THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 April 2013

Mười câu hỏi ôn hòa đề nghị ông Hoàng Duy Hùng chuyển giúp



Lê G. (Danlambao) - Tôi chưa thấy trong thời kỳ đấu tranh bạo động, ông Hoàng Duy Hùng đã làm được những gì ngoài việc qua lại Việt Nam, cầu khấn vua Hùng thứ sáu và nói chuyện với tình báo Mỹ; và tôi không muốn hỏi ông Hoàng Duy Hùng là từ khi ông chuyển qua đấu tranh ôn hòa thì ông đã làm được những việc gì vì tôi đã từng thấy bao nhiêu người đã nhận được một kết quả duy nhất là sự bẽ bàng không hơn không kém. Những lời tư vấn kinh tế của Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, những “xe còi hụ” của Nguyễn Hữu Liêm, những phân tích dè bỉu xã hội Mỹ của Đỗ Kh., và những thỏa hiệp giống như của ông Hùng hình như chưa hề có tác dụng gì đáng kể trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ, tự do ở Việt Nam. Mà tình hình xã hội của Việt Nam theo đánh giá của những tổ chức uy tín lẫn những trí thức nổi tiếng gần đây có vẻ càng ngày càng trầm kha!

Về phương pháp đấu tranh của ông Hùng, tôi xin không có ý kiến gì ngoài việc trích ý kiến của một người khác mà tôi thấy khá hay: “Hoàng Duy Hùng đi từ sai lầm bạo động sang sai lầm hợp tác với ĐCS. Người khôn ngoan không chọn cả hai con đường này nhưng luôn luôn tranh đấu cho một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, phú cường. Al Hùng phải biết điều sơ đẳng nhất là trong chính trị không phải tự nhiên mà có những thứ này, "freedom is not free". Đối với CS mình phải làm những cái nó sợ đó là diễn biến hoà bình, đừng làm cái nó không sợ: súng đạn, ma giáo, dối trá vì đó là "nghề của chàng"” (Ý kiến của Trần Văn). 

Tôi không hiểu cách ôn hòa của ông Hùng có ý nghĩa cụ thể và trừu tượng nào, cũng không hiểu ôn hòa đối thoại là phải khen ông Cựu Chủ Tịch nước Việt Nam sống giản dị hay không nhưng tôi luôn trung thành với cách đấu tranh bất bạo động kiên trì, kiên quyết và kiên định. Vì thế, tôi, đóng vai là một cử tri thành phố Houston mong ông Nghị Hoàng Duy Hùng giúp tôi thỉnh cầu những việc rất ôn hòa như sau (việc này rất hợp với ông trong tư cách một ông nghị và một luật sư): 

1. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Việt Nam, ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Việt Nam và ông Chánh án Tòa án Tối Cao. 

Thể theo yêu cầu Góp ý bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992, các nhà trí thức tiêu biểu cùng nhiều đồng bào trong và ngoài nước trong đó có nhiều cử tri Houston đã trao cho Quốc Hội Bản góp ý của mình. Ngay sau đó, ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu hàm ý đe dọa: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa... Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!... Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?!... Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.” Nhận thấy đây là việc phỉ báng và đe dọa cá nhân tôi, nên tôi (dĩ nhiên cùng những người khác nếu họ muốn) muốn kiện ông Nguyễn Phú Trọng ra tòa. 

Vậy tôi muốn hỏi các ông là các ông có thể khẳng định là sẽ thụ lý vụ kiện và đưa vụ kiện này ra tòa để tôi và ông Nguyễn Phú Trọng giải quyết mối mâu thuẫn một cách ổn thỏa? 

2. Mong ông chuyển câu hỏi này đến Bộ Trưởng Công An. 

Xin ông cho biết cô Nguyễn Hoàng Vi đã phạm tội hoặc bị nghi ngờ phạm tội gì mà bị các nhân viên dưới quyền của ông khám xét và xâm phạm vào chỗ kín? Mong ông cho biết các công an khám xét chỗ kín của cô Nguyễn Hoàng Vi có hay không vi phạm pháp luật? Câu hỏi này ông có thể điều nghiên kỹ để trả lời một trong ba phương án sau: có, không, tôi không thể trả lời câu hỏi này. 

3. Mong ông chuyển câu hỏi này đến Bộ Trưởng Công An và Bộ Trưởng Bộ Y Tế. 

Cô Phạm Thanh Nghiên bị bệnh nặng cần phải đi đến những trung tâm y tế của thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh để khám và chữa bệnh. Nhưng cô ấy vẫn còn đang trong diện quản chế sau hạn tù. 

Vậy mong các ông bà cho biết, cô Phạm Thanh Nghiên phải làm sao để nhận được sự hỗ trợ y tế cần thiết? Trong trường hợp cần làm đơn xin đi khám bệnh và cô Phạm Thanh Nghiên đã làm đơn rồi mà vẫn không được chính quyền xét cho đi, ông Bộ Trưởng Công An có thể chỉ ra những lý do mà chính quyền không cho phép cô ấy đi khám và chữa bệnh? Cũng trong trường hợp này, nếu cô Nghiên có mệnh hệ gì thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? 

4. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Chánh Án Tòa án Tối cao Việt Nam. 

Các phiên tòa xử Tạ Phong Tần, Anh Ba SG, Điếu Cày, xử 14 thanh niên Công Giáo, xử Đoàn Văn Vươn được tuyên bố là công khai nhưng sao những người dân tới dự bị ngăn cản nhiều vòng và có người còn bị công an áp chế, đánh đập? 

5. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Trong những năm ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ Tướng đã xảy ra nhiều vụ bê bối gây thiệt hại lớn cho đất nước. Cụ thể là vụ phá sản và nợ nần của Vinashin, vụ phá sản và nợ nần của Vinalines, vụ khủng hoảng hệ thống ngân hàng, vụ đầu tư vào Boxit Tây Nguyên đến bây giờ có nguy cơ lỗ nặng… Thiết nghĩ nếu là người tự trọng như Thủ tướng đã từng nói thì ông ấy đã từ chức. Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng không từ chức vì Đảng cộng sản vẫn giao trọng trách Thủ Tướng cho ông ta (theo lời ông ta nói). 

Vậy thưa các ông, theo các ông, Đảng Cộng Sản Việt Nam không có người tài nào khác ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng để lãnh đạo đất nước qua khỏi những khó khăn về kinh tế này? Câu hỏi này các ông có thể điều nghiên kỹ để trả lời một trong ba phương án sau: có, không, tôi không thể trả lời câu hỏi này. 

6. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 

Ông Nguyễn Minh Triết khi phát biểu ở Cuba đã cho cả thế giới biết nhiệm vụ lớn lao của Việt Nam là canh giữ hòa bình cho thế giới. Còn ông Trương Tấn Sang thì yêu cầu ngư dân bám biển trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quấy nhiễu ở Biển Đông. 

Vậy xin hai ông cho biết, chính phủ của các ông đã làm gì để thực hiện một mục đích thiết thực nhưng nhỏ bé hơn “canh giữ hòa bình thế giới” là ổn định công việc và cuộc sống của các ngư dân nước Việt Nam? (Chẳng hạn, vụ tàu bị bắn cháy nóc vừa qua nếu chính quyền không đòi được tiền bồi thường của Trung Quốc thì chính quyền có bỏ tiền ra bồi thường cho ngư dân không? Mong các câu trả lời nên cụ thể như thế vì vụ việc động chạm đến lợi ích sát sườn của người dân) 

7. Mong ông chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. 

Các ông luôn luôn nêu cao tinh thần “hòa hợp hòa giải” với khúc ruột ngàn dặm. Thế nhưng nguyên nhân chính của sự hình thành cái khúc ruột đó là do chính quyền của các ông trong nhiều năm đã đối xử tàn bạo với cán chính quân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây. 

Vậy để sự hòa hợp hòa giải được viên mãn các ông thấy chính quyền Việt Nam bây giờ có cần chính thức xin lỗi vì những hành động của mình trước đồng bào hải ngoại không? Câu hỏi này các ông có thể suy nghĩ kỹ để trả lời một trong ba phương án sau: cần, không cần, tôi không thể trả lời câu hỏi này. 

8. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Việt Nam 

Tại sao biểu tình chống Trung Quốc xâm lược lại gọi là tụ tập đông người? Nếu tụ tập đông người cần giải tán thì tại sao tụ tập để nhậu, tụ tập để chơi, tụ tập để đám cưới, liên hoan... lại không bị giải tán? 

9. Mong ông chuyển câu hỏi này đến ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban nội chính trung ương. 

Theo tôi biết để chống tham nhũng, Đảng cộng sản đã lập lại Ban Nội chính trung ương và cử ông làm trưởng ban. Ông đã có bài phát biểu rất ấn tượng ở Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng là “rà vô ngân hàng và hốt, hốt liền không nói nhiều”. 

Vậy xin ông cho biết, ông đã rà hoặc có kế hoạch rà những đâu? Và hốt hoặc đã lên kế hoạch hốt những ai? 

10. Mong ông chuyển câu hỏi này đến tất cả các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Các ông có dám mở một diễn đàn công khai để thảo luận tất cả vấn đề xã hội với nhân dân Việt Nam không? Diễn đàn công khai này ở đâu cũng được, là gì cũng được (báo mạng, trang web, báo in, truyền hình….), miễn trong đó người dân được đưa ý kiến của mình lên một cách công khai, không bị cắt xén. Lưu ý các ông là chúng tôi sẽ cố gắng bảo ban nhau để có những ý kiến không xâm phạm đời tư, không đả kích cá nhân hoặc vô văn hóa,...

Xin ông Hùng thứ lỗi vì sự nhờ vả đường đột này. Nhưng thưa ông, tôi nhờ ông vì những lý do rất chính đáng sau: 

1. Nếu tôi tự gửi những câu hỏi này đến các ông bà ấy thì cũng như bao nhiêu thư ngỏ hay thư gửi đích danh khác được nhiều người gửi trước đây đều bị các ông quan chức đó lờ đi không trả lời. 

2. Ông là bạn bè với các quan chức đó và đang ôn hòa đối thoại với họ nên tôi tin chắc họ vì nể ông mà trả lời cho tôi. 

3. Vì ông là Tiến sỹ Luật nên rất tiện cho tôi trong trường hợp tôi mong muốn ở ông những góp ý về mặt pháp lý đối với các câu trả lời của các Ngài quan chức đó. 

Rất mong ông thông cảm những khó khăn của tôi và xin nhận ở đây lời biết ơn chân thành. Chúc ông cùng gia đình luôn vui vẻ, thành đạt, giàu sang và hạnh phúc. 


Đảng sợ Thức cầm viết hơn cầm súng



Về chuyến thăm Trần Huỳnh Duy Thức tháng 4/2013: Việt Khang vẫn khỏe mạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng chịu khó học hỏi.

Facebook Trần Huỳnh Duy Thức - Hôm nay (28/04/2013) gia đình đã thăm Thức tại K1, trại giam Xuân Lộc. Điều ấn tượng đầu tiên là Thức đã lên ký và rắn chắc thấy rõ sau một tháng rưỡi không còn biệt giam. Nhìn Thức phong độ và dường như đang lấy lại thể trạng hồi trước khi bị biệt giam khá nhanh.

Thức cho biết là cùng với 5 anh em ở đó tập thể dục rất nhiều, tập cả Yoga. Thức đã có thể tập những động tác khó như trồng cây chuối và cho biết đang cố gắng luyện tập thể hình. Mấy anh em ở đó dạo này ăn nhiều hơn nhờ có lò than riêng nên luôn ăn thức ăn nóng tự nấu, ngày 3 bữa. 

Mỗi lần các gia đình thăm đều có thể gửi thịt cá, rau củ tươi để anh em nấu. Ngoài những thức ăn đó thì có thể đặt mua căn-tin của trại giam những đồ tươi này nhưng không được ngon lắm. Có một tín hiệu cũng tốt đẹp nữa là ở đó họ cho người nhà của các anh em gửi quạt máy vào. Nên bây giờ tất cả 3 phòng đều có quạt, nhờ vậy mà bớt nóng nhiều trong thời gian oi bức hiện nay. 

Nghe nói có một số loại rau đã bắt đầu thu hoạch nên anh em cũng không thiếu rau tươi. Sức khỏe của 5 anh em khác nghe nói cũng rất tốt. Thức khuyên mọi người bỏ thuốc lá nên giờ chỉ còn anh Cường và anh Tuấn hút. Hầu hết mọi người đều lên cân. Trần Hoàng Giang chế tạo ra những dụng cụ đơn giản nhưng hiệu quả để luyện tập. Việt Khang nghe nói lên ký nhiều so với trước khi vào tù nhưng cũng rất rắn chắc, khỏe mạnh và đang siêng học tiếng Anh do Thức hướng dẫn. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng thì rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu về kinh tế học. Mấy anh em giúp đỡ chia sẻ cho nhau mọi thứ, từ vật dụng đến kiến thức. Thức khuyên mọi người đọc nhiều và học hỏi lẫn nhau. Nói chung là theo Thức, mọi người rất vui vẻ và tinh thần lạc quan.

Đặc biệt cả nhà đều nhận thấy một sự thay đổi khác lạ trong thần sắc của Thức. Đó không chỉ là sự tự tin lạc quan thường thấy mà còn là phong thái thư thả của người không phải đang ở tù, mà tựa một người bừng sáng sau giông bão như chính điều mà Thức đã nhắn gửi: “Chỉ cần giữ được ánh lửa thì nó sẽ bừng sáng sau giông bão” (1)
Phong thái đó rõ ràng đến mức mọi người trong nhà không thể không nghĩ rằng một vận hội mới đang đến rất tốt đẹp. Nhìn Thức bây giờ cảm thấy dường như mọi lao khổ, bão táp, phong ba đều không thể bám được vào con người Thức. Tất cả đều trôi tuột đi. Phong thái đó tương phản với hình ảnh của Thức trước khi bị bắt. Dù lúc nào cũng tự tin nhưng lúc đó trong Thức ẩn chứa những nỗi lo lắng, ưu tư. Lúc ấy gia đình không hiểu được nguyên nhân nhưng sau khi Thức bị bắt thì đọc các bài viết của Thức mới biết rằng đó là sự trăn trở cho hiện tình đất nước. Còn bây giờ dù nỗi ưu tư ấy vẫn còn nhưng lại không thấy sự lo lắng đó nữa. Thay vào đó là một thái độ điềm tĩnh đến lạ thường.

Gia đình cũng nói về những khó khăn, bất ổn về kinh tế tác động đến đời sống mọi người. Người dân càng lúc càng khốn cùng. Nếu như những lần trước sẽ thấy một thoáng nỗi buồn trong ánh mắt của Thức rồi sau đó là những lời động viên cả nhà, thì lần này Thức không biểu lộ một cảm xúc âu lo nào mà nói ngay: “Đây là một thời cơ vô cùng quý giá của đất nước. Nó không chỉ đưa đến một sự thay đổi tốt đẹp mà còn là cơ hội để thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực hàng ngàn năm nay của Trung Quốc lên đất nước Việt Nam mà không phải đổ máu. Lúc đó dân tộc Việt Nam mới có thể ngẩng cao đầu.” Thức nói kèm một nụ cười cũng rất lạ.

Thức cho biết những người quản lý trại giam cũng thỉnh thoảng ghé gặp nói chuyện với Thức. Họ nói rằng kinh tế sẽ mau chóng phục hồi vì đảng và nhà nước cũng đã thấy được những sai lầm thiếu sót và đang trong quá trình tự thay đổi. Rồi họ khuyên các anh em ở đó cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe. Thức cho biết họ đã cho nhận một số sách gia đình gửi vào nhưng vẫn còn hạn chế giấy viết nghiêm ngặt. Thức nói đùa rằng người ta sợ Thức cầm viết hơn là cầm súng.

Phương Uyên bị đánh trong tù



Từ trái sang phải: Chị Dương Thị Tân, bà Nguyễn Thị Kim Liên (mẹ Đinh Nguyên Kha), chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ Phương Uyên) - Ảnh: Ký giả Trương Minh Đức

Danlambao/Trương Minh Đức - Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ ruột sinh viên Nguyễn Phương Uyên cho biết con gái mình bị đánh đập trong trại giam của CA Long An, với nhiều thương tích và các vết bầm tím vẫn còn trên người. Trong khi đó, cán bộ trại giam lại nói rằng Phương Uyên chỉ lên cơn co giật vì bị 'động kinh' (!?)

Được biết, buổi thăm nuôi giữa Phương Uyên và mẹ diễn ra sáng hôm 26/04/2013 trong sự bủa vây của công an, hai mẹ con bị ngăn cách bởi một lớp kính, chỉ có thể nói chuyện qua chiếc điện thoại.

Đinh Nguyên Kha
Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Công Nghệ Thực phẩm TP.HCM bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái với cáo buộc "Tuyên truyền chống phá Nhà nước" theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Người cùng bị bắt với Phương Uyên trong vụ án làĐinh Nguyên Kha, 25 tuổi, sinh viên trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Hiện nay, Đinh Nguyên Kha bị áp giải và chuyển lên giam giữ tại trại giam B14, Bộ Công an để tiếp tục bị điều tra tội danh mới mang tên 'khủng bố'. 

Có tin nói rằng phiên tòa xét xử 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra vào ngày 16/05/2013 tại Long An.

Được biết, gia đình Đinh Nguyên Kha liên tục bị công an đe dọa và khủng bố tinh thần trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, việc Nguyễn Phương Uyên bị đánh đập trong tù, dưới sự giám sát của công an đã gây nên nhiều nghi vấn về một âm mưu đe dọa, khủng bố tinh thần đối với 2 sinh viên yêu nước trước khi ra tòa.
Chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ Phương Uyên). Ảnh: Trương Minh Đức
Ký giả Trương Minh Đức, người đã gặp chị Nguyễn Thị Nhung tại Long An ngay sau buổi thăm nuôi sáng hôm 26/04 cho biết: "Chị Nhung  rất đau lòng  khi Phương Uyên kể lại việc bị  các tù  nhân kiếm chuyện, đánh đập một cách dã man, bị đạp vào bụng".

Được biết, Phương Uyên hiện đang bị giam chung cùng hai tù nhân khác trong buồng giam mà thường được gọi là 'buồng ép'.  

"Các buồng này cũng là một biện pháp của công an để  lấy cung chìm, thông qua các tay 'nhảy  sô' làm chỉ điểm. Nghĩa là những người giam chung buồng với Phương Uyên do cán bộ an ninh điều tra cài  vào để lấy tin tức, họ cũng nhận lệnh từ  cán  bộ điều tra làm bất cứ  điều gì để khủng bố tinh thần đối phương.

Ngoài ra, những buồng giam loại này còn cài  đặt  nhiều camera chìm, được bí mật gắn âm tường để theo dõi mọi sự hoạt động của cả hai phía. Vì  vậy, việc Phương Uyên bị đánh  đập  là nằm trong tầm kiểm soát của an ninh  trại  giam".

Ký giả Trương Minh Đức, người cũng từng là một tù nhân lương tâm nêu thêm nghi vấn: "Liệu đây có  phải là  âm mưu khủng bố có đã được tính toán trước khi đưa Phương Uyên ra toà?" 

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên
Trước đó, khi vào làm thủ tục thăm nuôi, cán bộ trại giam tên Đinh Công Trí có nói rằng: Những ngày qua, Phương Uyên thường lên cơn co giật giống bị 'động kinh'. 

Chị Nhung trả lời: Từ trước đến nay, sức khỏe bé Uyên vẫn bình thường, không xảy ra những biểu hiện như vậy, việc này rất lạ.

Người cán bộ này bèn giải thích lòng vòng: Do suy nghĩ nhiều nên dẫn đến động kinh!

Ngay sau đó, cũng chính ông Đinh Công Trí buộc chị Nhung phải ký vào 'bản cam kết' liên quan đến chiếc kính cận có gọng kính làm bằng nhựa mà gia đình đã gửi vào cho Phương Uyên trước đó. Nội dung bản cam kết yêu cầu gia đình phải chịu trách nhiệm nếu chiếc kính cận có thể xảy ra nguy hại đến sức khỏe của Phương Uyên.

Linh cảm có điều bất thường, chị Nhung đã từ chối ký vào bản cam kết này. Sau đó, cán bộ Trí liền lập một biên bản khác về việc chị Nhung không ký cam kết.

Ký giả Trương Minh Đức cũng cho biết thêm: Sau khi gặp Phương Uyên, biết con mình bị đánh đập đến mức sưng bầm cánh tay phải, bị đạp vào bụng... Chị Nhung liền chất vấn cán bộ quản giáo tên Đinh Công Trí thì ông này vẫn một mực giải thích lòng vòng: Do đau đầu dẫn đến co giật. Sau đó, ông này lớn tuyên bố: Tôi không có nhiệm vụ báo với chị việc Phương Uyên bị đánh (!?)

Theo lời Phương Uyên, cán bộ trại giam có nói rằng phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16/5 sắp tới. Tuy nhiên, đến nay gia đình và luật sư vẫn chưa nhận được thông báo chính thức. Phương Uyên cũng không quên dặn mẹ gửi cho cô một bộ quần áo đẹp để chuẩn bị bước ra phiên tòa sắp tới.

Trao đổi với ký giả Trương Minh Đức, chị Nguyễn Thị Nhung kêu gọi các tổ chức, cá nhân lên tiếng, can thiệp và giúp đỡ Phương Uyên trong tình cảnh bị đánh đập hiện nay, cũng như tiếp tục hỗ trợ Phương Uyên trong phiên tòa sắp tới.

CA bí mật chuyển trại giam, Điếu Cày bị đưa đi biệt tích



Danlambao - Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải đã bị CA bí mật chuyển trại giam từ hôm 26/4/2013 mà không thông báo đến gia đình. Bên cạnh đó, thông tin về nhà tù nơi Blogger Điếu Cày bị chuyển đến hiện đang bị giữ kín theo lệnh của Tổng cục 8 – Bộ Công An.

Trao đổi với Danlambao, chị Dương Thị Tân (vợ cũ của Blogger Điếu Cày) cho biết: Sáng nay, 28/4/2013, chị Tân cùng con trai Nguyễn Trí Dũng đến trại giam Xuyên Mộc làm thủ tục thăm nuôi định kỳ. Khi đến nơi thì được cán bộ trại giam thông báo đã ‘trích xuất’ anh Nguyễn Văn Hải đến trại giam khác từ hôm 26/4. Việc chuyển trại giam không hề được thông báo đến gia đình.

Trước đó 1 tuần, ngày 21/04/2013, chị Tân cùng con trai cũng đã bị cán bộ trại giam này ngăn cản không cho thăm gặp Điếu Cày. Lý do được đưa ra là: chưa đủ ngày thăm nuôi. 

Bất bình với lối làm việc mờ ám của công an, chị Dương Thị Tân lập tức chất vấn và yêu cầu cung cấp thông tin về trại giam mới - nơi đang giam giữ Điếu Cày. 

Hai cán bộ trại giam Xuyên Mộc là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hữu và đại úy Phạm Văn Huyên nói rằng anh Nguyễn Văn Hải bị ‘chuyển về trại 6’, nhưng nhất định không nói rõ ‘trại 6’ là trại giam nào và ở đâu. 

Theo lời chị Tân, sau khi bị gặng hỏi, hai cán bộ này trả lời “Đây là lệnh từ cục 8 – Bộ công an yêu cầu không được thông báo cho gia đình”. Đồng thời tỏ thái độ thách thức: “Nếu thấy chúng tôi làm sai thì cứ việc khiếu nại”. 

Theo tìm hiểu, ‘cục 8’ ở đây là Tổng cục Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII). Còn ‘trại 6’ hiện không rõ chính xác nơi nào, nhiều khả năng là trại 6 ở Nghệ An, một trại giam khét tiếng tàn độc thuộc miền núi Thanh Chương, cách Hà Nội 400km. Đây là trại giam đang giam giữ nhiều nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, trong đó có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa từng bị cán bộ nơi đây đòi xích chân ngay trên giường phẫu thuật. 

Như vậy, từ khi bị bắt vào tháng 4 năm 2008, đến nay đã hơn 5 năm, Blogger Điếu Cày đã bị chuyển qua hàng chục trại giam. Trong thời gian giam giữ tại trại Xuyên Mộc, anh đã bị cách ly và biệt giam gần 3 tháng trời, từ hôm 1/2/2013 đến khi bị chuyển đi biệt tích.

Hành vi mờ ám, bất minh của công an đối với Điếu Cày đã dấy lên quan ngại về tình trạng sức khỏe của blogger này trong thời điểm hiện nay. Việc chuyển trại giam một cách bí mật như trên rõ ràng là hành vi trả thù, hành hạ đối với người tù nhân lương tâm nổi tiếng tại Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2011, cơ quan công an đã có nhiều hành vi mờ ám tương tự đối với blogger Điếu Cày. Mãi sau này dư luận mới được biết, sở dĩ có những hành vi trên là vì công an muốn che dấu việc Điếu Cày phải nhập viện cấp cứu khi bị giam giữ tại trại giam B34.