THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 October 2011

Cập nhật tình hình lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

 

Tính đến nay, lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã làm thiệt mạng hơn 40 người, trong số này chủ yếu là trẻ nhỏ.
Cơ quan chức năng của chính quyền Việt Nam hôm nay cho biết gần 70 ngàn căn nhà và hơn 6 ngàn héc ta đồng ruộng bị ngập nước. Thiệt hại vật chất về mùa màng, cơ sở hạ tầng ở khu vực bị ngập lụt tại phía nam kể từ cuối tháng tám đến nay ước tính chừng 55 triệu đô la.
Những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nhất gồm các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam cho hay đến đầu tuần tới mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 4,75 mét, trên mức báo động 25 cm, tại Châu Đốc ở mức 4,20 mét, trwên mức báo động 20 cm.
Đến cuối tháng 10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, Tứ Giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười còn tiếp tục ở mức báo động 3, tình trạng ngập lụt sâu vẫn tiếp diễn tại tòan bộ các khu vực này.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Đà Nẵng: hơn 1200 công nhân đình công

 

Trên 1200 công nhân thuộc công ty may mang tên The Blues, tức Con Đường Xanh Quảng Nam, cơ sở đặt tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, đồng loạt đình công hôm qua, vì bất bình về điều kiện làm việc và lương bổng.
Các công nhân cho biết mặc dù lương cơ bản theo quy định chính thức đã tăng, nhưng công ty chưa tăng lương công nhân. Thời gian làm thêm mỗi ngày vượt quá một tiếng rưởi, nhưng không tính tiền công.
Mặt khác, tiền công trả theo sản phẩm ở mức 6500 một áo là quá thấp so với vật giá hiện nay.
Đại diện chánh quyền địa phương, sở Lao động, đại diện công ty, đã gặp nhau hầu tìm cách giải quyết trong thời hạn sớm nhất những yêu sách của tập thể công nhân.

Số công nhân xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu cho 2011

 

Trong 9 tháng đầu năm nay Việt Nam đưa 76500 công nhân đi lao động nước ngoài, đa số sang các nước Đài Loan, Nam Hàn, Malaysia và Nhật Bản.
Số liệu này do Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Việt Nam công bố hôm nay.
Theo dự kiến của quốc hội Việt Nam thì trong năm 2011, số công nhân xuất khẩu lao động phải đạt tới mức 87 ngàn người, như vậy mới đạt chỉ tiêu cho năm nay.
Trong số 40 thị trường lao động lâu nay vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam, trong thời gian chín tháng qua chỉ còn 11 nơi tiếp tục nhận lao động từ Việt Nam được sang làm việc.
Một trong những lý do gây ra sự sụt giảm này là vì quy định về xuất khẩu lao động có nhiều thay đổi cộng với thời cuộc bất ổn ở thị trường nước ngoài, mà cụ thể là xáo trộn tại Libi đã khiến trên 10 ngàn công nhân Việt Nam phải gấp rút quay về nước, hoặc sóng thần tàn phá Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến công ăn việc làm của lao động Việt Nam.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Văn hóa phong bì bệnh viện: 'Hối lộ thì không, cảm ơn thì nhận'

 

Nhiều bệnh viện từ lâu áp dụng quy định cấm bác sĩ nhận, người bệnh đưa phong bì, nhưng vẫn không ngăn chặn được. Không ít bác sĩ cho rằng "phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì được" và phải "nói không từ người bệnh đến bác sĩ".
> 5 bệnh viện cam kết 'nói không với phong bì'/ Mất niềm tin vào y bác sĩ, dân mới phải 'hối lộ'

Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ lâu bệnh viện đã thực hiện quy định "nói không với phong bì". Năm ngoái, Bệnh viện Việt Đức đã đuổi việc một bác sĩ sau khi phát hiện người này nhiều lần vòi tiền của bệnh nhân và bị người nhà họ gửi thư tố cáo. Trước đó, cũng có nhiều nhân viên y tế bị kỷ luật vì thái độ này.

Bệnh viện K từ lâu trước cửa các khoa, phòng đều có dán những khuyến cáo như: "Nghiêm cấm cán bộ y tế nhận tiền, quà biếu của người bệnh. Bệnh nhân và người nhà không được cho tiền nhân viên y tế nếu vi phạm bệnh viện sẽ không phục vụ". Hoặc: "Nếu bệnh nhân đưa thêm tiền cho nhân viên y tế ngoài hóa đơn của bệnh viện, bệnh phân phải tự chịu trách nhiệm. Bệnh viện nghiêm cấm cán bộ nhân viên thu tiền của bệnh nhân ngoài quy định".

Tuy nhiên, dường như với những người đang mang trọng bệnh, đầy lo lắng và đau đớn, thì không mấy người để ý đọc 2 tờ thông báo của bệnh viện được in trên khổ giấy A4 khiêm tốn dán trên tường.

Tại TP HCM, nạn phong bì trong bệnh viện khoảng 10 năm qua gần như không còn nữa ngoại trừ việc "cám ơn kín đáo". Đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, từ 5 năm trước bệnh viện này đã yêu cầu tất cả nhân viên phải ký cam kết không được nhận tiền từ người bệnh. Thế nhưng thi thoảng vẫn có trường hợp vi phạm. "Họ không dám nhận công khai, nhưng không từ chối khi được người nhà dúi tiền vào túi hoặc nhận phong bì rất thường xuyên", một bác sĩ nói.

Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, những nhân viên vi phạm nếu phát hiện sẽ bị phạt nặng từ trừ thi đua cho đến đuổi việc. "Chúng tôi phát hiện tình trạng này qua đường dây nóng và thư góp ý của người nhà sản phụ hoặc thường xuyên theo dõi, kiểm tra", bà Thủy nói.

Tại các bệnh viện vốn đông bệnh nhân như Chợ Rẫy, Ung bướu, nạn nhận phong bì cũng được rà soát gắt gao, khiến hầu hết nhân viên y tế từ chối nhận tiền từ người nuôi bệnh. Song tình trạng đưa và nhận không phải là không xảy ra.

"Biện pháp hiệu quả nhất là mỗi sáng chúng tôi luôn có buổi họp với người nuôi bệnh để căn dặn nội quy bệnh viện trong đó có cả nạn đưa phong bì. Chúng tôi luôn yêu cầu người nuôi không đưa tiền cho nhân viên dưới mọi hình thức và tố với lãnh đạo khoa trường hợp bị vòi vĩnh tiền từ nhân viên bệnh viện", một lãnh đạo bệnh viện lớn tại TP HCM (không đồng ý nêu tên) nói.

Lãnh đạo một bệnh viện ở quận Bình Thạnh cho biết, để xóa sổ nạn nhận tiền của người nuôi bệnh, các khoa thường xuyên tổ chức kiểm tra chéo. Nhân viên bệnh viện khi phát hiện đồng nghiệp không từ chối phong bì thì phải báo cáo với lãnh đạo. Bệnh nhân nếu thấy nhân viên y tế có biểu hiện khiếm nhã trong giao tiếp, thay vì đưa tiền thì có thể phản ánh vào thùng góp ý và thư sẽ được tiếp nhận ngay trong ngày.

'Phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì nhận'

Bác sĩ Bùi Quốc Công, Phó trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện E Hà Nội cho rằng, "văn hóa phong bì" đã trở thành nét riêng ở Việt Nam hiện diện trong muôn mặt của cuộc sống, từ đám cưới, đám ma, tới hội họp, ký kết...

Theo ông, trong bệnh viện "văn hóa phong bì" có hai mặt: sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh bệnh nhân, nhưng thành niềm vinh dự nếu vì y bác sĩ làm tốt, làm đúng mà người bệnh muốn tự nguyện tặng để thưởng, cảm ơn. "Sự ghi nhận của người bệnh có thể chỉ là một lời khen, nhưng nếu thêm vật chất rõ ràng càng đáng trân trọng, tất nhiên cũng phải tùy điều kiện của họ", bác sĩ Công nói.

Bác sĩ Công kể, nhiều người sau khi bệnh nhân được mổ thành công, dù bác sĩ gây mê không hề trực tiếp gặp trước đó nhưng tới mấy ngày sau họ vẫn tìm bằng được để nói lời cảm ơn, trân trọng.

Nhiều bệnh viện tại TP HCM nhiều năm nay đã áp dụng quy định cấm y bác sĩ, nhân viên nhận phong bì từ bệnh nhân. Ảnh: Thiên Chương
Nhiều bệnh viện tại TP HCM nhiều năm nay đã áp dụng quy định cấm y bác sĩ, nhân viên nhận phong bì từ bệnh nhân. Ảnh: Thiên Chương

Một y tá làm việc tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thừa nhận, thu nhập chính của cô mỗi tháng đến từ phong bì của bệnh nhân. "Tổng lương cộng các khoản phụ cấp từ bệnh viện, tiền trực đêm... của tôi là gần 4 triệu đồng. Số tiền này không thấm vào đâu so với công sức chúng tôi bỏ ra và áp lực phải chịu trong quá trình làm việc", y tá này nói.

Cô cho rằng sự thực là việc nhận phong bì trong bệnh viện đã trở thành thông lệ. Có điều những bộ phận nào tiếp xúc với bệnh nhân nhiều như khám, đỡ đẻ, mổ... thì có cơ hội để nhận nhiều hơn thôi.

Chị Huyền cùng một nhóm người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho rằng, tiền không phải là cách duy nhất khiến nhân viên y tế thay đổi thái độ phục vụ.

"Chúng tôi chỉ mua quà biếu để cám ơn nếu thấy điều dưỡng hoặc bác sĩ tận tình. Đó là tấm lòng. Còn đưa tiền theo kiểu lót tay thì không nên, bởi lẽ làm như thế thì bất công cho những người bệnh không có tiền để dúi", chị Huyền nói.

Còn theo anh Thanh đang chăm sóc người thân bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với những nhân viên có thái độ không đúng mực, thay vì cho tiền, anh sẽ góp ý trực tiếp hoặc góp ý với lãnh đạo khoa.

Y tá này cho biết thêm, thực tế không phải ai cũng đưa phong bì cho nhân viên y tế. Cũng như cô, nhiều người vẫn đối xử, phục vụ bệnh nhân có hay không phong bì đều như nhau, chứ không hề cố tình làm đau hơn, khám chậm hơn hay tỏ thái độ vòi vĩnh. Tất nhiên, trong từng khoa, phòng cũng có một số người - vì bản chất, hay vì cần tiền cấp bách hơn - mà có hành động vòi tiền. "Dẫu sao khi làm mà nhận được chút tiền bồi dưỡng từ người bệnh và người nhà thì mình cũng thấy phấn khởi hơn", cô y tá thừa nhận.

Một điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, nói chính suy nghĩ "có dúi tiền mới được đối xử tốt" khiến nhiều bệnh nhân không có điều kiện phong bì cho điều dưỡng, khi chuyển bệnh từ phòng này sang phòng khác trót bị va vào vách cũng cho rằng "nhân viên y tế ác ý, không có tiền nên đẩy ẩu tả".

"Nghề nào cũng có người này người nọ, nhưng nếu suy nghĩ bệnh nhân không có tiền thì không được phục vụ tốt là không đúng", nữ điều dưỡng nói.

"Thật ra, người đi khám bệnh khi đưa phong bì sẽ cảm giác yên tâm hơn, cũng như khi mình cần nhờ cậy ai việc gì, như xin cho con học chẳng hạn, nếu không có cái phong bì sẽ cảm giác không được việc", ông Chính chia sẻ.

Ông Chính cũng bày tỏ quan điểm, nếu phong bì mang tính cám ơn thì có thể chấp nhận được. "Tôi từng gặp nhiều trường hợp như thế. Đôi khi người bệnh còn nài nỉ, nhất quyết không chịu nhận lại khi mình từ chối. Khi ấy giải pháp đơn giản nhất là công khai khoản này để cả người bệnh và tập thể khoa phòng biết, sử dụng số tiền vào việc chung như mua sắm thêm trang thiết bị cho khoa, phòng hay làm điều gì đó mang ý nghĩa tốt, như giúp đỡ bệnh nhân khác".

'Nói không với phong bì: chuyện lâu dài'

Theo ông Chính, việc thực hiện không phong bì trong bệnh viện là có thể làm được, chỉ có điều không phải ngày một ngày hai. Vấn đề này theo ông cần giải quyết ở tầm vĩ mô, làm sao phải đảm bảo được đời sống cho nhân viên y tế để hạn chế tiêu cực, để việc nhận phong bì hay không nhận không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra cũng cần tăng cường giáo dục người làm nghề mang tính nhân đạo này phải sống bằng cái tâm.

Còn ông Công nhận xét, lương của bác sĩ tuy không cao nhưng đó là mặt bằng chung trong xã hội, cũng như giáo viên, viên chức ở nhiều ngành khác, nên khó có thể coi đây là lý do chính đáng sinh ra "nạn" phong bì. Ông cho rằng việc thực hiện không phong bì trong bệnh viện là không khả thi, thậm chí cấm đưa tiền cho bác sĩ, nhân viên y tế còn làm "bệnh" này nặng hơn.

Ông nói: "Tôi từng biết không ít bác sĩ ngoại khoa, sáng hôm sau có vài ca mổ thì tối hôm trước thể nào cũng có người xếp hàng đến nhà riêng đưa phong bì nhờ cậy. Những vị này có biệt thự này, cơ ngơi kia. Việc này liệu có cấm được không? Thực ra, việc gì càng công khai, minh bạch thì càng dễ quản, chứ cấm thì có thể tạo cơ hội để người ta tìm nhiều cách đưa và với mức không ai biết được".

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, giải quyết chuyện phong bì trong ngành y thực sự là một bài toán khó, phải làm từng bước. Không thể hy vọng ngày hôm nay phát động phong trào là ngày mai đã hết nạn phong bì. Tuy nhiên nếu thực hiện tốt ở một số bệnh viện thì sẽ lan tỏa ra toàn ngành và sâu rộng trong nhân dân. Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện của 5 bệnh viện đã cam kết "nói không với phong bì".

Còn theo một giám đốc bệnh viện tại TP HCM, các bệnh viện đều làm căng nạn phong bì nên khó có chuyện nhân viên y tế dám vòi tiền. Chính vì thế việc đưa tiền đều do người bệnh chủ động. Như vậy, để dẹp nạn phong bì, trước tiên người bệnh và người nuôi bệnh phải kiên quyết không tiếp tay cho người xấu.

Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho rằng, lót tay vài chục nghìn cho nhân viên y tế là một tâm lý khó thay đổi của người nuôi bệnh vì hầu hết đều nghĩ rằng, có tiền thì sẽ được đối xử tốt hơn. "Điều này có thể đúng trong số ít trường hợp vi phạm đã bị xử lý, nhưng không phải nhân viên nào cũng làm việc vì phong bì và có phong bì thì thay đổi thái độ", bà Thủy nói.

Rất nhiều bác sĩ cũng thừa nhận: "Việc đưa phong bì có thể làm thay đổi thái độ, lời ăn tiếng nói nhưng không làm tốt hơn chất lượng điều trị".

Nhóm phóng viên

Thủ tướng thúc giục doanh nghiệp tự đổi mới

 

Gặp gỡ các đại diện Sao Vàng đất Việt nhân ngày Doanh nhân 13/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tái cơ cấu đang là yêu cầu bắt buộc với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Nhận được báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam về kết quả bầu chọn Sao Vàng đất Việt 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra khá bất ngờ trước thống kê cho thấy 200 doanh nghiệp tiêu biểu của Giải thưởng đều có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

"Nếu kết quả này là chính xác thì nó cho thấy các doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt đã rất nỗ lực trong vòng một năm qua. Nếu cả 9.000 hội viên doanh nghiệp trẻ cùng làm được điều này thì sẽ còn tốt hơn nữa", Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng đánh giá cao trách nhiệm của giới công thương Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh
Thủ tướng đánh giá cao trách nhiệm của giới công thương Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh

Chia sẻ với giới doanh nhân, người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong giai đoạn vừa qua, kinh tế Việt Nam, dưới tác động xấu từ bên ngoài, trong điều kiện đã hội nhập sâu, đã trải qua nhiều khó khăn. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong giai đoạn cuối năm 2011 và 2012.

Trong điều kiện như vây, việc các doanh nghiệp tiếp tục tồn tại – phát triển, "số doanh nghiệp đăng ký mới nhiều hơn giải thể" là một tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định bản lĩnh chèo lái của các doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng cũng đánh giá cao trách nhiệm xã hội của giới công thương Việt Nam, đặc biệt là trong việc duy trì việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ngay cả khi kinh tế khó khăn.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp hiện vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Khái niệm năng suất tổng hợp (giá trị của khoa học, công nghệ, năng suất lao động, quản lý… trong giá thành sản phẩm) được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến nhiều lần và cho rằng còn rất thấp tại các doanh nghiệp Việt Nam.

"Trong một sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra hiện có đến 52% giá trị gia tăng là vốn, 27-28% là sức lao động. Năng suất tổng hợp như vậy chẳng được là bao. Như vậy thì nói gì đến chuyện cạnh tranh", ông phân tích.

Theo Thủ tướng, yêu cầu sống còn với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tự đổi mới mình. "Làm sao doanh nghiệp phải mạnh hơn nữa, sản phẩm phải có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao hơn nữa. Doanh nghiệp phải cùng đất nước đi lên", Thủ tướng kêu gọi.

Về phần mình, người đứng đầu Chính phủ khẳng định cơ quan quản lý sẽ tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề thể chế khi cho rằng Chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo một môi trường pháp lý để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển như nhau. "Doanh nghiệp nào có năng lực thì sẽ đều được phát huy, khẳng đinh", Thủ tướng nói.

Các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay giúp nền kinh tế vượt qua bối cảnh khó khăn hiện nay
Các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Ảnh: Nhật MInh

Phát biểu thay mặt các doanh nghiệp đoạt giải năm nay, Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh cảm ơn sự quan tâm cũng như những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Tổng giám đốc FPT cũng khẳng định các doanh nhân sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp của mình, tao nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội… Ông Đình Anh cũng hy vọng thông qua những việc làm đó, các doanh nghiệp sẽ góp phần giúp nền kinh tế vượt qua bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhật Minh

Vụ nổ OTC lên 5.000 tỉ đồng, bắt nguyên PGĐ Vietinbank Nhà Bè

Theo nguồn tin, ông Tuấn chính là nhân vật thứ hai sau bà Như trong phi vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của các tổ chức tín dụng và cá nhân.
Ngày 12-10, nguồn tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè (Vietinbank Nhà Bè), về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo nguồn tin, ông Tuấn chính là nhân vật thứ hai sau bà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank, đã bị bắt giam trước đó cùng tội danh trên) trong phi vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định ông Tuấn và bà Như lấy danh nghĩa là đại diện Vietinbank Nhà Bè làm giả con dấu, ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các công ty chứng khoán, bảo hiểm, sau đó yêu cầu các công ty này chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Bằng thủ đoạn trên, bà Như và ông Tuấn đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, ông Tuấn đã giúp sức cho bà Như làm giả các hợp đồng tiền gửi với các cá nhân thế chấp cho các ngân hàng để vay hàng trăm tỉ đồng.

Không chỉ làm giả giấy tờ để lừa đảo, bà Như và ông Tuấn còn huy động rất nhiều tiền của các môi giới, nhà đầu tư cổ phiếu OTC (thị trường cổ phiếu chưa niêm yết), bất động sản với lãi suất 5%/tháng để thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng, nhưng thực chất để lừa đảo, quỵt nợ. Cơ quan điều tra xác định số tiền mà các bị can chiếm đoạt của các tổ chức tín dụng và các cá nhân tính đến thời điểm này là khoảng 5.000 tỉ đồng. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Trong một diễn biến khác, Công ty CP chứng khoán Phương Đông (ORS) vừa công bố quyết định đình chỉ tư cách thành viên HĐQT của bà Huỳnh Thị Huyền Như. Trước đó, bà Như được một nhóm cổ đông (gồm ông Đỗ Quốc Thái, bà Nguyễn Thị Lang, Nguyễn Thị Thủy và Huỳnh Mỹ Hạnh) nắm giữ 14,9% vốn cổ phần của ORS đề cử và được bầu vào làm thành viên HĐQT tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 của ORS vào ngày 18-5.

Chiều 12-10, một lãnh đạo ORS thừa nhận đã nhận được yêu cầu của bà Triệu Thị Hương Giang - phó tổng giám đốc một công ty nước ngoài tại TP.HCM - về việc rút toàn bộ thông tin cá nhân cũng như tên tuổi của bà Giang trong danh sách thành viên HĐQT của ORS trong khoảng thời gian từ ngày 18-5 đến 18-7, với lý do bà Giang hoàn toàn không ứng cử vào danh sách này.

Theo thông tin của chúng tôi, trong danh sách đề cử của nhóm cổ đông nêu trên, ngoài bà Như còn có tên bà Giang và cả hai cùng được bầu làm thành viên HĐQT của ORS. Tuy nhiên, bà Giang khẳng định hoàn toàn không có quan hệ với nhóm cổ đông này và rất bất ngờ khi thấy tên mình xuất hiện trong danh sách thành viên HĐQT của ORS.

Theo bà Giang, toàn bộ thông tin về việc ứng cử vào làm thành viên HĐQT của ORS và đơn từ nhiệm vào ngày 18-7 của bà Giang đều là giả mạo, các chữ ký hoàn toàn khác xa với các chữ ký trong các giao dịch chính thức của bà Giang với tư cách là phó tổng giám đốc một công ty nước ngoài.

Theo H.Khương - H.Đăng - Tuổi trẻ

Coi Chừng Trúng Kế Việt Cộng!

 

Submitted by Webmaster on Wed, 10/12/2011 - 18:35

Tác giả: Huỳnh Quốc Bình
Bấm vào đây để download bài viết này

LTG: Những ai KHÔNG nên đọc bài viết nầy? Đó là những người từng tuyên bố rằng "tôi không làm chính trị" hay "tôi không thích chuyện chính trị". Những ai thờ ơ trước cảnh nước mất nhà tan, ai chết mặc ai, miễn mình vinh thân phì da là được rồi. Những ai đã biết đất nước Việt Nam sắp mất trọn vẹn vào tay Trung Cộng mà vẫn không thấy đó là quan trọng bằng những cuộc vui chơi hay các quyền lợi cá nhân của mình. Những ai đang làm tay sai cho VC dưới vỏ bọc người Việt tỵ nạn cộng sản. Nếu những người đó đọc bài viết nầy tôi e rằng họ sẽ bực mình. (HQBình)

***

Nếu người Việt Quốc Gia đang tỵ nạn VC tại hải ngoại vì nóng lòng trước sự lộng hành của bọn trung cộng (TC) trên đất nước Việt Nam hiện nay, rồi cùng nhau tổ chức những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ để chống tụi TC mà không quyết liệt lên án hành động buôn dân bán nước của đảng CSVN, hoặc không ý thức rằng chế độ VC là mục tiêu chính chúng ta phải chống… Thì chúng ta đã trúng kế đảng cướp VC. Tại sao tôi lại khẳng định như thế thì xin chịu khó đọc tiếp phần trình bày của tôi.

Nhìn vào công hàm bán nước của Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN đã được VC Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 đã cho phép những người còn liêm sỉ và tự trọng phải nhìn nhận rằng  đảng CSVN đã bán quần đảoTrường Sa và Hoàng Sa cho kẻ thù phương Bắc hơn nửa thế kỷ qua.

VC Phạm Văn Đồng ký công hàm bán nước
ngày 14 tháng 9 năm 1958

Người dân Việt Nam sửng sờ khi nhìn thấy bằng chứng do WikiLeaks tiết lộ về âm mưu bán nước của đảng CSVN

Có nhiều bằng chứng cho thấy đảng CSVN là tay sai của TC nên bọn chúng không thể nào dám chống TC. Đảng CSVN là loại quan thái thú của TC trên đất nước Việt Nam. Điển hình khi người Việt Nam yêu nước lên tiếng chống đối hành động TC lấn đất và biển của người Việt Nam thì lập tức bị bọn công an VC bắt bớ giam cầm. Không còn điều gì lố bịch và tán tận lương tâm hơn, khi bọn công an VC đạp lên mặt người yêu nước.

Thanh niên Nguyễn Chí Đức biểu tình chống TC xâm lăng biển đảo Việt Nam,anh đã bị công an VC bắt, khiêng như khiêng lợn.

Sau đó anh Nguyễn Chí Đức bị tên đại úy công an VC
tên Minh đứng trên xe buýt, đạp vào mặt.

Khi công an VC dám đạp lên mặt người yêu nước tức là chúng thách thức cả dân tộc Việt Nam và cũng chính là hành động "đạp lên mặt nhân quyền". Đó là hình ảnh tàn tệ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Vì đảng CSVN là tay sai của bọn bá quyền phương bắc, nên người Quốc Gia chân chính cần chống VC thay vì chỉ hô hào chống TC.

Đây là một số biểu ngữ, trong những biểu ngữ được luân chuyển trên Internet, có lập trường quyết liệt chống VC thay vì chỉ chống TC

Theo thiển ý của người viết bài nầy, người Việt Quốc Gia tại hải ngoại cần lưu ý các điều sau đây:

1. Nếu VC mãi im lặng trước hành động lộng hành của TC thì chúng không thể giải thích với đồng bào, mà lên tiếng thì chúng nó không dám, nhưng để người dân chống TC mà VC không ngăn cản thì VC khó giải thích với TC. Vì thế bọn VC cần người Việt Nam tại hải ngoại làm cái công việc mà chúng không thể làm được.

2. Nếu người Việt Quốc Gia không khôn ngoan hơn cái gian manh của VC thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy của VC qua chiêu bài "hoà hợp, hoà giải dân tộc"; chỉ vì thấy TC chiếm đóng đất nước Việt Nam rồi nóng lòng, vội hiệp tác với VC để chống TC một cách chung chung. Đừng quên là bọn VC là mục tiêu mà chúng ta cần tấn công. Đừng để VC kích động lòng yêu nước của người Việt hải ngoại và lái công cuộc đấu tranh của chúng ta về một hướng khác, tức là chĩa mũi dùi vào TC thay vì nhắm vào bọn chúng.

Nếu người Việt trong và ngoài nước mạnh mẽ lên tiếng chống hành động buôn dân bán nước của VC tức là chúng ta đã chống TC một cách tích cực và hữu hiệu nhất. Vì:

1. Đảng cướp VC là nguyên nhân của nạn nghèo đói và lạc hậu tại Việt nam, và cũng là thủ phạm tạo ra sự lộng hành của TC trên đất nước Việt Nam. Nếu không có VC thì bọn TC không thể ngang nhiên chiếm đất và biển của người Việt Nam. Cho nên người Quốc Gia chân chính cần chống VC lẫn TC thay vì chỉ chống TC.

2. Đảng cướp VC là một loại "Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà" thời đại. Bọn VC mở cửa và làm ngơ cho TC lộng hành trên giang sơn của tiền nhân Việt Nam để lại. Cho nên người Quốc Gia chân chính cần chống VC lẫn TC thay vì chỉ chống TC.

3. Đảng cướp VC trịch thượng gọi người Quốc Gia là "nguỵ" và hổn xược lên án chính quyền Việt Nam Cộng Hoà "ôm chân đế quốc Mỹ"… Nhưng cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà, không một người ngoại quốc nào vào Việt Nam mà dám công khai xúc phạm người dân Việt Nam chúng ta. Trong khi VC tự hào là "đỉnh cao trí tuệ loài người", là "cách mạng", là có công "đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào", nhưng thực chất, bọn chúng chỉ giỏi cướp của giết người, hung hãn với dân, và rước giặc Tàu cộng vào cửa sau. Bằng chứng VC làm ngơ trước hành động cai thầu ngoại quốc đánh giầy vào mặt người dân, và im lặng đứng nhìn dân chúng Việt Nam bị TC giết hại hoặc xúc phạm.  Cho nên người Quốc Gia chân chính cần chống VC lẫn TC thay vì chỉ chống TC.

Ngư phủ Việt Nam bị hải quân TC khủng bố ngay trên lãnh hải Việt Nam

   

Gia đình ngư dân Việt Nam khóc thương người thân
bị hải quân TC sát hại

4. Đảng cướp VC đã hiện rõ nguyên hình là một bọn khôn nhà dại chợ, một tập đoàn hèn với giặc nhưng ác với dân. VC cấu kết với TC để hại dân. Cho nên người Quốc Gia chân chính cần chống VC lẫn TC thay vì chỉ chống TC.

5. Hô hào chống TC mà không nhắc đến hay cố tình làm lu mờ tội buôn dân, bán nước của VC là hành động sai lầm, nếu không muốn nói là làm lợi cho VC. Đấu tranh cách đó dễ làm cho đất nước lần hồi lọt vào tay TC. Cho nên người Quốc Gia chân chính cần chống VC và Việt gian thay vì chỉ chống TC.

Nếu tổ chức, đảng phái nào nhân danh người Quốc Gia chống cộng mà lại chủ trương cờ Vàng và cờ đỏ của VC được "đề huề", tức là tỏ vẻ hài lòng, hoặc sẵn sàng tham gia vào những cuộc biểu tình chống TC của các du sinh đến từ Việt Nam trương cờ đỏ để biểu tình chống TC, và cho rằng đó là hành động yêu nước và sẵn sàng nhập cuộc, tức là họ đang làm nhục cờ Vàng và bán đứng chính nghĩa đấu tranh của người Quốc Gia. Cho nên người Quốc Gia chân chính phải loại trừ cờ máu của VC là cờ bán nước, và dương cao ngọn cờ Vàng của người Quốc Gia trong các cuộc đấu tranh chống cộng.

Cờ Vàng của người Việt Quốc Gia,
biểu tượng của tự do, dân chủ

Nhân tiện tôi xin viết đôi dòng về cờ Vàng, biểu tượng của Người Việt Quốc Gia yêu chuộng công bằng và tự do.  Xin đừng ai làm một điều gì có tính cách tiếp tay VC hợp thức hoá sự hiện diện của cờ máu VC tại các vùng đất tự do là nơi mà người Quốc Gia đang tỵ nạn VC. Chúng ta phải triệt hạ cờ máu của VC bằng mọi cách. Chúng ta, không thể mơ hồ về sự gian manh của VC bằng cách để cờ đỏ VC có cơ hội đứng chung với cờ Vàng của người Quốc Gia. Thiên Đàng và địa ngục không thể kết duyên. Không thể có sự thoả hiệp (compromise) giữa gian ác và hiền lương. Hãy nghe Linh Mục Nguyễn Văn Khải, một tu sĩ Công Giáo vừa rời khỏi Việt Nam đã công khai bày tỏ: "Cờ Vàng là đáng kính, đáng yêu, cờ Vàng là biểu tượng cho lòng yêu nước của người Việt. Còn lá cờ đỏ sao vàng là cờ bán nước, vì VC đã bán Trường Sa, bán Hoàng Sa, bán Thác Bản Dốc, bán Hữu Nghị Quan, bán  những vùng phần đất hiện nay bị Trung cộng công khai chiếm giữ…"

Kết luận:

Cho dù VC đã cấu kết với ngoại bang để bán đất, dâng biển cho chúng. Cho dù tất cả quyền lực và tài nguyên đất nước đang nằm trong tay đảng cướp VC. Cho dù có ai chủ trương theo kiểu thiêng liêng nửa vời rằng  họ "không làm chính trị" nên không tham dự vào các cuộc biểu tình để chống VC và TC. Cho dù chúng ta có bị thiệt thòi quyền lợi cá nhân khi bày tỏ hành động yêu nước. Cho dù chúng ta phải lãnh lấy bất cứ một hệ luỵ nào khi lên tiếng chống đối sự tàn bạo và vô nhân đạo của VC… Thì chúng ta cũng phải làm việc đó. Nếu không, chúng ta đừng tự hào mình là con dân của một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến, hay một dân tộc anh hùng nữa.

Không bao giờ bỏ cuộc

Hỡi đồng bào Việt Nam còn lòng yêu nước, thương nòi: Dân tộc Việt Nam đang lâm nguy, đất nước Việt Nam đang lần lượt lọt vào tay Tàu cộng. Bằng mọi cách, chúng ta phải lên tiếng tranh đấu để chấm dứt chế độ VC độc tài, hầu cứu Dân Tộc Việt Nam khỏi sự đô hộ của kẻ thù phương Bắc. Xin mọi người đừng thụ động nữa. Nếu chúng ta đã từng ân hận vì sự thờ ơ trong việc chống chủ nghĩa cộng sản, nên đã để cả nước Việt Nam rơi vào tay đảng CSVN, thì nay xin đừng để mình có thêm một lần ân hận nữa.

Huỳnh Quốc Bình

Wikileaks: Video LS Lê Công Ðịnh "nhận tội" bị cắt xén

WESTMINSTER (NV) - Ðoạn video dài 20 phút về Luật Sư Lê Công Ðịnh “nhận tội” đã bị chính quyền cắt xén rất nhiều, và được chiếu trên đài truyền hình nhà nước Việt Nam VTV vào lúc 7 giờ tối ngày 19 Tháng Tám, 2009, theo công điện ngoại giao do Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Mikhalak gởi từ Hà Nội về Washington D.C.
 

DANLUAN0100088.jpg

Luật Sư Lê Công Ðịnh tại một buổi họp ở Sài Gòn hồi Tháng Năm, 2009, trước khi bị bắt. (Hình: AFP/AFP/Getty Images)

Ðây là một trong bốn đoạn video về bốn người bất đồng chính kiến bị an ninh Việt Nam bắt trước đó hơn hai tháng và bị tố cáo tội “âm mưu lật đổ chính quyền” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Những người bị bắt gồm Luật Sư Lê Công Ðịnh, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, doanh gia/kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức và cựu trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, Trần Anh Kim.

“Cắt xén”

“Ðây là một trong những đoạn video chiếu toàn quốc vào buổi tối, cho thấy nhiều nhà hoạt động địa phương, làm việc với một số người ngoại quốc, nhằm 'lật đổ chính quyền Việt Nam,'” bản công điện viết. 

“Chương trình cho chiếu đoạn video thứ tư của buổi tối hôm đó, một đoạn dài 20 phút, dài một cách bất bình thường đối với một bản tin. Trong tất cả những đoạn phim này - bị cắt xén rất nhiều - khán giả thấy những cá nhân bị bắt trong thời gian từ Tháng Năm đến Tháng Bảy, nhận tội với công an, trong đó có cả Luật Sư Lê Công Ðịnh.”

“Theo nhiều nguồn tin báo chí, những đoạn phim và lời đọc này do Bộ Công An sản xuất, và được Ban Tuyên Giáo Trung Ương gởi tới đài VTV một ngày trước đó, và không giải thích gì cả,” bản công điện viết tiếp.

Bản công điện còn mở ngoặc, rằng: “Ủy ban này do ông Tô Huy Rứa đứng đầu, và ông là ủy viên mới nhất của Bộ Chính Trị.”

Chương trình được phát hình vào lúc có nhiều người xem nhất trong ngày, ban đầu trên đài VTV3, sau đó phát lại trên đài VTV lúc 10 giờ tối và được đưa lên trang web của đài sau đó.

Ðại sứ Hoa Kỳ nhận xét: “Ðoạn phim cuối cùng chiếu phần nhận tội của người được chú ý nhiều nhất, Luật Sư Lê Công Ðịnh, cư dân thành phố Hồ Chí Minh. Ðoạn phim bắt đầu với một tuyên bố hơi khó hiểu từ người đọc, cho rằng đây là 'một trong nhiều' mô tả về hoạt động của Luật Sư Lê Công Ðịnh.”

Bản công điện viết tiếp: “Ông Ðịnh nói rằng đã gặp Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Sỹ Bình tại Thái Lan, và từng là thành viên đảng Dân Chủ Việt Nam và 'tuyên truyền chống lại chính quyền Việt Nam.' Phần lớn đoạn phim bị cắt xén tập trung vào chuyện ông Ðịnh thường xuyên gặp quan chức chính phủ và ngoại giao Mỹ.”

Những người ông Ðịnh nêu tên trong đoạn phim là Thứ Trưởng Ngoại Giao John Negroponte, Ðại Sứ Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế John Hanford, Ðại Sứ Michael Michalak, Tổng Lãnh Sự Ken Fairfax, Tùy Viên Kinh Tế Tổng Lãnh Sự tại TP HCM Douglas Sonnek và Tùy Viên Chính Trị Tổng Lãnh Sự tại TP HCM Katia Bennett.
Bản công điện mở ngoặc: “Một cách lạ lùng, ông Ðịnh không nhắc tới cuộc gặp gỡ với Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Ðông Á Thái Bình Dương Scot Marciel hồi Tháng Hai, cũng như Phó Ðại Sứ Virginia Palmer và Tùy Viên Chính Trị Tòa Ðại Sứ Christian Marchant.”

Chi tiết nhất là vụ ông Ðịnh gặp ông Negroponte vào Tháng Chín, 2008, theo bản công điện. Ông Ðịnh nói vị cựu thứ trưởng ngoại giao nói với ông rằng chính phủ Hoa Kỳ quan tâm rất nhiều đến sự phát triển chuyên nghiệp của luật sư ở Việt Nam, bởi vì, nếu không có luật sư tốt thì không thể có một chính phủ tốt làm việc dựa trên luật pháp, bản công điện cho biết.

“Ông Ðịnh nói ông nhận thức rằng - dựa trên quan tâm của Hoa Kỳ để có sự hợp tác giữa hệ thống tòa án và tư pháp của Mỹ và Việt Nam - chính phủ Hoa Kỳ muốn khuyến khích một nền tư pháp độc lập tại Việt Nam, một hệ thống mà không bị đảng Cộng Sản kiểm soát.”

Ðại Sứ Mikhalak nhận xét: “Ông Ðịnh cũng mô tả cuộc gặp gỡ giữa ông Negroponte và lãnh đạo Ðoàn Luật Sư TP HCM. Nếu tách riêng việc này ra, phát biểu của ông Ðịnh là trung lập - và chúng ta chắc chắn không phủ nhận khuyến khích một nền tư pháp độc lập - nhưng khi bị cắt xén, họ (Bộ Công An) làm cho cuộc gặp gỡ giống như là một âm mưu đầy nham hiểm.”

Bị đẩy khỏi Ðoàn Luật Sư

Một bản công điện khác do Tổng Lãnh Sự Ken Fairfax chuyển đi đề cập đến chuyện Ðoàn Luật Sư TP HCM bị ép phải khai trừ Luật Sư Lê Công Ðịnh sau khi ông bị bắt và chuyện giằng co giữa Ðoàn Luật Sư TP HCM với Bộ Tư Pháp Việt Nam trong việc bổ nhiệm nhân sự đứng đầu Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam.

Ông Ken Fairfax nhận xét rằng: “Cuộc đấu đá giữa Bộ Tư Pháp và Ðoàn Luật Sư TP HCM chấm dứt bằng một cuộc giống như 'đình chiến,' trong đó Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng vẫn làm chủ tịch Ðoàn Luật Sư và Phó Chủ Tịch Lê Công Ðịnh phải từ chức. Vụ dàn xếp chính trị này, do ông Trừng và Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường thỏa thuận, dọn đường công việc thành lập Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam mà người đứng đầu là Luật Sư Lê Thúc Anh, do đảng Cộng Sản bổ nhiệm, và bị Ðoàn Luật Sư TP HCM phản đối vì thiếu kinh nghiệm tư pháp.”

Công điện trích lời Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng cũng nói rằng cuộc “đấu tranh kiên quyết” của ông với Hà Nội qua vấn đề chính trị hóa Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam chấm dứt, ông tiếp tục làm chủ tịch, và các cuộc điều tra về tài chánh và hoạt động doanh nghiệp của ông được chấm dứt. Ðổi lại, ông Trừng chấm dứt chuyện ngăn cản việc bổ nhiệm ông Lê Thúc Anh.

Tuy nhiên, ông Trừng bác bỏ việc “trao đổi” này và nói rằng trong khi luật sư nhân quyền Lê Công Ðịnh từ chối tái ứng cử Ban Chấp Hành Ðoàn Luật Sư TP HCM, ông đã bổ nhiệm ông Ðịnh đứng đầu một trung tâm nghiên cứu tư pháp mới, bản công điện viết.

Trong cuộc thảo luận với tùy viên chính trị Mỹ hôm 6 Tháng Ba, vài ngày trước khi bị bắt, Luật Sư Lê Công Ðịnh có vẻ hài lòng với cuộc tương nhượng và cảm thấy vai trò mới của ông tương đối thoải mái hơn cũng như cảm thấy nhẹ nhõm khi Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng tiếp tục làm chủ tịch, theo bản công điện.

Ông Ðịnh cũng nói rằng Phó Chủ Tịch TP HCM Nguyễn Văn Ðua - con cưng của thành phần bảo thủ trong đảng lúc đó - là người thương thuyết với ông Trừng, bản công điện cho biết tiếp. Sự can dự của ông Ðua cho thấy ông Trừng được sự ủng hộ của “thành phố” trong cuộc đấu tranh của ông với Bộ Trưởng Cường qua vụ bổ nhiệm ông Lê Thúc Anh.

Một trong những lý do ông Trừng “rất thất vọng” với ông Anh, theo bản công điện, vì ông này thiếu kinh nghiệm của một luật sư chuyên nghiệp và thiếu kiến thức về luật quốc tế liên quan đến Việt Nam.

Ðây chính là lý do mà Ðoàn Luật Sư TP HCM từ chối nhận ông Lê Thúc Anh làm hội viên, làm ông phải gia nhập Ðoàn Luật Sư Bà Rịa-Vũng Tàu, một thủ tục bắt buộc để có thể đứng đầu Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam mới thành lập, bản công điện cho biết tiếp.

Trong khi làm việc để thành lập Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam, bản công điện viết, ông Trừng kiên quyết không nhượng bộ và nói rằng, nếu Hà Nội ép, ông sẽ từ chức và không để tổ chức này “trở thành một công cụ” vì hơn một nửa luật sư Việt Nam sống tại và làm việc tại TP HCM.

Bản công điện trích lời ông Trừng nói tương lai thuộc về những luật sư “giỏi và thông minh” như Luật Sư Lê Công Ðịnh, và hy vọng ông Ðịnh sẽ thăng chức khi thời cơ đến, và nói thêm rằng “can đảm không có nghĩa là liều lĩnh một cách không cần thiết.”

Trong khi đó, cũng theo bản công điện, ông Ðịnh rất phấn khởi về trung tâm pháp lý mới mà ông định biến nó trở thành một nơi nghiên cứu và cố vấn pháp luật. Trung tâm này sẽ nghiên cứu luật mới và cải tổ hành chánh cũng như cách gia tăng sự công khai và hiệu quả trong hệ thống hành chánh đối với người dân, một phương cách sẽ có ảnh hưởng lớn đối với chính sách đất đai của chính phủ.
Ông Ðịnh cũng hy vọng trung tâm này sẽ kết hợp với các trung tâm tư pháp quốc tế và khu vực để trao đổi ý kiến và học hỏi kinh nghiệm liên quan đến luật hiến pháp, một đề tài mà ông nghĩ rất quan trọng trong cố gắng cải tổ hệ thống tư pháp Việt Nam.

Ðỗ Dzũng/Người Việt
Theo báo Người Việt ______________________________
Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com

10 “nỗi kinh hoàng” của khách Tây về ẩm thực Việt Nam


1. Trứng vịt lộn: Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam… và là món ăn bổ dưỡng.

Tuy nhiên, trứng vịt lộn từng được có tên trong… 10 món ăn kinh dị nhất hành tinh vì thế khỏi cần nói lý do chúng ta hiểu được nhiều người nước ngoài sẽ không dám ăn món ăn thú vị này.

2. Tiết canh: Tiết canh được chế biến từ nguyên liệu chính là tiết động vật tươi pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏi đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết.

Cách chế biến món ăn này rất thịnh hành trong ẩm thực của người Việt từ Bắc đến Nam nhưng chưa từng thấy trong ẩm thực của một nơi nào khác trên thế giới. Cho dù "dễ tính" đến đâu, hầu như không có mấy thực khách Tây nào dám động đũa vào món ăn này.

3. Chân, đuôi, lòng lợn: Thịt lợn thì không lạ lẫm gì với nước ngoài nhưng nhiều nước họ chỉ ăn phần thịt ở bụng, lưng… chỉ không ăn chân, đuôi, lưỡi hay lòng lợn. Còn tại Việt Nam đây lại là món khoái khẩu của nhiều người nhất là dân nhậu. Chân giò từ lâu cũng được xem là món ăn lợi sữa cho những bà mẹ đang cho con bú.

Tuy nhiên, những người nước ngoài hết sức lạ và khó hiểu trước cách ăn này của người Việt Nam. Thậm chí khi sang Việt Nam, họ đã chụp lại những bức ảnh về chân, đuôi. lòng lợn kèm theo những thắc mắc không hiểu sao người Việt Nam lại ăn được?

4. Mắm tôm: Mắm tôm được làm chủ yếu từ tôm và muối ăn, qua quá trình lên men tạo nên hưong vị đặc trưng. Quá trình lên men phải sử dụng 1 loại enzyme có trong ruột tôm. Đối với người Việt Nam, mắm tôm là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn như bún đậu, bún thang…

Song ít ai biết rằng, mắm tôm là "nỗi kinh hoàng" của khách phương Tây.

5. Nhộng: Người Việt Nam chúng ta thường sử dụng nhộng tằm để chế biến các món ăn vì nó chứa rất nhiều protein bổ dưỡng. Nhộng tằm là con tằm trong giai đoạn chuẩn bị biến thành bướm để đẻ trứng. Món ăn này khá phổ biến ở các chợ vùng quê nhất là những vùng nuôi tằm.

Trong khi đó, người nước ngoài lại "ghe sợ" món ăn này vì "trông chúng chẳng khác nào một lũ sâu". Một số nước châu Á cũng ăn nhộng, thậm chí là ấu trùng ong nhưng tại ở các nước phương Tây, tuyệt nhiên không có món ăn này trong thực đơn.

6. Thắng cố: Món ăn đặc trưng truyền thống của người H'mông ở các tỉnh miền núi Tây Bắc này được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn với các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, cho lẫn lộn vào chảo nước đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau đặc trưng chỉ có ở địa phương.. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó.

Song món ăn độc đáo này cũng lại là nỗi ám ảnh của du khách nước ngoài, nhất là khi họ được mục kích công nghệ chế biến có một không hai của nó.

7. Thịt chó: Thịt chó vốn là một món "khoái khẩu" của đa số người dân ở các tỉnh phía Bắc. Tại một số nước châu Á, thịt chó còn được coi là món đặc sản. Theo quan niệm của người Á Đông, thịt chó có một giá trị y học nhất định.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia phương Tây và Hồi giáo, việc ăn thịt chó bị cấm. Với họ, chó là vật nuôi trong nhà và được coi như những người bạn. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam rất thắc mắc tại sao nước ta lại ăn thịt chó trong khi vẫn nuôi chúng.

8. Thịt chuột: Hiện nay thịt chuột đã không còn xa lạ với ẩm thực Việt Nam và một số nước trên thế giới. Chuột làm thịt có thể là chuột đồng, thậm chí là chuột chù.

Tuy nhiên nhiều quốc gia phương Tây lại cho rằng chuột là một con vật gặm nhấm đáng sợ, chui rúc ở những nơi bẩn thỉu và họ sẽ không dám ăn món ăn làm từ chúng.

9. Thịt mèo: Thịt mèo cũng rất được được một số người dân tại các tỉnh miền Bắc ưa thích, nhất là vùng Thái Bình. Họ tôn vinh thịt mèo là "tiểu hổ".

Cũng giống thịt chó, thịt mèo là món ăn mà người nước ngoài tối kỵ. Họ xem việc này như một hành động dã man, kém văn minh.

10. Thịt rắn: Nói đến thịt rắn thì phải nói đến rắn Lệ Mật. Hiện làng Lệ Mật có trên dưới 10 gia đình làm đặc sản rắn gia truyền, tới đây khách được tự chọn các loại rắn như: hổ mang chúa, hổ mang bành, cạp nong, cạp nia… Và cũng có rất nhiều món ăn làm từ rắn như: rắn tẩm bột, rắn nhồi thịt, chả rắn… Thịt rắn được có chứa nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể và chữa được nhiều loại bệnh.

Có nhiều nước cho rằng nhiều con rắn có độc và rất nguy hiểm, họ không cho rằng đây sẽ là món ăn họ ăn được.


Ngân Hàng bán ra 10 tấn vàng để ổn định thị trường


Giao dịch mua bán vàng trên thị trường Việt Nam đã trở lại bình thường, sau khi 5 ngân hàng và Tổng công ty vàng bạc đá qúi SJC bán ra khoảng 10 tấn vàng trong vòng một tuần kể từ ngày 6/10.

Theo Vn Express, mặc dù thị trường đã ổn định trở lại nhưng giá vàng trong nứơc vẫn cao hơn Thế giới gần 1 triệu 500 ngàn đồng một lượng. Mức kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước là giá vàng Việt Nam chỉ cao hơn giá Thế giới khoảng 400.000đ một lượng tính theo tỷ giá USD niêm yết chính thức. Vào trưa nay, giá vàng ở các ngân hàng ở mức 43 triệu 550 ngàn tới 43 triệu 850 ngàn một lượng.
Theo các giới chức ngành ngân hàng, hiện nay nguồn cung cấp vàng cho thị trường dồi dào hơn, chủ yếu là vàng thương phẩm có sẵn trong kho và không phải nhập khẩu.  

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Vi phạm quản lý biển có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng


Trong tương lai, vi phạm quản lý vùng biển và thềm lục địa có thể bị xử phạt tối đa là 2 tỷ đồng.

Hôm 12/10 chính phủ Việt Nam đã đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật về xử lý vi phạm hành chính với các mức phạt tăng nhiều hơn trước.

Theo tin trong nước, các lĩnh vực khác như quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử, quản lý rừng, lâm sản, tiền tệ và ngân hàng, tín dụng, chứng khoán và thị trường chứng khoán, tài nguyên nước, dầu khí và các khoáng sản khác, bảo vệ môi trường đất đai cũng  có thể bị xử phạt tối đa 2 tỷ đồng nếu có vi phạm.  

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


Chuyện hai ông lớn Hoa du và Ấn du cùng lúc


2011-10-12

Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công du Trung Quốc và Ấn Độ cùng một thời điểm.

AFP photo

Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Manmmohan Singh khi ông sang thăm New Delhi vào ngày 12 Tháng 10 năm 2011.

Quan hệ cân bằng với hai nước

Những thông tin, thời sự này đang gây chú ý đặc biệt trong dư luận có ý nghĩa ra sao, vì có liên quan đến hai đại cường đông dân nhất thế giới, và Việt Nam được xem là có vị trí chiến lược bén nhạy tại vùng Đông Nam Á. Đỗ Hiếu có cuộc trao đổi với Tiến Sĩ Ngô Vĩnh Long, giáo sư phụ trách môn Lịch sử Châu Á, tại đại học Maine, Hoa Kỳ. 

Đỗ Hiếu: Thưa Giáo sư, mấy hôm nay tin tức qua báo chí trong nước đều nói tới chuyến đi rất quan trọng và đặc biệt của Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc. Theo đó thì hai bên ký kết sáu văn kiện hợp tác, và cũng có đặt vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông. Giáo sư có ý kiến gì về chuyến đi này?

GS Ngô Vĩnh Long: Qua chuyến đi này, trước hết ông Nguyễn Phú Trọng cần phải làm sao cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đỡ nóng lên, bởi vì trong vòng hai, ba năm qua thì Trung Quốc lấn lướt quá nhiều đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng muốn tỏ ra là mềm dẻo với Bắc Kinh, như họ xác định là lấy quan hệ hai nước làm trọng, theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" tức là 16 Chữ Vàng. Theo tôi thì, Việt Nam muốn trong lúc này làm sao mà hạ nhiệt một tí.

Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, cũng liên quan đến thời cuộc đang được dư luận chú ý, đó là chuyến đi của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân viếng thăm chính thức New Delhi, hai chuyến đi này có liên quan với nhau không? 

GS Ngô Vĩnh Long: Thật ra cái quan hệ với Ấn Độ rất quan trọng bởi vì như vấn đề tranh chấp ở Biển Đông chẳng hạn cũng dính liền với Ấn Độ Dương, mà Trung Quốc cũng gây gổ rất nhiều với Ấn Độ. Gần đây, Ấn Độ sang thăm dò dầu khí với Việt Nam thì bị Trung Quốc lập tức hăm he, thành ra vấn đề lãnh đạo Việt Nam sang Ấn Độ, cho biết là Việt Nam đang đi dây, nhưng không những đi dây giữa Ấn Độ với Trung Quốc mà còn với các nước Đông Nam Á và với Mỹ, Nhật nữa.

Trong tình hình mà Trung Quốc đang hăm he Ấn Độ mà Việt Nam lại muốn có quan hệ tốt với Ấn Độ thì lẽ dĩ nhiên, phía Việt Nam phải chứng minh rằng, mình có thể cân bằng được giữa hai đối thủ này trong khu vực Á Châu, thành ra, hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang, mỗi người sang thăm một nước để cho thấy quan hệ cân bằng, không thể chỉ có một người đi Trung Quốc thôi."

Đỗ Hiếu: Thưa Tiến sĩ, trở lại với chuyến công du Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam, báo chí trong nước có nói là giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng, xung quanh chuyện tranh chấp Biển Đông, và vì lợi ích nhân dân hai nước, vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết. Giáo sư có nhận định ra sao?

Trong tình hình mà Trung Quốc đang hăm he Ấn Độ mà Việt Nam lại muốn có quan hệ tốt với Ấn Độ thì lẽ dĩ nhiên, phía Việt Nam phải chứng minh rằng, mình có thể cân bằng được giữa hai đối thủ này trong khu vực Á Châu. 

GS Ngô Vĩnh Long

GS Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ là Việt Nam phải tiếp tục tranh thủ thôi, đây là một nước cờ đầu, cái quan trọng trong chuyến đi này, lãnh đạo Việt Nam nói rằng bên Trung Quốc cần phải căn cứ vào chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hiệp Quốc và luật biển năm 1982. 

Tất nhiên là hai bên cần dựa vào luật pháp này để cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp lâu dài cho tranh chấp giữa đôi bên. Tôi nghĩ đó là một bước nhượng bộ Trung Quốc, đây cũng là một căn cứ và nguyên tắc để Việt Nam tranh thủ về lâu về dài, nhưng Việt Nam không nên dựa vào vấn đề giải quyết song phương, một khi đã nói đến công ước quốc tế thì Việt Nam phải dựa vào những nước khác trong và ngoài khu vực, chứ không thể chỉ hai bên (Việt Nam, Trung Quốc) nói chuyện với nhau, nếu gặp nhau song phương, thế nào Trung Quốc cũng sẽ ép Việt Nam. Chuyến đi của ông Trương Tấn Sang sang thăm Ấn Độ là để lấy sự ủng hộ của nước thứ ba.

Cần quốc tế hóa vấn đề biển Đông

000_Hkg5312144-200.jpg
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Quốc vụ viện TQ Đới Bỉnh Quốc gặp nhau tại Hà Nội hôm 07/9/2011. AFP
Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, ông vừa mới nói tới chủ trương đi dây của Việt Nam, theo kinh nghiệm nghiên cứu về lịch sử Á Đông, việc nhà lãnh đạo đảng và nhà nước, một bên đi Bắc Kinh, một bên đi New Delhi, thì quan hệ giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam sẽ phát triển hay là gặp ít nhiều trở ngại?

GS Ngô Vĩnh Long: Đây là tùy theo bản lãnh của giới lãnh đạo Việt Nam, như tôi nói lúc nãy, thật ra đây không phải chỉ là vấn đề giữa Ấn Độ với Trung Quốc, mà Việt Nam cần phải vận động sự ủng hộ của các nước trong khu vực, các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có dính líu tới vấn đề Biển Đông, ngoài ra còn cần sự ủng hộ của Mỹ, là một cường quốc cộng sinh với Trung Quốc, vì Bắc Kinh đang nhờ Mỹ rất nhiều, nhưng lại muốn lấn Mỹ, nhưng nếu không có sự can thiệp của Mỹ trong khu vực, thì Trung Quốc không những lấn Mỹ, mà còn lấn các nước khác nữa. Đây không phải là chuyện chỉ đi dây giữa hai nước, mà Việt Nam cần vận động nhiều nước khác trên thế giới, tất nhiên là quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. 

Trong tạm thời, việc phái hai ông Chủ tịch nước và lãnh đạo Đảng sang thăm hai nước lớn như vậy, tôi nghĩ là tốt thôi. Đây là tiến trình tìm kiếm giải pháp, nếu căn cứ vào những ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, cứ theo đó mà làm thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Đỗ Hiếu: Giáo sư vừa mới nói đến một sự tìm kiếm, với một thái độ khôn khéo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, trở lại chuyện thời cuộc ở Việt Nam được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm, đó là các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh, ở Hà Nội và Saigon, tại Hà Nội thì liên tục suốt mười mấy tuần lễ, chuyến đi này của ông Trọng có dính dấp ít nhiều gì tới vấn đề đi biểu tình rồi ngưng biểu tình, sang đó để xoa dịu hay tìm lại sự nồng ấm giữa Hà Nội với Bắc Kinh không?

GS Ngô Vĩnh Long: Trước hết là chánh phủ Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc rất lớn trong việc hạn chế biểu tình ở Việt Nam, thật  ra nếu chánh phủ Việt Nam không hạn chế biểu tình thì đã có hàng ngàn người đi biểu tình chứ không phải chỉ vài trăm người đâu. Hạn chế biểu tình là để cho Trung Quốc biết là đã nhượng bộ lắm, nhưng khi nhượng bộ Bắc Kinh như vậy, thì chánh phủ Việt Nam mất lòng dân, khi mất lòng dân thì tính chính danh sẽ yếu đi.

Đây không phải là chuyện chỉ đi dây giữa hai nước, mà Việt Nam cần vận động nhiều nước khác trên thế giới, tất nhiên là quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.

GS Ngô Vĩnh Long

Thành ra chuyến sang Trung Quốc lần này (của ông Trọng), cũng cho họ biết rằng, chúng tôi đã nhượng bộ các anh nhiều rồi, theo tôi, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có bản lĩnh thì cần nói rằng, các anh không nên làm quá, bởi vì làm vậy sẽ khó cho chúng tôi, nên nỗ lực tăng cường sự hợp tác giữa đôi bên, tìm kiếm cách giải quyết tranh chấp không những trên Biển Đông thôi, mà còn trên các lãnh vực khác, để Việt Nam được ổn dịnh, bởi vì nếu Việt Nam không ổn định thì Trung Quốc cũng sẽ không ổn định.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay về vấn đề thời sự Châu Á.