THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 May 2012

Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông

Bắc Kinh đang điều động một lực lượng hùng hậu gồm nhiều loại tàu cùng những thiết bị hạng nặng để tận lực khai thác biển Đông.
Gần đây, Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản (NIDS) vừa đưa ra báo cáo mang tên China Security Report 2011 đánh giá tiềm lực an ninh của Trung Quốc. Trong đó, báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết về sự phát triển của lực lượng ngư chính, hải giám và cảnh sát biển mà Bắc Kinh đang triển khai. 
 Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông 1
Tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có 500 tàu cá kèm theo - Ảnh: Xinjunshi
Lực lượng hùng hậu
Theo NIDS, Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch tăng cường số tàu tuần tra và khu vực biển Đông trở thành trọng tâm mà nước này hướng đến. Tháng 10.1998, Cơ quan giám sát hàng hải (CMS) Trung Quốc chính thức được thành lập, chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi ở các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và khu vực biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Khi đó, CMS đã được biên chế một số tàu hải giám cùng trực thăng tuần tra.
Thời gian đầu, hầu hết các tàu hải giám đều là loại nhỏ có độ choán nước dưới 1.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, khi Trung Quốc triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001 - 2005) thì nước này lập tức bổ sung các tàu lớn hơn như Hải giám 27 (1.200 tấn), Hải giám 46 (1.101 tấn), Hải giám 51 (1.690 tấn), Hải giám 83 (3.420 tấn). Kèm theo đó, CMS còn được trang bị thêm máy bay tầm xa. Sau đó, khi Trung Quốc triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006 - 2010), CMS lại được bổ sung thêm hàng chục tàu hải giám và máy bay các loại.
Gần đây nhất, để tiến hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015), Bắc Kinh tuyên bố bổ sung 36 tàu hải giám gồm 7 chiếc trên 1.500 tấn, 15 chiếc trên 1.000 tấn và 14 chiếc trên 600 tấn. Ngoài ra, Trung Quốc hồi năm ngoái đã chính thức triển khai tàu Hải giám 50 (3.980 tấn), chở được máy bay trực thăng Z-9A có khả năng tuần tra đêm.
Tính đến năm 2011, CMS có khoảng 280 tàu hải giám gồm 27 tàu trên 1.000 tấn. Theo tiết lộ của Tân Hoa xã, CMS được biên chế hơn 8.000 nhân sự và sẽ sớm được bổ sung để tăng lên trên 10.000 người.
Không chỉ CMS, Cục Ngư chính Trung Quốc cũng là một lực lượng nòng cốt trong việc kiểm soát nguồn lợi trên các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, cơ quan này chuyên trách những hoạt động đánh bắt. Tính đến nay, Cục Ngư chính triển khai hơn 140 tàu với gần 10 chiếc trên 1.000 tấn. Trong đó, một số tàu được trang bị vũ khí. Điển hình như tàu Ngư chính 310 (2.580 tấn) được gắn súng máy và có thể mang theo 2 trực thăng Z-9A.
Tương tự, tàu Ngư chính 311 được trang bị “tận răng” và có độ choán nước lên đến 4.450 tấn, lớn hơn cả các tàu hộ tống. Từ năm 2009, Bắc Kinh đặc phái chiếc tàu này, với sự hỗ trợ của tàu Ngư chính 45001, đến hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài ra, tàu Ngư chính 310 hiện tại cũng đang tuần tra trên biển Đông.
Bên cạnh lực lượng tàu ngư chính và hải giám, Bắc Kinh còn có 250 tàu cảnh sát biển cùng 800 tàu giám sát an toàn hàng hải. Như vậy, Trung Quốc hiện có tổng cộng gần 1.500 tàu tuần tra và hàng chục máy bay, tạo nên mạng lưới giám sát dày đặc trên các vùng biển, đặc biệt là khu vực biển Đông.  
Tận lực khai thác
 Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông 2
Dàn khoan 981 đã tiến đến biển Đông - Ảnh: Gmw.cn
Nhờ vào số tàu “bảo kê” hùng hậu, ngành đánh bắt hải sản Trung Quốc nhanh chóng ra sức tận thu nguồn lợi. Hồi đầu tháng 5, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) chính thức triển khai một hải đội đánh bắt hùng hậu đến biển Đông, gồm tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 (32.000 tấn), 1 tàu chở dầu (20.000 tấn), 2 tàu vận chuyển (10.000 tấn), 3 tàu hỗ trợ (3.000 - 5.000 tấn). Trong đó, tàu Hải Nam Bảo Sa 001 là công xưởng chế biến đích thực với hơn 600 công nhân, 14 dây chuyền sản phẩm.
Theo Hãng tin CAN, chiếc tàu này có công suất chế biến lên đến trên 2.100 tấn hải sản mỗi ngày. Chịu trách nhiệm cung cấp đầu vào cho nhà máy Hải Nam Bảo Sa 001 là khoảng 500 tàu cá lớn nhỏ, tạo nên một hạm đội đánh bắt khổng lồ trên biển Đông. Hạm đội này đóng vai trò nòng cốt trong chương trình khai thác hải sản của tỉnh Hải Nam với nguồn thu dự định đạt 8 tỉ USD vào năm 2015. Theo NIDS, nền kinh tế biển hiện chiếm khoảng 10% thu nhập quốc gia của Trung Quốc và tạo ra gần 40 triệu công ăn việc làm cho nước này. Vì thế, bên cạnh đánh bắt hải sản, Bắc Kinh cũng không ngừng tăng cường khai thác dầu khí, đặc biệt trên biển Đông.
Ngày 16.5, tờ China Daily đưa tin tàu Hải Dương 201 (trọng tải 59.100 tấn), trị giá gần nửa tỉ USD, vừa bắt đầu đặt ống dẫn ở độ sâu 1.500 m tại giếng dầu Lệ Loan 3-1, phía bắc biển Đông. Thuộc Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc, đây là tàu thăm dò dầu khí nước sâu đầu tiên của nước này. Nó có thể đặt 5 km ống dẫn mỗi ngày ở độ sâu tối đa lên đến 3.000 m và bốc dỡ các thiết bị nặng 4.000 tấn.
Trước đó, hồi cuối tháng 4, Trung Quốc cũng đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 đến biển Đông. Trị giá gần 1 tỉ USD, Hải Dương 981 trở thành giàn khoan lớn nhất của nước này, nặng 31.000 tấn và có khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000m. Theo Nhân Dân nhật báo, giàn khoan này được thiết kế để chống chọi trước những trận siêu bão cấp 17, thường phải 200 năm mới xảy ra một lần. Ngoài ra, nó còn có 8 máy phát điện công suất 44.000 kW, đủ sức cung cấp năng lượng cho một thành phố cỡ vừa. Hiện tại, Hải Dương 981 đang hoạt động tại phía bắc biển Đông và có thể sớm di chuyển về hướng nam.
Rõ ràng, việc Trung Quốc liên tục điều động các phương tiện khủng đến biển Đông là những dấu hiệu cho thấy nước này có thể đang đẩy nhanh kế hoạch khai thác nguồn lợi tại đây. Diễn biến này tạo ra không ít quan ngại khi biển Đông đang là khu vực tranh chấp giữa nhiều bên. 

Ước tính số tàu tuần tra biển của Trung Quốc (năm 2011)
 Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông 3
(Theo NIDS)
Ngô Minh Trí

Phát hiện nước máy có chứa chất tránh thai


Trung Quốc:

TP - Sau rau cải thảo bảo quản bằng formaldehyde, gừng giữ tươi bằng cách ngâm thuốc trừ sâu cực độc, mới đây Trung Quốc lại phát hiện thêm nước máy có chứa estrogen, thành phần trong thuốc tránh thai.
Hàm lượng estrogen cao sẽ gây rối loạn nội tiết ở phụ nữ
Hàm lượng estrogen cao sẽ gây rối loạn nội tiết ở phụ nữ.
Ngày 17-5, dư luận Trung Quốc lại sôi lên bởi thông tin về nước ăn có chứa hàm lượng estrogen cao.
Đầu tiên là thông tin “Thực tế chỉ có 50% nước máy được sản xuất bởi các nhà máy nước trên cả nước đạt tiêu chuẩn” gây xôn xao khắp các diễn đàn mạng; rồi đến vụ Nhà máy Hoá chất Tam Hữu ở Đường Sơn sản xuất 2 triệu tấn Sodium Carbonate/năm xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra Bột Hải gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến vùng biển gần đó trở thành “Biển chết”.
Mới đây nhất, chuyên gia môi trường hàng đầu Đổng Lương Kiệt công bố trên blog của mình thông tin: trong nước máy ở Trung Quốc đều có chứa hàm lượng thuốc tránh thai lớn, khiến cộng đồng mạng hoảng hồn.
Ông Đổng Lương Kiệt viết trên blog: “Các học giả đã tiến hành kiểm nghiệm 23 nguồn nước máy lấy từ 6 tỉnh, thành thì phát hiện thấy tất cả đều chứa hàm lượng estrogen cao, cao nhất là ở vùng Tam giác hạ lưu Trường Giang (Giang Tô, Thượng Hải, Triết Giang). So sánh chỉ số này với các nước khác như Đức, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Mỹ, Australia và Hàn Quốc thì giật mình hoảng hồn”.
Kết quả nghiên cứu mà ông Đổng đề cập đến được lấy từ một bản báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Môi trường sinh thái thuộc Viện Khoa học Trung Quốc được đăng trên tạp chí khoa học bằng tiếng Anh “Journal of Environmental Sciences” (Khoa học Môi trường) số tháng 2-2012.
Ông Đổng Lương Kiệt cho rằng, nói chung kỹ thuật xử lý nước ăn thông thường khó có thể loại bỏ hết được các estrogen, vì vậy sử dụng nước máy lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng.
Estrogen là thành phần của thuốc tránh thai, hàm lượng chất này trong nước máy Trung Quốc cao hơn nhiều lần các quốc gia khác, có lẽ là do các nguồn nước bị ô nhiễm gây nên. Tuy nhiên, ông Đổng cũng trấn an: “Tuy hàm lượng estrogen rất cao, nhưng cũng chưa đến mức dùng nước máy có thể tránh thai!”.
Nước ăn ở Trung Quốc được cho là có hàm lượng estrogen cao
Nước ăn ở Trung Quốc được cho là có hàm lượng estrogen cao.
Một chuyên gia Môi trường ở Nam Kinh nói với phóng viên báo Gang thép Trung Quốc: “Thuốc tránh thai trong nước máy” chỉ là cách nói dân gian, còn nói một cách chuyên nghiệp phải là “estrogen môi trường”, hay “chất gây rối loạn nội tiết”.
  Hiện nay giới y học cũng đang xem xét nhân tố môi trường liệu có gây nên vô sinh hay không, nhưng chưa có bằng chứng chứng minh estrogen trong môi trường có thể gây vô sinh. 
Bà Bành Đan Hồng, Phó chủ nhiệm Khoa sản Bệnh viện trực thuộc Đại học Đông Nam.
Một vị Tiến sỹ Môi trường ở Đại học Hà Hải cho biết, qua điều tra cho thấy sự ô nhiễm nguồn nước gây rối loạn nội tiết, dẫn đến hiện tượng cá và các sinh vật sống trong nước suy giảm khả năng sinh sản nghiêm trọng.
Phóng viên liên hệ với người phụ trách Tổng công ty nước sạch Nam Kinh. Ông cho biết, vấn đề hàm lượng estrogen trong nước đã có từ lâu, nhưng cũng chưa có định nghĩa rõ ràng và hiện công ty ông không thể kiểm nghiệm được do không có cả thiết bị lẫn kỹ thuật.
Các chuyên gia về nước sạch khác cũng nói thẳng: Với công nghệ, kỹ thuật xử lý nước sạch hiện nay, không thể loại bỏ được estrogen.
Bài viết trên blog của ông Đổng Lương Kiệt đã gây nên nên sự hoang mang trong nhiều người. Nhiều người đã viết bình luận: “Chả trách ngày càng có nhiều người vô sinh!”, “Ghê quá, uống nước có thể giúp tránh thai!”. Thậm chí có người còn bi quan: cứ đà này trong tương lai, Trung Quốc sẽ toàn là những người ái nam ái nữ.
Tuy nhiên, theo bà Bành Đan Hồng, Phó chủ nhiệm Khoa sản Bệnh viện trực thuộc Đại học Đông Nam, hàm lượng chất thuốc tránh thai Ethinylestradiol có trong nước máy rất thấp, không thể gây hiệu quả tránh thai được - Bà cho biết.
Thu Thủy
Theo Sina.com, Nam Phương

CA SỸ LỆ HẰNG.......CÔ LÀ AI ???


Ca sỹ hải ngoại đầu tiên hát ở Trường Sa
TP - Lần đầu tiên trở về sau 32 năm xa xứ, ca sỹ hải ngoại Lệ Hằng đã không nén được xúc động. Chị càng vui hơn khi được mang tiếng hát của mình phục vụ các chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa trong những ngày đầu hạ vừa qua. Nhưng ít ai biết, Lệ Hằng có một đời sống rất truân chuyên.
Ca sĩ Lệ Hằng ( thứ 3 từ bên trái sang)hát giao lưu tại Trường Sa
Ca sĩ Lệ Hằng ( thứ 3 từ bên trái sang)hát giao lưu tại Trường Sa.
Với Lệ Hằng, được trở về, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước là hạnh phúc, chị không ngại những lời nhục mạ hay sự tẩy chay của một số người trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Vương vấn Trường Sa
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 
Nhắc đến chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa cùng đoàn kiều bào diễn ra tháng 4 vừa qua, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức, Lệ Hằng vẫn còn bồi hồi.
Cho đến giờ, chị vẫn còn luyến tiếc những ngày được sống trên đảo, được đem lời ca tiếng hát của mình đến với anh em chiến sỹ. Chị nói: "Bây giờ tôi luôn sống trong kỷ niệm về đảo, chắc chắn về Mỹ sẽ vẫn như người mất hồn mất một thời gian".
Ngày đầu tiên, tàu đến đảo Song Tử Tây, mọi người ăn tối xong là kéo nhau lên boong tàu chơi và trong chốc lát nơi đây trở thành đêm giao lưu văn nghệ. Chỉ với cây keyboard đệm nhạc, Lệ Hằng và các ca sỹ của đoàn văn công đã tạo không khí sôi động.
Chị bất ngờ khi được đề nghị: “Về đây nghe em đi Lệ Hằng ơi". Người nghệ sỹ trong trang phục thường ngày đã hát ngay không chút ngại ngần và được tán thưởng nồng nhiệt. Có người còn khen, Lệ Hằng hát chay hay hơn khi có nhạc đệm.
Bài hát này, Lệ Hằng đã từng hát nhiều ở hải ngoại, nhưng khi trở về, nó mang một ý nghĩa đặc biệt, rất đúng với tâm trạng của người xa xứ 32 năm như chị. Chị hát với xúc cảm trào dâng. Về đây nghe em, về đây nghe em /Về đây mặc áo the, đi guốc mộc /Kể chuyện tình bằng lời ca dao /Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai /Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới /Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu... Và xúc động hơn nữa khi đến đảo nào chị cũng được các chiến sỹ yêu cầu hát Về đây nghe em.
Suốt 10 ngày trên tàu và trên đảo, đi đến đâu chị cũng được các chiến sỹ ưu ái và mời hát. Ngay cả khi chị đi xuống nhà bếp, các anh chiến sỹ bảo thích một bài hát nào đó, thế là chị hát luôn tặng các anh. Có những hôm giao lưu, chị hát ba bài liền, các anh vẫn còn yêu cầu hát tiếp. Chiến sỹ hải quân rất thích đến phòng của Lệ Hằng nghe hát. Chính vì thế, phòng của chị trên tàu luôn ngập tràn tiếng hát và những tiếng cười. Chị thật thà thú nhận: "Chuyến đi này rất đặc biệt với đầy ắp kỷ niệm. Thời gian trên tàu, tôi dường như quên hết con cháu ở nhà vì vui quá".
Người nghệ sỹ truân chuyên
Ca sĩ Lệ Hằng và chồng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng
            Ảnh: Lan Anh
Ca sĩ Lệ Hằng và chồng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng.        Ảnh: Lan Anh.
Ca sỹ Lệ Hằng, sinh năm 1952, tại Thái Bình.
Lệ Hằng may mắn khi mới xuất hiện đã được ủng hộ nhiệt tình, chị đã từng tham gia các sân khấu đại nhạc hội lớn với sức chứa 30.000 người. Những bài "tủ" của Lệ Hằng là các bài hát trữ tình, các bài hát về lính. Tới đảo Song Tử Tây, Lệ Hằng hát bài Một cõi đi về  Mưa hồng được các chiến sỹ hoan nghênh nhất.
Cho đến giờ, Lệ Hằng vẫn nhớ như in ngày chị lên một chiếc ghe giữa chợ Long Xuyên để đi vượt biên cùng cậu con trai mới hơn 3 tuổi. Đó là năm 1980. Chị là người con cuối cùng sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Trước đó, hai người anh chị lớn đã định cư ở Mỹ.
Hôn nhân của Lệ Hằng với người chồng đầu quá ngắn ngủi. Thời gian kết hôn dài, nhưng thực tế thời gian sống với nhau rất ngắn. Chị lập gia đình năm 1974 thì tới năm 1975, khi đất nước thống nhất, chồng chị đi tập trung cải tạo.
Khi anh đi, đứa con đầu mới được ba tháng tuổi. Chị đã vượt hàng ngàn km ra Hà Nội, rồi lên Vĩnh Phú thăm nom chồng. Họ cũng chỉ gặp nhau được vài tiếng đồng hồ rồi chia ly...
Khi chị sang Mỹ được 5 năm cũng là thời gian chồng chị được trở về. Gia đình đoàn tụ ở Mỹ được vài năm thì chồng chị được phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối.
Mặc dù trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh và vẫn đi làm bình thường. Bác sỹ trả về và cho biết anh chỉ sống được 6 tháng nữa. Ngay lúc bắt đầu nghe hung tin đó, chị bị mất tinh thần hoàn toàn, không làm gì được và đã xin nghỉ không lương ở nhà chăm chồng dù biết rằng xin nghỉ như vậy sẽ mất hết mọi quyền lợi.
Đúng 6 tháng sau phẫu thuật, anh qua đời, lúc đó con út của anh chị mới được 1 tháng tuổi, đứa thứ hai cũng mới ba tuổi.
Chồng chết, ba mẹ con chị bơ vơ. Chị về nhà người chị gái sống nhờ cho khuây khỏa. Đúng lúc đó, chị gặp anh Nguyễn Phương Hùng, bạn thân của người chị gái hay qua nhà chị chơi vì anh Hùng lúc đó cũng cô đơn, mới ly dị vợ.
Anh Hùng lúc đó đang sinh hoạt tích cực trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, thấy chị có giọng hát tốt, anh đã giới thiệu chị tham gia các buổi văn nghệ từ thiện.
Kể từ đó, tiếng hát của chị đã được chắp đôi cánh để bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp tại Mỹ.
Chị bảo gọi là chuyên nghiệp cho nó sang chứ thực sự đa phần các ca sỹ ở hải ngoại, kể cả những người nổi tiếng cũng đều phải làm thêm để nuôi gia đình. Từ khi mới sang Mỹ, Lệ Hằng đã học thêm nghề kế toán và sống bằng nghề đó từ bấy đến giờ.
Vốn đam mê ca hát từ nhỏ, khi còn ở Việt Nam, Lệ Hằng thường hay tham gia ca hát cho ca đoàn ở nhà thờ. Lớn lên, được theo bố sang làm việc tại tòa đại sứ ở Lào và Thái Lan, chị cũng thường xuyên góp tiếng hát trong các hoạt động lễ tân hay các dịp lễ tết.
Kể từ khi gặp anh Hùng, Lệ Hằng chính thức bước lên sân khấu chuyên nghiệp và hai người sau này trở thành vợ chồng.
Tính đến nay, Lệ Hằng cho biết, chị đã đi hát ở hầu hết các tiểu bang ở miền đông nước Mỹ, còn ở các tiểu bang ở nam Cali nơi chị ở thì tên tuổi chị rất nổi. Xa nhất là bốn tiểu bang ở Canada, chị cũng đã được mời sang hát. Tết là dịp chị đi diễn nhiều nhất.
Về với quê hương làm sao có tội!

Ca sĩ Lệ Hằng hát ở Trường Sa
                        Ảnh: Etcetera Nguyễn
Ca sĩ Lệ Hằng hát ở Trường Sa.  Ảnh: Etcetera Nguyễn.
Hơn nửa năm qua, tiếng hát của Lệ Hằng bị "tẩy chay" bởi chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên của chồng chị, nhà báo Nguyễn Phương Hùng, chủ trang web kbchn.com, người được mời về tham dự hội thảo "Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Sau khi lăng mạ, vu khống nhà báo Nguyễn Phương Hùng không thành, họ lại chuyển hướng sang "đánh" Lệ Hằng, khủng bố tinh thần chị. Mỗi ngày, chị nhận được hàng trăm email lăng mạ, vu khống khiến chị bị tổn thương.
Nhưng trước sự vững vàng của người chồng, chị đã vững tin vào những công việc mình đang làm. Với chị, về với quê hương cội nguồn chẳng có tội gì hết.
Sau chuyến đi, ca sĩ Lệ Hằng bồi hồi: "Các kiều bào trên tàu đều đánh giá chuyến đi thăm quân và dân ở đảo Trường Sa là chuyến đi lịch sử. Đi đến nơi và tận mắt chứng kiến các chiến sỹ hải quân quyết tâm bảo vệ biển đảo, Lệ Hằng rất kính phục các anh. Sự tiếp đón của các anh trên tàu và trên đảo rất chu đáo. Cảm tình các anh dành cho kiều bào rất đặc biệt. Cầu xin cho các anh có sức khỏe để bảo vệ từng tấc đất ở Trường Sa.
Được trở về quê hương, lại được hát cho các chiến sỹ ở Trường Sa, đối với người nghệ sỹ như Lệ Hằng, đó là cơ hội quí giá, mấy ai được vinh dự như thế. Tâm nguyện của Lệ Hằng và anh Phương Hùng là mình làm được gì cho quê hương đất nước thì mình làm” .
Lan Anh

Thu nhập triệu đô của CEO ngân hàng Việt



Lương CEO ngoại của 2 ngân hàng cổ phần được đồn đoán lên tới cả triệu đôla. Trong khi đó, các đồng nghiệp trong nước chỉ được hưởng mức triệu đô nếu tính cả khoản thu nhập từ tiền thưởng.
CEO ngân hàng to, hưởng lương nhỏ
Lương bèo của doanh nhân Việt

Câu chuyện về lương triệu đô của CEO ngân hàng lại rộ lên thời gian gần đây sau khi 2 nhà băng trong nước là Techcombank và Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) thuê tổng giám đốc ngoại. Một cựu lãnh đạo ngân hàng từng tham gia vào quá trình tìm kiếm nhân sự cấp cao người nước ngoài cho biết, với quy mô của Techcombank và Maritime Bank, việc thuê CEO ngoại sẽ tốn tối thiểu là 2 triệu USD một năm theo mức bình quân khu vực.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của cả 2 ngân hàng trên đều từ chối tiết lộ mức lương cụ thể của 2 CEO ngoại. Một lãnh đạo cấp cao thuộc Hội đồng quản trị Techcombank xác nhận, mức lương bình quân của một CEO ngân hàng quy mô vừa ở khu vực là hơn 2 triệu USD. Tuy nhiên, lương của CEO ngoại ở Việt Nam không được như vậy. Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Simon Morris - Tổng giám đốc Techcombank nói: "Mức đủ sức cạnh tranh để kéo tôi về đây".
Một số CEO ngân hàng nội được hưởng thu nhập triệu đô sau khi nhận thêm khoản tiền thưởng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Một số CEO ngân hàng nội được hưởng thu nhập triệu đô sau khi nhận thêm khoản tiền thưởng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Trước đó, CEO của một số ngân hàng cổ phần hàng đầu cũng được đồn đoán là hưởng lương năm lên tới cả triệu đôla. Một thành viên hội đồng quản trị ACB phủ nhận thông tin tổng giám đốc nhà băng này được hưởng lương triệu đô và nói: “Ở Việt Nam, không có CEO người Việt nào được hưởng mức lương như vậy”.
Trong khi đó, lãnh đạo HĐQT của một nhà băng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội tiết lộ, lương năm của tổng giám đốc người Việt thì không tới triệu đô nhưng tổng thu nhập thì có. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt cho biết, một số CEO nhà băng nội nhận lương trả trước bình thường nhưng thưởng trả sau khá tốt nên thu nhập cả năm lên tới cả triệu đôla Mỹ.
Ông Hưởng nói thêm, hiện nay, nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lương "khủng" cho CEO nếu đó là người có tiềm năng. "Mức lương triệu đô đối với người Việt Nam, tôi nghĩ là cao. Thế nhưng với chính bản thân người đó, có khi họ nhận 1 triệu đô nhưng làm ra lợi nhuận gấp nhiều lần thì mức này chưa chắc đã cao", ông Hưởng nhận xét.
Chủ tịch một công ty chứng khoán từng bị chỉ trích khá nhiều khi đề xuất quỹ khen thưởng phúc lợi trên lợi nhuận rất lớn cho nhân viên chia sẻ: “Ở Việt Nam, cứ thấy người điều hành hưởng lương cao một chút là nói nọ kia. Người ta quên mất một điều, với ngành tài chính, nếu nhân sự không tốt thì cổ đông có nguy cơ mất tiền rất lớn chứ chưa nói đến cổ tức cao và công ty phát triển mạnh. CEO là vị trí cực quan trọng, tính toán kiểu nhân viên thông thường thì nơi đó không khá được”.
Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng cho rằng, các nhà băng nên trả lương cao cho những CEO có khả năng bởi đây cũng là sức ép buộc họ làm việc hiệu quả hơn và giữ nhân sự.
Còn cựu tổng giám đốc một nhà băng ở Hà Nội chia sẻ: “Chúng ta muốn hội nhập với nền tài chính quốc tế nhưng vẫn giữ cách trả lương kiểu Việt Nam thì rất khó. Một số CEO ngân hàng là người Việt có trình độ tốt hơn các đồng nghiệp người nước ngoài nhưng vì kiểu tư duy cũ mà không dám hưởng lương cao và chỉ nhận một con số rất khiêm tốn”.
Tuy nhiên, ông này cũng bổ sung, CEO ngân hàng đúng nghĩa để hưởng lương triệu đô ở Việt Nam không nhiều và “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. “Một số người đóng vai điều hành trong thời gian nhất định, rồi chuyển lên HĐQT. Cũng vì thế, CEO không có thực chất thì khó đòi hỏi hưởng lương triệu đô như là các đồng nghiệp nước ngoài”, ông này nói.
Vị này cho biết có trường hợp CEO xứng đáng hưởng thu nhập triệu đô ở 2 nhà băng thuộc nhóm lớn nhất trên thị trường nhưng chưa được nhận mức tương xứng. Cũng vì thế, một CEO nhấp nhổm ra đi nhưng chưa tìm được “bến đỗ” phù hợp.
Tuệ Minh – Hoàng Ly

Một cán bộ xã mất tích



20/05/2012 07:36:49
Ngày 19.5, Công an H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết đang tiến hành xác minh việc bà Dương Thị Thủy Bình Hà (50 tuổi, thủ quỹ của UBND xã Kim Long kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã) "mất tích" từ nhiều ngày qua.

Anh Nguyễn Hải Sơn (con bà Hà) cho biết ngày 14.5, bà Hà đến UBND xã làm việc nhưng đến nay vẫn chưa về nhà. Anh Sơn gọi điện thoại nhưng máy bà Hà không liên lạc được. “Tôi nghĩ mẹ tôi bị bắt cóc vì trước đó bà có làm đơn tố cáo một số cán bộ xã làm hóa đơn, lập phiếu khống để lấy tiền nhà nước. Khi mẹ tôi làm đơn tố cáo, có ai đó nhắn tin vào máy điện thoại đòi xử bà”, anh Sơn cho biết.

Cũng theo anh Sơn, sau khi anh làm đơn trình báo việc mẹ mình mất tích với cơ quan chức năng thì ngày 16.5 anh nhận được tin nhắn từ số máy ĐTDĐ của bà Hà với nội dung: “Mẹ có công việc phải đi giải quyết. Chừng nào xử xong ông T. với con T. (cán bộ của xã - PV) mẹ sẽ về…”. Anh Sơn gọi cho số điện thoại này nhưng không liên lạc được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 6.3, bà Hà có làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra ngân sách tài chính của UBND xã Kim Long, vì cho rằng kế toán cùng một số lãnh đạo lập chứng từ khống để bỏ túi riêng. Vụ việc đang được UBND H.Châu Đức làm rõ.
 
(Theo TNO)

Hà Nội: Nhao thai người được bán như...thịt lợn


19/05/2012 15:51:33
Nhau thai được bán với giá từ 150.000 đồng/lạng (loại khô) trở lên. Các hiệu thuốc đông y trở thành đầu mối cung cấp nhau thai số lượng lớn.
Rất dễ dàng để có thể mua được nhau thai
Rất dễ dàng để có thể mua được nhau thai

Ngày nào chẳng có

Trong vai chủ một hiệu thuốc đông y đang có nhu cầu gom hàng về bào chế, chúng tôi dễ dàng đặt mua được nhau tươi với số lượng lớn, cung cấp thường xuyên tại các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, huyện. Và theo khảo sát, mặt hàng nhau sấy khô vốn được đồn thổi như một linh dược bồi bổ sức khỏe, có khả năng chữa bệnh cũng bán tràn lan tại các hiệu thuốc đông y ở các thành phố lớn.

Qua nhiều mối quen biết giới thiệu, chúng tôi gặp bà Thủy - người được giới mua bán nhau thai gọi là "trùm cò nhau" với đầu mối mua bán nhau thai số lượng lớn.

“Chú chỉ cần mua cho tôi một bình đá lớn, có nhau thai là tôi gom, được vài cân tôi gọi thẳng cho chú qua lấy, chỗ tôi bán rẻ ấy mà…”, bà Thủy nói chắc như đinh đóng cột với chúng tôi. Người đàn bà chừng ngũ tuần này làm nghề trông xe ngay trước cổng bệnh viên Đa Khoa Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Khi biết chúng tôi là khách sộp, từ xa bà đã đon đả chào hàng.
  Nhau thai bán ra bên ngoài được cho là có nguồn gốc từ các bệnh viện
Nhau thai bán ra bên ngoài được cho là có nguồn gốc từ các bệnh viện

Sau khi trao đổi phương thức gom hàng, cách vận chuyển, giao hàng, tôi và bà Thủy đi đến thống nhất giá một kg nhau thai tươi trao tận tay là 200.000-300.000 đồng tùy thuộc chất lượng và độ tươi của nhau thai.

Bỏ ra số tiền hơn trăm nghìn, chúng tôi sắm cho bà một thùng đá lớn phục vụ đựng nhau. Để tạo lòng tin hơn với mối hàng, ngoài việc ghi số điện thoại, bà còn yêu cầu chúng tôi lấy máy cầm tay nháy sang số di động của bà, thậm chí cho cả số điện thoại bàn của gia đình.

Khi chúng tôi vừa lùi xe ra khỏi bãi, nắm chặt tay tôi, bà Thủy khẳng định: “Nhà có đứa em làm trong khoa sản ấy mà, ngày nào chẳng có nhau, chị cứ gom lại cho chú, cứ khoảng 3–5 kg chị gọi điện lên mà lấy nhé”.
Nhìn hình ảnh này, ai có đủ can đảm để dùng?
Nhìn hình ảnh này, ai có đủ can đảm để dùng?

Quả nhiên hơn một ngày sau, ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã nhận được điện thoại gọi lấy hàng của bà Thủy. Chừng hơn một tiếng, chúng tôi đã có mặt ngay cửa bệnh viện. Mở thùng đá, bà Thủy lôi ra một túi nilon màu xanh cùng nụ cười hớn hở: “Hai đêm tôi mới gom được gần hơn một cân đấy, đợt này chị em họ sinh ít nên cũng không nhiều”.

Sao khi giao tiền như thỏa thuận, chúng tôi rời bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, ngược lên khu vực bệnh viên Đa khoa Tam Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Được đặt hàng từ trước, anh bảo vệ bệnh viện tên H. vác cân ra cân ngay trước mặt chúng tôi và giao túi nhau gần 2kg.

Vì khoảng cách quá xa, cùng với lượng hàng không đều, mỗi lần gom được hàng anh H. đều cho vào ngăn đá chờ đến lấy. Sau khi nhận tiền, anh H giải thích: “Hai ngày nay mới gom được mấy cái này, thôi chú lấy tạm. Hàng nhau này nó cũng không đều, có ngày đến hàng cân, nhưng có ngày chỉ vài lạng. Nhưng nhớ đừng nói bán nhé, nếu có gì cứ bảo là hàng xin”.

Ngày hôm sau, theo hẹn từ trước, chúng tôi xuôi xuống Viện 7 (TP. Hải Dương) song không thể mua được hàng, bởi theo khẳng định của vị bác sĩ tên H., hàng nhau thai đã được công ty thuốc đông y đặt mua hết rồi, nếu có chị chỉ xin cho một vài bộ thôi. Chị H. còn đưa ra lời khuyên: “Em cứ về các tuyến huyện mà xin hay mua, họ bán đầy ấy mà”.

Hiệu thuốc chuyên bán nhau thai khô

Sau những ngày bôn ba săn mặt hàng nhau thai tươi tại một số bệnh viện tuyến huyện thuộc các các tỉnh, chúng tôi quay về Hà Nội. Theo giới thiệu của mấy người bạn, tôi tìm đến phố Hải Thượng Lãn Ông và phố Thuốc Bắc. Dọc hai bên phố, các tiệm thuốc đông y mọc lên san sát.

Ghé vào một tiệm bán đông dược nhỏ gọn nằm cạnh quán nước vỉa hè trên phố Hải Thượng Lãn Ông, tôi ngập ngừng hỏi mua nhau thai khô. Chị chủ tiệm chẳng chút chần chừ: “Mua tử hà sa khô chứ gì! Lấy nhiều không?”.

Sau khi bốc điện thoại trao đổi chừng 2 phút với một người quen, chị ra giá luôn: “Chỗ tôi bán 150.000 đồng/lạng, chú lấy mấy lạng?”. Tôi trả lời chị mua thử một gói về tẩm bổ, vì mấy bữa nay thấy người mệt mỏi, nếu tốt sẽ quay lại mua nhiều hơn.
Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng chúng tôi đã có được nhau thai dễ dàng
Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng chúng tôi đã có được nhau thai dễ dàng
Ngồi quán nước đợi chừng 10 phút, sau khi hàng đưa đến, chị chủ tiệm giao cho tôi một gói nhỏ có vài dòng chữ tàu cùng lời khẳng định: “Ở đây cửa hàng nào chẳng có, nhưng hàng chỗ chị tốt lắm, khách quen vẫn đổ xô đến chỗ chị ấy mà, chú cứ mang về dùng thử, nếu thấy khỏe ra, giới thiệu đến cho chị. Hàng này chữa đủ loại bệnh, từ suy nhược cơ thể, yếu sinh lý…”.

Cầm lạng nhau khô, thanh toán tiền, chúng tôi ghé vào một cửa hiệu trên phố Thuốc Bắc tìm hàng. Vừa trao đổi, chủ hàng vừa lôi ra từ dưới gầm quầy ra hai gói nhau sấy. “Loại tốt do Việt Nam sản xuất có giá 150.000 đồng/gói, còn loại của tàu thì rẻ hơn vài chục. Theo anh, em cứ lấy hàng của mình dùng cho nó an toàn. Nếu uống được rượu em cứ cho vào ngâm, còn không thì cho vào xay nhỏ, hòa với nước uống, đảm bảo không khỏe không lấy tiền”.

Cầm hai gói nhau khô, tôi không khỏi phân vân bởi chẳng biết công dụng của nó đến đâu, nhỡ ăn phải đồ nhiễm bệnh thì tiền mất tật mang. Đó là chưa kể mặt hàng "tươi" vẫn hàng ngày tuồn ra từ các tuyến viện ở các tỉnh, thậm chí nhiều người còn liều lĩnh chế biến trực tiếp món ăn "kỳ cục" này.
(Theo Nhóm PV Nội chính/ Chất lượng VN)