THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 June 2012

Yêu cầu báo cáo khẩn về việc người Trung Quốc “đóng bè” trên vịnh Cam Ranh

Ai cũng biết, Cam Ranh là một quân cảng “nhạy cảm” về chiến lược quân sự, nhưng từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể “nhòm” khá rõ quân cảng.
Chiều 31.5, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Thành ủy Cam Ranh cho biết, đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát lại các hoạt động kinh doanh, thu mua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.Cam Ranh. Qua đó, những cơ sở, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Yêu cầu báo cáo khẩn về việc người Trung Quốc “đóng bè” trên vịnh Cam Ranh
Bè nuôi cá của người Trung Quốc trên vịnh Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Chung
Cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn số 2912/UBND-VX, yêu cầu TP.Cam Ranh báo cáo công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn Cam Ranh cho UBND tỉnh trước ngày 8.6.
Không cấp phép nuôi trồng thủy sản
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Ớt, Phó phòng Kinh tế TP.Cam Ranh cho biết: “Hiện tại vịnh Cam Ranh có đến 800 ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 11.400 lồng nuôi, chủ yếu là nuôi trồng tự phát. Không một cá nhân hay doanh nghiệp nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên vịnh này”. Đây quả là một kiểu quản lý khó hiểu của chính quyền địa phương.
Ông Ớt cũng thông báo rằng, những trường hợp vi phạm, người địa phương cũng như người nước ngoài đều sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc người Trung Quốc thu mua hải sản, nuôi cá trên vịnh Cam Ranh có bị phạt không thì ông Ớt từ chối cung cấp thông tin.
Được biết, tại Cam Ranh có 4 cơ sở thu mua hải sản và 1 cơ sở nuôi bè với rất nhiều lồng cá là của người Trung Quốc, nhưng “núp bóng” công ty của người Việt Nam. Trong đó cơ sở nuôi bè trên biển là của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Song Phong (TP.HCM). Ông Ớt cho biết, năm 2007, công ty này đã bị xử phạt vì không có giấy phép hoạt động, nhưng đến nay họ vẫn chưa chấp hành.
Rất gần quân cảng Cam Ranh
Những người dân ở P.Cam Linh, TP.Cam Ranh đều nhẵn mặt với những cái tên A Giót, A Xìu từ gần 10 năm trước, giờ lại thêm A Cang, A Ngán, A Keng, A Hải… Từ chỗ nói tiếng Việt “bằng tay”, giờ một số đã nhuần nhuyễn tiếng Việt khi trao đổi, mua bán. Thậm chí như A Giót đã lấy vợ là người Cam Ranh này.
Bè nuôi cá của người Trung Quốc nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 300 m về phía đông, có những ngôi nhà lợp tôn được thiết kế kiên cố, mỗi bè rộng khoảng 100 m2, có hàng chục lồng nuôi cá được kết với nhau. Anh Công nói: “Bè cá của mấy người Trung Quốc lớn nhất nhì ở đây. Họ thu mua cá nhỏ của người dân, sau đó đưa về “vỗ béo” xong mới cho xuất”.
Từ những gã thương hồ lang thang, giờ những người Trung Quốc này thành những ông chủ, thuê hẳn một đội quân khá đông người Việt làm công cho họ.  Từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể “nhòm” khá rõ quân cảng Cam Ranh.
Nguyễn  Chung

Đơn đề nghị công khai xử lý các quan chức vi phạm GT được bao che bởi ông Nguyễn Đức Nhanh - GĐ Công an Hà Nội



Dân Làm Báo - DLB nhận được lá đơn sau đây của ông Nguyễn Xuân Minh - Trung tá, cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố Hà Nội với lời nhắn: Tôi xin gửi Ban Biên Tập lá đơn của tôi. Mong BBT cho đăng công khai để vạch trần sự thật, không để các vụ án bị chìm xuồng bởi ông Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an Hà Nội. (Tôi đã gửi cho báo chí trong nước, nhưng vụ việc vẫn bị chìm trong im lặng)Nay DLB xin trích đăng lại nội dung đơn được gửi dưới đây để rộng đường dư luận.


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
**********
Hà Nội, ngày 4 tháng 5 năm 2012
Kính gửi: 

- Đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Đ/c Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
- Đ/c Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Đ/c Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Đồng kính gửi: Ban Biên Tập báo Ban Thanh niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong

Tôi là: Nguyễn Xuân Minh, Trung tá, cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố Hà Nội.

Kính thưa các đồng chí! 

Tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng diễn biến rất phức tạp. 

Bên cạnh đâu đó vẫn có những cán bộ cảnh sát giao thông tiêu cực, nhận tiền mãi lộ, còn tuyệt đại đa số chúng tôi vẫn giữ được phẩm chất của người công an cách mạng, hết mình vì sự bình yên của nhân dân. 

Hàng ngày chúng tôi phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, nhất là hành vi chống người thi hành công vụ của các loại đối tượng. 

Nhưng thật đáng tiếc, việc xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ lại không được xử lý nghiêm minh, thậm chí được sự bao che, che chắn của người đứng đầu Công an thành phố Hà Nội. 

Điển hình như:

- Vụ ông Cầm Kế Cường, phó cục trưởng của Thanh tra Chính phủ vi phạm Luật giao thông đường bộ: 

9h, ngày 24/3/2012, trên tuyến Quang Trung – Trần Hưng Đạo, Cầm Kế CườngCục phó của Thanh tra Chính phủ đi xe ôtô, biển kiểm soát 29A-171.89 đỗ xe bên trái đường một chiều, bị cảnh sát giao thông (các đ/c Lê Đức Kỳ, Nguyễn Diện Sơn) lập biên bản, đã xé biên bản, thách đố, đe dọa, điều khiển xe hất tung đ/c Kỳ lên nắp ca bô chạy hàng trăm mét, bất chấp tính mạng của người cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ. Anh em đã đưa Cầm Kế Cường, phương tiện đưa về Công an phường Trần Hưng Đạo lập biên bản để xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ, thì nhận được lệnh thả người, phương tiện, chỉ xử lý hành chính. 

Khi lãnh đạo Bộ biết được sự việc, yêu cầu xử lý nghiêm, đ/c Nguyễn Đức NhanhGiám đốc Công an thành phố Hà Nội mới chỉ đạo chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm, nhưng ra lệnh phải bỏ hết các tình tiết tăng nặng tội ra khỏi hồ sơ, cấm cung cấp thông tin cho báo chí, đề nghị tòa án xử án treo với thời gian ngắn nhất.

- Vụ Vũ Lê Hoàng, cán bộ Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao đâm thẳng vào cán bộ cảnh sát giao thông Hà Nội: 

Ngày 7/3/2012, tại ngã tư Trường Chính – Giải phóng, Vũ Lê Hoàng điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát Giao thông liên tiếp 02 tuyến, rồi đâm thẳng vào đ/c Nguyễn Đức Chúngđội phó đội 1 ở tuyến 3, làm đ/c Chung bất tỉnh, phải đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Đồng chí Nguyễn Đức Nhanhgiám đốc Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu anh Chung không được trả lời phỏng vấn, nếu trả lời thì nói Hoàng không cố tình đâm anh Chung. Đ/c Nhanh cũng chỉ đạo chỉ xử lý hành chính, phong tỏa thông tin không cung cấp cho báo chí. 

Chỉ đến khi lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo, đ/c Nhanh mới buộc phải chỉ đạo xử lý hình sự, nhưng cũng yêu cầu loại bỏ các tình tiết tăng nặng và chỉ xử án treo.

Còn nhiều vụ việc tương tự, lãnh đạo Bộ không biết nên đã bị chìm xuồng, chỉ xử lý hành chính, thậm chí không xử lý. 

Đồng chí Nhanh liên tục phát biểu, trả lời phỏng vấn là sẽ kiên quyết, nghiêm trị các đối tượng chống người thi hành công vụ, nghiêm cấm cán bộ can thiệp vào quá trình điều tra, xử lý các vụ án chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an, nhưng chính đồng chí lại là người chỉ đạo, can thiệp hoặc dung túng cho việc tha bổng, xử lý hành chính nhiều vụ chống người thi hành công vụ, chống lực lượng công an. 

Phải chăng các đối tượng vi phạm đã "chạy" đồng chí giám đốc?

Nếu như vậy, rồi đây ai sẽ là người bảo vệ anh em cảnh sát giao thông chúng tôi khi làm nhiệm vụ? Ai dám tận tậm, tận lực, ngăn chặn, truy bắt, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, hay chỉ làm cho qua chuyện để giữ gìn bản thân?

Vì vậy, tôi làm đơn nay kính mong các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm, sâu sát, chỉ đạo công an Hà Nội xử lý nghiêm minh mọi hành vi chống lại lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, dù người vi phạm là bất kỳ ai. 

Rất mong các cơ quan truyền thông hãy sát cánh với lực lượng cảnh sát giao thông chúng tôi, phanh phui sự thật, không để các vụ án chống người thi hành công vụ như vụ ông Cầm Kế Cường, ông Vũ Lê Hoàng chìm xuồng, góp phần để chân lý, pháp luật được thực thi.

Nguyễn Xuân Minh
Cán bộ PC67 - Công an thành phố Hà Nội


Tài liệu đặc biệt: Nội dung giao thiệp của Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 19.4.2012 với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh



...Ngoài ra, Phó Doanh còn nêu thêm một số nội dung thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước như bố trí chuyến thăm TQ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm TQ đồng chủ trì Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 6 vào tháng 8.2012 và dự Hội nghị lần thứ 4 Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Vân Nam và 4 tỉnh biên giới VN; Chương trình hành động để thực hiện quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”; đề nghị VN sớm cung cấp danh mục một số dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước thuộc Quy hoạch hợp tác kinh tế 5 năm và việc sử dụng 300 triệu USD vốn vay ưu đãi của TQ dành cho phía VN...


***

CỤC 16                                                   Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Phòng 7                                                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số    449/2012/BCT                                                     Ngày 20 tháng 4 năm 2012
Số trang: 3                                                                           Nguồn: B(KT.537)

Báo Cáo

Nội dung giao thiệp của Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 19.4.2012 với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh

I. TRƯỜNG HỢP LẤY TIN: 
Tin thu qua tiếp xúc trực tiếp với quan hệ trong cơ quan ngoại giao VN tại Bắc Kinh/TQ ngày 19.4.2012, tổng hợp, báo cáo. 

II. NỘI DUNG TIN:

Ngày 19.4.2012, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Phó Doanh gặp Đại sứ VN tại TQ Nguyễn Văn Thơ giao thiệp một số vấn đề liên quan đến Biển Đông:



+ Gần đây, VN tăng cường các hoạt động ở khu vực Biển Đông như cử đoàn đại biểu cấp cao ra thăm các đảo đang chiếm đóng; xây dựng chùa và cử tăng sư ra đảo; tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ và “khu hợp đồng Vạn An Bắc 21” (bãi Tư Chính); nhiều lần chỉ trích các hoạt động của TQ ở Biển Đông; làm nóng vụ việc tàu chiến của TQ sử dụng vũ lực đối với tàu cá VN...


+ Những hành động trên của VN khiến người ta không khỏi nghi ngờ ý đồ và thiện chí của VN trong việc thực hiện nhận thức chung liên quan giữa hai bên. Các Bộ, ngành của TQ mặc dù phải tuân thủ thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành, nhưng bày tỏ rất lo ngại đối với tình hình trên biển. TQ thực hiện chính sách kiềm chế ở trên biển, nhưng  phía VN lại không kiềm chế, đẩy mạnh các hoạt động trên biển, do vậy, Bộ Ngoại giao/TQ đang gặp rất nhiều áp lực. Các Bộ, ngành TQ đang đặt câu hỏi nghi vấn chính sách trên biển của Bộ Ngoại giao/TQ có đúng hay không?

+ Nếu nói đến tranh chấp, một bên nào nói có thể tự đơn phương giải quyết thì đó không phải là tranh chấp, nếu muốn giải quyết bằng phương thức này chỉ có thể là giải quyết bằng quân sự; Nếu giải quyết bằng ngoại giao thì cần thương lượng, chiếu cố lợi ích của bên kia. Việc xử lý quan hệ giữa các nước với nhau cần trên tinh thần bình đẳng, sự thực và khách quan.

Phó Doanh tập trung nêu và nhấn mạnh 4 vấn đề:

(1) VN hoạt động tại “khu hợp đồng Vạn An Bắc 21”: TQ luôn giữ kiềm chế trong việc khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng gần đây VN liên tục tiến hành hoạt động dầu khí ở các vùng biển tranh chấp. Tiếng nói yêu cầu Chính phủ TQ bảo vệ quyền lợi của TQ ở Biển Đông trong nội bộ và dư luận TQ ngày càng tăng. “Khu hợp đồng Vạn An Bắc 21” là giới hạn cuối cùng của TQ. TQ đã nhiều lần giao thiệp với VN và phía VN đã đưa ra cam kết tạm dừng không có hoạt động dầu khí ở khu vực này trong dịp Thứ trưởng Trương Chí Quân với tư cách là Đặc phái viên của Chính phủ TQ sang VN năm 2010. Hiện nay phía VN đang hợp tác với công ty nước ngoài thực hiện thăm dò địa chấn 3D ở lô 135-136, vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận của hai bên, làm phức tạp thêm tranh chấp. Phía TQ yêu cầu phía VN thực hiện lời hứa, chấm dứt mọi hoạt động ở khu vực này để tránh xảy ra các sự việc mà hai bên không muốn nhìn thấy.

(2) VN thăm dò dầu khí ở vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ: Hiện nay khu vực này chưa được phân định, hai bên đều không nên có các hành động đơn phương làm tổn hại đến lợi ích của bên kia. Hiện nay, hai bên đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán của Nhóm công tác về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việc phía VN tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã phá hoại không khí đàm phán. Phía TQ yêu cầu phía VN chấm dứt ngay hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, nếu không bắt buộc phía TQ phải có phản ứng cần thiết.

(3) Vấn đề VN thông qua Luật Biển, trong đó có một số điều liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của TQ: VN là một nước có chủ quyền, có quyền được quyết định các vấn đề liên quan pháp luật của mình, tuy nhiên nếu vấn đề này liên quan đến tranh chấp chủ quyền với nước khác thì phía VN cần hết sức cẩn thận, nếu hai nước chỉ coi trọng lợi ích của bản thân mà không quan tâm đến lợi ích của nước khác thì rất nguy hiểm và không phù hợp với mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Lãnh đạo TQ đã nhiều lần bày tỏ quan tâm. Phía VN cũng hiểu rõ tính nhạy cảm của vấn đề này, hy vọng phía VN coi trọng quan tâm của TQ, xử lý thận trọng, không thông qua Luật Biển trong năm nay. 

(4) Vấn đề ngư dân VN xâm nhập vùng biển quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt cá: Trong năm nay đã có khoảng 150 lượt tàu cá của VN xâm nhập vùng biển Hoàng Sa đánh bắt cá, số lượng tăng lên rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; có một số tàu cá VN nhiều lần xâm nhập vùng biển Hoàng Sa, thậm chí có một tàu cá đã 3 lần từng bị TQ bắt do xâm phạm. Phía VN đã thành lập hợp tác xã nghề cá ở Biển Đông, tổ chức thành các đội tàu đánh bắt. Các Bộ ngành và dư luận TQ nghi ngờ phía VN lấy cớ hoạt động nghề cá để quấy nhiễu, thách thức chủ quyền của TQ ở Hoàng Sa. Phía TQ đã điều tra (về vụ việc 2 tàu cá và 21 ngư dân ta đang bị TQ bắt giữ) và hiện nay đã nắm được một số chứng cứ. Tàu cá của VN đã mang theo khối lượng lớn thuốc nổ vào vùng nội thủy của TQ, Điều đáng chú ý là, một số tàu cá của VN không có ngư cụ, mà chỉ có thuốc nổ. Điều này khiến người ta nghi ngờ đây có phải là ngư dân không và họ mang thuốc nổ vào Hoàng Sa làm gì. Sau khi sự việc xảy ra, cách làm của VN đã gây khó khăn, phức tạp cho việc giải quyết sự việc: phía VN không ngừng nâng cấp cấp giao thiệp, báo chí làm nóng vấn đề. Điều này đã cản trở nỗ lực của hai bên trong việc giải quyết vụ việc, gây đối lập giữa dư luận hai nước. Phía TQ yêu cầu phía VN tăng cường quản lý, giáo dục ngư dân, chấm dứt việc xâm nhập vào vùng biển Hoàng Sa đánh cá, định hướng tốt dư luận, tạo điều kiện cho việc giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, Phó Doanh còn nêu thêm một số nội dung thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước nhưbố trí chuyến thăm TQ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhânthăm TQ đồng chủ trì Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 6 vào tháng 8.2012 và dựHội nghị lần thứ 4 Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Vân Nam và 4 tỉnh biên giới VN; Chương trình hành động để thực hiện quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”; đề nghị VN sớm cung cấp danh mục một số dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước thuộc Quy hoạch hợp tác kinh tế 5 năm và việc sử dụng 300 triệu USD vốn vay ưu đãi của TQ dành cho phía VN.

III. NHẬN XÉT:

- Cơ sở nhận xét:

+ Sau giao thiệp của Dị Tiên Lương ngày 13.4, việc Thứ trưởng Phó Doanh gặp Đại sứ Nguyễn Văn Thơ là nhằm nâng cấp giao thiệp về vấn đề VN tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, khu vực Tư Chính và tiếp tục gây sức ép với ta đối với việc ta chuẩn bị thông qua Luật Biển. TQ tiếp tục đổ lỗi cho VN nâng cấp giao thiệp và dư luận báo chí làm to vấn đề gây khó khăn cho việc xử lý vấn đề tàu cá và 21 ngư dân ta để kéo dài thời gian giam giữ ngư dân ta với ý đồ thực hiện răn đe, ngăn chặn ngư dân ta vào đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa trong thời điểm đang là mùa đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm ở khu vực này.

+ Tuy không thô thiển, gay gắt như Dị Tiên Lương, nhưng lời lẽ của Phó Doanh vẫn hàm chứa ý đe doạ ta. Động thái này là sự leo thang trong giao thiệp ngoại giao, một mặt nhằm gây sức ép buộc ta phải dừng các hoạt động ở Biển Đông, nhưng không loại trừ khả năng để TQ tạo cớ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với ta trên thực địa ở Biển Đông. 

- CBHĐ nhận xét: 

Tin thu qua tiếp xúc trực tiếp. Thông tin cho thấy TQ nâng cấp giao thiệp, phản ứng mạnh về việc VN tiến hành thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính và cửa Vịnh Bắc Bộ. TQ tiếp tục đưa lý do có sức ép nội bộ, đòi hỏi phải xử lý cứng rắn.

IV. TÀI LIỆU KÈM THEO: Không.


Trưởng phòng                                                                                    Cán bộ hoạt động
                                                                                                                       
Đại tá: Nguyễn Anh Đức                                            Thượng tá: Khương Viết Thành

Cục trưởng

* Nơi nhận:
- Phòng NCTH: 01 bản
- Viện 70: 01 bản

_____________________________

Ghi chú:

Dân Làm Báo nhận được tập tài liệu này từ nguồn ẩn danh. Theo nhận định thì đây đều là những văn bản có xuất xứ từ Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng Việt Nam (tức Tổng cục Tình Báo). Nội dung các tài liệu liên quan đến nhiều vấn đề thời sự mà dư luận đang rất quan tâm. Bên cạnh đó là những đánh giá, nhận định theo quan điểm của những người hiện đứng trong hàng ngũ Đảng CSVN.

Dân Làm Báo không có điều kiện để kiểm tra tính xác thực cả về xuất xứ cũng như nội dung của các văn bản này. Tuy nhiên, xét thấy đây đều là những tài liệu có giá trị tham khảo cao, vì vậy xin được công bố để bạn đọc tùy nghi nhận định.

Tập tài liệu này có thể xuất xứ từ Cục 16, thuộc Tổng cục 2, là các bản báo cáo được chia thành phần. Đây là bài đầu tiên trong loạt bài và Dân Làm Báo sẽ đăng tải toàn bộ tập tài liệu này thành nhiều phần, mến mời bạn đọc theo dõi.