(ĐSPL) 15 giáo viên khối 12 của trường THPT Cao Thắng, TP. Huế đã ngồi một phòng để cùng làm bài thi các môn do chính mình giảng dạy. Bài thi được rọc phách và chấm công khai cùng với bài thi học sinh.
Kiểu thi “lạ”?!
Trong đợt thi học kỳ 2 của học sinh khối 12 Trường THPT Cao Thắng mới đây, hiệu trưởng nhà trường đã yêu cầu các giáo viên môn Toán, Anh văn, Sinh và Địa lý dùng bài thi của học sinh để đánh giá chất lượng. Theo đó, 15 giáo viên khối 12 của trường đã ngồi một phòng để cùng làm bài thi các môn do chính mình giảng dạy. Bài thi được rọc phách và chấm công khai cùng với bài thi học sinh. Kết quả, các giáo viên đều làm bài đạt điểm giỏi, trong đó giáo viên toán làm bài thi chỉ mất hơn 50% thời gian, phần nhiều đạt điểm 10.
Ngay sau khi trường THPT Cao Thắng áp dụng phương pháp thi “lạ” này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đó là cách làm hay nhưng cũng không ít giáo viên băn khoăn về cách “chấm điểm” chất lượng giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm bằng những bài thi thông thường. Cô giáo Nguyễn Hương Giang (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho rằng, việc đánh giá chất lượng giáo viên có thể thực hiện bởi nhiều phương pháp khác nhau chứ không nên “đồng hoá” với học sinh bằng một kì thi chung (cô giáo làm đề thi của học sinh-PV).
Những giáo viên được điểm giỏi thì phấn khởi, vui vẻ còn giáo viên bị điểm thấp sẽ bị áp lực tâm lý. Tuy nhiên, trả lời PV qua điện thoại, cô Hoàng Thị Mai- Hiệu trưởng trường THPT Cao Thắng cho biết áp dụng cách làm này nhằm để giáo viên đưa ra nhiều đáp án khác nhau, từ đó giáo viên trong từng bộ môn thống nhất chọn ra những đáp án tốt nhất, không mất nhiều thời gian khi chấm bài, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh trong giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bài làm của 1 giáo viên Toán ở Trường THPT Cao Thắng sau khi làm xong được cắt phách, ghi số hiệu để chấm khách quan như bài làm của học sinh
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, các trường có quyền đưa ra các cách thức kiểm tra, đánh giá giáo viên của riêng mình nhưng vấn đề sử dụng thông tin đó cần hết sức sư phạm, tế nhị và các cũng giáo viên không thể dùng cái gọi là “áp lực tâm lý” để từ chối không làm.
Chỉ là hình thức kiểm tra kiến thức
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS. Văn Như Cương- Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, hình thức kiểm tra “đột xuất” cho giáo viên làm đề thi học kỳ của chính học sinh trường mình chỉ kiểm tra kiến thức của giáo viên. Cuộc thử nghiệm này là để xem giáo viên có nắm được kiến thức trong sách giáo khoa mà truyền thụ hay không?. “Tôi cũng rất mừng vì chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà giáo viên Toán của trường Cao Thắng làm được 10 điểm, thấp nhất cũng là 9,5 điểm. Đó là một dấu hiệu rất tốt, đáng phấn khởi. Tôi nghĩ, ở các vùng sâu vùng xa khác, giáo viên có thể không được như thế, giáo viên chỉ biết làm đủ ở trong sách giáo khoa và cho học sinh làm đủ. Ngoài ra, khi có trái sách giáo khoa một chút, giáo viên không nắm được. Chuyện đó cũng là bình thường. Tôi nghĩ giáo viên đạt từ 8 điểm trở lên là được rồi. Vì có lúc sai sót, nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi”, PGS. Cương nói.
Giáo sư Văn Như Cương (nguồn ảnh: VTCNews)
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS Văn Như Cương, cần phải xem phản ứng của giáo viên như thế nào. Nếu làm tốt, có thể họp hội đồng giáo viên đề ra chủ trương đó của nhà trường về mỗi lần thi học kỳ, nhà trường sẽ chia từng nhóm giáo viên, chia đợt để làm. Nếu chủ trương đó nhận được sự đồng thuận của tất cả giáo viên thì đó là cái lợi. Giáo viên sẽ tích cực hơn trong việc làm giàu thêm kiến thức của mình. “Tôi chỉ ngại nếu nhà trường làm đột ngột, áp đặt không thông báo với giáo viên, không phổ biến chủ trương là không nên”, PGS Cương băn khoăn.
THƠM - LAN