Trước thông tin Đài Loan phát hiện trà sữa trân châu chứa lượng lớn a-xít maleic gây hại thận, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (ĐH Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: Thỉnh thoảng tiêu thụ một lượng nhỏ a-xít maleic vào cơ thể không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa: TL
|
Chúng chỉ gây suy thận nặng nếu tiêu thụ lượng lớn a-xít maleic trong thời gian dài. Điều lo ngại là tại Việt Nam, nguyên liệu làm trà sữa trân châu chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch, không được qua kiểm tra của ngành y tế.
20.000đ/kg trân châu
Mới đây, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Đài Loan (FDA) vừa phát hiện trà sữa trân châu mang thương hiệu Sunright và hàng loạt các loại thực phẩm khác chứa lượng lớn a-xít maleic độc hại, chất này vào cơ thể có thể gây suy thận nặng. Singapore đã thông báo về tác hại của hạt trân châu Sunright cho hệ thống cửa hàng tại địa phương để các cơ sở này ngưng bán và thu hồi sản phẩm.
Trước đó, CHLB Đức từng lên tiếng cảnh báo nhiều hóa chất độc hại thuộc loại PCB (polychlorinated biphenyls), vốn là một trong 12 loại hóa chất độc hại nguy hiểm nhất cần loại bỏ trên toàn cầu vào năm 2025 theo Công ước Liên Hợp Quốc có trong hạt trân châu trà sủi bọt cũng xuất xứ từ Đài Loan.
Chia sẻ về thông tin này, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (ĐH Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: “A-xít maleic là chất vẫn được sử dụng trong thực phẩm. Thỉnh thoảng tiêu thụ một lượng nhỏ a-xít maleic có thể không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Phải tiêu thụ lượng lớn a-xít maleic trong thời gian dài có thể gây suy thận nặng. Còn hóa chất PCB rất độc, khó phân hủy. PCB đã được chứng minh là gây ra ung thư ở động vật. Ở người, hóa chất này cũng sẽ gây ra ung thư” - PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
PGS.TS Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm (Hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam) cũng khuyến cáo: Ngoài những sản phẩm nước uống đóng chai có ghi rõ thành phần, nhãn mác, cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng không nên dùng những sản phẩm không ghi nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, có những loại hóa chất độc hại không có phản ứng ngay mà phải cần một thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng.
Cẩn trọng khi cho trẻ ăn
Theo ghi nhận của PV: Tại chợ đầu mối Đồng Xuân - Hà Nội, các cửa hàng tạp hóa, hạt trân châu được bày bán khá nhiều với đủ chủng loại, màu sắc như: Trắng, nâu, tím, đỏ, hồng. Nhiều chủ hàng cho biết, ngoài một, hai hãng sản xuất hạt trân châu của Việt Nam có nhãn mác và hạn sử dụng rõ ràng, phần lớn hạt trân châu trên thị trường xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc.
Người kinh doanh vẫn chuộng hạt trân châu sản xuất của Trung Quốc bởi sản phẩm này dẻo, bóng đẹp và bắt mắt, giá thành lại rẻ chỉ khoảng 20.000 đồng/kg tùy loại. Đáng lưu ý là phần lớn chúng đều được đóng trong các bịch ni lông lớn, không có nhãn mác, thành phần, xuất xứ… Cùng với đó, các loại sữa để dùng pha hạt trân châu cũng hầu hết là sữa bột cân đóng gói, không có nhãn mác giá bán chỉ 80.000 -100.000/kg. Các chuyên gia khuyến cáo: Vì lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng một lượng kem béo lớn khi chế biến trà sữa. Nhưng thành phần chủ yếu của kem là dầu thực vật hydro hóa, là một loại a-xít béo chuyển hóa. Khi dung nạp nhiều, trong một thời gian dài sẽ gây ra các bệnh như tim mạch, ung thư và ảnh hưởng đến sinh sản.
Không chỉ tiềm ẩn những nguy hại từ thành phần độc hại, hạt trân châu cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hóc chết người nếu dùng không đúng cách. Trẻ nhỏ thường thích dùng ống hút để hút những hạt trân châu đen tròn trơn bóng. Song đã có trường hợp trẻ nhập viện, thậm chí tử vong do bị hóc thạch, hạt trân châu vì không cấp cứu kịp thời. Do vậy, cha mẹ cần cẩn trọng khi cho trẻ ăn sản phẩm này.
Hà My