THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 August 2013

8 ngân hàng niêm yết có nguy cơ mất trắng hơn 14.000 tỷ đồng



(Dân trí) – Tốc độ tăng trưởng tín dụng gây ngạc nhiên của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức thấp. Song, quy mô nợ xấu vẫn tăng và đáng lo ngại là tốc độ nợ có nguy cơ mất vốn tăng mạnh.

Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng.
Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng.

Kết thúc nửa đầu năm 2013, báo cáo tài chính của các ngân hàng gây bất ngờ khi mới chỉ có 3 ngân hàng cho thấy nợ xấu trên 3% và nằm trong diện bắt buộc phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC).

Thậm chí, đã có những câu hỏi thường trực “nóng” trên các mặt báo, lo ngại VAMC được ra đời với nhiều kỳ vọng sẽ giúp xử lý triệt để nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng sẽ rơi vào nguy cơ “thất nghiệp”.

Tuy nhiên, thống kê của Dân trí dựa trên các Báo cáo tài chính của 8 ngân hàng niêm yết cho thấy, điều đáng lo ngại nhất là tốc độ nợ nhóm 5 (tức nợ có khả năng mất vốn) của các ngân hàng tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng bình quân của quy mô nợ xấu. 

Trong khi đó, với tín dụng tăng mạnh thời gian gần đây đã khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được “ép” xuống dưới 3%, có những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm.

Tại bài viết này, Dân trí chủ yếu tập trung vào quy mô nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn của 8 ngân hàng niêm yết so với thời điểm 31/12/2012.

Các ngân hàng niêm yết trong danh sách bao gồm: Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB); Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB); Á Châu (ACB); Công thương (VietinBank – CTG); Quân đội (MBB – MB); Nam Việt (Navibank – NVB); Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngoại thương (Vietcombank – VCB).

Tổng nợ xấu tăng 25,5% sau nửa năm

Theo thống kê, xét về quy mô nợ xấu, CTG là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất với 7.027 tỷ đồng, kế đến là VCB với 6.620 tỷ đồng – đây là 2 trong số 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất cả nước. Do quy mô tín dụng của các ngân hàng này ở mức rất cao nên quy mô nợ xấu lớn là điều dễ hiểu.

Đơn vị: Tỷ đồng - Nguồn: BCTC các TCTD.
Đơn vị: Tỷ đồng - Nguồn: BCTC các TCTD.

Trong số các ngân hàng thương mại thì nợ xấu của SHB đang lo ngại nhất với con số tuyệt đối lên tới 5.289 tỷ đồng (chiếm 9% tổng dư nợ và là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay). Được biết, trong số trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu của SHB, một số khoản nợ của Vinashin đã phải chuyển lên nhóm nợ cao hơn khi phân loại.

So với thời điểm đầu năm, không có ngân hàng nào có quy mô nợ xấu giảm, tức là các ngân hàng đều phát sinh phần nợ chuyển thành nợ xấu trong 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng quy mô nợ xấu nhanh nhất là CTG và MBB với lần lượt 43,7% và 41,7%. 

Do tăng trưởng tín dụng của CTG gần như “đóng băng” nên tỷ lệ nợ xấu của CTG đến cuối tháng 6 ở mức 2,1% cao hơn đáng kể so với 6 tháng trước đó là 1,46%. Còn MBB có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao so với mặt bằng của ngành, đạt 7% nhưng quy mô nợ xấu tăng mạnh nên tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao 2,44%.

Tổng cộng, nợ xấu của 8 ngân hàng niêm yết đến cuối tháng 6/2013 ở mức 28.977,3 tỷ đồng, tăng 25,5% so với đầu năm.

Quy mô nợ xấu của các ngân hàng luôn được đặt trong mối quan hệ với tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng. Khi tốc độ tăng tín dụng mạnh hơn tốc độ tăng nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu giảm và nước lại. Đồng thời, do các ngân hàng phải trích lập dự phòng tín dụng cho các khoản nợ xấu nên tại các ngân hàng có nợ xấu cao thì trích lập dự phòng sẽ “ăn mòn” lợi nhuận. 

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến trong 6 tháng đầu năm, tuy tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng phần lớn được báo thấp nhưng kèm theo đó, lợi nhuận lại rất khiêm tốn.

Nợ có khả năng mất vốn chiếm 48,9% tổng nợ xấu

Như đã đặt vấn đề ở trên, kể cả khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm thì mối nguy nợ xấu của các ngân hàng cũng luôn “báo động” với các khoản nợ có khả năng mất vốn. 

8 ngân hàng niêm yết hiện có tổng cộng 14.163,9 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 50,1% so với cuối năm 2012 - tốc độ tăng nhanh hơn so với tổng quy mô nợ xấu. Nguy hiểm hơn, khoản nợ có khả năng mất vốn này lại chiếm tới gần một nửa (48,9%) tổng nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết!

Đơn vị: Tỷ đồng - Nguồn: BCTC các TCTD.
Đơn vị: Tỷ đồng - Nguồn: BCTC các TCTD.

EIB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 5 trên tổng nợ xấu cao nhất 8 ngân hàng niêm yết với mức 65,15%. Tuy vậy, đây lại là một trong 2 ngân hàng có tỷ lệ giảm so với cuối 2012. Thời điểm 31/12/2012, nợ nhóm 5 chiếm tới 80,3% tổng nợ xấu của EIB.

Những ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 5 chiếm trên 50% tổng nợ xấu còn có SHB (60,2%), NVB (57%), STB(54,76%) và ACB (54%). Những ngân hàng có tỉ lệ này tăng khá mạnh là CTG (49,8% so với 43% hồi đầu năm), VCB (32,9% so với 24,7% hồi đầu năm), riêng MBB giảm từ 46,6% hồi đầu năm còn 38,3% thời điểm 30/6.

Theo quy định, ngân hàng phải trích lập 100% dự phòng cho các khoản nợ được được xếp vào nhóm 5 – có khả năng mất vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, 8 ngân hàng niêm yết đã phải trích lập trên 14.000 tỷ đồng cho các khoản nợ có khả năng mất vốn trên và lợi nhuận của các ngân hàng cũng bị giảm một khoản tương ứng nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho ngân hàng.

Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/4/2012 cho phép các ngân hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ. Nhờ vậy, phần nào giúp kiềm hãm tốc độ tăng tổng nợ xấu cũng như tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội được vay thêm vốn hoặc không phải chịu lãi suất phạt. Tuy nhiên, trong tình trạng nợ có nguy cơ mất vốn tăng mạnh, việc không phải bán nợ cho VAMC, thậm chí là không được bán nợ cho VAMC lại là điều đáng quan ngại cho các ngân hàng.

Bích Diệp