Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Thứ hai, 30 tháng 9, 2013
Nhiều giáo dân đã dự buổi thắp nến cầu nguyện cho Lê Quốc Quân hồi tháng Bảy
Bất kỳ mức án nào nặng tay hơn khung hình phạt “treo” đối với Lê Quốc Quân đều phơi bày tính phi logic trong mối tương quan với thực đơn chính trị đối ngoại ở Việt Nam.
Trước phiên xử ngày 2/10/2013, số phận của luật sư công giáo Lê Quốc Quân nằm trên “một đường mỏng manh”, như cụm từ “a delicate line” mà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã dùng để đặc tả về trạng thái “đi dây” của Hà Nội giữa Bắc Kinh và Washington.
Nếu căn cứ vào vụ việc người em trai của ông Quân là Lê Quốc Quyết bị “an ninh côn đồ” đánh bầm mặt vào những ngày cuối tháng 9/2013, không khó để suy đoán một dấu chỉ chẳng lành đang chờ đợi kẻ phạm nhân bị kín lối bởi bốn bức tường đen đúa.
Điềm dữ Bắc Kinh
Thêm một lần cố gắng trơ lì của ngành tư pháp Hà Nội khi muốn đóng vai trò bề trên để “rút phép thông công” đối với một con chiên không chỉ “kính Chúa yêu nước” mà còn chẳng ngần ngần ngại biểu hiện quan điểm trái ngược với giới cầm quyền Trung Nam Hải về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Hiển nhiên, nếu vụ án Lê Quốc Quân được quán triệt đầy đủ theo đường lối Mao ít thì Tập Cận Bình có thể xoa tay nhấp rượu Mao Đài vì đã loại trừ được một cái gai trong mắt ông ta.
Bắt đầu trở nên khá nổi tiếng với khẩu ngữ “diệt cả hổ lẫn ruồi”, người đại diện cho khuynh hướng nhất thể hóa vai trò đảng và nhà nước ở Trung Quốc sẽ có thêm một dẫn chứng sinh động nhằm khuyến khích các học trò phương Nam của ông đi theo con đường không khoan nhượng tôn giáo, đặc biệt là Công giáo.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nổi tiếng với đường lối diệt "cả hổ lẫn ruồi"
Trên con đường đó, tất cả những con ruồi chưa thể hóa thành hổ đều cần bị triệt tiêu, dù vì nguyên do tham nhũng hay nguy cơ chính trị.
Đó cũng là một kinh nghiệm đắt giá của Bắc Kinh trong việc duy trì được thế “cân bằng lực lượng” với giáo hội Công giáo Vatican trong ít nhất vài thập kỷ qua, bởi đã không ít lần các linh mục và giám mục quốc doanh được thụ phong mà chẳng cần đến ý kiến của giáo triều Roma.
Cũng không có được một phản kháng đáng kể nào trong mấy chục năm qua, hoạt động công giáo ở Trung Quốc luôn bị chính quyền ghé mắt như “bầy chiên hiền lành” - hiện tượng khác hẳn với hiện tình sôi sục đầy bức bách của làn sóng giáo hội ly khai ở Việt Nam.
Đó cũng là nguồn cơn sâu xa cho thấy nếu “con chiên bất tuân” Lê Quốc Quân được hành xử tư pháp một cách nghiêm cẩn, Nhà nước Việt Nam sẽ có thể gỡ gạc phần nào danh thể từ sau vụ “nổi loạn” tại giáo xứ Mỹ Yên ở Nghệ An vào tháng 9/2013.
Không những thế, một hình án nặng nề đối với Lê Quốc Quân còn có thể tượng trưng cho lối “phạt vạ” của nhà cầm quyền đối với những kẻ dám bước ra ngoài ranh giới quy ước và tục lệ của cộng đồng thôn làng xưa cũ.
Tất nhiên, đó sẽ là bài học răn dạy cho những tín đồ nhiệt thành thái quá mà đã không thể kềm giữ được tinh thần thiếu tôn trọng khuôn mặt chính thể.
Điềm lành Vatican
Nhưng ở một bờ cạnh khác kém lộ liễu hơn nhiều, dường như Lê Quốc Quân lại đang dần bước từ bóng tối ra ánh sáng. Thậm chí ánh sáng ấy còn có nét mặc khải, với điều kiện nó phải xuất phát từ một cái gì đó thật sự tục thế và cả tục quyền.
"Một hình án nặng nề đối với Lê Quốc Quân có thể tượng trưng cho lối “phạt vạ” của nhà cầm quyền đối với những kẻ dám bước ra ngoài ranh giới quy ước và tục lệ của cộng đồng thôn làng xưa cũ. "
Chuyến “thăm và làm việc” ở Vatican của phái đoàn Ban Tôn giáo chính phủ nhà nước Việt Nam vào thời gian ngay sau khi căng thẳng vụ Mỹ Yên tạm lắng, đã khiến dư luận và giới phân tích chính trị lẫn tôn giáo có phần ngạc nhiên.
Không mang tính chất một cuộc gặp chính thức, phái đoàn do cựu trung tướng an ninh Bộ Công an dẫn đầu đã chỉ được tiếp đón bởi vài viên chức cấp thứ trưởng của Tòa thánh, và cuộc đàm luận cũng chỉ giống như một bản ghi nhận với nội dung đề xuất của phía Việt Nam về “giáo dân cần tôn trọng và tuân thủ pháp luật”.
Chuyến đi bất ngờ trên có thể khiến người ta nhớ lại một chuyến “hành hương” khác – nhưng thuộc về người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng, cũng đến Roma để gặp đích thân giáo hoàng Francis.
Sau cuộc gặp có vẻ thân mật ấy, mối quan hệ Vatican – Việt Nam “bỗng dưng” sáng hẳn lên, cũng không nghe Tòa thánh căn vặn một khuất tất nào liên quan đến việc sắc phong giáo chức hay những vụ việc gây ầm ĩ trong mối tương tác chẳng đặng đừng của chính quyền một số địa phương đối với các giáo xứ tại Việt Nam.
Mỹ Yên cũng là một trường hợp tiêu biểu về tính cách bình thản không bình thường của Tòa thánh.
Điều đáng ngạc nhiên và còn có thể được xem là thành tích của phái đoàn Ban Tôn giáo chính phủ là cho dù suýt chút nữa nổ ra bạo động tại Mỹ Yên cùng các giáo xứ lân cận, kéo theo sự hiệp thông chưa từng thấy của ít nhất phân nửa trong hơn 7 triệu tín đồ công giáo tại Việt Nam, phía Tòa thánh vẫn bình tĩnh cho là Nhà nước Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng về tự do tôn giáo trong những năm qua.
Dù chưa có bằng chứng xác thực về thái độ điềm tĩnh trên, song nhận định của Tòa thánh lại như có ẩn ý trong mối liên hệ với một động thái có tính ẩn dụ không kém: sau khi khởi tố vụ án mà không lập tức khởi tố bị can theo đúng quy định, cho tới nay vẫn chưa thấy cơ quan công an Nghệ An khởi tố thêm một giáo dân nào ở Mỹ Yên.
Có lẽ đây cũng là một hiện tượng lạ lùng từ nhiều năm qua ở Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Vatican hồi 1/2013 được cho là đã phần nào giúp cải thiện quan hệ giữa VN với Giáo hội La Mã
Sự im lặng của đảng bộ, chính quyền và ngành công an Nghệ An lại diễn ra đồng thời với chuyến đi Paris và New York của người đứng đầu chính phủ - ông Nguyễn Tấn Dũng.
Những cuộc bàn thảo của thủ tướng đang như hé lộ xác tín chính trị “xoay trục” cùng một lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam: hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP - có thể được phía Mỹ xem xét một cách “linh hoạt”.
Người Pháp cũng không quên hứa hẹn sẽ hợp tác quân sự với Việt Nam tại khu vực biển Đông. Thậm chí Nhà nước Việt Nam cũng chưa hết hy vọng được bổ sung vào Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc với vài tín hiệu được khơi mào từ khối Cộng đồng châu Âu.
Một giáo dân - một thủ tướng
Nếu nhân quyền là điều kiện then chốt được người Mỹ và Tây Âu đặt lên bàn đàm phán với Nhà nước Việt Nam liên quan đến giải thưởng có tên TPP, Lê Quốc Quân lại đang hóa thân thành một chú hổ dân chủ quốc nội trong con mắt của chính giới quốc tế.
Bất chấp nhiều phương án ngăn trở thông tin, vị luật sư công giáo này đã được giới dân chủ nhân quyền trên thế giới vinh danh và dường như đã không còn là “con ruồi” trong cặp mắt ngao ngán của chính quyền.
Người ta đang tự hỏi, phải chăng tình thế có thể tái hiện một kịch bản đột biến như vụ việc thả nữ sinh Phương Uyên chỉ nửa tháng sau chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang đến Washington?
Và lần này, đó là mối quan hệ còn ẩn trong làn sương trừu tượng, giữa một thủ tướng và một giáo dân.
Song chính trị lại là một trừu tượng vượt bậc của các trừu tượng. Không ai có thể biết trong mớ hỗn độn khói sương mờ ảo của nó, cái gì sẽ diễn ra và thực chất là thế nào. Nó có thể đến từ mọi quyền lợi, nhân danh các thế lực và cả từ tinh thần thiếu “hiệp thông” giữa các phe nhóm, trên con đường phục hồi thể diện cá nhân…
"Nếu nhân quyền là điều kiện then chốt được người Mỹ và Tây Âu đặt lên bàn đàm phán với Nhà nước Việt Nam liên quan đến giải thưởng có tên TPP, Lê Quốc Quân lại đang hóa thân thành một chú hổ dân chủ quốc nội trong con mắt của chính giới quốc tế. "
Một khi đã không còn bị xem là “con ruồi” theo não trạng Mao tuyển của nhóm hồng vệ binh Trung Hoa, bất kỳ mức án nào nặng tay hơn khung hình phạt “treo” đối với Lê Quốc Quân đều phơi bày tính phi logic trong mối tương quan với thực đơn chính trị đối ngoại ở Việt Nam trong giai đoạn hết sức “nhạy cảm” hiện thời.
Cho dù vẫn cố phô bày vẻ ung dung về vị thế tự tại quyền lực của đảng, song hàng loạt phản ứng trong mấy năm gần đây từ giới công giáo như các vụ Cầu Rầm, Con Cuông, Tam Tòa, Mỹ Yên đã khiến những người theo đường lối “kiên định” không thể xem thường.
Một bản án quá “nhạy cảm” đối với người con của giáo hội sẽ không thể đổi lấy lòng “yêu nước” đồng nghĩa với khả tín “kính Chúa”.
Nếu việc hoãn xử án Lê Quốc Quân đã từng bị treo đến gần ba tháng khi bất chấp các quy định pháp luật, một phán quyết “treo” tiếp nối sẽ có thể không làm cho các cơ quan tư pháp nhà nước quá nặng lòng, trong khi Bắc Kinh vẫn tạm hài lòng vì dù sao sẽ có án, còn cực bán cầu cách Việt Nam nửa vòng trái đất cũng có thể tạm thỏa mãn với những cố gắng vận động trước đó của họ.
Tất cả đều được dung hòa và đều có được điều mà ngành kinh tế học phát triển gọi là “lợi thế so sánh”.
Chính trị luôn có thể là như vậy. “Của để dành” như Lê Quốc Quân luôn có lợi một khi ai đó muốn ngụ ý những người bất đồng chính kiến bị giam giữ là một thứ “tài nguyên nhân quyền” để trao đổi phòng khi túng thiếu.
Vào giữa năm nay, chỉ hai ngày sau chuyến công du thành công ở châu Âu, Tổng thống Thein Sein của Myanmar đã lập tức ra lệnh phóng thích đến bảy chục tù nhân chính trị còn bị giam giữ, kể cả những người mang án đủ sâu sắc với chế độ cầm quyền mà còn lâu mới có thể ra tù.
Bởi thế và khó có thể khác, sẽ là tốt hơn nhiều nếu hiện ra chỉ dấu điềm lành trong phiên xử ngày 2/10/2013 cho Lê Quốc Quân và cho cả chế độ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng từ TP Hồ Chí Minh.