Thứ Hai, 30/09/2013 15:35
(NLĐO)- Mưa to, gió lớn đang quần thảo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An... Quảng Bình, Quảng Trị mất điện hoàn toàn, tất cả các hoạt động đình trệ, giao thông chia cắt. , động viên với hơn 200 thùng mỳ tôm và hơn 5 triệu đồng.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 18 giờ ngày 30-9, tâm bão nằm trên địa phận các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/ giờ); giật cấp 12, cấp 13.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một cộng tác viên của Báo Người Lao Động ở Quảng Bình cho biết từ khoảng 10 giờ ngày 30-10, sau đó gió giật mưa to ngày càng dữ dội. Toàn tỉnh Quảng Bình bị cắt điện. Hệ thống thông tin liên lạc gần như tê liệt hoàn toàn. “ Tôi đang bị kẹt trong hẻm nhỏ không bước ra được vì gió thổi quá mạnh, tôn bay, cây đổ rầm rầm” - cộng tác viên Báo Người Lao Động cho biết qua điện thoại.
Cả TP Đồng Hới chìm trong nước, nhiều tuyến đường ngập sâu gần 1 mét. Tất cả các hoạt động đình trệ. Giao thông chia cắt, không ai có thể di chuyển được ngoài đường vì mưa bão.
Ngổn ngang sau trận mưa gió ở Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Ph. Tứ
Trên đường phố, nhiều cây cối bị gãy đổ, mái tôn bị tốc bay tứ tung. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng trăm nhà ở TP Đồng Hới bị tốc mái tôn. Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh Quảng Bình bị tốc hết phần mái phía trước, hệ thống cửa kính bị vỡ hoàn toàn.
Sóng đánh cao 10 m ở biển Cửa Đại
Không nằm trên địa bàn ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10 nhưng đến trưa 30-9, do mưa to và sóng lớn, 2 đoạn bờ biển tại phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng.Tại khu du lịch Fusion ALYA đang thi công, hàng trăm mét tường kè bị sụt lún do sóng lớn quật vào, dựng cột sóng cao trên 10 m. Thậm chí, có đoạn tường kè đã bị sạt lở nặng, đơn vị thi công đã cấp tốc chèn tạm bằng bao tải.
K. Thái
|
Đến hơn 16 giờ, mưa gió bão vẫn đang lồng lộn ở Quảng Bình, mỗi lúc một mạnh. Mọi hoạt động, kể cả kiểm tra phòng chống bão, cứu hộ cứu nạn đều không thể triển khai được.
Tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, mưa gió tơi bời từ 10 giờ đến 12 giờ cùng ngày làm cây gãy đổ ngổn ngang, đè lên nhà dân. Trước đó có hơn 7.000 người dân ở 55 vùng tập trung tại các xã ven biển như Thanh Trạch, Hải Trạch, Phú Trạch, Nhân Trạch và các vùng dân cư ven sông Son, Sông Dinh đã được di dời khẩn cấp. Học sinh của trên 100 trường được nghỉ học. Đến 17 giờ, gió tạm ngưng, người dân tranh thủ chằng chống nhà cửa và dọn cây gãy đổ quanh nhà phòng đợt mưa gió khác.
Tại huyện Lệ Thủy, đến 16 giờ cùng ngày đã có 200 nhà bị tốc mái, 1 người bị thương. Trước đó 700 hộ dân đã được di dời.
Trong khi đó, ông Lê Đa Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết: Tính đến 14 giờ ngày 30-9, việc sơ tán dân tại các vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đã hoàn thành. Đặc biệt, tại khu vực đảo Cồn Cỏ, đến 14 giờ chiều cùng ngày, gió to cấp 12, cấp 13, toàn bộ nhà cửa của nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị trên đảo đã bị tốc mái hoàn toàn, nhiều cây cối ngã đổ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang có mưa to đến rất to, gió ở vùng ven biển cấp 10, cấp 11. Tại địa bàn thành phố Đông Hà và các huyện, thị như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, gió giật mạnh từng cơn, mưa to khiến một số con đường nội thị, liên huyện đã bị ngập. Nhiều diện tích cây công nghiệp bị ngã đổ. Đường diện 110 KV bị sự cố khiến toàn tỉnh Quảng Trị bị mất điện từ 12 giờ trưa 30-9. Đồng thời, mọi thông tin liên lạc (qua điện thoại) giữa huyện đảo Cồn Cỏ với đất liền đều nằm ngoài tầm phủ sóng; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đang nắm thông tin chỉ đạo qua hệ thống mạng cơ yếu…
Tỉnh Quảng Trị đã huy động các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế gồm hơn 6.200 người với 70 xe ô tô các loại, 52 tàu tham gia ứng cứu, sơ tán dân trong mọi tình huống khẩn cấp, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào đất liền.
Lúc 16 giờ 20 phút ngày 30-9, tàu SE 2 chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội, đến ga Phò Trạch, thuộc thị trấn Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) phải dừng lại hơn 30 phút do bão quật cây cối ngã trên đường sắt. Đến gần 17 giờ cùng ngày, tàu mới chuyển bánh trở lại. Tuy nhiên, đến gần 18 giờ, khi đến TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, do tuyến đường sắt ở đây bị ngập sâu khoảng 1 m nên tàu lửa không thể lưu thông được nữa. Theo thông báo của phía tàu SE 2 thì không biết đến khi nào tuyến này mới lưu thông trở lại.
Cơn bão số 10 đổ bộ vào đất liền đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh. Bão số 10 đã xuất hiện mưa to đến rất to, kèm theo gió cấp 5 - 6 giật cấp 7, đến 13 giờ 30 gió tăng lên cấp 8 - 9 giật cấp 10. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Kỳ Anh.
Nghệ An: Phát hiện một tàu Trung Quốc trên biển
Vào lúc 7 giờ ngày 30-9, tại cửa lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện 1 tàu Trung Quốc. Đặc điểm: Tàu vỏ sắt, không có số hiệu, chiều dài khoảng 20 m, rộng 5 m, tải trọng 60 tấn, công suất 300 mã lực. Trên tàu không có hàng, có 3 công dân Trung Quốc, tất cả đều không mang theo giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ liên quan đến phương tiện.
Bộ đội biên phòng đã tổ chức lai dắt phương tiện vào neo đậu tại cửa Lạch Quèn. Chủ tàu và các thuyền viên đã được đưa về đồn biên phòng Quỳnh Thuận chăm sóc sức khỏe ban đầu, chờ xử lý các bước tiếp theo. Đ. Ngọc
|
Đến 17 giờ cùng ngày, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện Kỳ Anh cho biết, hiện tại chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên đã có 5 xã của huyện này bị ngập cục bộ là: Kỳ Thư, Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh... và đã có 278 nhà dân, các công trình trường học, trụ sở, trạm y tế, bưu điện văn hóa xã bị tốc mái... hàng trăm nhiều cây cối bị đổ. Đặc biệt, có 2 thuyền gỗ ở xã Kỳ Lợi bị sóng đánh trôi do bị đứt dây néo.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho biết trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm 30-9, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10. Biển động mạnh. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12 - 13.
Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 m.
Còn tại Hà Tĩnh, ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: Từ 13 giờ chiều nay 30-9, ở Hà Tĩnh trời đã mưa rất to, gió giật cấp 9-10.
Trong sáng 30-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại Hà Tĩnh.
Qua kiểm tra, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Hà Tĩnh cần tiếp tục triển khai kịp thời, khẩn trương các biện pháp để ứng phó, trong đó tập trung tại các khu vực trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ vào đất liền.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các nơi trú ẩn; tuyệt đối không để người trên tàu, thuyền khi có bão đổ bộ. Sẵn sàng các biện pháp ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn xảy ra, đề phòng địa bàn bị chia cắt, cô lập dài ngày. Sẵn sàng cứu đê, chủ động xả lũ, điều tiết mức nước tại các hồ đập trên địa bàn.
Hiện tại, công tác di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đã hoàn tất, đã sơ tán 6.763 hộ với 22.465 người. Trong đó, huyện Nghi Xuân 1.122 hộ với 4.023 người; huyện Lộc Hà 1.694 hộ với 6.483 người; huyện Thạch Hà 440 hộ với 1.040 người; huyện Cẩm Xuyên 1.053 hộ với 3.062 người, huyện Kỳ Anh 2.392 hộ với 7.655 người và TP Hà Tĩnh 62 hộ (202 người). Tại Nghệ An đến 13 giờ chiều ngày 30-9 đã có 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân đã liên lạc được và đang trên đường tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tỉnh đã có phương án chủ động đề phòng nước biển dâng cao. Các huyện ven biển như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành chủ động kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đối với một số hồ đập thủy lợi đang có nguy cơ sạt lở, rò rỉ nước, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu, xử lý sự cố để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại và đảm bảo an toàn cho các hồ đập.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở trạm đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ giật mạnh 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 21m/s (cấp 9); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 34m/s (cấp 12).
Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 25m/s (cấp 10); Ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam có gió giật cấp 6 – 7, riêng TP Đồng Hới, có gió giật mạnh 29m/s (cấp 11); Ba Đồn có gió giật mạnh 20m/s (cấp 8); Tp.Đông Hà có gió giật mạnh 21m/s (cấp 9); Tp.Huế có gió giật mạnh 17m/s (cấp 7). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 – 120mm. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lúc 15 giờ chiều nay 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 3 giờ ngày 1-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét. |
T.Phùng - Đ. Ngọc - Ph. Tứ - H. Ngọc - H. Dũng - Q. Tám