THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 January 2013

Phát hiện cá làm bằng chất keo




Vụ việc vi cá mập giả ở Trung Quốc còn chưa được làm rõ, đến lượt một người tiêu dùng ở thành phố Nam Kinh tiếp tục phát hiện ra cá ngân giả, bị nghi được làm từ nhựa.

Ông Vương, một người tiêu dùng tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc phản ánh với đường dây nóng của báo Dương Tử, ông cho biết, mình đã mua phải một loại cá ngân lạ.

Lúc ăn, ông thấy cá có mùi nhựa, dai hơn bình thường, ông nghi ngờ đây là cá giả và được làm từ chất keo. Loại cá này ông mua ở chợ vào ngày 7/1 với giá 36 NDT/kg (khoảng 120.000 VND/kg) , chỉ bằng 1/3 giá bình thường.

Quan sát những con cá ông Vương đã mua, phóng viên nhận thấy, chúng có kích cỡ giống cá bình thường, chỉ điều thân cá thẳng đuột và không nhìn thấy nội tạng, điều bất thường nhất là ở mắt của cá, chỉ cần lấy tay chà xát nhẹ là rơi ra mà không để lại dấu vết.
See translation

Hiến pháp 1960, 1980, 1992 là không hợp hiến



Nguyễn Nghĩa650 (Danlambao) - Cần một giải thích nhỏ về đầu đề của bài viết. Hiến pháp là khung luật cao nhất của một nhà nước. Viết rằng một Hiến pháp không hợp hiến có vẻ như không logic. Tuy vậy, điều này đã xảy ra đối với Hiến pháp Việt Nam 1960. 

Bởi vì Hiến pháp 1960 được tuyên bố là bản sửa đổi của Hiến pháp VN 1946, mà bản sửa đổi này không hợp lệ, không tuân thủ qui định về "quyền sửa đổi Hiến pháp" của Hiến pháp 1946, nên Hiến pháp 1960 là không hợp hiến.

Những Hiến pháp được thông qua 1980, 1992 cũng đều tuyên bố là những sửa đổi của Hiến pháp trước đó. 

Bản Hiến pháp trước đã không hợp hiến thì bản sửa đổi của nó cũng không hợp hiến. 

Bài viết này sẽ dành để chứng minh tính không hợp hiến của Hiến pháp 1960. 

1. Hiến pháp 1946 

Hiến pháp 1946 là Hiến pháp tiến bộ, đưa nước Việt Nam từ một nhà nước Thực dân-Phong kiến trở thành một nhà nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân thông qua Quốc hội và những cuộc bầu cử phổ thông, tự do, nhằm xây dựng một "nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại." (Lời mở đầu của HP 1946)

Hiến pháp 1946 gồm 7 Chương chứa 70 điều khoản gắn gọn. Mặc dù rằng bộ phận biên soạn bản dự thảo HP này gồm hầu hết là đảng viên cộng sản (xem Wikipedia HP VN 1946), HP 1946 không mang một tý dấu vết nào của ý thức hệ cộng sản. 

Như vậy có thể thấy rằng, ý muốn xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, sánh vai với trào lưu tiên tiến của thế giới,... của cả dân tộc Việt Nam sau 80 năm trời nô lệ, là mạnh mẽ, mà các lực lượng cộng sản lúc bấy giờ không thể không tôn trọng. 

Thời điểm 1946 các phương tiện truyền thông, in ấn còn trong tay tư nhân, đã là một sức ép, để bản HP 1946 thể hiện được ý nguyện của dân tộc Việt Nam tại thời điểm lịch sử này. 

Sau này, khi lực lượng lãnh đạo phong trào khởi nghĩa dành độc lập chuyển dần vào tay các lực lượng cộng sản, những người cộng sản Việt Nam đã dần dần đánh cắp những ý nguyện của dân tộc Việt Nam về dân chủ, về độc lập... được ghi nhận trong HP 1946 và trao tặng cả một dân tộc hơn 4 nghìn năm văn hiến cho CNCS Mác-Lênin trong những bản HP sau. 

HP 1946 là HP có tầm nhìn lâu dài, văn từ đơn giản, rõ nghĩa. 

Ta thử xét qua một ví dụ về quyền công dân của HP 1946 và 1992. 

HP 1946 qui định - Điều thứ 10 

Công dân Việt Nam có quyền: 
- Tự do ngôn luận 
- Tự do xuất bản 
- Tự do tổ chức và hội họp 
- Tự do tín ngưỡng 
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.” 

Trong khi HP 1992, tại
Điều 68: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. 

Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” 

So sánh một chút là ta thấy tính bất logic, không nhất quán của các điều 68, 69 trong HP VN 1992, ngược lại với những qui định rõ ràng của HP 1946. 

Hiến pháp là văn bản luật cao nhất, là khung cho mọi luật trong nhà nước Việt Nam. Mọi văn bản pháp luật ban hành trong nhà nước Việt Nam phải dựa vào Hiến pháp. 

Như vậy dòng "theo quy định của pháp luật" trong các Điều 68 và 69 HP 1992 là phi lý, không logic. 

Đây chính là những lươn lẹo của chính quyền cộng sản Việt Nam khi soạn thảo Hiến pháp 1992. 

Đây chính là cách ĐCS VN tước đi những quyền tự do tối thiểu của công dân Việt Nam để họ sử dụng chuyên chính vô sản, gieo rắc sợ hãi trong những công dân "tự do" theo qui đinh của Hiến pháp, nhưng không được “tự do” theo qui định của các bộ luật trong nhà nước cộng sản Việt Nam. 

2. Hiến pháp 1960 là không hợp hiến

Do tính tiến bộ về quyền công dân, tam quyền phân lập... của Hiến pháp 1946, ĐCS VN muốn thay đổi hiến pháp. 

Những nhà luật sư cộng sản vào cuộc. Những trí thức này muốn tìm ra một cớ để có hiến pháp mang nhiều tính cộng sản hơn. Họ đưa ra mệnh đề: 

"Do chiến tranh Đông Dương bùng nổ ngay sau khi bản hiến pháp này được thông qua nên nó chưa được chính thức công bố và thi hành."(xem Wikipedia HP VN 1946) 

hay 

"Quốc hội tuy đã thông qua, song không công bố và đưa bản hiến văn này cho toàn dân phúc quyết, bởi vậy nó chưa thể có hiệu lực về phương diện pháp lý."(xem Phạm Duy Nghĩa - Tạp chí Tia Sáng) 

Đây là một mệnh đề sai, lừa dối người dân Việt Nam bình thường. 

Hiến pháp Việt Nam 1946 đã trải qua tất cả các thủ tục pháp định bình thường để trở thành một văn bản Hiến pháp thực sự của toàn dân Việt Nam. 

Đầu tiên, một "Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20 tháng 9 năm 1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh). 

Bản dự án Hiến pháp đã được soạn thảo và công bố vào tháng 11 năm 1946. 

Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946 gồm có 11 thành viên: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. 

Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp. 

Trong phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp và trình ra Quốc hội ngày 2 tháng 11 năm 1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.(xem Wikipedia HPVN 1946) 

Bản hiến pháp được Quốc hội thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Sau đó, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội:

1. cùng với chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp, 

2. trong thời kì chưa thi hành được Hiến pháp thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong hiến pháp để ban hành các sắc luật".(http//baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc

Như vậy bản Hiến pháp 1946 đã trải qua các bước cần phải thực hiện để trở thành một văn bản luật có hiệu lực. 

Chính chính phủ kháng chiến cũng đã dựa trên bản Hiến pháp này để ban hành các sắc luật. 

Thời gian hòa bình, từ 1954 đến 1960, Hiến pháp 1946 vẫn là văn bản luật duy nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên phía bắc. 

Dựa vào những khó khăn của 9 năm kháng chiến rồi gạch toẹt hiệu lực của Hiến pháp 1946 là hành động vi hiến của nhà nước cộng sản Việt Nam. 

Chính Hồ Chí Minh là người lãnh đạo việc làm này. Ông ta cho rằng: “Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy” (Hồ Chí Minh toàn tập) 

Tuy nhiên Hồ Chí Minh lại một lần nữa vi hiến. 

Theo điều 70 của Hiến pháp 1946: 

Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: 
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. 
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. 
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. 

QUỐC HỘI" 

(HP VN 1946). 

Việc đưa ra toàn dân phúc quyết Hiến pháp 1960 là điều không tưởng. 

Hiến pháp 1946 là Hiến pháp có hiệu lực của cả Việt Nam từ Bắc đến Nam, đã được toàn dân Việt Nam 30 triệu người, thông qua Quốc hội bầu dân chủ đầu tiên, phúc quyết. 

Hiến pháp 1960 muốn làm bản Sửa đổi của HP 1946 phải được cả 30 triệu đồng bào ta lúc đó đồng ý. 

Nhưng Miền Bắc lúc đó chỉ có 17 triệu người. 

Đây cũng là điều giải thích tại sao Hồ Chí Minh khăng khăng cho rằng HP 1946 không có hiệu lực, khi chính ông ta đã ngồi họp tại Quốc hội Việt Nam ngày 9/11/1946, ngày Hiến pháp 1946 được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua, ngày HP 1946 có hiệu lực hành chính. 

Chính vì vậy, tôi cho rằng Hiến pháp 1960 và các Hiến pháp tiếp theo là vi hiến. 

Đảng - Nhà nước - Hiến pháp: Vài suy nghĩ về sửa đổi Hiến pháp 1992



Nguyễn Trung (Viet-Studies) - Giả định rằng có phép lạ viết ra được Hiến pháp mới hoàn hảo đến tuyệt đỉnh, song vẫn giữ nguyên Đảng với tư duy, tổ chức, vị thế, quyền lực, cùng với bộ máy chuyên chính tinh thần và bộ máy chuyên chính bạo lực của nó hiện nay như thế trong quốc gia, trong hệ thống nhà nước, trong kinh tế và trong đời sống văn hóa - xã hội.., gọi tất cả những thứ này dưới một cái tên chung tổng hợp là hiện tượng “đảng hóa”, Hiến pháp mới cũng sẽ chỉ có giá trị trang trí...

*

I. Đảng và Nhà nước 

Trong thực tiễn đời sống của hệ thống chính trị nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể từ khi Việt Nam là một quốc gia độc lập thống nhất cho thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam – với đòi hỏi tự đặt cho mình là phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng – đã và đang là người nắm quyền lực toàn diện và tuyệt đối mang tính độc quyền toàn trị đối với quốc gia. 

Cùng với sự trói buộc của ý thức hệ và sự tha hóa trong thời bình, sự lãnh đạo của Đảng mang tính độc quyền toàn trị như thế trên thực tế đã biến dạng thành sự cai trị, Đảng mới là nhà nước đích thực: Nhà nước đảng trị. Sự tha hóa này khiến Đảng với danh nghĩa là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động... trở thành đảng thống trị. 

Với vị thế và quyền lực như vậy của ĐCSVN, Nhà nước trở thành công cụ thực thi quyền lực và quyết định của Đảng, Hiến pháp trở thành công cụ hợp thức quyền lực và việc làm của Đảng. Để biện hộ cho hệ thống chính trị như vậy của đất nước, Hiến pháp 1992 xác định đấy là nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa

Thiết kế như thế ngay trong Hiến pháp 1992, Đảng được đặt ở vị trí đứng trên Hiến pháp và trên nhà nước. Đây chính là nội dung cơ bản của Điều 4 trong Hiến pháp 1992. Trong một quốc gia với hệ thống chính trị như thế hoàn toàn không có không gian cho tiêu chí quyết định số một của nhà nước pháp quyền, đó là: Hiến pháp là quyền lực tối thượng

Đem so sánh một bên là quyền lực mà Đảng giành cho mình[1] và được luật hóa trong Điều 4, và một bên là những được/mất trong quá trình phát triển mọi mặt của đất nước trong 37 năm độc lập thống nhất, đặc biệt là so với thực trạng nguy hiểm của đất nước hôm nay, vai trò lãnh đạo và phẩm chất của Đảng đối chiếu ngay với Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng, cũng như so với chính Điều 4, kết quả rõ ràng không như Đảng đã cam kết với đất nước: Đảng không làm được nhiệm vụ tiên phong và lãnh đạo với đúng nghĩa, mà chủ yếu chỉ thực hiện được vai trò của người có quyền thống trị. Uy tín của Đảng cũng như lòng tin của nhân dân vào Đảng vì thế theo thời gian chưa bao giờ giảm sút như ngày nay. Như thế tự mình, Đảng đã không thực hiện nổi nhiệm vụ của mình như đã ghi cho mình trong Điều 4. Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nhận định sư hư hỏng của Đảng hiện nay đã đến mức thách thức sự tồn vong của Đảng và của hệ thống chính trị. 

Với thực tế của cuôc sống đất nước 37 năm nay như vậy, và với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực trạng tha hóa hiện nay như vậy của Đảng, xin hỏi: Điều 4 còn lý lẽ gì để tồn tại?  

Điều 4 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này được chỉnh sửa chút ít, đó là Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. 

Đọc lại tất cả các văn bản Đại hội Đảng từ Đại hội IV (1976), có lúc nào Đảng không nhấn mạnh chịu sự giám sát của nhân dân, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình... Trong toàn bộ hoạt động của Đảng kể từ khi thành lập, có lúc nào Đảng không cam kết trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân? Sự cam kết trách nhiệm như vậy chính là tiền đề và là lẽ tất yếu cho sự ra đời và tồn tại của Đảng, vì thế nó không cần và không phải chờ đến khi phải được đưa vào Hiến pháp mới được thực hiện. Vì thế lúc nào cũng chỉ có vấn đề Đảng thực hiện được hay không cam kết của mình đối với đất nước mà thôi. 

Nhìn nhận kết quả đợt vận động tự phê bình và tự phê bình được phát động từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và sự xin lỗi chân thành của Bộ Chính trị trước nhân dân mà cả nước đã được nghe, hiển nhiên sẽ thấy: Việc bổ sung thêm chi tiết nói trên vào Điều 4 hoàn toàn không có khả năng xoay chuyển tình thế đất nước, bởi vì tư duy và đường lối của Đảng, hệ thống chính trị hiện hành, vị thế độc quyền toàn trị của Đảng đứng trên tất cả còn nguyên vẹn. 

Chi tiết bổ sung như thế vào Điều 4 chỉ chứng minh: Đảng quyết cố thủ. 

Hiến pháp 1992 có nhiều Điều, Khoản đúng, tốt về các quyền công dân cơ bản – như quyền sở hữu, các quyền về tự do, dân chủ và quyền con người..., về các quyền và nghĩa vụ của các bộ phận thuộc hệ thống nhà nước, vân vân… 

Tuy nhiên, thực tế là hầu hết những Điều, Khoản đúng và tốt này không được và không thể thực thi, hiện tượng vi hiến ngày càng nhiều và nghiêm trọng trong đời sống đất nước ở mọi cấp và mọi nơi; chủ yếu vì các nguyên nhân chủ yếu sau đây: 

(a) Hiến pháp có một số Điều được thiết kế không dứt khoát. 

(b) Có một số Điều và Khoản trên thực tế là ngược hay phủ định nhiều Điều và Khoản khác trong Hiến pháp, hoặc gần như là phủ định toàn bộ Hiến pháp – trước hết chính là Điều 4, những Điều và Khoản về đất đai (rõ nét nhất là vấn đề “quyền sở hữu toàn dân” về đất đai…), về kinh tế quốc doanh… Đấy là nói về nội dung Hiến pháp 1992. 

(c) Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân thứ 3 vô cùng quan trọng và quyết định hàng đầu, đó là hệ thống quyền lực không coi trọng Hiến pháp, và ngay từ đầu trong hành động thực tế là bác bỏ nguyên tắc Hiến pháp là quyền lực tối thượng của quốc gia, chỉ sử dụng Hiến pháp ở những chỗ và những lúc khi quyền lực cần.. 

Trong tình hình như vậy, nếu không có các chi tiết bổ sung cho Hiến pháp 1992 sửa đổi đủ sức mạnh khắc phục cả 3 nguyên nhân nói trên, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ trở nên vô nghĩa. 

Và rõ ràng không có phép lạ nào viết ra được những chi tiết bổ sung có đủ sức mạnh như thế, ngoài việc viết ra Hiến pháp mới. 

Giả định rằng có phép lạ viết ra được Hiến pháp mới hoàn hảo đến tuyệt đỉnh, song vẫn giữ nguyên Đảng với tư duy, tổ chức, vị thế, quyền lực, cùng với bộ máy chuyên chính tinh thần và bộ máy chuyên chính bạo lực của nó hiện nay như thế trong quốc gia, trong hệ thống nhà nước, trong kinh tế và trong đời sống văn hóa - xã hội.., gọi tất cả những thứ này dưới một cái tên chung tổng hợp là hiện tượng “đảng hóa”, Hiến pháp mới cũng sẽ chỉ có giá trị trang trí. 

Có thể kết luận ngay: Sửa đổi Hiến pháp dù có thể làm tốt thế nào đi nữa, mà Đảng vẫn giữ nguyên đảng hóa và không thay đổi, sẽ vô ích. 

Khi còn đương chức, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người nhiều lần phê phán kịch liệt hiện tượng đảng hóa như thế. Sự phê phán này tổng hợp nhất và rõ nét nhất được nêu trong bức thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị. 

Trong thư này, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề: (1) phải nhìn nhận lại thế giới, (2) phải đánh giá lại đường lối phát triển đất nước, (3) phải xây dựng nhà nước pháp quyền, (4) phải xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức. Cả 4 đòi hỏi nêu trong thư này đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và mức độ bức xúc khẩn thiết của nó. 

Những năm cuối đời, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành hết tâm huyết mình nhiều lần viết và nói trực tiếp với từng ủy viên Bộ Chính trị và toàn thể Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, và nói với toàn dân: Phải từ bỏ mọi thứ chủ nghĩa, Đảng phải tự lột xác để trở thành đảng của dân tộc. 

Nhân việc nhắc đến bức thư quan trọng này, xin cho phép hỏi trực tiếp trên ba triệu đảng viên của Đảng hôm nay: “Đảng CSVN hôm nay có còn cách nào phục vụ lợi ích quốc gia tốt hơn không? Có đảng viên nào hôm nay dám nói mình yêu Đảng, bảo vệ Đảng hơn đảng viên Võ Văn Kiệt không?” 

Nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay thành tâm mong muốn sửa đổi Hiến pháp lần này để cứu Đảng, cứu nước, nhất thiết phải đặt vấn đề cải cách thay đổi Đảng gắn kết hữu cơ với việc sửa đổi Hiến pháp trong tổng thể nhiệm vụ cải cách chính trị canh tân đất nước, đúng với tinh thần và nội dung như vừa trình bầy trên. 

II.

Sau 27 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã hoàn thành thời kỳ phát triển ban đầu – thời kỳ phát triển theo chiều rộng. Song hiện nay, vì nhiều sai lầm và những yếu kém nhiều mặt trong quá trình phát triển này, nhất là những sai lầm trong đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng và sự tha hóa của hệ thống chính trị, kinh tế nước ta chưa hội đủ mọi điều kiện phải có, để sẵn sàng đi vào thời kỳ phát triển mới cao hơn: Thời kỳ phát triển theo chiều sâu

Từ 5 năm nay đất nước lại lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội toàn diện, đất nước chưa bao giờ đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức bức xúc như bây giờ, nhất là trong một thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển mới với nhiều diễn biến khó lường.. 

Việc Trung Quốc đang trở thành siêu cường tác động nghiêm trọng vào trật tự thế giới hiện hành, và đồng thời thách thức gay gắt tất cả các nước láng giềng. Nhiều tác động tiêu cực của siêu cường đang lên Trung Quốc đang gây ra những vấn đề phức tạp mới như giành giật thị trường, vi phạm luật chơi chung, lôi kéo và tập hợp lực lượng (bao gồm cả chính trị, tôn giáo, sự can thiệp của quyền lực mềm…)… trong nhiều khu vực trên thế giới, lại trong thời kỳ tình hình thế giới đi vào một thời kỳ phát triển mới phức tạp, do đó hiện tượng siêu cường Trung Quốc đang lên trở thành vấn đề của cả thế giới trên nhiều phương diện. Đặc biệt là tính xung đột quyền lực siêu cường mang tịnh văn hóa Đại Hán tập trung vào khu vực châu Á, nhất là Đông Nam Á, vấn đề Trung Quốc càng trở nên đặc biệt nhạy cảm và nguy hiểm, nhất là đối với các nước nhỏ trong khu vực. 

Với tính cách là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên nhất thiết phải khuất phục đối với siêu cường Trung Quốc trên đường của nó vươn ra Biển Đông, Việt Nam là nước bị uy hiếp nghiêm trọng nhất. Và chưa thể nói lãnh đạo của đất nước đã lường hết mọi nguy hiểm của sự uy hiếp này, thậm chí có không ít biểu hiện lúng túng, khiếp nhược.., càng không thể nói lãnh đạo của đất nước đã sẵn sàng phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc trước thử thách mất còn này đối với đất nước... 

Trong khi đó đất nước đang có nhiều khó khăn hiểm nghèo: Kinh tế khủng hoảng cơ cấu sâu sắc chưa có lối ra; những bức xúc và bất công xã hội vì tự do dân chủ bị đàn áp khiến lòng dân ngày càng phân tán; những lúng túng, không nhất quán hay không rõ ràng trong đối sách của lãnh đạo đối với Trung Quốc càng làm cho nhân dân mất tin tưởng; Đảng lãnh đạo lại ở trong thời kỳ thoái hóa nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình về chính trị và tính tiền phong chiến đấu, và hệ thống chính trị đang tha hóa trầm trọng. 

Có thể nói sau 37 năm độc lập thống nhất, chưa bao giờ đất nước lâm nguy như bây giờ, Đảng yếu kém như bây giờ. 

Giải quyết những khó khăn nội tại để mở ra một thời kỳ phát triển cho đất nước, tạo sức mạnh đối xử thành công mối quan hệ với Trung Quốc với tư cách nước ta là một đối tác được tôn trọng chứ không phải là một nước lệ thuộc hay một chư hầu kiểu mới, nhất là để Việt Nam không một lần nữa và vĩnh viễn không bao giờ trở thành chiến địa cho sự tranh hùng của các siêu cường, nắm bắt cơ hội chưa từng có trong bối cảnh quốc tế hôm nay làm cho Việt Nam hưng thịnh trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ, vì hạnh phúc và phát triển của chính quốc gia mình và của cả thế giới… Làm sao Việt Nam có thể thực hiện được những nhiệm vụ sống còn và có ý nghĩa vô cùng trọng đại ấy, nếu đất nước không có một thể chế chính trị dân chủ, thực hiện được hòa giải đoàn kết dân tộc, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ được sự hậu thuẫn của tất các các quốc gia, các lực lượng tiến bộ trên thế giới – kể cả trong lòng nhân dân Trung Quốc? 

Tất cả những vấn đề nghiêm trọng sống còn đối với đất nước vừa trình bầy trên làm sao xử lý thành công được, nếu đất nước không có một thể chế chính trị dân chủ, thực hiện được hòa giải đoàn kết dân tộc, để cả nước làm được những việc phải làm, cho bây giờ và cho mãi mãi về sau? 

Tất cả những vấn đề nghiêm trọng sống còn vừa nêu trên chẳng lẽ không mảy may liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay? 

Chẳng lẽ ĐCSVN hôm nay không còn đủ tính tiền phong chiến đấu, để nhận thức được những vấn đề sống còn như thế đang đặt ra cho đất nước, không có trí tuệ và ý chí bắt tay vào nhiệm vụ phải làm như Đảng đã từng làm khi tiên phong khai phá con đường cứu nước? 

Đảng phải tìm cho mình câu trả lời: Làm hay không làm? Làm thế nào? Trả lời thế nào, Đảng tự phơi bầy mình ra là thế nấy, chẳng có thế lực thù địch nào xuyên tạc nổi. 

Còn nhân dân – qua không biết bao nhiêu kiến nghị, thư, lời kêu gọi… gửi cho Đảng… ít nhất từ 3 Đại hội Đảng toàn quốc liên tiếp cho đến nay – nghĩa là từ 15 năm nay – đã đặt ra cho mình những câu hỏi đúng, các câu trả lời đúng. 

III. Đề nghị của người viết bài này với nhân dân và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước 

Có thể vì không thấy hết tầm vóc các việc phải làm cho sửa đổi Hiến pháp, hoặc là bị khuôn vào những nguyên tắc chỉ đạo của Tổng bí thư như sửa gì thì cũng phải trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai.., nên kế hoạch sửa đổi Hiến pháp như đang tiến hành vừa sơ sài về nội dung, (nặng về hình thức, chiếu lệ và không đi vào thực chất), coi như chẳng liên quan gì đến những nhiệm vụ trọng đại và nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn hiện tại và xa hơn nữa, vừa không được bố trí đủ thời gian công sức lẽ ra phải đầu tư... Làm như thế làm sao mong được kết quả thực chất? 

Hơn nữa, chỉ đạo như thế là đứng trên, là ban cho, là ông chủ của nhân dân, là đứng trên Hiến pháp mất rồi! 

Ai mà không hiểu Hiến pháp viết như thế nào là quyền của nhân dân chứ! Lãnh đạo ở đây chỉ có một nghĩa, một nội dung duy nhất là giúp người dân có tri thức và quyền năng thực hiện tốt nhất quyền chủ nhân ông đất nước và sự lựa chọn của họ. Làm khác đi là ốp, là cưỡng bức. 

Cũng nhân đây xin nói ngay, hàng ngày Bộ Chính trị có không ít những chỉ đạo như thế. 

Có ít nhất 3 thiếu sót quan trọng cần chú ý khắc phục ngay trong quá trình tiến hành sửa đổi Hiến pháp lần này: 

(1) Thiếu hẳn khâu chuẩn bị cho nhân dân, ví dụ không thông tin thông báo cho nhân dân: 

- thực trạng đất nước, những thách thức và đòi hỏi cho giai đoạn phát triển mới, để suy nghĩ Hiến pháp sửa đổi lần này cần phải thiết kế như thế nào, phải đáp ứng thế nào những yêu cầu mới của đất nước về đối nội, đối ngoại, phát triển... 

- gợi ý những vấn đề trọng đại nào trong Hiến pháp cần tập trung huy động trí tuệ và lấy ý kiến của nhân dân, hướng kiến nghị sửa đổi của Ban soạn thảo… 

- vân vân… 

(2) Về phía Đảng cũng coi việc sửa đổi Hiến pháp là một công việc cắt rời như đã cài sẵn trong lập trình để ở máy tính, nghĩa là chẳng dính dáng gì đến việc phải cải cách hay thay đổi Đảng như thế nào. Mà như thế, như đã nêu trong phần II: giả thử Hiến pháp được sửa thật tốt thế nào đi nữa, nhưng nếu hệ thống chính trị vẫn y nguyên, cái gì sẽ chờ đợi đất nước? 

(3) Hầu như không có sự chuẩn bị gì cho việc nâng cao dân trí và quyền năng của nhân dân, để nhân dân có thể làm tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc góp ý kiến vào Hiến pháp, trong việc thực hiện quyền phúc quyết… Cũng xin nói ngay, không thực hiện nghiêm túc với chất lượng cao quyền thảo luận tham gia ý kiến và quyết định (nhất là đối với những vấn đề quan trọng), quyền phúc quyết của nhân dân, Hiến pháp sửa đổi hay Hiến pháp mới sẽ giảm hẳn giá tri cũng như khả năng thực thi. 

Quá trình soạn thảo sửa đổi Hiến pháp hay xây dựng Hiến pháp mới lẽ ra nhất thiết còn phải là lúc làm cho cả nước có cơ hội học tập để nâng cao hiểu biết, nâng cao quyền năng của công dân, giác ngộ nhân dân những vấn đề trọng đại của đất nước, gắn bó người dân hơn nữa với vận mệnh đất nước… Nhà nước pháp quyền chính đáng nào mà lại không mong muốn công dân của mình có trình độ giác ngộ cao nhất? 

Vân vân… 

Ngoài ra, cá nhân người viết bài này xin có những đề nghị như sau: 

1. Nếu chỉ sửa đổi sơ sơ như dự thảo đã công bố, thì nên tạm dừng lại chưa đi tới phần kết thúc như thời khắc biểu đã định, riêng việc lấy ý kiến nhân dân phải tiến hành có chất lượng và nên kéo dài tới cuối năm 2013, để có thời gian bổ khuyết 3 việc còn sót chưa làm nói trên. 

2. Trong khoảng thời gian kéo dài thêm, nên thực hiện ngay một số Điều đúng, đã có sẵn trong Hiến pháp 1992, như các Điều quy định các quyền về tự do, dân chủ của công dân, quyền con người, về tự do ngôn luận, về báo chí..; đình chỉ ngay mọi hoạt động có tính chất khủng bố, trấn áp, hay đàn áp nhân dân, thả ngay những người bất đồng chính kiến đang phải thụ án tù hay đang bị xét xử, làm ngay một số việc khác như 71 trí thức đã nêu trong kiến nghị ngày 06-08-2012. 

3. Bãi bỏ việc sửa đổi Hiến pháp theo kiểu chắp vá như đang làm, đặt vấn đề xây dưng Hiến pháp mới lần này là một trong những bộ phận quan trọng nhất của chương trình cải cách triệt để và toàn diện chế độ chính trị của đất nước. 

4. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát huy trí tuệ và tâm huyết cả nước xây dựng chương trình cải cách toàn diện hệ thống chính trị, kế hoạch và lộ trình thực hiện. Thông qua cuộc cải cách chính trị này Đảng thực hiện cải tổ lại chính mình cả về đường lối, về tổ chức để trở thành Đảng của dân tộc phù hợp với những tiêu chí của một nhà nước pháp quyền dân chủ. 

5. Thông qua cải cách chính trị lần này Đảng trang trải hai món nợ, hai nhiệm vụ lịch sử đối với nhân dân, đối với tổ quốc mà Đảng đã để trễ 37 năm sau khi đất nước độc lập thống nhất: 

- Xây dựng một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. 

- Thực hiện hòa giải đoàn kết dân tộc để phát huy tối đa sức mạnh toàn diện của đất nước. 

IV. Vài suy nghĩ thay lời kết 

Qua cải cách chính trị lần này, một nước Việt Nam dân chủ ra đời[2] từ nước Việt Nam độc lập thống nhất kể từ 30-04-1975 - nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – đấy sẽ là sự đổi đời của chính nước ta, để từ nay và mãi mãi mở mày mở mặt cùng đi được với cả thiên hạ, để có khả năng là bạn và là đối tác được tôn trọng của cả thiên hạ. Song sự kiện này sẽ làm thế giới chấn động, vì nó góp phần củng cố hòa bình, có lợi cho hợp tác và cùng phát triển ở Đông Nam Á, với nhiều ảnh hưởng lan tỏa rất khích lệ cho cái thiện, cái tốt ở mọi nơi. Có thể nói ngay, cả thế giới sẽ vui mừng với chúng ta – trong đó có không ít những bộ phận nhân dân trong lòng đất nước Trung Quốc. Còn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chắc chắn sẽ không như thế. CHNDTH sẽ như thế nào, điều này còn tùy thuộc vào nhiều thứ dễ thấy ngay từ bây giờ... Song việc nước ta phải làm thì nước ta cứ phải làm, đủ sức làm, và làm được, chẳng lẽ cứ phải ngó nghiêng hay xin phép Trung Quốc? Mà dù ta có ngoan ngoãn, ngó nghiêng hay xin phép… chắc gì được yên thân? Khi cần và thấy trên bàn cờ quốc tế là có thể - bất kể là ta yếu hay mạnh, cương hay nhu, ngoan hay bướng... - thì CHNDTH vẫn sẵn sàng ra tay đối với ta, lần nào cũng rất rắn. Chiếm Hoàng Sa của ta năm 1974 là như thế, cuộc chiến tranh Campuchia và cuộc chiến tranh đánh ta tháng 2-1979 là như thế, lấy thêm một số đảo của ta ở Trường Sa năm 1988 là như thế, bây giờ đang muốn lấn chiếm ta tiếp trên Biển Đông cũng là như thế - giữa lúc ta vẫn đang gồng lên nhẫn nhục gìn giữ đại cục, 4 tốt và 16 chữ đấy thôi!.. 

Nhưng nếu ta không quyết tâm đổi đời đất nước lần này, chắc chắn nước ta sẽ rơi sâu hơn nữa không có lối thoát vào con đường nô dịch của siêu cường Đại Hán như đã vương vào từ Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay gỡ chưa ra. Không chỉ có thế, rơi vào vòng tay Trung Quốc, nước ta một lần nữa sẽ trở thành chiến địa mới của nhiều nước, nội chiến cũng sẽ nổ ra trong lòng tổ quốc chúng ta! 

Song làm sao thực hiện được cuộc đổi đời như vậy của đất nước, nếu không có sức mạnh của trí tuệ và từ trong tâm huyết và ý chí của hòa giải đoàn kết dân tộc? 

Cần nói thẳng thắn với nhau hòa giải đoàn kết dân tộc như thế đến nay vẫn hầu như là không thể, nhưng lại là đòi hỏi tất yếu, là đòi hỏi đầu tiên để đổi đời đất nước. 

Làm sao có thể thực hiện được sự hòa giải đoàn kết dân tộc như thế đã để muộn mất 37 năm rồi, nếu không có một thể chế chính trị dân chủ của đất nước làm cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng nó? 

Về ĐCSVN tôi muốn nói thế này: Chắc chắn người Việt Nam nào có ý thức với đất nước đều thiết tha mong mỏi một cuộc đổi đời của đất nước như vậy. Đấy chính là cái đích ngàn đời mà vì nó cả nước đã đi theo Đảng bước vào Cách mạng Tháng Tám. Chẳng lẽ nào bây giờ đứng trên đỉnh cao của quyền lực, Đảng không còn khả năng nhận ra cái đích này? Và chỉ vì thế, có phải là Đảng muốn tự chọn con đường đối kháng với cái đích ngàn đời mong ước này của dân tộc hay không? 

Không ai có thể thay Đảng trả lời câu hỏi này. 

Bốn cuộc chiến tranh, khoảng 7 triệu sinh mạng người dân nước ta (có số liệu nói 10 triệu) bị cướp đi, cùng với biết bao nhiêu tổn thất khác không bao giờ lấy lại được nữa, những vết thương trong lòng dân tộc như đang muốn không bao giờ lành lại nữa, gần một nửa thế kỷ[3]đất nước chìm đắm trong khói lửa giữa lúc thế giới đi lên đỉnh cao phát triển mới, rồi những sai lầm đổ vỡ do chính tự tay ta bên này và bên kia gây nên...

Chừng nấy mất mát và đau thương còn chưa đủ hay sao nếu để xảy ra đổ vỡ nồi da xáo thịt một lần nữa? 

Chừng nấy mất và đau thương còn chưa đáng để toàn dân tộc ta nắm tay nhau hòa giải và cùng nhau bước về phía trước? 

Chừng nấy mất mát và đau thương không đáng để cho mỗi người Việt chúng ta khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, cùng đoàn kết giúp nhau dấn lên, đổi đời chính mình, và đổi đời của đất nước hay sao? 

Cuối cùng, xin nói lời đề nghị quan trọng nhất: 

Tôi thiết tha mong từng người dân Việt chúng ta học lại quá khứ của chính mình, của đất nước – học tất cả, để hiểu những điều tốt và xấu, thành và bại, ác và thiện, cái ngu dốt và sự minh triết, sự thù hận và lòng khoan dung... Không chờ và không cần ai ban bảo mình hay nhồi nhét cho mình học cái gì! Mà hãy đem tất cả nỗi thương đau của chúng ta về số phận đất nước, đem tất cả ý chí của mình mong mỏi đổi đời đất nước, để tự tìm tòi học lại tất cả những cái phải học, học thêm những cái mới… 

Xin hãy học tất cả những điều phải học như thế, trước hết để chiến thắng chính mình, chiến thắng nỗi sợ và những yếu kém của mình. Học như thế để đổi đời của chính mình và quyết tâm cùng nhau đổi đời đất nước. 

Bởi vì: Thực hiện bằng được hòa giải dân tộc để cứu tổ quốc đang lâm nguy, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước là trách nhiệm thiêng liêng không của riêng một ai trong cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta! 


Nguyễn Trung 

Hà Nội – Võng Thị, ngày 14-01-2013 


[1] Xin đừng lúc nào quên một thời nhân dân dành cho Đảng quyền lãnh đạo, song chưa bao giờ có chuyện nhân dân của một nước độc lập dân là chủ lại dành cho Đảng quyền lực cai quản đất nước, Đảng cũng chưa bao giờ dám ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình việc giành quyền lực như thế - vì sẽ danh không chính ngôn không thuận, mặc dù Đảng làm việc này với tất cả. 

[2] Tôi không dám lạm bàn về tên gọi của quốc gia, vì đấy sẽ là quyền của nhân dân, khi nào được hỏi tôi sẽ nói đề nghị của mình. 

[3] 1945 –1989, khi kết thúc chiến tranh Campuchia. 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-1-13