THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 August 2013

Chuyện “ngực lép”: Đã có ban soạn thảo 34 người!

Đó là khẳng định của ông Phạm Thành Lâm, Cục phó Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo liên bộ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
 >> “Bộ GTVT không bao giờ quy định “ngực lép” không được lái xe”

Phóng viên: Thưa ông, dư luận rất băn khoăn trước các ý kiến trái chiều của đại diện Bộ Y tế và Bộ GTVT về dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe… (sau đây gọi tắt là dự thảo). Vậy ông có thể cho biết đến nay đã thành lập ban soạn thảo chưa và dự thảo ngày 7- 8 là của đơn vị nào?

Ông Phạm Thành Lâm: Năm 2008, Bộ Y tế ban hành quy định “ngực lép không được lái xe” thì đã có nhiều dư luận trái chiều. Sau đó, Bộ Tư pháp có ý kiến cho rằng văn bản pháp quy đó ban hành chưa phù hợp nên phải dừng lại.

Để tiếp tục chỉnh sửa lại quy định trên, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cùng tham gia. Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ xây dựng dự thảo và Cục Y tế GTVT chịu trách nhiệm thẩm định.

Sau khi xây dựng xong dự thảo, Tổng cục Đường bộ đã gửi xin ý kiến của các đơn vị chức năng trong Bộ GTVT như Vụ Cơ sở hạ tầng, Vụ An toàn giao thông, Vụ Pháp chế… Cuối cùng, Cục Y tế tiến hành thẩm định và sửa chữa xong dự thảo. Ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản chuyển dự thảo sang cho Bộ Y tế.

Đến ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 1573 về việc thành lập ban soạn thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Ban soạn thảo gồm 34 người, trong đó có một tổ là tổ biên tập dự thảo. Quyết định 1573 quy định rất rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận và tôi là một trong những thành viên của ban soạn thảo đó.

Quyết định thành lập ban soạn thảo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký.
Quyết định thành lập ban soạn thảo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký.

Tổ biên tập cũng đã họp để cho ý kiến về dự thảo mà Bộ GTVT xây dựng, từ đó có những chỉnh sửa cho phù hợp. Dự thảo ngày 7/8 là dự thảo của tổ biên tập, thuộc ban soạn thảo. Dự thảo này cơ bản giống với dự thảo của Bộ GTVT, chỉ điều chỉnh một vài chỉ số về chiều cao, cân nặng, lồng ngực…

Như vậy, quan điểm của Bộ GTVT cũng là phải đạt tiêu chuẩn về vòng ngực, chiều cao, cân nặng thì mới được lái xe?

Bây giờ không thể nói dự thảo của Bộ GTVT mà là của ban soạn thảo, của liên bộ rồi, có cả Bộ Công an, Hiệp hội Vận tải, bảo hiểm xã hội… cùng tham gia.

Xin cảm ơn ông.

Ngày 24/8, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định như đinh đóng cột với Pháp Luật TPHCM: “Hiện chưa thành lập ban soạn thảo thông tư thì làm gì có dự thảo nào”.

Tuy nhiên, ngày 26/8, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê xác nhận đã thành lập ban soạn thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Tuy nhiên, “hiện Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản chính thức lấy ý kiến dự thảo về những tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe”.

Về dự thảo ngày 7/8 như báo chí nêu, ông Khuê cho biết đây là cuộc họp cấp chuyên viên của Bộ Y tế và Bộ GTVT để họp bàn rút kinh nghiệm. Hiện dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, sau đó sẽ trình lên Bộ để phê duyệt và xin ý kiến rộng rãi các cấp, các ban ngành và nhân dân.

Ông Khuê cũng cho biết Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, đánh giá khoa học về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Sau khi có kết quả nghiên cứu, ban soạn thảo sẽ xem xét và tiếp tục xây dựng thông tư liên tịch theo đúng quy định.

Huy Hà

Sức cản của “ngực lép” và độ giãn của ngực bơm

Khi trao đổi với ông Lâm, chúng tôi đặt câu hỏi: Cơ sở nào để đề xuất “ngực lép” không được lái xe? Ông Lâm giải thích: Khi thảo luận thì các nhà khoa học cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải có tiêu chuẩn chứ không thể để những người “ngực lép” muốn đi xe nào cũng được. Ví dụ người “ngực lép”, cơ thể nhỏ bé thì ngay đến chuyện dắt xe lớn như xe SH thôi cũng đã khó rồi chứ nói gì đến việc vận hành. Hay trong quá trình lưu thông, nếu lồng ngực của anh quá nhỏ thì lực cản sẽ gây tức ngực, có thể ngừng tim đột ngột…

Qua thực tiễn gần đây, các chuyên gia nhận thấy người thấp bé nhẹ cân dễ gặp phải tai nạn thảm khốc hơn những người có sức khỏe. Điều này xuất phát từ những lý do sau: thứ nhất, nếu anh không có sức khỏe thì phản xạ sẽ chậm hơn những người có sức khỏe; thứ hai, khi anh không có sức khỏe thì anh sẽ chịu áp lực của ngoại cảnh mạnh hơn, ví dụ ngực nhỏ thì chịu sức gió va đập lớn hơn…

“Nhưng hiện nay vòng ngực có thể thay đổi bằng các thủ thuật thẩm mỹ, làm sao phân biệt được?”. Nghe câu hỏi này, ông Lâm khẳng định: Ý kiến đó là nhầm lẫn. Khi đo, người ta căn cứ vào chỉ số PE, tức sẽ đo lồng ngực bình thường, khi hít vào, khi thở ra và lấy chỉ số trung bình. Trong quá trình đó, nếu ba chỉ số vênh nhau thì ngực có độ giãn nở tốt. Còn lồng ngực bơm thì độ giãn nở cách nhau một tí thôi, như thế là khả năng tiếp xúc không khí kém, có vấn đề về hô hấp.
“Khi đưa ra quy định, chúng tôi dựa vào nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và tiêu chuẩn của người Việt Nam về thể lực. Sau khi ban soạn thảo quy định xong thì phải có ý kiến phản biện của Viện Chiến lược Bộ Y tế rồi mới chỉnh sửa cho phù hợp. Cũng nói thêm là chúng ta đừng dùng từ “ngực lép” mà nên dùng từ vòng ngực, thể lực. Trong thể lực có tiêu chí chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Chứ dùng từ “ngực lép” là không đúng” - ông Lâm nhấn mạnh.

Theo Thành Văn
 Pháp luật TPHCM

“Bòn rút” người lao động để chi lương “khủng” cho sếp

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin về mức lương tiền tỷ của nhiều sếp doanh nghiệp công ích tại TPHCM, để có thể chi mức lương tiền tỷ này cho các sếp, các doanh nghiệp này phải “bóp mồm, bóp miệng” những người lao động trực tiếp làm những công việc nguy hiểm, độc hại.
 >>  Giám đốc Công ty nhà nước lương tháng trên dưới 200 triệu đồng

Lương “sếp” gấp 41 lần lương “lính”
Ai cũng tưởng doanh nghiệp công ích lấy phục vụ xã hội là chính, lợi nhuận là thứ yếu nên thu nhập cũng chưa từng được xếp vào diện “soi xét”. Nhưng khi mức lương lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM vừa được công khai thì ai cũng phải giật mình.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu các ban ngành liên quan tập trung phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của các doanh nghiệp công ích này vì nó cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và không phù hợp với tính chất của hoạt động công ích.
Điều đáng giật mình hơn là để có thể chi các khoản lương khủng trên cho sếp, hàng loạt người lao động trực tiếp bị chèn ép, đối xử bất công và chi lương “bèo bọt”.
So với mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố (hơn 7,3 triệu đồng/tháng) thì lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích vừa bị thanh tra (công ty Thoát nước đô thị, công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, công ty Công trình giao thông Sài Gòn, công ty Công viên cây xanh) cao gấp 4 lần (hơn 22,2 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, mức lương cao ngất ngưỡng đó chỉ dành cho những lao động thường xuyên của các doanh nghiệp trên. Còn những lao động thời vụ, những người trực tiếp làm công việc nặng nhọc tại các doanh nghiệp công ích này như chặt cây, thông cống, bảo trì đường dây điện, đào đường… lại được trả mức lương vô cùng khiêm tốn.
“Bòn rút” người lao động để chi lương “khủng” cho sếp
Lương giám đốc Công ty thoát nước đô thị lên đến 2,6 tỷ đồng/năm và cao gấp 41 lần so với những công nhân trực tiếp làm những công việc nặng nhọc này
Cụ thể, tại công ty Thoát nước đô thị, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 chỉ là 5,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 20% lương lao động thường xuyên (25,6 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (111,2 triệu đồng/tháng).
Tại công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 7,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 14% lương lao động thường xuyên (55,3 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (164,6 triệu đồng/tháng).
Tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 4,5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 18% lương lao động thường xuyên (25,7 triệu đồng/tháng), và chỉ bằng 7% lương viên chức quản lý (61,8 triệu đồng/tháng).
Chênh lệch thấp nhất là tại công ty Công viên cây xanh. Tại đây, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 9 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ bằng 58% lương lao động thường xuyên (15,4 triệu đồng/tháng), và bằng 17% lương viên chức quản lý (52,5 triệu đồng/tháng).
Còn so sánh lương của lao động thời vụ với lương của giám đốc các doanh nghiệp công ích này thì chẳng khác nào… lấy kiến so với voi. Đơn cử như tại công ty Thoát nước đô thị, lương của giám đốc lên đến 2,6 tỷ đồng/năm, cao gấp 41 lần mức lương bình quân của lao động thời vụ tại công ty này.
Đối xử bất công đối với những người lao động trực tiếp
Các thủ đoạn “bòn rút” người lao động tại các doanh nghiệp công ích trên được Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể trong thông báo kết luận mà Văn phòng UBND TP ban hành ngày 26/8.
Cụ thể, công ty Thoát nước đô thị bất chấp luật Lao động mà ký hợp đồng lao động thời vụ đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Nếu tính sơ sơ thì chỉ riêng hơn 500 trường hợp sai phạm này, với mức lương chênh lệch đến 20 triệu đồng/người/tháng giữa lao động thường xuyên và lao động thời vụ thì quỹ lương doanh nghiệp cũng “tiết kiệm” được 10 tỷ đồng/tháng để “bù” cho lương, thưởng của các viên chức quản lý.
Tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, 120 người lao động thường xuyên cũng chỉ được công ty này ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới 3 tháng và 94 lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn cũng chỉ được ký hợp đồng có thời hạn.
Từ đó, ông Lê Mạnh Hà yêu cầu 2 công ty trên giao kết lại hợp đồng lao động với tất cả các trường hợp trên đúng theo bộ luật Lao động. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị công ty tước đoạt từ những năm trước đây cho đến nay như bảo hiểm xã hội và các quyền lọi khác; đền bù những thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng yêu cầu 2 công ty trên báo cáo nguyên nhân và quan điểm khi thực hiện đối xử bất công đối với một bộ phận người lao động, những người lao động trực tiếp trong điều kiện khó khăn, độc hại và nguy hiểm.
Ông cũng yêu cầu các công ty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp; không phân biệt đối xử đối với những người lao động trong công ty.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu các doanh nghiệp trên “tập trung phân tích về quan điểm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chi lương cho giám đốc doanh nghiệp công ích cao bất thường và cao hơn nhiều lần lương trung bình toàn công ty, và đặc biệt là hơn rất nhiều lần của lao động thời vụ”.
Đồng thời, ông chỉ đạo công ty Thoát nước đô thị, công ty Công trình giao thông Sài Gòn và công ty Chiếu sáng công cộng kiểm tra nội bộ để tự phát hiện chi tiền lương, thưởng cho các viên chức quản lý sai quy định của những năm trước 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai. Sau khi có kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm từng cá nhân sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật trình UBND TP.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh – Xã hội xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lao động của các công ty trên, đồng thời mở rộng thanh tra tình hình tại những công ty này các năm trước 2011 và thanh tra thêm công ty Công trình cầu phà. Sở này cũng phải phối hợp cùng Sở Nội vụ để đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân sai phạm.
Hồng Tâm - Tùng Nguyên

Xin lên tiếng cho Đỗ Thị Minh Hạnh



Kính thưa toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước cùng Thân hữu quốc tế

Chúng ta vừa được chứng kiến sinh viên Nguyễn Phương Uyên ra khỏi nhà tù nhỏ nhờ sự lên tiếng của chúng ta. Hiện có một nữ tù nhân lương tâm bất khuất hơn nhưng lại bị đày đọa hơn trong nhà tù CS, đó là sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh (bị bắt từ ngày 23-02-2010 và lãnh án tù 7 năm). Từ ngày ở tù cho đến nay, Minh Hạnh, một thành viên Khối 8406, đã liên tục bị chuyển trại, đàn áp, tra tấn, càng lúc càng dữ dội hơn. Bản tường trình dưới đây của bà Trần Thị Ngọc Minh, thân mẫu của Minh Hạnh, gởi cho các cơ quan quốc tế nhân quyền và Đơn đề nghị tiếp đó của ông Đỗ Ty, thân phụ, cho thấy tất cả sự tàn ác, gian dối, vô luân của chế độ và công an Cộng sản, đồng thời cũng trình bày một hình ảnh đau thương nhưng kiêu hùng của một người con gái Việt Nam bất khuất.

Xin Quý Đồng bào vui lòng phổ biến rộng rãi và đồng loạt lên tiếng và vận động quốc tế cho nữ sinh viên tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh. Chúng ta không thể ngồi yên trước việc nhà cầm quyền và công an Cộng sản tiếp tục đọa đày những người con yêu quý của Mẹ Việt Nam.
Khối Tự do Dân chủ 8406


BẢN TƯỜNG TRÌNH

v/v Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt - bị hành hạ - 
bị đánh đập trong tù và những phiên toà bất minh.


Việt Nam, ngày 20 tháng 06 năm 2013

Tôi tên là Trần Thị Ngọc Minh, thường trú tại Di Linh, Lâm Đồng, Việt Nam, là mẹ của tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh năm 1985, hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ tại phân trại 5, trại giam Xuân Lộc - Long Khánh - Đồng Nai - Việt Nam. Vì bênh vực quyền lợi cho người lao động Việt Nam và vì hoạt động góp phần đấu tranh tìm tự do dân chủ và chống sự xâm lược củaTrung Quốc, Hạnh đã bị nhà nước Việt Nam bắt vào ngày 23 tháng 2 năm 2010 và bị xử án 7 năm tù giam cùng hai người bạn của Hạnh là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương với tội danh "phá rối an ninh chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 89 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Tôi xin được trình bày cụ thể về việc bắt giam, đánh đập, hành hạ, khủng bố tinh thần của Hạnh trong tù cùng những phiên toà bất minh như sau :

Từ khi bị bắt, bị xử án và bi giam giữ cho đến nay, con tôi là Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển qua nhiều trại giam, thường bị khủng bố tinh thần và bị hành hạ đánh đập cũng như bị cưỡng bức lao đ̣ộng. 

1) Bị bắt, bị đánh đập và bị tra khảo tại Hà Nội

- Trước hết tôi xin được trình bày là lần hành hạ đánh đập đầu tiên trước đây vào tháng 02 năm 2005, trong dịp đầu năm con tôi đến thăm và làm quen tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Ông Thanh Giang có tặng con tôi hai cuốn sách một là KHÁT VỌNG NGÀN ĐỜI, hai là SUY TƯ VÀ ƯỚC VỌNG. Công an lấy cớ hai cuốn sách này là phản động đã hành hạ đánh đập con tôi tại khách sạn Hoàng Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cùng ngày, bộ công an Hà Nội bắt và biệt giam con tôi một cách trái phép không thông báo cho gia đình biết và đã thẩm vấn con tôi nhiều ngày trong một căn nhà biệt lập của Bộ công an. Khi công an địa phương nơi tôi cư trú tại Di Linh Lâm Đồng đến nhà thu thập thông tin gia đình và bản thân Hạnh tại nhà tôi, thì gia đình tôi nghi ngờ con tôi bị công an bắt giam và tự tìm hiểu thì biết được Hạnh bị giam tại Bộ công an Hà Nội, gia đình tôi đã tìm cách bảo lãnh Hạnh về.

2) Bị bắt và bị đánh đập tại cơ quan công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Vào lúc 09 giờ sáng ngày 23 tháng 02 năm 2010, tôi đưa Hạnh đến cơ quan công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng để làm lại chứng minh nhân dân thì bị công an Di Linh trên dưới 20 người bắt còng hai tay của Hạnh một cách bất hợp pháp, không có bằng chứng phạm tội cũng không có lý do, không có lệnh bắt giam. Họ đánh đập con tôi đổ máu đầy mặt tại chỗ mà không nói rõ lý do trước sự chứng kiến của tôi, những cái tát mạnh đã làm cho Hạnh bị ù một bên tai và không còn nghe rõ... Sau khi bị bắt và đánh đập xong, Hạnh yêu cầu xem lệnh bắt, và đề nghị cho biết lý do bắt thì một lúc sau công an Di Linh đưa ra lệnh bắt vừa mới được Bộ công an fax về. Vào lúc 16 giờ cùng ngày, bộ công an cùng công an Di Linh và chính quyền địa phương còng tay dẫn Hạnh về nhà tôi và nhà chị gái của Hạnh lục soát vẫn không tìm ra một bằng chứng phạm tội nào và vẫn tiếp tục tiếp tục đánh vào ̣đầu của Hạnh tại nhà chị gái Hạnh cư trú tại Bảo Lâm - Lâm Đồng, sau đó đem con tôi giam tại trại giam B34 thuộc Bộ công an thành phố Hồ Chí Minh.

3) Khủng bố tinh thần tại trại giam B34 - Bộ công an

- Ngày 18-04-2010 tôi tìm được đến trại B34,một nữ công an tiếp tôi nhưng không cho tôi gặp mặt con tôi và cho tôi biết Hạnh luôn chống đối, Hạnh đã nhiều ngày nhịn ăn, nằm lì, hỏi gì cũng không nói. Sau đó có ăn cơm nhưng ăn của một nữ tù nhân hình sự giam cùng phòng chứ không chịu ăn cơm của trại giam, cũng không cho bác sĩ khám bệnh. Nữ công an này bảo với tôi: Hạnh không có thiện chí hợp tác với công an nên yêu cầu tôi gửi thư thuyết phục Hạnh khai báo và nhận tội. Vì chưa hiểu hết mặt trái của cộng sản và vì quá thương con, lo cho tính mạng của con, muốn con được sớm ra khỏi tù, tôi đã thực hiện theo yêu cầu của họ (sau này Hạnh bảo với các anh chị của Hạnh là Hạnh vô cùng đau khổ khi đọc lá thư này của tôi). Sau khi nhận thư của tôi, Hạnh chấp nhận trả lời các câu hỏi của công an. Hạnh khai nhận những việc Hạnh làm, Hạnh cho công an biết những việc làm của Hạnh xuất phát từ lòng yêu nước và luôn khẳng định mình vô tội. 

Vào ngày 14-05-2010 tôi mới được gặp con tôi trong vòng 15 phút, và Hạnh xin tôi hiểu cho Hạnh, Hạnh nói rõ quan điểm của Hạnh về tình trạng đất nước và toàn dân Việt Nam đang phải ở trong một nhà tù lớn và Hạnh tuyên bố Hạnh vô tội trước sự giận giữ hằn học của hai cán bộ công an điều tra; công an không cho Hạnh nói tiếp và tuyên bố hết giờ thăm nuôi. Tôi lo sợ trước thái độ của công an, Hạnh sẽ bị hành hạ trong tù. Vài ngày sau chị gái Hạnh mang thuốc bệnh và quần áo, tư trang vào cho Hạnh thì bị công an trại giam B 34 thẩm vấn, khủng bố tinh thần, hăm dọa, buộc phải khai báo việc làm và những tang vật của Hạnh. Công an đã chụp hình chị của Hạnh dùng để hù doạ, gây áp lực khủng bố tinh thần Hạnh, buộc Hạnh phải nhận tội xin khoan hồng và hăm doạ chị của Hạnh không được nói ra bên ngoài cuộc thẩm vấn này. Thương em, sợ ảnh hưởng đến em ở trong tù nên chị của Hạnh đành im lặng.

Từ đây,gia đình tôi được thăm nuôi vào ngày 10 mỗi tháng. Mỗi lần thăm chỉ được 15 phút, chỉ cho phép thăm hỏi sức khoẻ và khuyên bảo Hạnh hợp tác với công an và nhận tội. Nhưng Hạnh vẫn giữ quan điểm trước sau như một của mình.

4) Phiên toà sơ thẩm: bất công, không minh bạch và đánh đập Hạnh tại toà

- Ngày 10-10-2010, theo định kỳ hàng tháng, tôi đến thăm nuôi Hạnh tại trại B34 thì được biết Hạnh đã chuyển đến trại giam công an tỉnhTrà Vinh. Khi chuyển trại, Bộ công an cũng không thông báo cho gia đình tôi biết. Đến ngày 15-10-2010 chúng tôi tự đi tìm con và được biết con tôi cùng hai người bạn bị giam tại trại giam công an tỉnh Trà Vinh và tại đây, trại giam không cho chúng tôi thăm nuôi và cũng không cho gặp mặt. 

Đến ngày 22-10-2010 chúng tôi mới nhận được thư của toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh mời gia đình đến dự phiên toà xử Hùng, Hạnh, Chương vào ngày 26 tháng 10 năm 2010 tại tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh với tội danh "phá rối an ninh nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo điều 89 của Bộ luật Hình sự", tức là nhận được giấy báo trước phiên xử 04 ngày. Quá bất ngờ nên gia đình tôi không kịp xoay sở để có được luật sư bào chữa cho con. Hạnh, Hùng và Chương đều không được mời luật sư.

Ngày 26-10-2010 chúng tôi đến dự phiên toà. Trên đường đến toà án, một rừng công an dày đặc được bố trí khắp các ngả đường cho đến sân và phòng xử án. Khi đến giờ xử, công an lôi kéo Hạnh và Chương vào trước. Hỏi cung xong, công an lôi Hạnh, Chương ra ngoài và lôi kéo Hùng vào phòng xử án một cách thô bạo. Suốt phiên toà, sự lôi kéo thô bạo đối với các bị cáo trên diễn đi diễn lại, lôi ra kéo vào rất nhiều lần. Trong phiên toà, không có luật sư bào chữa và trong khi xử án, lúc toà hỏi cung, các bị cáo lên tiếng luôn bị ngắt lời không cho phép tự biện hộ mà chỉ được phép trả lời "có" hoặc "không" (Sau này khi được tiếp xúc với luật sư, chúng tôi có cho luật sư nghe qua đoạn ghi âm của phiên toà thì được luật sư cho gia đình chúng tôi biết, luật sư đã nghiên cứu hồ sơ và các bản khai của Hạnh, Hùng, Chương. Ban đầu luật sư cho rằng Hạnh, Hùng, Chương là có tội, nhưng sau khi nghiên cứu hồ sơ và tiếp xúc với các bị cáo thì ông nhận định là các bị cáo vô tội. Đồng thời qua đoạn băng ghi âm phiên toà, ông nhận thấy những nghĩa cử cao đẹp và sự hy sinh của các cháu đối với đất nước, đối với dân tộc mà các cháu đã trình bày ở các bản khai thì toà không dựa vào các bản khai đó để đưa ra toà xét xử công khai, khách quan, minh bạch, mà chỉ hỏi các câu hỏi mang tính chất nâng cao quan điểm tạo sự bất lợi cho các bị cáo)

Toà bỏ qua phần kháng nghị của các bị cáo, vội vàng luận tội rồi tuyên án. Phiên toà kết thúc chóng vánh: buổi sáng 3 giờ đồng hồ và buổi chiều hơn 1 giờ đồng hồ với các bản án dành cho Hạnh,Chương mỗi người 7 năm tù, Hùng 9 năm tù.

Mặc dù bị ngắt lời không cho phát biểu, chỉ được nói vài lời ít ỏi, nhưng Hạnh - Hùng - Chương vẫn hiên ngang tuyên bố mình “vô tội” trước toà.

Trong thời gian toà giải lao, ra ngoài Hạnh hát cho Hùng, Chương nghe một bài hát về tình bạn thì bị công an Trà Vinh nắm đầu Hạnh đập mạnh vào thùng xe chở tù nhân khiến Hạnh quá đau đớn nên Hạnh đã hét lên thất thanh. (Tiếng thét được lưu vào băng ghi âm.)

5) Trấn áp tinh thần, cản trở kháng án và cản trở không cho mời luật sư của công an trại giam tỉnh Trà Vinh 

Sau phiên toà sơ thẩm Hạnh, Hùng Chương vẫn bị giam tại trai giam công an tỉnh Trà Vinh. Tại đây, Hạnh bị ngược đãi, hành hạ, trấn áp tinh thần. Công an luôn buộc Hạnh phải nhận tội. Sinh hoạt ăn ở mất vệ sinh, dùng nước bẩn, ngủ không cho giăng màn, muỗi đốt khắp cơ thể mặc dù gia đình cả ba nhà đã gửi tư trang chăn màn vào đầy đủ. 

- Ngày 29-10-2010, ba gia đình chúng tôi được thăm nuôi, mỗi tháng găp mặt một lần và thêm một lần cho cung cấp thực phẩm đồ dùng sau 15 ngày thăm g̣ặp. Khi thăm gặp, lần lượt từng gia đình một vào thăm, mỗi lần thăm 15 phút. Khi gặp mặt, tôi và con tôi đối diện cách xa nhau khoảng 2m. Mỗi lần thăm đều có từ 6 công an trở lên vây quanh giám sát chúng tôi, công an luôn nhìn xoáy vào Hạnh với thái độ trấn áp khủng bố tinh thần và chúng tôi chỉ được phép hỏi thăm sức khoẻ, nếu nhắc đến kháng án hoặc mời luật sư sẽ bị cắt thăm nuôi.

Những lần thăm nuôi sau đó, tôi yêu cầu ban giám thị trại giam tạo điều kiện cho con tôi kháng án và mời luật sư bào chữa, nhưng trại giam Trà Vinh không thực hiện.

Trong tù, Hạnh, Hùng, Chương yêu cầu công an cung cấp giấy bút để làm đơn kháng án nhưng bị công an Trà Vinh trấn áp. Cả ba gia đình chúng tôi buộc công an Trà Vinh thực hiện đúng pháp luật là phải để cho các bị cáo được thực hiện quyền kháng án. Cuối cùng, ngày 05-02-2011 chúng tôi mới được tin đơn kháng án của Hạnh, Hùng và Chương cũng đã được gửi đến toà án nhân dân tối cao tại TPHCM.

- Trong khi đó, vào ngày 31-12-2010 ba gia đình chúng tôi đã ký hợp đồng với luật sư Đặng Thế Luân để bào chữa cho cả Hạnh, Hùng và Chương, mặc dù toà án quy định chỉ có bị cáo mới được yêu cầu luật sư vì đã thành niên.

- Ngày 17-01-2011, luật sư đến trại giam công an tỉnh Trà Vinh xin vào g̣ặp các bị cáo, nhưng công an Trà Vinh cản trở không cho luật sư vào.

- Ngày 18-01-2011 tôi cùng hai gia đình Hùng và Chương làm đơn khiếu nại công an trại giam Trà Vinh vi phạm luật pháp đến: Bộ trưởng bộ công an, Thanh tra bộ công an, Toà án phúc thẩm hình sự TAND tối cao tại TPHCM, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh, Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh, Thanh tra công an tỉnh Trà Vinh, Giám đốc trại giam công an tỉnh Trà Vinh.

- Ngày 19-01-2011, luật sư đến toà án nhân dân tối cao TP HCM để đề nghị cấp giấy phép vào trại giam nhưng bị từ chối và đùn đẩy trách nhiệm về phía công an trại giam Trà Vinh và cũng vào ngày này, luật sư vẫn quyết tâm đến trại giam đề nghị cho tiếp cận các bị cáo. Từ thành phố HCM đến trại giam Trà Vinh xa xôi, luật sư phải ở lại đêm ở Trà Vinh, nhưng vẫn bị trại giam từ chối không cho luật sư vào.

- Ngày 20-01-2011, tôi đến toà án tối cao TPHCM để đề nghị toà cấp giấy phép cho luật sư thì phát hiện toà sẽ xử phúc thẩm Hùng, Hạnh, Chương vào ngày 24-01-2011. Chúng tôi tìm hiểu thông qua nhân viên toà án, có nghĩa là chúng tôi không được thông báo ngày xử phúc thẩm. Tại đây, tôi lập tức khẩn cấp làm đơn yêu cầu hoãn phiên toà.

- Ngày 28-01-2011, chúng tôi nhận được thư trả lời của thanh tra bộ công an là đã chuyển đơn khiếu nại của chúng tôi đến giám thị trại giam Trà Vinh để trả lời cho chúng tôi và thanh tra bộ công an, nhưng trại giam Trà Vinh im lặng với chúng tôi, đồng thời trong tù đe nẹt dọa dẫm, trấn áp, khủng bố tinh thần của Hùng, Hạnh Chương vì gia đình đã làm đơn khiếu nại. 

- Ngày 05-03-2011, luật sư mới được tiếp cận hồ sơ và sau đó được toà án cấp giấy phép vào trại giam Trà vinh.

Luật sư chỉ được tiếp cận các bị cáo 2 lần và cho tôi biết:

+ Hạnh cho luật sư biết: trong khi điều tra tại trại giam B34, công an đã ghi một số lời khai không đúng với lời khai của Hạnh, Hạnh đề nghị sửa lời khai nhưng công an vẫn giữ nguyên một số lời ghi chép khác với lời khai

+ Chương cho luật sư biết: khi lấy lời khai, trong bản ghi chép, cứ sau mỗi lời khai công an để trống một đoạn giấy trắng.

+ Hùng cho luật sư biết: công an trại giam Trà Vinh hù doạ nếu Hùng không nhận tội, công an sẽ đem Hùng nhốt vào nhà thương điên hoặc cho tiêm vào cơ thể của Hùng máu bị nhiễm HIV.

- Ngày 02-03-2011, viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh gửi giấy mời chúng tôi ́đến viện kiểm sát vào ngày 10-03-2011 để giải đáp đơn khiếu nại. Tại đây, họ nói đỡ cho công an Trà Vinh và nhận sai sót nhưng nhấn mạnh yêu cầu chúng tôi khuyên bảo Hùng, Hạnh, Chương nhận tội để được nhà nước khoan hồng. 

6) Phiên toà phúc thẩm: Không công khai, không minh bạch và không cho thân nhân các bị cáo vào dự phiên toà, không nghe luật sư bào chữa.

Thông qua luật sư, chúng tôi biết phiên toà xử sơ thẩm Hạnh, Hùng, Chương sẽ diễn ra vào ngày 18-03-2011 tại toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh. Toà không thông báo cho chúng tôi và cũng không thông báo niêm yết tại TANDTC cũng như không niêm yết thông báo tại toà án tỉnh Trà Vinh.

Buổi sáng, chúng tôi ́đến rất sớm, cũng một rừng công an rải khắp ngả đường cho đến sân và phòng xử án. Khi xe tù đến, Hùng, Chương mỗi người đều có hai công an kèm theo, Hạnh cũng vậy. Nhưng khi Hạnh bị dẫn đi vào giữa hai hàng lính canh gác trước cửa toà thì có một tên lính bước lên một bước rồi quay mũi súng vào Hạnh thì Hạnh ngẩng cao đầu, hất mặt nghinh lên trời, bĩu môi và bước thẳng.

Trong sân toà án, công an chìm nổi dày đặc, súng ống, dùi cui rầm rộ như xử án những tên trùm khủng bố.

Ba gia đình chúng tôi bước vào dự phiên toà thì bị đám đông công an ngăn cản không cho vào. Cả ba gia đình chúng tôi phản đối quyết liệt nhưng vẫn không được vào dự.

Đến giờ xử án một lúc thì luật sư mới được thư ký toà án mời vào.

Trong phòng xử án âm thanh vặn nhỏ, chúng tôi không nghe được gì. Sau phiên toà, luật sư cho chúng tôi biết khi luật sư bào chữa, toà tỏ ra khó chịu vì luật sư khẳng định Hạnh, Hùng, Chương vô tội, toà không muốn nghe và khi kết thúc lời bào chữa, toà nhanh chóng luận tội với tội danh đã định sẵn, giữ nguyên bản án của toà sơ thẩm. Ba người bạn trẻ vẫn khí khái hiên ngang tuyên bố mình vô tội trước toà.

Luật sư là đảng viên cộng sản. Khi tôi yêu cầu luật sư một cách mạnh mẽ để cung cấp tất cả các thông tin về Hùng, Hạnh, Chương thì luật sư cung cấp rất hạn chế do lo sợ nhà cầm quyền Việt Nam gây khó dễ. Tôi phải tự tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin chính xác để tìm cách bảo vệ con tôi cùng Hùng và Chương.

7) Hành hạ, đánh đập tại trại giam công an tỉnh Trà Vinh

Sau phiên toà phúc thẩm, Hùng, Hạnh, Chương vẫn tiếp tục bị giam tại công an tỉnh Trà Vinh.

- Ngày 29-03-2011 ba gia đình chúng tôi đến trại giam thăm nuôi. Khi thăm nuôi công an giữ thái độ hằn học nhưng tinh thần Hạnh rất vững vàng. 

- Ngày 27-04-2011, ba gia đình chúng tôi tiếp tục đi thăm nuôi, thì công an gác cổng thông báo cắt thăm nuôi Hùng, Hạnh, Chương vì cả ba đều bị kỷ luật, công an không cho biết lý do kỷ luật. Sau này tôi được biết lý do kỷ luật như sau : Khi từ toà phúc thẩm trở về, Hạnh đã lên tiếng hát những bài hát do Hạnh sáng tác nói lên sự bất công và sự tàn ác của cộng sản, được sự ủng hộ của đa số phạm nhân biểu hiện qua tiếng gõ nhịp theo tiếng hát của Hạnh, âm vang tiếng nhịp phách đồng loạt thông qua các hệ thống cống rãnh trong trại giam, nên công an Trà Vinh cho nữ tù nhân hình sự vào phòng giam đánh đập Hạnh rất tàn nhẫn. Hạnh hét to “Đả đảo cộng sản! Đã đảo cộng sản!” Hùng và Chương ở các trại giam khác nghe được, đau xót vì bạn bị đánh, cũng đạp cửa phòng giam và cùng la to “Đả đảo cộng sản! Đã đảo cộng sản!” thì lập tức Hùng và Chương bị công an lôi ra đánh đập một cách tàn ác.

Những ngày tháng bị giam ở Trà Vinh, mặc dù ba gia đình chúng tôi cung cấp thực phẩm, thuốc men, quần áo, chăn màn đầy đủ, nhưng công an cho ăn uống gạo hẩm, nước sinh hoạt bẩn, ngủ không chăn màn, luôn bị muỗi đốt. Công an luôn trấn áp, khủng bố tinh thần đe dọa đủ điều và luôn tìm cách buộc Hùng, Hạnh, Chương nhận tội.

8) Hạnh suýt chết tại trại giam Bến Lức, Long An

Ngày 25-04-2011chúng tôi đến trại giam công an Trà Vinh thăm nuôi thì được biết Hạnh bị chuyển đến trại giam công an tỉnh Long An, Hùng và Chương chuyển đến trại giam công an tỉnh Tiền Giang. Từ đó tôi không còn cùng hai gia đình của Hùng và Chương đi thăm nuôi với nhau nữa.

Ngày 26-04-2011 tôi đến tỉnh Long An, tìm qua các trại giam thì gặp được Hạnh tại trại giam Bến Lức Long An. Trong khi chờ đợi công an xin phép giám thị cho tôi gặp Hạnh, có một nữ phạm nhân trung niên mang tội hình sự và làm việc tại căn tin kể cho tôi nghe về Hạnh: 

“Hạnh bị biệt giam tại một căn nhà nhỏ, căn nhà có một ô cửa sổ nhỏ vừa đủ để ló mặt ra ngoài. Hạnh mới chuyển về và không có tiền nên không có khẩu phần ăn, có một viên công an cho Hạnh mượn phiếu lãnh khẩu phần ăn, nhưng Hạnh từ chối và từ cửa sổ, những phạm nhân đi làm về, khi đi ngang qua trao cho Hạnh ăn tạm vài quả xoài mà trong khi đi lao động họ hái được. Thương tình và thấy Hạnh quá bé bỏng, mỗi lần đi ngang qua nơi giam Hạnh, chị ấy cho Hạnh ly cà phê hay chiếc bánh. Mỗi khi thấy chị ấy đi ngang qua, Hạnh đều hồn nhiên tươi cười và gọi “Cô ơi!” nên chi ấy thương Hạnh lắm. Qua nhiều ngày Hạnh cầm hơi với những quả xoài và vài ly cà phê với vài chiếc bánh, công an Trà Vinh mới chuyển tiền đến trại giam Long An (tiền gia đình tôi gửi tại trại giam Trà Vinh cho Hạnh) thì lúc bấy giờ Hạnh mới có khẩu phần ăn. Nhưng những tư trang cá nhân, dụng cụ sinh hoạt của Hạnh chúng tôi sắm sửa cho Hạnh rất nhiều thì công an không cho mang theo, cũng không chuyển đến trại giam Long An.

Sau này Hạnh kể với tôi rằng: Lúc chuyển Hạnh từ trại giam Trà Vinh đến trại giam Long An, trong xe bít bùng nóng nực với trên con đường hàng trăm cây số, Hạnh bị công an Trà Vinh đánh đập liên tục trong khi tay chân đã bị còng và bị bịt miệng. Khi đến trại giam Long An, lúc mới bước vào căn nhà giam, tối qúa không thấy đường Hạnh va phải cái bồn nước, nước xối mạnh làm trôi Hạnh, Hạnh ngộp thở và suýt chết. Sự cố này có phải vô tình hay hữu ý của trại giam? tôi không biết chắc nhưng tính mạng con tôi gặp nguy hiểm. Dù vậy, tại đây Hạnh vẫn giữ khí tiết không cho bất kỳ người công an nào coi thường hay xúc phạm đến Hạnh, không làm bản tường trình cũng quyết không nhận tội.

Tôi được trại giam cho phép thăm gặp Hạnh qua màn kính, Hạnh bảo rất nhớ mẹ, nhớ gia đình, đôi mắt thoáng buồn nhưng vẫn an ủi tôi cứ yên tâm, tinh thần Hạnh rất vững vàng.

Ngày 08-05-2011 tôi lại đến trại giam Long An thăm nuôi nhưng được biết Hạnh đã bị chuyển về trại giam công an Thủ Đức Z30D, thuộc tỉnh Bình Thuận.

9) Cưỡng bức Hạnh lao động tại trại giam Thủ Đức Z30D tỉnh Bình Thuận

Tôi lại tìm đến trại giam Z30D, thuộc tỉnh Bình Thuận. Hạnh chuyển đến trại giam này vào ngày 06-05-2011 và bị giam ở phân trại 1. Mặc dù công an giám sát chặt chẽ nhưng vẫn Hạnh kể với tôi công an bắt Hạnh học nội quy trại giam, Hạnh không chịu học. Công an bắt Hạnh làm bản tường trình, Hạnh không viết tường trình mà viết lên 04 trang giấy mỗi trang một chữ thật lớn : TÔI KHÔNG CÓ TỘI. Tại đây Hạnh không muốn tôi tỏ vẻ tử tế với công an và bảo tôi cảnh giác với công an vì trại giam sẽ dùng tôi để gây áp lực buộc Hạnh nhận tội.Tại đây công an thường xuyên mời Hạnh lên làm việc nhằm khủng bố tinh thần Hạnh, nhưng Hạnh vẫn không khuất phục.

Hơn một tuần lễ sau, Hạnh bị chuyển vào phân trại 6 xa tận rừng sâu. Tại đây, Hạnh bị giam chung với những tù nhân hình sự, những nữ tù nhân bị nhiễm HIV, chỗ ngủ khoảng 60 đến 70 cm, nước sinh hoạt bẩn. Trại giam buộc Hạnh đi lao động, công việc là làm cá xuất khẩu, mỗi ngày khoán cho Hạnh 8 kg cá. Sức Hạnh yếu, đau ốm luôn, Hạnh đem cá trả lại cho công an, không làm việc và bỏ về trại nghỉ. Những ngày bị bệnh, Hạnh mang căn bệnh mãn tính là hạ calci trong máu, cần khám bác sĩ thì chờ gia đình gửi tiền vào, công an mới cho đến trạm xá để khám và chữa bệnh.

Trong trại giam, Hạnh bị phân biệt đối xử, không được hưởng những quyền lợi như những phạm nhân hình sự khác. Một vài nữ tù nhân thường hay gây sự với Hạnh để Hạnh luôn bị kỷ luật, hình thức kỷ luật là không cho gia đình thăm gặp. Có lần Hạnh bị kỷ luật do phạm nhân trong trại gây sự, Hạnh suýt bị đưa ra cột chéo hai tay vào một cái trụ rồi phơi mình giữa trời nắng gắt, người nào thương tình đi qua cho vài giọt nước. Hôm ấy tôi đến thăm nuôi kịp thời và công an trại giam cho tôi gặp Hạnh với thời gian khá lâu, mục đích của trại giam là để tôi thuyết phục Hạnh tuân thủ trại giam và nhận tội. Nhân dịp có nhiều thời gian của ngày hôm đó, Hạnh đã tố cáo tội ác của công an Trà Vinh và việc Hạnh suýt chết ở trại giam Long An, những việc xảy ra ở B34, nói rõ quan điểm và sự quyết tâm đi theo con đường mà Hạnh đã chọn. Hạnh chấp nhận mọi gian khổ, Hạnh thiết tha xin gia đình cho phép Hạnh thực hiện hoài bão của mình, và nếu không may gặp phải rủi ro, Hạnh xin gia đình xem như đó là số phận của Hạnh, xin mẹ tha thứ và thông cảm v.v...

Hạnh bị kỷ luật rất nhiều lần vì không nhận tội, không làm tường trình, không chịu hạ mình trước công an khi bị gọi đi thẩm tra cũng như khi buộc phải lao động hay làm kiểm điểm. Khi họp phạm nhân do giám thị trại giam chủ trì, Hạnh tố cáo sự khắc nghiệt vô lý của của các phạm nhân được giao trách nhiệm quan sát tù nhân trong phòng giam và không chịu ngồi dưới đất, khi công an trại giam ngồi trên ghế v.v...

Phó giám thị trại giam mời tôi đến hợp tác để khuyên Hạnh nên tuân thủ quy định của trại giam và khuyên Hạnh nhận tội. Tôi muốn xin giảm án cho con dựa vào thành tích gia đình cách mạng, nhưng Hạnh quyết liệt từ chối với lý do Hạnh vô tội và cho rằng luật pháp quang minh không thể dùng thành tích công lao của người khác chạy tội cho phạm nhân, Hạnh sẽ không ra khỏi tù khi hai bạn của Hạnh còn trong tù.

Sợ có nhiều điều bất lợi cho con khi con mình đơn độc trong tù, tôi khuyên Hạnh nên chấp hành tất cả những quy định của trại giam, nhưng Hạnh nói rõ quan điểm Hạnh không phải đến đây để lao động và tất cả những hành động của Hạnh tại trại giam đều vì lòng tự trọng và vì Hạnh là con người, Hạnh phải thực hiện đúng quyền làm người. Hạnh xin tôi thấu hiểu và Hạnh đã đe doạ công an là sẽ kiện trại giam khắp nơi vì trại giam bóc lột sức lao động và hành hạ phạm nhân. 

Vì vậy Hạnh bị chuyển về phân trại 5, tại đây trại giam buộc Hạnh phải đi lao động. Tại trại 5, Hạnh làm việc tại vườn bông với một nam tù nhân bị SIDA giai đoạn cuối, Hạnh không tỏ ra sợ hãi và trấn an tôi. Tại đây, Hạnh được gửi thư cho gia đình, bạn bè, người quen, được gọi điện thoại về nhà để xin gửi đồ dùng cá nhân, tiền và thuốc trị bệnh nhưng phải qua kiểm duyệt của công an trại giam. 

Đầu tháng 02 năm 2012, Hạnh bị chuyển đến phân trại 2 sản xuất, trại giam vẫn buộc Hạnh lao động nhưng Hạnh chống đối. Ông Nguyễn Bắc Truyển biết được Hạnh bị cưỡng bức lao động đã thông báo cho tôi và cho biết rõ tù chính trị không phải lao động và ông đã gửi thư nhờ Tổng lãnh sự Hoa Kỳ can thiệp. Sau đó Hạnh được lao động chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và chỉ lao động buổi sáng tại phân trại 2 này.

Ở trại giam Bình Thuận, đồ dùng gửi vào hạn chế không quá 07kg. Nhu yếu phẩm, phạm nhân mua tại trại giam giá đắt gấp 03 lần giá cả bên ngoài trại giam.

Trại giam bóc lột sức lao động và coi thường sinh mệnh của phạm nhân. Phạm nhân làm việc mỗi ngày 8 giờ. Khi đi ngang qua các hiện trường lao động, tôi thấy phạm nhân khi phải làm việc dưới trời mưa vẫn không được mặc áo đi mưa v.v… 

10) Đề nghị giám đốc thẩm không được giải quyết.

Ngày 10-06-2011 ba gia đình chúng tôi làm đơn gởi đến toà án NDTC Hà Nội đề nghị giám đốc thẩm nhưng không được giải quyết vì lý do phạm tội chống lại nhà nước.

11) Cưỡng bức lao động và đánh đập Hạnh tại trại giam Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Tháng 05 năm 2013, Hạnh bị chuyển đến trại giam Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Khi chuyển trại, Hạnh cũng không được mang theo đồ dùng cá nhân tư trang quần áo. Gia đình phải sắm đồ dùng lại toàn bộ. Trại giam buộc Hạnh phải lao động, Hạnh lấy lý do bệnh không lao động. Công an buộc Hạnh làm bản kiểm điểm và ký tên nhận tội rồi mới giải quyết cho nghỉ bệnh, Hạnh không thực hiện, công an dàn cảnh dùng tù nhân hình sự đánh hội đồng Hạnh, trong đó một lần đánh hội đồng Hạnh khi Hạnh đang tắm tại nhà tắm trước sự chứng kiến của công an trại giam. 

Trên đây là bản tường thuật của tôi về việc Hạnh bị bắt giam, bị hành hạ đánh đập trong tù với những phiên toà bất minh. 

Đó chỉ là những điều tôi biết được, khi có thông tin mới tôi sẽ tiếp tục trình bày. Tôi xin được trình bày một cách tường tận, trung thực để các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới xem xét và can thiệp giúp đỡ những tù nhân tôn giáo, tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị Việt Nam, vì dưới hệ thống công an trị của đảng cộng sản Việt Nam vô cùng tàn bạo, man trá khi thẩm cung, hành hạ đánh đập khủng bố tinh thần phạm nhân và bắt bớ, xử án không theo trình tự quy định của pháp luật. Mạng sống, nhân phẩm con ngươi không được tôn trọng và không được bảo vệ. Một chế độ thối nát, mục ruỗng, xấu xa và tàn bạo. 

Người làm tường trình


Trần Thị Ngọc Minh