người dân từ ngoài xã hội đến trong nội bộ để làm tốt hơn. Những người đảng viên cần nhận thức ra điều đó để thấy là đã đến lúc cần phải có cơ chế mới thay cho cơ chế cũ.
Trước diễn tiến này, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội nhận xét:
Diễn tiến này có ý nghĩa rất lớn trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi dưới sự lãnh đạo của đảng thì Quốc hội nước CHXHCNVN vừa thông qua một bản Hiến pháp. Bản Hiến pháp lần nầy cũng trở thành công cụ rất rõ ràng của đảng để củng cố vị trí độc tài của đảng CS. Chính vì vậy mà điều đó tác động rất nhiều đến tâm lý của rất nhiều người có lương tri, có suy nghĩ về vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc. Họ đã hành động theo lương tâm.
Từ Saigòn, blogger Phạm Đình Trọng khẳng định:
Theo tôi đây là một hình thức trả lời của những người đảng viên trung thực với bản Hiến pháp vừa được đảng cho ra đời. Đảng với những công cụ của họ, họ tưởng muốn làm thế nào thì làm. Nhưng mà Lê Hiếu Đằng rồi Phạm Chí Dũng tuyên bố ra đảng chính là sự trả lời của họ đối với bản Hiến pháp vừa được thông qua. Tôi thấy việc ra khỏi đảng của anh Lê Hiếu Đằng và anh Phạm Chí Dũng là sự mở đầu cho làn sóng ra khỏi đảng, bởi vì bây giờ, đảng đã bộc lộ đầy đủ sự phản nhân dân, chống lại nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước. Với bản Hiến pháp này, đảng đã đứng hòan tòan vào nhóm lợi ích để thao túng đất nước, làm hại dân, thì sự bỏ đảng của anh Đằng và anh Dũng là sự mở đầu để sẽ có một đợt sóng tiếp theo. Đó là điều chắc chắn.
Blogger Trí Thức qua bài “Vài lời tâm huyết với đảng CSVN” cũng không quên cảnh báo rằng “Có thể rồi đây sẽ có hàng loạt đảng viên ly khai khỏi đảng CS. Nhưng điều đó cũng không nguy hiểm bằng những đảng viên ly khai phần lớn là trí thức, cái phần cơ bản làm cho đảng vững mạnh, sáng suốt. Số đông chưa chắc đã mạnh, vấn đề là chất lượng đảng viên kia. Vậy nếu những đảng viên là trí thức cứ rơi rụng dần thì trong đảng chỉ còn lại phần lớn là những người không đủ năng lực giữ vai trò cầm quyền, sớm muộn đảng (CS) không còn giữ được vị trí độc tôn nữa”.