THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 September 2011

18/9/2011 Thanh niên yêu nước Sài Gòn sáng tạo biểu tình thầm lặng trong mưa.




Danlambao - Các bạn ấy đã hòa nhập với hơn 7000 người trong lần xuống đường yêu nước lần thứ nhất. Các bạn ấy đã có những buổi biểu tình ngồi thầm lặng vào những chiều chủ nhật sau đó. Chiều hôm nay, Chủ nhật 18 tháng 9, 2011 khi thành phố còn đang đắm chìm trong cơn mưa sa của hiểm họa bành trướng Bắc triều, các bạn ấy đã xuống đường biểu tình thầm lặng trong cơn mưa. Lúc ấy là 5 giờ chiều.

Yêu nước là một nghĩa vụ, nhưng thể hiện lòng yêu nước bây giờ là một thử thách gian nan. Khi ngọn lửa yêu nước bị trấn áp bởi bão dữ thì một que diêm thắp lên trong đêm tối đã trở thành một khát vọng. Với khát vọng ấy, những người thành niên yêu nước Sài Gòn đã "dậy mà đi". Dậy mà đi cho khát vọng yêu nước của chính họ. Đoàn của họ chỉ 15 người. 15 trái tim Việt Nam giữa cơn mưa mùa thu Sài Gòn.



Xuất phát

Sáng tạo, khôn ngoan, không vội vàng, đường còn dài phải bắt đầu bằng những bước nhỏ là châm ngôn của các bạn. Những con đường đã được suy nghĩ và quyết định. Nó phải là những trục đường chính. Những chiếc áo mưa đã được chọn với nhiều màu sắc và trên đó những thông điệp bảo vệ đất nước đã được in sẵn. Những lần trao đổi, trò chuyện, chuẩn bị đã xong.

Khởi hành từ Thanh Đa sang Điện Biên Phủ, con đường mang tên vùng trận địa và chiến thắng hào hùng của lịch sử. Những người lính đã chết trên chiến hào, những hồn thiêng của Tổ Quốc chắc sẽ phải mỉm cười vì những hy sinh của họ đã được khắc ghi bằng sự tiếp nối dũng cảm của ý chí bảo vệ đất nước của thế hệ đàn em.

Vừa diễu hành, vừa phát áo cho người dân đi đường

Họ băng ngang qua Nguyễn Đình Chiểu, rẽ qua đường Bà Huyện Thanh Quan. Con đường trong mưa như bừng sáng lên bởi những chiếc áo mưa nhiều màu sắc mang tính sáng tạo của họ. Với logo No-U, với hàng chữ "XÓA ĐƯỜNG LƯỠI BÒ, BẢO VỆ TỔ QUỐC" các bạn thanh niên Sài Gòn đội mưa trong giá lạnh để mà yêu nước. Thỉnh thoảng, họ dừng lại và hô vang khẩu hiệu yêu nước. Một số người đi đường theo họ hỏi thăm về ý nghĩa của logo và khẩu hiệu. Có người nhìn họ bằng con mắt thương yêu. Có người nắm tay họ bằng sự xúc động. Có người vỗ vai họ như muốn gửi gắm nhiều điều.



Trời mưa rất lớn, rất lạnh. Nhưng các bạn kể lại rằng ai cũng đốt cháy cảm xúc khi hô thật to các khẩu hiệu bảo vệ Tổ Quốc. Có nhiều bạn đã ướt lệ cùng mưa khi hô lên những lời yêu nước, những lời hô đã bị tự nén kín trong những lần lặng lẽ biểu tình ngồi, khi chung quanh là những chiếc áo màu xanh và những đôi mắt cú. Cùng nhau họ phóng xe, giữa cơn mưa, ở những đoạn đông đúc người và xe cộ, họ hô to cảm xúc của mình trên đường phố Sài Gòn.

Đi qua lãnh sự quán Trung Quốc (Những hàng rào chắn vẫn còn để lại như đe dọa)

Đến nhà thờ Đức Bà...

Tiếng hô yêu nước sang đến đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai thì ngừng lại. Mọi người thầm lặng di chuyển. Bên kia đường là Lãnh sự quán của kẻ lạ. Có những công an Việt Nam canh gác cho họ an lành trong giấc mộng bá quyền.

Cuối cùng, 15 thanh niên Sài Gòn lặng lẽ dừng lại trước nhà thờ Đức Bà. Tượng Đức Mẹ vẫn còn ướt mưa. 8 giờ 30, trời đã tối. Họ nhìn nhau và lặng lẽ chia tay, lặng lẽ hẹn nhau và ánh mắt gặp nhau trên con đường yêu nước.


danlambaovn.blogspot.com
danbaovn.blogspot.com

Thương hiệu Nước Mắm Phú Quốc lại bị TQ âm mưu chiếm đoạt


Ngày hôm qua công ty Bross & Partners một lần nữa lên tiếng rằng công ty này vừa phát hiện một vụ chiếm đoạt vị trí địa lý thương hiệu Việt Nam của thương giới Trung Quốc sau khi cà phê Buôn Mê Thuột bị Trung Quốc đăng ký là của nước này vào năm ngoái.

Lần này nạn nhân là nước mắm Phú Quốc của Việt Nam. Theo luật sư Lê Quang Vinh giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ của công ty luật Bross & Partners cho biết một công ty tại Hongkong mang tên Viet Huong Trading Company Limited, đã cố tình đăng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc trên nhãn hiệu của công ty này đăng ký tại Trung Quốc theo số 9448516.

Số đăng ký này nằm trong nhóm 30 loại thực phẩm có chứa sản phẩm nước mắm.

Việc công ty Viet Huong lấy tên gọi bằng ngôn ngữ Việt Nam và đăng ký nhãn hiệu bảo hộ độc quyền với chính phủ Trung Quốc sẽ làm thiệt hại uy tín lẫn quyền lợi của nước mắm Phú Quốc.

Sau bài học cà phê Buôn Mê Thuột bị đăng ký địa lý sai lạc đang làm nhiều công ty cà phê của Việt Nam lo lắng nay đến phiên nước mắm Phú Quốc.

Theo luật sư Lê Quang Vinh cho biết nếu Việt Nam không nhanh chóng làm mọi cách để lấy lại vị trí địa lý của mình, một khi thương hiệu Viet Huong được cấp phép thì một vụ cà phê Buôn Mê Thuột tại Thương Hải khác sẽ diễn ra.

Thứ trưởng bộ Y tế khai man học vị Tiến sĩ


Báo chí trong nước đưa tin công an xác định thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã khai man bằng cấp của mình và xác nhận ông Quang chưa đạt học vị tiến sĩ tại đại học Uppsala Thụy Điển.

Cục an ninh chính trị nội bộ còn được gọi là A38 thuộc tổng cục an ninh II vừa công bố kết quả điều tra về sự thật văn bằng tiến sĩ của ông Cao Minh Quang. Theo đó A 38 xác định ông Quang chỉ được cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học dược phẩm tự nhiên từ đại học Uppsala chứ không phải là văn bằng như ông Quang khai trước đó.

Theo một viên chức lãnh đạo trong Ban tổ chức trung ương đảng thì ông Cao Minh Quang có khả năng sẽ bị kỷ luật cao vì trước đây ông đã từng bị kỷ luật với mức cảnh cáo.

Ông Cao Quang Minh trước đây là Cục trưởng cục Quản lý dược hiện được bổ nhiệm vào chức Thứ trưởng Bộ y tế. Điều đáng nói là trong tất cả giấy tờ do ông ký hay trên danh thiếp ông Quang đều ghi học vị tiến sĩ sau chức danh.

Cuối năm 2009 ông này từng bị Ủy ban kiểm tra trung ương đảng kỷ luật cảnh cáo nhưng ông vẫn tại vị cho đến hôm nay.

Thêm một thanh niên tố cáo bị dân phòng đánh trọng thương


Theo báo Dân Trí hôm nay loan tin, anh Nguyễn Hữu Thắng một cư dân tỉnh Bình Dương đang nằm viện trong cơn nguy kịch. Bác sĩ cho biết anh bị đa chấn thương và suy thận.

Nguyên nhân dẫn đến các vết thương nặng nề trên người anh Thắng được gia đình anh kể lại, anh cùng với năm người bạn ngồi nhậu tại thị xã Thuận An, Bình Dương thì có chuyện gây gỗ với một nhóm thanh niên khác.

Cả hai nhóm này sau đó bị dân phòng mời về trụ sở làm việc. Sáng hôm sau thì nhóm của anh Thắng bị đưa tiếp sang công an phường Bình Hòa rồi mới được thả về.

Về tới nhà thì anh Thắng ngất xỉu, cả người thâm tím in rõ những lằn gậy trên cơ thể. Người nhà anh Thắng chở vào bệnh viện và khi tỉnh dậy anh cho biết đã bị dân phòng đánh khi tạm giữ tại trụ sở.

Ông Võ Văn Châu bí thư đảng ủy của phường Bình Hòa, nơi tạm giữ anh Thắng cho rằng có thể do dân phòng nóng nảy thiếu kiềm chế nên xảy ra sự việc.

Trong những lúc gần đây tình trạng dân phòng dựa vào công an đánh đập người dân bị giữ trong trụ sở đã nhiều đến mức báo động. Tuy nhiên thay vì đưa các người vi phạm ra trước pháp luật thì các UBND lại có dấu hiệu bao che, ngăn cản thực thi luật pháp qua các đơn thưa của gia đình nạn nhân.

TQ khống chế VN trên lĩnh vực kinh tế


2011-09-18

Sách lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát chặt chẽ Việt Nam trong ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá là khá lộ liễu.

AFP photo

Khách du lịch Trung Quốc đi bộ ở tiền sảnh Silver Shores International Resort tại Đà Nẵng hôm 15/2/2011.

Những yếu tố khách quan cho thấy họ đã ngấm ngầm khống chế Việt Nam từ nhiều năm trước và nay là thời điểm Bắc kinh giở con bài tẩy của mình để đối phương thấy tham vọng của họ đối với cả khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Mặc Lâm tổng hợp các sự kiện quan trọng trong ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá mà Trung Quốc đã và đang ra tay rất hiệu quả tại Việt Nam. Bài đầu tiên nói về kinh tế cùng những mánh khoé mà Trung Quốc đã áp dụng bấy lâu. 

Tràn ngập hàng Trung Quốc

Nếu có dịp về vùng biên giới phía Bắc một lần du khách sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi khi tiếp xúc với các chợ biên giới tại vùng cửa khẩu Tân Thanh. Hình ảnh các chuyến hàng xuất phát từ biên giới phía bắc chạy nườm nượp sang Việt Nam mà không đóng bất cứ khoản thuế nào khi nhập cảnh là câu hỏi đầu tiên về chính sách tiểu ngạch đã từ lâu như một lỗ hổng khó thấy hậu quả tại các vùng biên giới.

Cửa khẩu Tân Thanh thật ra quá nhỏ nếu so với những trang thiết bị mà doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm chạy sang Trung Quốc lục lọi để mua về lắp ráp vào các nhà máy thủ công của mình, thì con số lại càng đáng lo hơn. Chỉ riêng năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ trong đó nhập siêu lên đến gần 13 tỷ đô la. Số lượng máy móc đã qua sử dụng được nhập từ Trung Quốc lên đến gần 3 tỷ và các sản phẩm nguyên liệu chiếm hầu hết trong tổng số nhập siêu của năm 2010. 

Theo nguyên tắc thương trường thì sản phẩm nào đạt yêu cầu với giá thành hạ thì sản phẩm đó được ưa chuộng. Tuy nhiên với Trung Quốc, chính sách bán hàng cực rẻ bất cần tiêu chuẩn chất lượng, hay chất lượng được phù phép thành cao đã được áp dụng triệt để. Giá càng rẻ thì chất lượng sản phẩm càng ít nhưng những doanh nhân ham lợi nhuận trước mắt sẽ mắc vào tấm lưới vô hình này.

Nhập siêu gấp đôi trong giao dịch với Trung Quốc đang là mối họa khôn lường trước mắt đối với nền kinh tế Việt Nam. Những sản phẩm mà Việt Nam gia công chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc do đó cái thòng lọng mà Việt Nam tự thắt vào cổ mình đang được điều khiển từ bên kia biên giới. Chỉ cần giá nguyên liệu tăng thêm 10 hay 15% là công nhân Việt Nam hết đường sống. Các khu công nghiệp gia công kể như đóng cửa và sự chao đảo kinh tế lập tức xảy ra.

TS Lê Đăng Doanh nguyên tư vấn cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, cũng là người đã lên tiếng cảnh báo mối họa Trung Quốc từ những năm đầu thập niên 90 nay vẫn cho rằng mối họa đó chẳng những không dứt mà có cơ tăng thêm bởi các dấu hiệu lệ thuộc kinh tế ngày càng sâu hơn với Trung Quốc, ông cho biết:

Nếu trong những năm 2000-2001 quan hệ thương mại giữa hai bên là cân bằng thì từ năm 2005 trở đi nhập siêu ngày càng tăng lên và đến bây giờ thì nhập siêu của Trung Quốc lớn nhất mà Việt Nam chịu trong quan hệ thương mại song phương.

TS Lê Đăng Doanh

"Tình hình nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng. Nếu trong những năm 2000-2001 quan hệ thương mại giữa hai bên là cân bằng thì từ năm 2005 trở đi nhập siêu ngày càng tăng lên và đến bây giờ thì nhập siêu của Trung Quốc lớn nhất mà Việt Nam chịu trong quan hệ thương mại song phương. Ngoài khía cạnh nhập siêu về mặt số lượng thì nhập siêu về mặt chất lượng kết cấu của mặt hàng cũng rất là nghiêm trọng.

Quan hệ thuơng mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thuỷ sản, các nguyên liệu thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm máy móc về. Điển hình là Việt Nam xuất cao su sang Trung Quốc rồi nhập vỏ và ruột xe. Tình hình này không những làm các nhà chuyên môn mà trong đông đảo nhân dân rất lấy làm lo ngại."

Phá hoại về tài chánh

Người dân hàng ngày ra chợ đều thấy hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Từ một vật nhỏ nhất như cây đinh, sợi dây buộc đồ tới những vật thông dụng trong gia đình như hàng kim khí điện máy, sản phẩm trong nhà bếp, nhà tắm phòng ăn...tất cả đều là hàng Trung Quốc.

000_Hkg2105338-250.jpg
Một cửa hàng bán hàng gia dụng TQ tại cửa khẩu Tân Thanh. AFP photo
Không dừng lại ở đó, rau quả thịt thà và hàng ngàn loại thực phẩm khác đều đến từ Trung Quốc. Một xứ sở nghèo như Việt Nam mà lại không cung cấp nổi cho dân chúng của mình các loại hàng hóa tự cấp trong nước thì thử hỏi nền kinh tế ấy dựa vào đâu để phát triển?
Nếu chỉ do tính toán lợi nhuận kinh tế thì Trung Quốc cũng sẽ như các nước tư bản khác, khai thác tối đa việc xuất khẩu là mũi nhọn tiến lên con đường phát triển. Tuy nhiên Trung Quốc còn lợi dụng vị thế của mình để thực hiện những đòn phép khác phá hoại kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc hơn vào họ. 

Những câu chuyện liên tiếp xảy ra từ việc mua móng trâu bò còn sống để triệt tiêu sức sản xuất cho đến phá hoại danh tiếng sản phẩm Việt Nam bằng nhiều cách trong đó có việc bỏ tiền ra yêu cầu nông dân Việt Nam tự tay hủy diệt sản phẩm của mình. Qua lời kể của TS Lê Đăng Doanh người Việt có thể vỡ lẽ ra tại sao Trung Quốc  lại chủ trương như thế:

"Một điều hiển nhiên được chứng minh nhiều lần là việc tiền giả được in từ Trung Quốc mang vào Việt Nam và chúng ta rất nhiều lần lên tiếng với Trung Quốc nhưng cho đến nay mọi sự vẫn tiếp diễn. Hai nữa là việc thương nhân Trung Quốc thu mua móng trâu bò ở các tỉnh biên giới. Móng được mua rồi thì trâu bò không còn cày bừa được nữa. 

Họ còn mua rễ các cây thuốc và vừa rồi thương nhân Trung Quốc mua giá cao các loại chè của Việt Nam sau đó yêu cầu người nông dân Việt Nam cho thêm bùn và dầu nhớt vào chè. Số chè này mang về Trung Quốc và họ tập trung lại và công bố rằng chè của Việt Nam bẩn, không sử dụng được và họ tổ chức một buổi tiêu huỷ rầm rộ lá chè mua từ Việt Nam về."

Trung Quốc đang bỏ tiền ra rất nhiều để khống chế kinh tế Việt Nam dưới nhiều hình thức, trúng những gói thầu giá rẻ chẳng hạn. Nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng với giá thành trúng thầu như thế các công ty thắng thầu của Trung Quốc không thể có lời nếu không được tài trợ kín từ chính phủ Trung Quốc. Hơn 90% các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đều được giao cho nhà thầu Trung Quốc. Có dự án Trung Quốc bỏ tiền cho vay hơn 80% với lãi suất rất rẻ. Miếng mồi lãi suất này bây giờ là một nguồn lợi to lớn nhưng khi có việc xảy ra thì liệu cái lợi này có đáng hay không. Một vụ nổ nhà máy điện hàng loạt nếu xảy ra chiến tranh chẳng hạn?

Một điều hiển nhiên được chứng minh nhiều lần là việc tiền giả được in từ Trung Quốc mang vào Việt Nam và chúng ta rất nhiều lần lên tiếng với Trung Quốc nhưng cho đến nay mọi sự vẫn tiếp diễn.

TS Lê Đăng Doanh

Chuyên gia tư vấn tài chánh Bùi Kiến Thành cho biết nhận xét của ông về vấn đề này:

"Hiện giờ Trung Quốc có lợi thế là có thể cho vay dài hạn với lợi suất tương đối thấp nhưng cuối cùng chúng ta nhận công trình trở lại với chất lượng thấp thì vấn đề tài chính như thế chắc gì có lợi cho Việt Nam. Đây là vấn đề mà các lãnh đạo của Việt Nam cần phải tính toán lại."

Hầu hết tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cho tới nay đều nằm trong tay thương nhân Trung Quốc. Từ than đến khoáng sản, bauxite mọi thứ quý giá đều bán sang Trung Quốc với giá rẻ tương đương như họ bán hàng sang Việt Nam. Tuy nhiên hàng Việt Nam thì không cần phải xem xét vì nó là nguyên liệu thô, còn Trung Quốc xuất sang Việt Nam máy móc đã qua sử dụng có nghĩa là chất lượng rất đáng bàn cãi. 

Đăng ký độc quyền thương hiệu VN

Mới đây Bộ Kế Hoạch Đầu tư vừa ra một văn bản cho biết chính Trung Quốc đã loại khỏi danh mục hơn 2.500 loại máy móc không được sử dụng trong nước, và một điều chắc chắn rằng doanh nhân Việt Nam sẽ đánh hơi món nào trong 2.500 thứ bị cấm ấy còn xài được thì họ lại lập tức chạy sang Trung Quốc mang về.

034_898537-250.jpg
Một phụ nữ Việt với gánh hàng rong toàn hàng Trung Quốc. Nonstopphoto
Tầm vĩ mô thì như thế còn ở các hoạt động thấp hơn thì sao? Câu trả lời là chưa bao giờ Trung Quốc ngừng tấn công Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế.

Các kinh nghiệm về mua bán với Trung Quốc vẫn làm cho nông dân Việt Nam kinh hãi. Mới đây nhất là hàng ngàn mẫu sắn tại huyện Hương hóa bị thương lái Trung Quốc lừa người dân trồng rồi bỏ chạy về nước. Tại Bình Thuận với hàng ngàn héc ta thanh long phải cho bò ăn thay cỏ.

Thâm độc hơn, Trung Quốc còn khuyến khích thương nhân nước họ ăn trộm địa lý thương hiệu của Việt Nam rồi đăng ký chỉ dẫn địa lý làm của riêng họ. 

Một doanh nghiệp ở Quảng Đông Trung Quốc đã đăng ký độc quyền trong 10 năm 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, mặc dầu đây là chỉ dẫn địa lý mà Tỉnh Đắc Lắc được bảo hộ quốc gia từ năm 2005. Sau vụ cà phê Buôn Mê Thuột là nứơc mắm Việt Hương tại Hongkong đăng ký thương hiệu Phú Quốc cho thấy các bước tiến phá hoại sản phẩm Việt Nam được Trung Quốc thực hiện hết sức nghiêm túc và hiệu quả. 

Luật sư Lê Quang Vinh đặc trách bộ phận sở hữu trí tuệ của công ty Bross & Partner cho biết sự vi phạm của Trung Quốc xét về mặt lý thuyết như sau:

"Vấn đề ở đây là hành vi đăng ký như thế dưới góc độ thương mại mà nói thì đấy là hành vi xấu người ta hay gọi là "Bad faith" (Không trung thực, gian trá). Tức là người ta lợi dụng qui định của pháp luật Trung Quốc về xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong đó có quyền đối với nhãn hiệu để nộp đơn đăng ký."

Vấn đề ở đây là hành vi đăng ký như thế dưới góc độ thương mại mà nói thì đấy là hành vi xấu người ta hay gọi là "Bad faith" (Không trung thực, gian trá). 

Luật sư Lê Quang Vinh

Chính sách của các nước phương Tây là luôn giúp cho những nước nghèo bằng các khoản viện trợ hướng nghiệp, hay giúp vay với lãi suất rất nhỏ để nâng họ lên cùng nhau phát triển. Riêng với Trung Quốc tuy được tiếng là đang nắm giữ một số lớn trái phiếu của chính phủ Mỹ và là nền kinh tế hạng nhì trên thế giới nhưng hàng năm vẫn ngửa tay nhận hơn 250 triệu Mỹ kim viện trợ từ Washington cho Bắc kinh phát triển cộng đồng! Cách nhận tiền không mấy tốt đẹp này đã bị thượng nghị sĩ Jim Webb lên tiếng đòi quốc hội Mỹ bãi bỏ khoản tiền mà người dân Mỹ đóng thuế để giúp cho ông chủ nợ Trung Quốc xấu bụng và không mấy rộng rãi.

Câu chuyện hào phóng từ nước Mỹ có giúp gì được cho kinh nghiệm nghèo khó của Việt Nam hay không?

Quý vị vừa theo dõi bài đầu tiên chủ đề kinh tế trong loạt bài "Trung Quốc khống chế Việt Nam như thế nào?" mời quý vị theo dõi tiếp phần hai với chủ đề chính trị cũng do Mặc Lâm thực hiện trong kỳ tiếp theo.

“Nhóm Ngày Chủ Nhật" kêu gọi tiếp tục biểu tình


2011-09-18

Lời kêu gọi xuống đường biểu tình chống Trung Quốc mới được đưa ra trên mạng hôm cuối tuần rồi do một nhóm mệnh danh "Nhóm Ngày Chủ Nhật". Lời kêu gọi đó được đáp trả ra sao?

AFP photo

Những poster của người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 8 năm 2011.

Do TQ tiếp tục gây hấn

Kêu gọi vừa nói nêu ra việc Trung Quốc đưa tàu cá 1000 tấn đến Trường Sa bên cạnh 500 tàu cá của nước này thường xuyên hoạt động tại khu vực Trường Sa và phản đối của Bắc Kinh trước hợp tác khai thác dầu khí giữa Hà Nội và New Dehli tại các lô 127, 128 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây được xem như là những hành động gây hấn, vi phạm mới của phía Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông.
Đó là những lý do được Nhóm Ngày Chủ Nhật đưa ra cho lời kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn trong ngày chủ nhật 18 tháng 9.

Cư dân mạng trong ngày hôm nay có thể đọc đuợc trên trang Dân Làm báo bài viết của luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm hiện đang bị quản chế, cho biết ý kiến của ông sau khi xuất hiện kêu gọi đó. Trong bài viết sau khi nêu ra những lập luận về việc đi biểu tình trước tình hình đất nước bị họa ngọai xâm ông kết luận ' Bởi vậy không có gì quan trọng hơn lúc này là chúng ta hãy thực thi quyền của một con người, quyền của một công dân, trách nhiệm của một con người, trách nhiệm của một công dân đó là đi biểu tình vào ngày mai chủ nhật 18 tháng 9 năm 2011'.

Chính bản thân luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết về yêu cầu bức thiết đó như sau:

"Bức xúc là trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán với nhau, thống nhất với nhau không có hành động làm căng thẳng trên Biển Đông thì Trung Quốc tiếp tục đưa tàu vào vùng Biển Đông của chúng ta và xâm phạm lãnh hải rất rõ ràng. Trước đây họ chỉ quanh quẩn tại Hoàng Sa, nơi mà họ đã chiếm của Việt Nam thôi. Nay họ đưa xuống Trường Sa, nơi Việt Nam vẫn có quân đội bảo vệ tại đó. Như thế xúc phạm ghê gớm đến lòng yêu nước, tự hào dân tộc của tôi cũng như của 90 triệu người dân Việt Nam. Vì bức xúc như thế nên tôi mới đưa ra lời kêu gọi đó, cũng như theo yêu cầu của bạn bè họ muốn có lời kêu gọi cho mọi người tham gia cuộc biểu tình sáng ngày hôm  nay.

Trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán với nhau, thống nhất với nhau không có hành động làm căng thẳng trên Biển Đông thì Trung Quốc tiếp tục xâm phạm lãnh hải rất rõ ràng. 

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Sau 11 cuộc biểu tình, chính quyền không muốn xảy ra nữa. Theo tôi việc đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn Việt Nam là việc biểu hiện một quyền rất căn bản của người dân. Việc chính quyền ra văn bản hạn chế quyền đó là một sai lầm. Bởi vì ngăn cản lòng yêu nước của người dân sẽ gây ra sự bức xúc, mà sự bức xúc đó ngày một lớn lên sẽ làm hại đến chính quyền ở đây.

Còn họat động ngọai giao giữa hai nước ở cấp cao họ chỉ đưa ra những lời lẽ ngọai giao mà thôi. Đáng buồn là Việt Nam rất ngây thơ và cả tin vào những lời lẽ của Trung Quốc. Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố hòa bình, hữu nghị nhưng việc làm của họ luôn ngược lại. Họ tuyển một người Việt Nam làm gián điệp cho họ để thu thập các thông tin tình báo vềkinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng để phá họai chúng ta; cũng như họ gia tăng tiềm lực quân sự, đặc biệt họ gia tăng các họat động nhắm đến Biển Đông là nơi mà phần lớn chủ quyền thuộc về Việt Nam chứ không phải thuộc về họ. Chúng ta không thể nào ngây thơ tin vào lời nói của Trung Quốc mà nhân dân Việt Nam phải có hành động của mình."

Vừa bức xúc vừa sợ

Trên mạng Dân Làm Báo có phản hồi của nhóm Nhật ký Yêu nước hưởng ứng kêu gọi biểu tình mới nhất của Nhóm Ngày Chủ Nhật.
Một người từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc từ cuối năm 2007 và trong những chủ nhật mùa hè qua là blogger Mẹ Nấm, đưa ra lý giải vì bức xúc mà những người như Nhóm Ngày chủ nhật phải ra lời kêu gọi biểu tình mới như vừa nêu:

000_Hkg5241371-250.jpg
Người biểu tình bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo
"Khó diễn tả cảm giác của người khác nhưng tôi thấy họ đang đứng giữa hai trạng thái là vừa muốn biểu lộ tình cảm mà vẫn sợ."

Nhóm Ngày Chủ Nhật trên trạng Dân Làm Báo cho biết sau khi kêu gọi được đưa ra, trong cộng đồng cư dân  mạng đã có thông tin cho nhau qua các phương tiện như chat và facebook. Không khí trên mạng về cuộc biểu tình chống Trung Quốc dự kiến vào sáng chủ nhật 18 tháng 9 được mô tả dù diễn ra ' trong âm thầm nhưng hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết.' 

Tuy nhiên, cũng từ mạng Dân Làm Báo, thông tin cho hay một số  người từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua đã nhận được lệnh miệng từ phía công an 'Cấm đi ra ngòai vào ngày Chủ Nhật!'. Tin còn cho biết có người còn bị đặt chốt gác trước nhà họ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói về điều đó đối với bản thân ông:

"Tối qua họ gọi điện thoại nói tôi không được ra ngoài đi Nhà Thờ. Sáng nay hiện có mấy công an dưới đó…"

Bản thân blogger Mẹ Nấm là người từng được công an mời đi 'uống cà phê' vào những ngày chủ nhật, cũng thừa nhận việc công an có biện pháp ngăn chặn những người dân muốn bảy tỏ ý kiến theo đúng qui định của Hiến pháp Việt Nam trước tình hình chủ quyền đất nước bị xâm lấn; tuy nhiên theo blogger Mẹ Nấm thì việc ra kêu gọi và có mặt như thông tin trên mạng là một thành công rồi:

Khó diễn tả cảm giác của người khác nhưng tôi thấy họ đang đứng giữa hai trạng thái là vừa muốn biểu lộ tình cảm mà vẫn sợ.

Blogger Mẹ Nấm

"Thực tế nếu cuộc biểu tình hôm nay dù chỉ có một người đứng ra, xuất hiện cũng là một thành công trong tình hình trấn áp rất kinh khủng như hiện nay."

Vừa qua, cơ quan chức năng Việt Nam, ngay cả giám đốc công an thành phố Hà Nội, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đều cho rằng việc biểu tình chống Trung Quốc của người dân là hành động yêu nước. Tuy vậy, nhiều người tham gia biểu tình cho biết chính quyền yêu cầu họ không tham gia biểu tình mà hãy để chính phủ lo vì biểu tình như thế gây ảnh hưởng đến quan hệ hai quốc gia. Người biểu tình thì cho rằng việc họ công khai phản đối Trung Quốc gây hấn là nhằm ủng hộ Nhà Nước, giúp cho chính quyền dễ ăn nói hơn với phía Trung Quốc trước những hành động xâm lấn và gây hấn của họ.

Nhiều người biểu tình chống Trung Quốc đã bị bắt đưa về đồn công an làm việc; thậm chí hồi ngày 21 tháng 8 vừa qua có những người bị bắt giam mấy ngày do tham gia biểu tình.

Kể từ ngày 5 tháng 6 cho đến ngày 21 tháng 8 vừa qua có tổng cộng 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào ngày chủ nhật ở Hà Nội và hai cuộc tại Sài Gòn.

Đến nay, dù tiếp tục có kêu gọi như của Nhóm Ngày Chủ Nhật mới hôm ngày 17 tháng 9, nói lên mong muốn của người dân Việt Nam ước nguyện được công khai bày tỏ phản đối của họ trước những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông; nhưng chính quyền cương quyết không để họ thực hiện được nguyện vọng mà bản thân dân chúng chứng minh là hợp hiến đó như lời mà trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam đưa ra với bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt của Trung Quốc hồi ngày 28 tháng 8 vừa qua ở Bắc Kinh; đó là kiên quyết không để xảy ra những vụ tập trung đông người ở Hà Nội như trong thời gian qua.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

18.09.2011 : Xuống đường - Lần hẹn thứ 12 của những công dân Việt Nam Yêu Nước



09:40 - Theo quan sát của CTV Danlambao, có nhiều nhóm bạn trẻ tập trung rải rác. Lực lượng an ninh, CSGT và bảo vệ trật tự dày đặc ở khu vực công viên Quách Thị Trang và trước nhà thờ Đức Bà. Tuy những người yêu nước tại SG không tập trung lại được với nhau, nhưng theo quan sát, có sự xuất hiện của Hoa hậu biểu tình Trịnh Kim Tiến (Từ Hà Nội mới vào), cùng với một số bạn trẻ khác tại khu vực nhà thờ Đức Bà sáng nay...



Hộ tống cho hoa hậu biểu tình TKT cùng các bạn thanh niên là cảnh sát cơ động 113 và lực lượng an ninh SG:
Công viên 23/9, vẫn có bạn ngồi đợi...


 09:25

Chị Bùi Thị Minh Hằng gửi tin nhắn lên facebook :

"Minh Hằng đang ở cafe 57E, Đinh Tiên Hoàng ... Bờ Hồ hôm nay chói chang nắng. An ninh, công an nhiều vô kể

- Gởi lời chào đến toàn thể các bạn - chào đồng đội và ND"

09:20

Tin cập nhật từ Hà Nội :

Theo lời nhắn của một bạn trong nhóm Ngày Chủ Nhật thì hiện tại các bạn xuống đường biểu tình rải rác khá đông, nhưng chưa tập trung lại được. 8h50 tại ngã tư Deawoo Liễu Giai, Hà Nội có 5 bạn trẻ mặc áo xanh căng biểu ngữ.

Trong khi đó CA ra lệnh cấm LS Nguyễn Văn Đài ra khỏi nhà, hiện tại trước nhà anh có 5 CA đang đóng chốt.

Anh Nguyễn Văn Phương, người đọc tuyên cáo trước nhà hát lớn đang đứng trước tượng đài Cảm tử và CA đang tìm cách xua đuổi.

09:10

Hà Nội : Theo quan sát, một số người thường xuyên tham gia biểu tình đã có mặt, nhưng vẫn chưa thể tập hợp lại được với nhau. Trong khi một số khác đã bị chốt chặn từ xa bằng nhiều cách, không thể đến được địa điểm tập trung.

Sài Gòn : Tin cho biết, một số thanh niên tập trung gần khu vực Nhà thờ Đức Bà đã bị CA chìm theo dõi. Quanh khu vực Chợ Bến Thành đều có chốt chặn do công an mật đứng gác.

 Theo tin từ AnhBaSam : Lúc 8h55′ có khoảng 5 người đang ngồi quán cà phê 57 Đinh Tiên Hoàng. Cạnh Nhà hát múa rối có Minh Hằng, Bích Phượng. TS Nguyễn Xuân Diện cùng một số người đang đi xung quanh khu vực. (Ảnh : Blog AnhBaSam)


08:45

Hà Nội : Tin cho biết, một số người tại Hà Nội đã bị CA đóng chốt trước cửa nhà. Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bao vây, cùng với lệnh miệng : Cấm ra khỏi nhà !

- Khu vực Bờ Hồ vẫn yên ắng, khá đông CA chìm nổi.

Sài Gòn : Khu vực chợ Bến Thành và Nhà thờ Đức Bà dày đặc công an, mật vụ.

***

Trước các hành động gia tăng gây hấn của Trung Quốc trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, nhóm Ngày Chủ Nhật đã phát đi lời kêu gọi xuống đường bảo vệ Tổ Quốc vào ngày chủ nhật 18/09/2011
Lời kêu gọi biểu tình phản đối TQ đã gây được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo những người yêu nước, bất chấp tình trạng CA vẫn tiếp tục gia tăng sách nhiễu.
Theo tin mới nhận, nhiều người yêu nước tại Hà Nội và Sài Gòn đều đã bị CA đe dọa, thậm chí có người bị đặt chốt trước cửa nhà, với "lệnh miệng" : Cấm đi ra ngoài vào chủ nhật !
Bắt đầu từ sáng thứ bảy,  đã có nhiều sự chuẩn bị cho cuộc xuống đường lần thứ 12. Khuya thứ bảy, những tin nhắn, những dòng chat gửi cho nhau kêu gọi xuống đường bắt đầu dồn dập... Không khí chuẩn bị diễn ra trong âm thầm, nhưng hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết.